Thứ Bảy, 12 tháng 8, 2017

Về Miền Tây - Phần 5


Như đã nói trên, Định Tường nằm cạnh đất Gia Định và là trung tâm của miền Nam, nên ngay khi chiếm Nam kỳ, họ đã nghĩ ngay đến việc mở trường học, đào tạo nhân viên cho thuộc địa. Định Pháp Tường là một trong những nơi có trường trung học đầu tiên ở Nam kỳ. Hiện tại Định Tường có 9 trường trung học công lập kể cả Như trường Nguyễn Đình Chiểu và Lê Ngọc Hân, 9 trường trung học bán công và 11 trường trung học tư thục. Bậc tiểu học có 122 trường công và 21 trường tư. 
Về kinh tế, Định Tường không có rừng núi nên không có lâm sản và khoáng sản. Tuy nhiên, về nông nghiệp, Định Tường có đến trên 160.000 mẫu ruộng và sản xuất hàng năm trên 320.000 tấn lúa. Ngoài ra, Định Tường cũng rất nổi tiếng về cây trái bốn mùa, mùa nào thứ nấy. Rau quả Định Tường dư dùng nên thường mang lên cung cấp cho thành phố như rau cải các loại, khoai, dưa, dừa, mía, thuốc lá, vân vân. 

Trên đường về miền Tây từ quốc lộ 4, khi đi ngang qua các vùng Ngã ba Trung Lương, Cai Lậy, Cái Bè, chúng ta thấy dẫy đầy những trái cây đặc sản của Định Tường như vú sữa, xoài, mận, ổi xá lỵ, cam mật, quít đường, dưa hấu, khóm (thơm). Đặc biệt mận Trung Lương rất là nổi tiếng, gồm đủ thứ mận, mận da người, mận xanh, mận hồng đào, mận trắng, vân vân. Dân Định Tường rất phóng khoáng nhưng thuần hậu, đa số theo đạo Phật, một số theo các đạo Thiên Chúa, Tin Lành, Cao Đài, Hòa Hảo. Nếu có dịp viếng thăm và lưu lại Định Tường, bên cạnh những kiến trúc tân kỳ chúng ta sẽ có dịp thưởng thức sông nước hữu tình. Vườn hoa Lạc Hồng cũng được xem là một thắng cảnh của tỉnh, không biết bây giờ vườn hoa ấy ra sao? Có còn gợi lại cho chúng ta những cảm giác dễ chịu và thoải mái như những ngày tháng cũ nữa không? Có dịp du thuyền trên sông nước, qua cồn Rồng, cồn Phụng thăm những vườn cây xanh tốt quanh năm với đủ thứ cây trái, mùa nào cũng có, nhìn lại dòng sông đã bao năm sát cánh với dân tộc qua những bước thăng trầm của lịch sử. Về di tích lịch sử, tại xã Tân Thuận thuộc quận Chợ Gạo, người ta đã khai quật và tìm thấy các pho tượng cổ Visnu, Ganesa, Nam Thần, cùng nhiều hiện vật bằng vàng, đồng và gốm... 
Các nhà khảo cổ xác nhận đây là những di tích quan trọng thuộc nền văn hóa Óc Eo của vương quốc Phù Nam vào trước thế kỷ thứ 5. Ngoài ra, cách Châu Thành Mỹ Tho chừng 7 cây số, bên bờ sông Tiền Giang, thuộc địa phận bốn xã Kim Sơn, Thới Sơn, Song Thuận và Bình Đức, hàng năm vào ngày 20 tháng giêng âm lịch, dân chúng địa phương vẫn còn tổ chức lễ đua thuyền trên sông Rạch Gầm để tưởng nhớ đến chiến công oanh liệt của vị anh hùng áo vải đất Tây Sơn, người đã tiêu diệt gần trọn đoàn thủy binh và bộ binh của giặc Xiêm và Nguyễn Ánh tại vùng Rạch Gầm, Xoài Múc vào ngày 20 tháng giêng năm 1785, năm Giáp Thìn. Tại Mỹ Tho, chùa Vĩnh Tràng chẳng những nổi tiếng trong tỉnh, mà dân vùng Nam Kỳ hầu như ai ai cũng biết tiếng về ngôi chùa này. Chùa nằm trong xã Mỹ Phong, thuộc thành phố Mỹ Tho, chùa được ông Bùi Công Đạt xây dựng vào đầu thế kỷ thứ 19, đến năm 1849 Hòa Thượng Huệ Đăng từ chùa Giác Lâm ở Gia Định về trụ trì, năm 1907 chùa được trùng tu lại theo lối kiến trúc Á Âu, lộng lẫy nhưng không mất vẻ thanh u của một tự viện. Trong chánh điện có trên 60 tượng Phật cổ bằng gỗ quí, đặc biệt bộ thập bát La Hán được tạc vào năm 1907 là biểu trưng của nghệ thuật vùng đồng bằng sông Cửu Long. 
Ngoài ra, tại xã Thạnh Phú, thuộc Châu Thành Mỹ Tho còn có chùa Sắc Tứ Linh Thứu, chùa được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ 18. Năm 1811, vua Gia Long cho đổi tên thành chùa Long Tuyền, năm 1841 vua Thiệu Trị lại đổi thành Linh Thứu và có sắc tứ của vua ban. Hiện trong chánh điện của chùa vẫn còn 78 cây cột bằng gỗ đen bóng và một cái chuông lớn nặng hàng trăm kí lô. Trong chùa vẫn còn thờ 49 ngọn đèn (hóa thân của Phật Dược Sư). Tại Cái Bè có chùa Hội Thọ, trước đây là chùa Kim Chương ở Gia Định, khi Pháp chiếm Gia Định, Hòa Thượng Minh Giác cùng đệ tử lui về Cái Bè lập chùa mới và đổi tên là Hội Thọ. Trong chùa còn một số tượnt Phật cổ, cũng như bài vị và nhiều pháp khí của chùa Kim Chương. Ngoài ra, sau năm 1975, cù lao Thới Sơn, nằm bên kia thành phố Mỹ Tho, biến thành một điểm du lịch cho dân địa phương. 

Vì được bồi đắp bởi đất phù sa nên cũng giống như cù lao An Thành bên Vĩnh Long, trên cù lao Thới Sơn có rất nhiều vườn cây ăn trái, bốn mùa hoa trái cây luôn say hoằng. Ở Phụng Hiệp (Cần Thơ) có chợ nổi Ngã Bảy nổi tiếng miền Tây, thì ở Mỹ Tho có chợ nổi ở Cái Bè và cù lao Tân Phong, với mực độ ghe thuyền và người đi mua sắm tấp nập không kém. Hàng ngày có khoảng 500 đến 600 ghe thuyền cỡ lớn đầy ấp các loại đặc sản, trái cây, rau quả, đậu dọc hai bên sông, mỗi ghe đều có treo những sản phẩm riêng của mình trên một cây sào thật cao, tại đây họ vừa bán sỉ cho những lái buôn từ các nơi về, mà cũng bán lẽ cho dân địa phương. 
Trên mặt sông lúc nào cũng có hàng trăm thuyền nhỏ bơi qua bơi lại rất sinh động. Đây cũng là một trong những nếp sinh hoạt thật đặc sắc của người dân miền Nam. Dưới đây là một số hình chụp tại tỉnh Mỹ Tho của một số nhiếp ảnh gia người Pháp từ năm 1925 đến năm 1945 sưu tập được từ các Công Báo Hành Chánh Nam Kỳ từ năm 1862 đến năm 1945 (Bulletin Administratif de la Cochinchine 1862-1945). Dầu hình ảnh không được rõ ràng, nhưng người viết bài này vẫn mong rằng đây là những hình ảnh kỷ niệm những sinh hoạt của một thời còn dưới sự cai trị của người Pháp:




Đi về phía Đông Bắc của Mỹ Tho và phía Bắc của tỉnh Bến Tre là tỉnh Goø Coâng, tuy nằm cách Sài Gòn không bao xa, chỉ hơn 50 cây số đường chim bay, nhưng Gò Công là một vùng trũng nước “đồng chua nước mặn”. Gò Công cũng có biển Tân Thành, nhưng nước biển không trongxanh như ở Vũng Tàu hay Nha Trang mà là  một màu đỏ xám đục ngầu. Bãi biển Gò Công không có cát vàng cát trắng như các bãi biển miền trung, mà chỉ là một bãi cát bùn màu nâu đen. Thời Pháp thuộc Gò Công có 5 tổng là Hòa Đồng Hạ, Hòa Đồng Trung, Hòa Đồng Thượng, Hòa Lạc Thượng và Hòa Lạc Hạ. Lúc đó (theo thống kê của La Cochinchine) dân số toàn tỉnh Gò Công là 101.117 người, đa số là người Việt, kế đến là người Hoa, nhưng rất ít người Khmer. 
Đa số người Việt thì làm ruộng rẫy, còn người Hoa thì làm bánh, mua bán tạp hóa, mua bán tơ lụa, vựa lúa gạo, rau quả, vân vân. Dưới thời VNCH, Gò Công có 4 quận: Hòa Lạc, Tân Hòa, Hòa Đồng và Hòa Bình. Bắc giáp Long An, Nam giáp Bến Tre, Tây giáp Định Tường và Đông giáp biển Đông. Gò Công có 8 con sông lớn, biến Gò Công thành một dãy đất phù sa màu mở. Sông Xoài Rạp, nằm về phía Đông Bắc giữa Gò Công và Biên Hòa, đây là cửa sông Đồng Nai. Sông Vàm Cỏ nằm về phía Bắc tỉnh Gò Công và Long An. Sông Cửa Tiểu, một trong 9 cửa của sông Cửu Long, sông này có rất nhiều phụ lưu, bên hữu ngạn thuộc Phú Thạnh Đông có rạch Cạn, rạch Bà Lắm, sông Mã, rạch Nò, rạch Bần Bọng, rạch Quẹo, rạch Ô Kim, rạch Bà Tài và rạch Tán Dù, bên phía Tân Thới có rạch Kinh Nhiếm, rạch Lý Quàn Trên, rạch Lồ Ồ, rạch Vọp, rạch Dứa, bên tả ngạn có rạch Gà, rạch Sáu Thoàn, rạch Vàm Rồng. Sông Cửa Đại có những phụ lưu bên Phú Thạnh Đông  như rạch Bà Từ, rạch Thôn Sâm, rạch Gảnh, rạch Lý Quàn Dưới, rạch Cả Thu, rạch Mương, rạch Bãi Bùn, rạch Kinh Nhiếm. Sông Cửa Trung nằm giữa cù lao Lợi Quan và các cù lao Ba Nở và cù lao Cậu. Sông Vàm Rồng bắt nguồn từ sông Cửa Tiểu chảy qua Vĩnh Hựu, bên tả ngạn có rạch Đông, bên hữu ngạn có rạch Cầu Ngang chảy qua hai xã Bình Phục Nhì và Thành Nhựt. Rạch Gò Công, con rạch lớn nhứt của Gò Công chảy qua tỉnh lỵ, kinh Vĩnh Lợi rồi đổ ra sông Cửa Tiểu, bên hữu ngạn có những rạch Qui Sơn nối liền với rạch Tổng Châu, rạch Già, rạch Bằng, bên tả ngạn có rạch Cần Gié, rạch Gò Dừa. Sông Ta, hữu ngạn chảy vào phía Long An, tả ngạn chảy vào Đồng Sơn với những phụ lưu nhưsông Hươu, rạch  Kiến, rạch Ô-Kính, rạch Đào, rạch Lá và kinh Chợ Gạo. Gò Công có biển dài khoảng 23 cây số, có một bãi cát khá tốt ở khúc Tân Thành. 
Vì phía Đông giáp biển, còn ba phía khác là sông và một hệ thống chằng chịt sông ngòi kinh rạch nên khí hậu Gò Công, dù là khí hậu nhiệt đới, nhưng chỉ nóng từ tháng giêng đến tháng ba tại những vùng đất giồng, còn lại các nơi khác đều mát mẽ dễ chịu. Ngoài hải và thủy sản ra, Gò Công còn trồng lúa, bắp, khoai, mướp, dưa, cải, cà, vân vân. Gò Công không có rừng rậm nhiều nên không có thú rừng mà chỉ có gia súc và gia cầm như trâu, bò, heo, gà, vịt... Nguồn lợi lớn nhất của Gò Công từ xưa đến nay vẫn luôn là lúa gạo, kế đến là thủy sản và hải sản. Về giao thông đường bộ, Gò Công có liên tỉnh lộ nối Gò Công Sài Gòn, dài khoảng 13 cây số. 
Tỉnh lộ 21, nối Gò Công Long An, dài khoảng 6 cây số. Tỉnh lộ 24 nối Gò Công Mỹ Tho, dài khoảng 33 cây số. Hương lộ 1 dài 11 cây số nối Gò Công đến xã Tân Phước. Hương lộ số 2 dài khoảng 8,5 cây số nối liền Tân Phước đến Vàm Láng. Hương lộ số 3 dài khoảng 9,8 cây số nối liền Gò Công Kiểng Phước. Hương lộ 4 dài khoảng 5 cây số chạy từ quận Hòa Lạc đến sông Cửa Tiểu. Hương lộ 5 dài khoảng 4 cây số chạy từ An Hòa đến Bình Ân. Hương lộ 6 dài khoảng 18 cây số chạy từ Gò Công qua Long Hựu đến quận lỵ Hòa Bình. Hương lộ 7 dài khoảng 18 cây số chạy từ Gò Công qua Vàm Giồng đến quận lỵ Hòa Đồng. Hương lộ 8 dài 7 cây số từ Vĩnh Bình đi Long Hựu. Hương lộ 9 dài 7 cây số nối Bình Luông Đông đến Thạnh Trị. Hương lộ 10 dài 4,5 cây số từ Bình Luông Đông đến Phú Thanh Đông. Hương lộ 11 dài 5 cây số chạy từ Bình Tân đến Bình Long. Hương lộ 12 dài khoảng 8,5 cây số chạy từ Hòa Đồng đến Thạnh Nhựt. Hương lộ 13 dài khoảng 17 cây số chạy từ Tân Niên Tây đến Đồng Sơn. Hương lộ 14 dài khoảng 3 cây số chạy từ Thành Công đến tỉnh lộ 24. Hương lộ 15 dài khoảng 19 cây số nối Đồng Sơn với Bình Thạnh Đông. Hương lộ 16 dài khoảng 25 cây số nối Phú Thạnh Đông và Tân Thới. Nói đến Gò Công là phải nói về anh hùng Trương Công Định, sanh năm 1820 tại Bình Sơn, Quảng Ngãi, tuy không phải là người gốc Gò Công, nhưng cuộc đời ông đã gắn liền với đất Gò Công qua cuộc khởi nghĩa chống Pháp ngay từ những ngày đầu thực dân đặt gót giày xâm lược lên đất nước thân yêu. Ông đã làm cho Pháp quân thất điên bát đảo, khiến chúng phải mở mặt trận Gò Công để hành quân càn quét nghĩa binh. Pháp dùng thủy bộ tấn công, vì thế cô và thiếu vũ khí nên Pháp quân đã triệt hạ gần hết thành lũy của nghĩa quân Gò Công. Tuy nhiên, Trương công Định và nghĩa binh cũng không nãn chí, vẫn tiếp tục gây dựng lại cơ sở để chiến đấu và gây cho Pháp nhiều thiệt hại nặng nề. 
Nhưng tháng 8 năm 1864, ông bị tên đội Tấn, một cựu nghĩa binh làm phản vì thù Trương Định đã phạt kỷ luật ông năm xưa, nên hắn dẫn Tây vào bao vây Trương Định. Trong trận phục kích này anh hùng Trương Định bị trúng đạn và đền nợ nước vào năm mới 44 tuổi. Hiện vẫn còn ngôi mộ ông tại khu vực gần chợ Gò Công. Mộ ông được xây bằng đá ong với hồ ô đước, luôn được dân chúng vùng Gò Công tu bổ và chăm sóc kỹ lưỡng. Hiện tại lăng mộ của anh hùng Trương Định lúc nào cũng khói hương nghi ngút, dân chúng khắp nơi, hễ có dịp về Gò Công là người ta tìm đến viếng mộ và lễ bái Ngài. Hiện tại trong xã Phú Tân, thuộc quận Gò Công Đông hãy còn di tích Lũy. Pháo Đài, mặt Đông xoay ra biển, mặt Bắc trông ra cửa Tiểu, có đập đa phòng ngự, mặt Tây có Rạch Đồn và được áng ngữ bởi một vùng sình lầy rộng lớn, còn mặt Nam là một dãy trại được bao bọc bởi đám rừng chà là đầy gai góc. Bờ lũy được xây đắp bằng đá ong rất vững chắc, cao khoảng 8 mét, chân bờ khoảng 5 mét, trên mặt bờ lũy rộng khoảng từ 2 đến 2.5 mét. Bốn phía có cổng và vọng gác rất kiên cố. Trong đồn có kho vũ khí, đan dược, và lầu chỉ huy. Đây là một trong những chứng tích oai hùng của dân tộc Việt Nam tại miền Nam, dù cho giặc Pháp muốn phá hủy, chúng cũng không tài nào tiêu hủy hết những chứng tích này được. Ngoài ra, Gò Công tuy hãy còn quá nhiều những mái tranh nghèo lụp sụp, nhưng chính mảnh đất ấy đã sản sanh ra không biết bao nhiêu là nhân kiệt cho đất nước. Ngoài những anh hùng xả thân vì nước, đất ấy đã hai lần sản sanh ra hai vị hoàng hậu cho Nguyễn Triều. Cách thị xã Gò Công chừng 2.5 cây số hiện còn rất nhiều lăng mộ tổ tiên bên ngoại của vua Tự Đức, gồm có mộ của ông Phạm Đăng Hưng là ông ngoại vua Tự Đức, mộ của ông Phạm Đăng Long là cha của Phạm Đăng Hưng. Lăng được khởi xây từ năm 1826, gồm khu mộ dòng họ Phạm và khu nhà thợ họ Phạm. Toàn khu kiến trúc theo lối cung đình nhà Nguyễn (phỏng theo lối cung đình nhà Thanh). Theo hiệp ước năm 1874, người Pháp làm chủ hoàn toàn cả vùng đất Nam Kỳ, nhưng chừa lại 51 mẫu ruộng để dòng họ Phạm làm chủ, lấy huê lợi trùng tu và cúng tế. Tất cả những người trong thân tộc họ Phạm đều được miễn thuế thân và miễn quân dịch. Như vậy, dưới thời pháp thuộc, vùng Lăng Hoàng Gia đã trở thành một vùng đất độc lập duy nhất còn sót lại của Việt Nam “Hoàng Triều Cương Thổ”. Ngoài ra, Gò Công còn có ngôi chùa cổ như chùa Phật Linh, được xây từ năm 1826, và năm 1851 Hòa Thượng Chơn Hội đứng ra trùng tu và đổi tên lại là Thanh Trước. Hiện tại chùa hãy còn lưu giữ nhiều di vật quý báu như tượng Đức Bổn Sư và chân dung của Tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Ven biển thuộc xã Kiểng Phước, quận Gò Công Đông có ngôi đền thờ cá Ong (cà voi), mỗi năm nhằm ngày 10 tháng 3 âm lịch, người ta tổ chức lễ hội nghinh Ông. 
Rạng sáng ngày 10 tháng 3 âm lịch, các vị sư bắt đầu tụng kinh, sau đó dân làng dâng lễ vật, rồi thuyền nghênh ông được trang hoàng lộng lẫy đi từ rạch Vàm Láng tiến ra sông Xoài Rạp. Trong lễ rước, người ta khởi tấu nhạc lễ, ca xướng, các thuyền đều kết hoa. Sau đó là lễ cúng vong Ông, và đưa Ông về an vị tại đền. Trong ngày hội này, dân chúng khắp nơi trong vùng ai nấy đều tổ chức ăn uống, vui chơi và trình diễn âm nhạc tưng bừng.

 Sau năm 1975, chính quyền Cộng Sản sáp nhập tỉnh Gò Công vào Định Tường để thành lập tỉnh Tiền Giang, Bắc giáp Long An, Tây giáp Đồng Tháp, Đông giáp biển Đông, Nam giáp Bến Tre. Tiền Giang hiện tại có tổng diện tích khoảng 2.367 cây số vuông, gồm thị xã Gò Công và các quận Cái bè, Cai Lậy, Châu Thành (Mỹ Tho), Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông, và Tân Phước. Dân số của hai tỉnh Mỹ Tho và Gò Công nhập lại khoảng 1.649.300 người. Dưới đây là một số hình chụp tại tỉnh Gò Công của một số nhiếp ảnh gia người Pháp từ năm 1925 đến năm 1945 sưu tập được từ các Công Báo Hành Chánh Nam Kỳ từ năm 1862 đến năm 1945 (Bulletin Administratif de la Cochinchine 1862-1945). Dầu hình ảnh không được rõ ràng, nhưng người viết bài này vẫn mong rằng đây là những hình ảnh kỷ niệm những sinh hoạt của một thời còn dưới sự cai trị của người Pháp:




(Trang 18 -25)
  Người Long H


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét