Thứ Năm, 17 tháng 5, 2018

Về Miền Tây - Phần 19

   Tòa Hành Chánh Bạc Liêu                 Bến Tàu Bạc Liêu

Sau khi chiếm Nam Kỳ, người Pháp thấy cần phải ổn định vùng cực Nam vì vùng này quá nhiều rừng rậm sình lầy, là căn cứ địa rất tốt cho nghĩa quân, và vấn đề an ninh không mấy tốt, nhất là sau khi phong trào Thiên Địa Hội bên Tàu phát khởi mạnh mẻ. Họ cho rằng nếu Chợ Lớn là cái đầu của Thiên Địa Hội thì vùng Bạc Liêu chính là cái mình của nó, nên sau khi thành lập tỉnh Sóc Trăng. Sau đó năm 1882, thống đốc Le Myre de Villers chia đều khoảng cách từ Cà Mau về Sóc Trăng, lấy một phần đất của Sóc Trăng và một phần của Rạch Giá thành lập Tiểu khu Bạc Liêu, vì ngay chợ tiểu khu có con rạch tên Bạc Liêu, nên họ lấy tên này mà đặc cho tiểu khu, nơi này cách bờ biển khoảng 10 cây số. Đến ngày 20 tháng 12 năm 1889, Toàn quyền Paul Doumer đổi Tiểu khu thành tỉnh Bạc Liêu. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, địa danh Bạc Liêu, đã có từ thời Tự Đức, là một vùng mênh mông chạy dài từ rạch Bạc Liêu ngược về phía Đông đến tận Sóc Trăng, trực thuộc phủ Ba Xuyên (Sóc Trăng).
Đây là một vùng rừng tràm, đước, vẹt, cóc, mắm, giá, chen lẫn những đầm lầy và những đồng cỏ bao la che kín chân trời, có nơi không có lấy một bóng cây, cỏ mọc cao, rễ bám vào bùn, ngay cả mùa nắng cũng không chết. Mùa mưa hễ nước dâng đến đâu thì cỏ mọc cao đến đó, có nơi cỏ cao đến hai thước. Trong đồng cỏ mênh mông, không thể nào định hướng được, ghe xuồng phải đi theo những “đường láng” (những đường nước nhỏ). Tuy nhiên, trong khi di chuyển phải vừa đi vừa phát cỏ. Vì thế dù sông nước mênh mông, nhưng ghe xuồng đi lại có khi một ngày chỉ đi được một cây số. Sau khi người Pháp đào kinh Quản Lợi đi Bạc Liêu, lấy đất đào đem lên đắp đường, nên trên bộ đã có đường mà con kinh vừa đào là một thủy lộ rất thuận tiện cho việc đi lại từ Bạc Liêu về Cà Mau.

Mãi đến năm 1930 người ta vẫn còn nghe những bài vè Bạc Liêu thuộc Ba Xuyên như sau: “Lục Tỉnh có hạt Ba Xuyên, Bạc Liêu chữ đặt, bình yên dân rày.” Theo Đại Nam Nhất Thống Chí thì mãi đến lúc người Pháp gần đánh chiếm Nam Kỳ Bạc Liêu mới được nâng lên thành huyện Phong Thạnh. Bạc Liêu đọc trại theo tiếng Triều Châu là Pó Lẻo, có nghĩa là xóm nghèo. Vào thế kỷ thứ 15 và 16, một số quân binh nhà Minh không phục nhà Thanh nên họ dong buồm về Nam, đến đâu thấy có thể dừng chân lập nghiệp là họ dừng chân. Một số có gặp các chúa nhà Nguyễn và xin về lập nghiệp ở các vùng Biên Hòa, Mỹ Tho, còn số khác tiếp tục dong buồm về Nam và dừng lại ở các vùng mà bây giờ là Sóc Trăng Bạc Liêu. Họ sống hòa nhập với người Chân Lạp bản xứ và chuyên nghề làm rẫy, chài lưới, đánh cá ven biển.
Về vị trí thì Bạc Liêu nằm về phía Đông Nam Nam Việt, Bắc giáp Sóc Trăng và Rạch Giá (nay là tỉnh Chương Thiện), phía Nam và phía Đông giáp biển Đông, phía Tây giáp Cà Mau và Rạch Giá. Khi Pháp chiếm Nam kỳ, thì Bạc Liêu được thành lập tỉnh vào năm 1882. Có lẽ người Pháp căn cứ theo âm Pó Lẻo mà gọi trại lại thành Bạc Liêu. Tỉnh Bạc Liêu hồi Pháp thành lập gồm có 2 quận là Vĩnh Lợi và Cà Mau, tổng diện tích là 720.000 mẫu Tây, và dân số thời đó có khoảng 25.000 người, nhưng sau đó thì Cà Mau được tách ra riêng và nâng lên làm tỉnh. Nhưng đến năm 1892, theo La Cochinchine thì dân số Bạc Liêu là 179.316 người, đa số là người Việt, kế đó là người Hoa vì lúc ấy những vùng Vĩnh Long, Cần Thơ, và Long Xuyên không còn khẩn đất hoang nữa nên cư dân nghèo của các vùng này đổ dồn về Bạc Liêu, chính vì vậy mà chỉ sau có 10 năm mà dân số Bạc Liêu tăng lên đến 8 lần. Năm 1885, người Pháp cho xây chợ Vĩnh Lợi, và năm 1892 các dãy nhà lụp xụp quanh vùng Vĩnh Lợi được dời đi để xây dựng khu phố của tỉnh lỵ Bạc Liêu ngày nay.

Chợ Bạc Liêu nằm trên địa phận làng Vĩnh Hương. Vùng ngoại ô lấn qua các làng Vĩnh Hinh, An Trạch, và Tân Hưng, năm 1880 nhập lại gọi là làng Vĩnh Lợi. Lúc mới thành lập tỉnh thì nhà lồng chợ Vĩnh Lợi được lợp bằng lá. Năm 1885 thì chợ được cất lại lợp ngói. Năm 1904, vì thấy quận Vĩnh Lợi quá rộng lớn nên chính quyền Pháp định ranh giới lại và lập thêm một quận nữa là quận Vĩnh Châu. Đến năm 1918, thì một phần của Cà Mau lại được cắt ra để thành lập quận Giá Rai cho tỉnh Bạc Liêu. Như vậy đến năm 1918 thì Bạc Liêu đã có 3 quận là Vĩnh Lợi, Vĩnh Châu, và Giá Rai. Mặc dầu Cà Mau là một phần quan trọng của tỉnh Bạc Liêu thời đó, nhưng người Pháp không muốn xây lộ từ Bạc Liêu đi Cà Mau, mà chỉ mở lớn con lộ từ Bạc Liêu đi Sóc Trăng vì thời đó công văn giấy tờ từ Sài Gòn chỉ đưa xuống tới Bạc Liêu là hết, chứ không đi tới Cà Mau. Mãi cho đến khi dân chúng đổ xô về Cà Mau lập nghiệp ngày càng đông, nên Pháp mới quyết định mở lớn con lộ từ Bạc Liêu đi Cà Mau với chủ tâm là kiểm soát dân chúng về mặt sưu thuế và đưa lúa gạo về tỉnh nhanh hơn, và lại lúc mới thành lập con lộ thì hai bên bờ lộ hãy còn là đất hoang nên nhà nước Pháp tha hồ bán đấu giá những khu đất ấy cho cư dân đến khai khẩn.

Kỳ thật nói là nhà nước Pháp làm lộ, chứ họ có tốn kém gì đâu, nguyên liệu đá xanh thì họ bắt dân phu trên Biên Hòa phải cung ứng mỗi hộ gia đình một mét khối, còn nhân công tại chỗ thì họ bắt dân từ vùng Bạc Liêu đến Cà Mau, mỗi người phải đắp 14 mét lộ bề dài, bề cao 5 tấc, cộng với 7 thước khối đất hầm. Riêng dân làng Vĩnh Mỹ mỗi người phải đắp 28 thước bề dài, cao 5 tấc, và 7 thước khối đất hầm. Thường thì trong lúc đắp đường, ngày nào cũng có trên 12.000 dân làm xâu đắp lộ. Trong khi xây dựng con lộ Bạc Liêu-Cà Mau, nhiều người bị bắt đi làm xâu (làm thí công cho nhà nước) đến 2 tháng nên dân chúng nổi lên chống đối, không chịu tiếp tục đi làm xâu, nên về sau này nhà nước Pháp có cho quy chế mỗi người được khẩn 10 mẫu đất công nghiệp, nên sau đó dân tứ xứ, ngay cả cư dân của Rạch Giá cũng chạy về Cà Mau, dù bị đi làm xâu nhưng có thể khẩn đất cho riêng mình.

Về sau này có nhiều người trong nhóm lưu dân thời đó trở nên khá giả. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có rất nhiều người không thực hiện được giấc mơ an cư lạc nghiệp của mình, vì dù đất hoang đã khẩn, nhưng muốn biến những mảnh hoang địa ấy thành những đồng ruộng phì nhiêu không phải là chuyện dễ, vì chưa có hệ thống dẫn thủy nhập điền nên đất vừa khẩn không bao lâu cũng lại biến thành hoang địa trở lại vì nước cầm thủy vẫn là nước mặn, nên đa số vẫn phải đi vào rừng đốn củi lậu thuế để bán từng xuồng nhỏ mà sống qua ngày. Một lúc sau rồi cũng phải bỏ cuộc, chạy về Bạc Liêu làm thuê làm mướn. Bên cạnh cuộc sống cơ cực của người dân, Bạc Liêu là quê hương của một số đại điền chủ khét tiếng Nam Kỳ Lục Tỉnh, mà mãi cho đến ngày hôm nay, một số biệt thự dinh thự của họ vẫn còn sừng sững theo lối kiến trúc Tây Âu, tạo cho Bạc Liêu một phong thái rất đặc biệt. Dù mới thành lập sau các tỉnh khác nhưng đến năm 1927 thì Bạc Liêu trở thành tỉnh sản xuất lúa gạo đứng hàng thứ nhì ở Nam Kỳ, chỉ sau có Rạch Giá mà thôi. 


Những năm đầu thời đệ nhứt Cộng Hòa, chính quyền bãi bỏ tỉnh Bạc Liêu và sáp nhập các quận của tỉnh này vào tỉnh Ba Xuyên, và Bạc Liêu trở thành quận Vĩnh Lợi. Đến năm 1957 thì chính quyền cho tách quận Phước Long thuộc tỉnh Rạch Giá để sáp nhập vào địa phận Bạc Liêu, nhưng Bạc Liêu vẫn còn là một quận thuộc tỉnh Ba Xuyên (Sóc Trăng). Đến thời đệ nhị Cộng Hòa vào năm 1964 thì Bạc Liêu lại trở thành tỉnh với 4 quận Vĩnh Lợi, Vĩnh Châu, Giá Rai, Phước Long, Bắc giáp Sóc Trăng và Chương Thiện, Đông và Nam giáp biển Đông, Tây giáp tỉnh Cà Mau và Rạch Giá.

Hiện tại chính quyền Cộng Sản chia Bạc Liêu ra làm 5 quận: Hồng Dân, Vĩnh Lợi, Đông Hải, Giá Rai, và Phước Long, với tổng diện tích của tỉnh Bạc Liêu là 2.521 cây số vuông và tổng dân số là 768.300 người. Phía Bắc giáp Sóc Trăng và Hậu Giang, Đông giáp biển Đông, Tây giáp Cà Mau và Kiên Giang. Bạc Liêu không có núi đồi nên đất đai không cao hơn mặt nước biển trung bình là bao. Về sông ngòi, Bạc Liêu có hai nhóm sông, một nhóm chảy ra biển Đông và một nhóm chảy ra sông Ba Thắc của Sóc Trăng.
Nhóm chảy ra biển Đông gồm có sông Gành Hào dài khoảng 55 cây số với các phụ lưu rạch Giồng Ké, rạch Quan Lộ, rạch Nhà Thờ, rạch Cái Keo, rạch Gốc. Rạch Bạc Liêu dài khoảng 35 cây số nối liền bởi rạch Cổ Cò. Rạch Cổ Cò dài khoảng 18 cây số chảy từ rạch Bạc Liêu ra tới biển. Hai bên các bờ sông rạch này là những cánh đồng bao la bát ngát. Nhóm chảy ra sông Ba Thắc gồm rất nhiều những rạch nhỏ. Bạc Liêu là một trong những tỉnh lớn trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, nằm gần Cà Mau, mảnh đất tận cùng của đất nước. Đây là vùng đất phù sa và chỉ mới được khai phá vào cuối thế kỷ thứ 17, Bạc Liêu có nhiều cánh đồng lúa bao la, do dòng hải lưu Đông Bắc Tây Nam, phù sa dồn lại tạo thành những giồng đất cát với những vườn cây ăn trái sum suê, như những vườn nhãn chạy dọc theo bờ biển hằng chục cây số mà hương vị đặc biệt của nó không nơi nào có thể sánh được.

Tuy Bạc Liêu có rất nhiều sông rạch nhưng cũng không đủ sức tháo hết phèn ủng đã chất chứa từ bao đời nay nên nước trong các sông rạch này lúc nào cũng đục ngầu màu phù sa. Cũng chính vì thế mà dân Bạc Liêu đã đào thêm rất nhiều kinh lớn nhỏ để tháo phèn như kinh Bạc Liêu dài 66 cây số. Kinh Phụng Hiệp dài 140 cây số nối liền Long Thủy, An Xuyên, Ba Xuyên và Cần Thơ. Kinh Giá Rai nối liền Giá Rai với Chương Thiện dài khoảng 17 cây số. Kinh Hộ Phòng dài 14 cây số. Kinh Ngăn Dừa nối Bạc Liêu với Chương Thiện dài khoảng 28 cây số. Kinh Lộ Bẽ-Gành Hào dài khoảng 18 cây số. Ngoài ra còn có kinh Giồng Me, kinh Bạc Liêu-Bãi Sào, kinh Thạnh Hưng, kinh Trà No nối Vĩnh Châu với Cổ Cò, kinh Vĩnh Châu-Khánh Hòa, kinh Vàm Sắt, vân vân. Bạc Liêu có bờ biển dài khoảng 350 cây số nên về hải sản, Bạc Liêu là một trong những tỉnh phong phú nhất trong Nam Kỳ.
Về giao thông đường bộ, quốc lộ 4 (nay là quốc lộ 1) chạy ngang qua Bạc Liêu, khoảng cách Sài Gòn Bạc Liêu là 280 cây số. Đoạn đường từ Bạc Liêu đi Cà Mau là 69 cây số, Bạc Liêu đi Ba Xuyên là 50 cây số. Tỉnh lộ 38 từ Bạc Liêu đi Lai Hòa 13 cây số, đi Vĩnh Phước 24 cây số, đi Vĩnh Châu dài 30 cây số , đi Lạc Hòa 42 cây số, đi Mỹ Thanh 43 cây số. Hương lộ 6 từ Bạc Liêu đi Hưng Hội-Gia Hòa 14 cây số, đi Giá Rai-Mỹ Điền 20 cây số, đi Giá Rai-Gành Hào 25 cây số. Ngoài ra, Bạc Liêu còn có rất nhiều đường đất hầm chạy dọc theo bờ biển. Dù nằm trong vùng nhiệt đới như toàn thể miền Nam, có hai mùa mưa nắng, nhưng khí hậu Bạc Liêu không oi bức như những nơi khác.
Về mùa nắng, nước sông thường rất mặn nên dân vùng này phải tùy thuộc vào nước giếng, còn về mùa mưa thì mưa rất nhiều nên nước ngọt tràn đồng. Cũng như các vùng khác, đồng bằng Bạc Liêu do phù sa bồi đắp nên rất màu mở. Bạc Liêu hiện giờ không còn rừng hoang như Cà Mau hay U Minh, chỉ có một vài khu rừng tràm hay mắm và giá mọc dọc theo bờ biển Giá Rai và Gành Hào. Bên dưới những đám ô rô, cóc kèn, dừa nước, bần, mắm, giá, đước, vẹt, vân vân là nơi sinh sản của đủ loại thủy sản như cá, tôm, cua, lươn, rùa, rắn, vân vân. Trước khi Gia Long giành lại đất nước, ngoài những lúc thư hùng với quân Tây Sơn, thì cả một vùng miền Nam vẫn còn im lìm trong hoang dã.

Mãi đến đời vua Tự Đức mới có người đến phân lô để khai khẩn đất hoang. Tuy nhiên, từ đó đến thời Pháp thuộc vùng Bạc Liêu nói riêng và cả miền Nam nói chung, vẫn chưa được khai thác đúng mức. Khi Pháp thiết lập nền đô hộ ở miền Nam vào những năm 1870s thì người ta vẫn còn thấy cọp, heo rừng, và từng đàn khỉ trong vùng U Minh Thượng và U Minh Hạ. Có thể nói Bạc Liêu dù không còn thanh u như Cà Mau, nhưng tài nguyên thiên nhiên không thua kém bất cứ vùng nào của đất nước. Tại những vùng Đông Yên, Vĩnh Hòa... cho đến nay vẫn còn một vùng bạt ngàn rừng thấp với những sân chim rộng lớn, nơi quy tụ của hàng triệu con chim đủ loại, vừa hiếm vừa quý như chàng bè, gà đãy, long ô, vân vân. Cứ mỗi chiều, đủ loại chim từ các nơi bay về đậu đầy một góc trời. Lại có những giống chim lạ thiên di về tránh lạnh từ những xứ ở vùng Bắc bán cầu. Ngoài ra, Bạc Liêu còn nổi tiếng với những vườn nhãn dọc theo bờ biển trong vùng Vĩnh Châu. Ngoài trên 350 cây số biển, Bạc Liêu còn có những cánh đồng bao la bạt ngàn, vì thế mà đa số dân Bạc Liêu chỉ sống với hai nghề chính là ruộng rẫy và hạ bạc.

Trước khi Pháp chiếm Nam Kỳ thì hầu như chưa ai nghe nói gì đến địa danh Bạc Liêu. Người Kinh, ngoài những dân nghèo miền Trung đi tìm đất sống thì ít ai dám đi về các vùng Sóc Trăng, Bạc Liêu, và Cà Mau. Thời đó chỉ có người Triều Châu là nhiều, còn ngay cả người Thủy Chân Lạp tại đây cũng rất ít. Chính vì thế mà có câu hát vè: “Bạc Liêu nước chảy lờ đờ, dưới sông cá chốt trên bờ Triều Châu.” Tuy nhiên, đa số người Triều Châu rất cần kiệm nên chẳng bao lâu sau đó họ làm chủ hầu như tất cả những sinh hoạt kinh tế trong tỉnh như những chành lúa, ruộng muối và những vựa cá, mắm và khô trong vùng. Ngày trước Bạc Liêu là một vũng trũng và ngập nước gần như quanh năm, giống như vùng Đồng Tháp Mười.
Dù Bạc Liêu hãy còn rất nhiều đầm lầy, đa phần đất đai của Bạc Liêu đã trở thành đất “thuộc” (nghĩa là đất đã xả gần hết phèn) nên hiện nay Bạc Liêu đứng đầu toàn quốc về tổng số sản xuất và xuất cảng lúa gạo. Về hải sản, thủy sản Bạc Liêu cũng không thua bất cứ tỉnh nào trong vùng. Tổng sản lượng thu hoạch từ cá khô, tôm khô, và các loại hải sản khác như cua, sò huyết, nghêu, vân vân cũng mang lại một nguồn lợi tức rất lớn cho tỉnh. Ngoài ra, Bạc Liêu còn là quê hương của vạn triệu loại chim, cò, bồ nông... Hiện tại Bạc Liêu hãy còn rất nhiều sân chim và vườn cò, nơi trú ẩn của hàng triệu chim muông đủ loại. Tuy nằm cạnh Sóc Trăng, nhưng đa số dân cư tại Bạc Liêu là người Kinh, chỉ có 5 phần trăm là người Khmer, và 3 phần trăm là người Hoa. Người dân Bạc Liêu sống rất hài hòa và hiếu khách, thêm phần đất đai trù phú và thiên nhiên ưu đãi về thủy và hải sản, tạo cho người dân tại đây một phong thái sống phóng khoáng hết sức đặc biệt.
Cho đến bây giờ người dân Bạc Liêu vẫn còn truyền cho nhau nghe những câu chuyện về các công tử Bạc Liêu một thời làm sóng gió, lừng danh trên cả vùng đất phía Nam về phong cách ăn chơi phóng túng. Đây cũng chính là nơi dừng chân cuối cùng của cố nhạc sĩ Cao văn Lầu, người đầu tiên sáng tác bản “Dạ Cổ Hoài Lang”, tiền thân của bài ca vọng cổ sau này. Về thắng cảnh, Bạc Liêu là tỉnh mới được thành lập từ sau thờ i Pháp thuộc nên di tích lâu đờ về văn hóa không có nhiều. Tuy nhiên, ngôi tháp cổ Vĩnh Hưng, được người Pháp khám phá ra vào năm 1911, là một trong những kiến túc cổ của người Chân Lạp còn sót lại từ năm 892 sau Tây lịch (tương ứng với năm 814 của Phạn lịch), tháp mang dáng dấp nghệ thuật kiến trúc thời Angkor của người Khmer còn được bảo tồn ở đồng bằng sông Cửu Long. Tháp còn có tên là tháp Lục Hiền hay tháp Bhah Dhat, nằm trong xã Vĩnh Hưng, quận Vĩnh Lợi, cách Bạc Liêu khoảng 20 cây số. Nếu chúng ta đi từ thị xã Bạc Liêu theo quốc lộ 4 (nay là quốc lộ 1A) hướng về phía Cà Mau khoảng 5 cây số, đến Cầu Sập, rẽ theo lối đi chợ Vĩnh Hưng. Tháp được xây dựng trên một doi đất, chân tháp hình chữ nhật, dài 6,9 mét, rộng 5,6 mét, và cao 8,9 mét, xây bằng gạch ghép kín lại với nhau, chứ không dùng chất keo vữa hay a đước kết dính lại.

Tháp có cấu trúc khá đơn giản, chỉ có một gian hình chữ nhật, tường dày, nóc cao, uốn thành vòm với một cửa chính. Trong tháp có một bàn tay tượng thần bằng đồng, một phần thân dưới của tượng nữ thần, tượng nữ thần bằng đá xanh; tượng nữ thần Brahma mặt bằng đồng, đầu tượng Phật bằng đồng, và một số vật thờ khác. Mỗi ngày nhà sư trong tháp tụng kinh hai lần bằng tiếng Việt vào lúc 4 giờ sáng và 4 giờ chiều. Hằng năm dân chúng địa phương tổ chức giỗ lớn tại tháp vào ngày 15 tháng giêng âm lịch. Đây là dịp cho Phật tử trong tỉnh tựu về cúng bái. Được biết tháp Vĩnh Hưng là một trong 14 di tích lịch sử có niên đại cổ ở Nam Kỳ. Ngoài ra, chùa Quan Đế hay Chùa Ông, được dân cư người Hoa ven rạch Bạc Liêu xây từ năm 1835.


 Công Viên Bạc Liêu         Cầu Quay Bạc Liêu
Đa số người Hoa ở khắp nơi chứ không riêng gì ở Bạc Liêu đều chọn thờ Quan Đế vì họ trọng chữ “Tín” của Ngài. Họ thường đến đây chẳng những để lễ bái, mà cò n để cầu khẩn hay để giao kèo với nhau trong việc buôn bán. Đây là một trong những địa điểm thăm viếng quan trọng ở Bạc Liêu.

Chùa Vĩnh Hòa nằm trong thị xã Bạc Liêu, đã được xây dựng từ lâu đời, năm 1961 Hòa Thượng Trí Đức trùng tu và năm 1963 chùa trở thành trụ sở của Phật Giáo tỉnh Bạc Liêu. Chùa Minh hay Vĩnh Triều Minh Hội Quán, được xây vào năm 1890 bên bờ rạch Bạc Liêu, mang đậm nét kiến trúc cung đình Trung Quốc thời Tiền Minh. Bên trong chùa hãy còn rất nhiều bức hoành và phù điêu điêu khắc, chạm trổ rất công phu.

Bên cạnh những di tích khá cổ nói trên, Bạc Liêu còn những ngôi chùa mới xây sau này như chùa Mới Hòa Bình mà người Khmer gọi là Se Rey Vongsa, được xây năm 1952, cách Bạc Liêu 13 cây số, trên quốc lộ nối Bạc Liêu Cà Mau. 
Ngoài ra, Bạc Liêu là tỉnh duy nhất ở miền Nam hiện còn khá nhiều những dinh thự và biệt thự xây theo kiến trúc Tây Phương vào những năm đầu thế kỷ 20. 
Chỉ có một số dinh thự ở những nơi xa xôi là bị tàn phá, còn đa phần những dinh thự ở tại thị xã Bạc Liêu, khoảng trên 30 ngôi biệt thự nằm dọc theo hai bên bờ rạch Bạc Liêu vẫn còn nguyên vẹn.

Người Long Hồ


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét