Thứ Năm, 6 tháng 7, 2017

Kiêu Ngạo


"Rượu, sự kiêu ngạo và sự giận dữ” làm hỏng một con người . Tính kiêu ngạo là 1 thói xấu của con người, khiến cho một con người trở nên thất bại cả trong công việc lẫn tình cảm, khiến chính bản thân bị mọi người khinh ghét. Trong Tiếng Việt có 2 từ bắt đầu là KN nhưng lại có ý nghĩa hoàn toàn trái ngược nhau, đó là: khiêm nhường và kiêu ngạo. Người khiêm nhường luôn được yêu mến trong khi kẻ kiêu ngạo thì khó ai mà ưa được.

Tính kiêu ngạo làm chúng ta ghét những người ngang hàng chúng ta vì sợ họ hơn chúng ta; ghét những người kém chúng ta vì sợ họ sẽ bằng chúng ta; và ghét những người trên chúng ta vì họ ở trên chúng ta. Quả đúng như vậy, tính kiêu ngạo thường gắn liền với thói ích kỉ.
Kiêu ngạo là gì? Là một bản tính của con người, đó là suy nghĩ mình luôn là nhất, ai cũng kém so với mình. Chính vì lối suy nghĩ như vậy nên kẻ kiêu ngạo luôn coi trời bằng vung, mình là nhất thiên hạ, ý kiến của mình luôn là đúng, bất cứ ai nói gì cũng không nghe. Biểu hiện của kiêu ngạo:
- Khoe khoang thành tích của bản thân, thấy hơn được mấy người là nghĩ mình tài giỏi hơn tất cả mọi người. 
- Hay khăng khăng giữ ý kiến của mình, không chịu thỏa hiệp với người khác
- Hay vênh mặt, dạy đời người khác.
- Ham hư vinh, ưa nịnh nọt, ưa người hay tâng bốc, nịnh nọt mình
- Nhìn ai cũng thấy đó là kẻ ngu dốt, ít nhất cũng thấy người ta không bằng mình.
- Ít bạn bè (vì không ai chịu nổi một kẻ kiêu ngạo và tự mãn cả)

Tướng cầm quân ra trận mà kiêu ngạo tất sẽ bại vong. Những kẻ chức trọng quyền cao, những người có vàng đầy két, bạc đầy rương, ngân phiếu có hàng tỉ mà kiêu ngạo cũng sẽ bị đồng loại coi thường. Học sinh mà kiêu ngạo thì bị thầy chê, bạn bè xa lánh, học hành sa sút dần, thi cử sẽ bị hỏng! Đúng ! kiêu ngạo làm hỏng con người. Kẻ kiêu ngạo sẽ bị thiên hạ coi khinh. - và Chính thói kiêu ngạo khiến cho ta mất đi những cơ hội và những người bạn mà có thể sau này ta sẽ thấy hối tiếc về điều đó.
Tề Thiên Đại Thánh – Tôn Ngộ Không – đã từng là kẻ kiêu ngạo, không coi ai ra gì, tự tôn mình là Tề Thiên Đại Thánh, náo loạn thiên cung, khiêu chiến với Phật, chính vì vậy Tôn Ngộ Không đã thất bại trong tay Phật, bị giam giữ mấy trăm năm dưới tảng đá.
Con ếch trong truyện : “Ếch ngồi đáy giếng” – tự cho tiếng kêu của nó là to , vang nhất… kết cục là bị bẹp nát.

Cần phân biệt kiêu ngạo với kiêu hãnh: đây là 2 thuật ngữ gần giống nhau, ranh giới giữa chúng rất mong manh nhưng kiêu hãnh mang sắc thái tích cực , đó là sự tự hào về thành quả của mình làm ra – khác với sắc thái tiêu cực của kiêu ngạo.
Theo Phật giáo thì tính kiêu ngạo là một trong mười căn bản phiền não mà theo Phật ngữ gọi là Mạn. Mạn cũng là gốc rễ sinh ra những tùy phiền não khác như phẫn, hận, phú, não, tật, xan, cuống, Với một người được cho là kiêu ngạo hay mạn được thể hiện qua 5 dấu hiệu sau:
Luôn cho rằng mình đúng: Dấu hiệu đầu tiên và cũng dễ thấy nhất ở một người kiêu ngạo đó là trong bất cứ trường hợp nào cũng cho rằng quyết định hay lời nói của mình luôn đúng. Đây là một trong những điều kiêng kị trong đạo đức con người, tức là luôn tự tin thái quá vào bản thân một cách mù quáng phiến diện, không chịu chấp nhận lẽ phải, gạt phăng những ý kiến hay lời khuyên răn của những người xung quanh. Hơn thế nữa, những người kiêu căng thường hay tự “thổi phồng” bản thân, khó nhận thấy được khuyết điểm của mình và luôn đòi hỏi người khác phải nghe theo lời họ. Theo như Phật giáo thì cũng có đề cập đến dạng kiêu căng này, được gọi là “Mạn quá mạn”. Ở dạng người kiêu căng này khá nguy hiểm, bởi vì dù có người thật sự hơn mình nhưng vì chấp ngã tự cao tự đại, tự ái nặng nề nên họ không bao giờ chịu tiếp thu ý kiến người khác. Đây cũng là một biểu hiện ích kỷ của con người và cần tránh xa.

Coi mình là trung tâm của vũ trụ: Biểu hiện thứ hai của những người kiêu ngạo đó là tự coi bản thân mình là trọng tâm của vũ trụ. Đây là cách nói ám chỉ những người nghĩ bản thân họ có quyền hạn đặc biệt. Trong họ luôn nghĩ mình hiển nhiên phải nhận được sự quan tâm của mọi người. Những người như thế này, khi làm đạt được một thành công nhất định nào đó, thường hay tự cho bản thân là có công lao to lớn mà người đời còn gọi là chứng bệnh “công thần”. Một ví dụ điển hình của người này là ở giữa đám đông họ luôn đóng vai một người lãnh đạo tất cả, bắt mọi người “phục tùng” mệnh lệnh, bắt buộc tổ chức đó phải nghe theo ý kiến của bản thân như một điều hiển nhiên dù cho mọi người muốn hay không. Có thể nói người ngạo mạn không bao giờ đặt bản thân vào vị trí của người khác để thông cảm hay chia sẻ những khó khăn với cộng đồng, xã hội. Họ cũng không đủ khiêm nhường để chấp nhận thành quả của người khác hơn hay bằng mình. Dần dần, những người kiêu ngạo này sẽ trở thành những người tự tư tự lợi, cá nhân, ích kỷ và luôn ghen tị. Bởi do thái độ kiêu ngạo đó, họ bị mọi người xa lánh, ghét bỏ. Đó là hậu quả của lòng cống cao ngã mạn quá coi trọng bản ngã mà ra!

Luôn xem thường những người khác: Thêm một dấu hiệu nữa của sự kiêu ngạo là ngoài bản thân mình họ sẽ coi thường tất cả mọi người xung quanh vì nghĩ mình giỏi hơn người. Họ thường có thái độ khinh thường người khác với tâm lý cố chấp, bảo thủ và độc đoán. Trong Phật giáo cũng có nhắc tới “Ngã mạn” và “Tà mạn”. Ngã mạn là ý nói một người ỷ mình giỏi mà lấn lướt người khác, tự cho mình hơn người nên xem thường người khác một cách lộ liễu. Đức Phật có dạy một người càng tài giỏi càng nên khiêm tốn và nên lấy sự tài giỏi đó làm đẹp cho xã hội. Nhưng người ngạo mạn lại thích chứng tỏ cho mọi người thấy sự tài giỏi của mình bằng cách hạ thấp, khinh miệt những người xung quanh để tô điểm cho sự “xuất chúng” của bản thân. Nếu như “Ngã mạn” nói về người có tài thật sự nhưng kiêu ngạo, thì “Tà mạn” ý chỉ một người có chút giỏi giang mà khinh khi người. Tức là một người không thực sự giỏi, nhưng lại luôn cho mình là tài giỏi. Nếu một người là “Ngãn Mạn” khi làm việc nào đó được thành công thì họ lên mặt hống hách, tự thấy mình là người tài ba, lỗi lạc bậc nhất, thì “Tà mạn” là người rất dễ để suy nghĩ chủ quan của mình dẫn đến đến một quyết định sai lầm.

Vô lễ với người trên: Trong con mắt của nhà Thần học Aurelius Augustine đã cho rằng“những người kiêu ngạo chỉ cần là người luôn cho mình là trọng tâm, tự thị thậm cao và biểu hiện khiến mọi người phải chê cười là ngu muội vô tri và cuồng vong vô lễ”. Như đã nói ở trên, người kiêu căng luôn cho mình là đúng, luôn đề cao bản thân và hạ thấp mọi người xung quanh mình, thì dù có là người lớn tuổi hay vai vế lớn hơn cũng không ngoại lệ. Điều này dễ dẫn tới việc bỏ qua lời răn dạy của người trên bởi vì điạ vị thấp hơn, hay không thành công bằng bản thân mình, dẫn đến cư xử không đúng mực và tạo nên hình ảnh xấu xí đối với những người xung quanh.

Không biết lắng nghe: chỉ nói về mình: Biểu hiện cuối cùng của những người kiêu ngạo là họ thích nói về những thành tích họ đạt được hơn là lắng nghe mọi người xung quanh. Họ sẽ không để tâm đến cảm xúc hay hoàn cảnh của người khác. Khi ra ngoài xã hội thường đánh giá mình quá cao, hợm hĩnh, kênh kiệu, hạch sách vô lý khiến cho mọi người có cảm giác đây là một người tự cao tự đại, rất khó chịu. Đức Phật có dạy “Hạnh lắng nghe là một phương pháp thực tập quan trọng, có khả năng trị liệu và chuyển hóa. Nếu một người biết lắng nghe thì người ấy có thể hiểu và mang lại hạnh phúc cho chính mình cùng mọi người còn ngược lại chỉ khiến bạn bè và xã hội xa lánh”.

Cần loại bỏ thói kiêu ngạo, như người xưa đã từng nói: "Ai tự cho mình có công trạng mà tự kiêu, tự đại là không đúng. Lòng của người chân chính là phải rộng rãi như sông như bể, có như thế thì mới tiến bộ”; “Nếu có một chút công trạng gì mà tự cao, tự đại, coi người ta không ra gì, thế là sai, thế là cái ruột nhỏ, ví như cái cốc, một gáo nước đổ vào thì tràn hết”. Giữ thói kiêu ngạo trong mình cũng giống như giữ căn bệnh mãn tính khó chữa trong người, để càng lâu càng nguy hại cho bản thân, hủy hoại con người. Càng chữa sớm được bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. “Khiêm tốn bao nhiêu cũng chưa đủ - Tự kiêu một chút cũng là thừa”, hãy nên rèn luyện cho mình tính khiêm nhường cho dù không dễ dàng. 

Vì thế hãy loại bỏ kiêu ngạo ra khỏi tâm hồn, nơi chỉ có sự khiêm nhường chia sẻ và tình thương tồn tại. Nên lắng nghe, đón nhận, tôn trọng lẫn nhau qua từng hành động và lời nói, cùng nhau tạo nên một thế tươi đẹp giữa con người với nhau.

TNS-Lệnh Hồ Công Tử (Tổng hợp)
Montreal, Canada 05-07-2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét