Thứ Năm, 12 tháng 1, 2017

Viết Cho Người Trở Về Từ Cát Bụi


Khoảng năm 70 – 71, tôi chơi thân với Sáu Em, Bảy Em, Tám Bạn là anh em ruột với nhau. Nhà của ba người bạn này có khu vườn rộng nằm ngoài rìa của phi đạo, ăn thông với ”xóm Lương Sơn Bạc” là một khu nghĩa địa hoang vắng, có nhiều lung bàu, cây cối rậm rạp như đám rừng, nơi lục lâm, thảo khấu hay vô gia cư thường hội tụ. Lúc ấy, thân phận của tôi rất bấp bênh, phải trốn chui trốn nhũi cảnh sát để khỏi bị bắt quân dịch nên thường xuyên hiện diện ở đó. Gia đình của ba người bạn này đã cưu mang tôi trong những ngày tháng ấy! 

Một hôm, khi đang nằm tòn teng trên võng ngoài vườn, có một cậu thiếu niên ốm nhom ốm nhách đến tìm gặp tôi với thái độ rụt rè, tay cầm một xấp giấy, bảo với tôi rằng cậu ta có năng khiếu vẽ, có ý nhờ tôi “xem” dùm các “tác phẩm” của cậu! Tôi lớn hơn cậu ta mấy tuổi, có dịp tiếp cận với mỹ thuật sớm hơn, nên thỉnh thoảng góp ý cho cậu. Thế là chúng tôi quen nhau! Cậu thiếu niên này chính là họa sĩ Nguyễn Thế Đệ sau này!

Lúc ấy, hai mẹ con Thế Đệ vừa từ Kampuchea hồi hương sau vụ “cáp duồn”, Thế Đệ cũng vừa vào học ở trường Thủ Khoa Huân, ông Lê Minh Thuận làm Hiệu trưởng và ông Nguyễn Hữu Chánh làm Giám học. Ngày trước, trường Thủ Khoa Huân là trường Nam Trung học, được tách ra từ trường Tống Phước Hiệp năm 1969, để trường Tống Phước Hiệp sẽ trở thành trường Nữ (giống như các trường Nguyễn Đình Chiểu và Lê Ngọc Hân ở Định Tường, hay như Phan Thanh Giản và Đoàn Thị Điểm ở Phong Dinh). Khi trường Thủ Khoa Huân phát động phong trào học sinh của trường vẽ chân dung cụ Thủ Khoa Huân để treo nơi phòng Khánh tiết, có hai học sinh của trường là Quách Xuân Vinh và Nguyễn Thế Đệ cùng vẽ, và bức vẽ của Thế Đệ đã được chọn! Lúc đó, học sinh cả trường Thủ Khoa Huân xôn xao, và cái tên Thế Đệ nổi tiếng như cồn trong trường từ đó!

Bấy giờ, ở Vĩnh Long có một thành viên của bút nhóm Khai Phá là họa sĩ Lê Triều Điển, chủ quán café Đỡ Buồn trong cầu Công Xi. Anh Điển là người rất tốt, đã chỉ dẫn rất nhiều cho tôi trong hội họa. Rồi theo đà quen biết đó, tôi đã giới thiệu Thế Đệ cho anh Điển…

Sau ngày 30-4-1975, chính anh Điển đã đưa tôi và Thế Đệ vào làm ở Tổ Hội họa trực thuộc Phòng Văn hóa-Thông tin Thị xã Vĩnh Long. Tổ Hội họa lúc mới thành lập, anh Điển làm Trưởng tổ, các tổ viên gồm: chú Trọng Đông, hai Hồng, Triều Văn Ngọc, Bảy Ngô, tôi, Đặng Can, Thế Đệ, Bửu Lộc, Bửu Tràng, Thanh Thanh…. Sau đó, tiếp nhận thêm Văn Tấn, Lâm Quý, Liêm… Thời kỳ này, Thế Đệ làm việc rất tích cực, năng nổ, hoạt động nhanh nhẹn, được mọi người đặt biệt danh là “Pa-ven” (nhân vật trong tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy”). Đặc biệt, Thế Đệ là người sở hữu chiếc xe đạp nhôm láng coóng -thời đó là rất xịn-. Và Thế Đệ là người đầu tiên trong Tổ Hội họa được kết nạp vào Đảng. Sau đó, họa sĩ Thế Đệ được kết nạp Hội viên Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long và là Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam; đồng thời, được Nhà nước tặng thưởng Huy chương “Vì Sự nghiệp Văn học-Nghệ thuật Việt Nam” và Kỷ niệm chương “Vì Sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam”.

Thời gian thắm thoát trôi qua, mới đó mà đã hơn bốn mươi năm! Trong quãng thời gian đó, có rất nhiều thứ đã trở thành vật đổi, sao dời. Tôi vẫn còn trụ lại ở Phòng Văn hóa-Thông tin cho đến ngày về hưu, còn Thế Đệ ra ngoài làm ăn từ lâu! Thỉnh thoảng, chúng tôi gặp nhau ở quán café của Hội hoặc trong các buổi họp ở Hội Văn nghệ. 

Năm 2014, chúng tôi có chuyến đi du lịch chung qua Tà Lơn và Phnom-Pênh. Lúc xe dừng lại cho khách giải lao ở chân núi Sam lúc giữa đêm, mọi người trên xe đã hết sức thú vị khi đoàn xe tình cờ ngừng ngay chỗ Khu Vườn tượng của các Điêu khắc gia quốc tế sáng tác trong kỳ hội trại Điêu khắc Quốc tế tổ chức tại An Giang năm 2003, trong đó, có một bức tượng của họa sĩ Thế Đệ!

Gần đây, sức khỏe của Thế Đệ sa sút rất nhiều. Đệ mắc bệnh Parkinson và trở thành người nói nhiều! Thế Đệ cũng ít khi xuất hiện ở quán café Hội Văn nghệ…


Sáng ngày 7/12/2016, Thế Đệ đã ra đi! 

Sự ra đi của Thế Đệ, phải chăng đó là cuộc lữ hành để đi tìm chân lý giải thoát, để phân biệt rõ ràng ranh giới giữa yêu, ghét, tham đắm và ràng buộc? 

Ta nằm trong ván trông ra
Tủi thân vì thấy người hoa vẫn cười
Ta toan giận dỗi xa đời
Ngờ đâu khăn liệm bên người vẫn thơm
Nát thân không nát nỗi buồn 
Len trong cái chết vẫn còn nỗi đau.
(thơ Mai Thảo)

Không đâu, có lẽ Thế Đệ hiểu rõ rằng chết không phải là sự chấm dứt của kiếp sống mà chỉ là một bước, đi từ giai đoạn này qua giai đoạn sống khác mà thôi, bởi vì mọi tạo vật đều có muôn vạn kiếp luân hồi!

Xuôi đôi tay buông bỏ cuộc đời
Xin làm dòng suối khởi nguồn trôi
Lặng lẽ đi về miền tĩnh lặng
Qua bờ miên viễn một mình thôi…
(thơ Tín Đức)

Tín Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét