Thứ Tư, 25 tháng 1, 2017

Huyền Kiêu Với Tương Biệt Dạ


Thuở tiền chiến tên tuổi thi sĩ Huyền Kiêu nổi tiếng với hai bài thơ Tình Sầu và Tương Biệt Dạ.
Với Tình Sầu thì:
Xuân hồng có chàng đến hỏi
Em thơ, chị đẹp em đâu?
Chị tôi hoa thắm cài đầu
Đi ngắt hoa vàng bên suối
Bây giờ là ban đêm, mời các bạn cùng đọc bài thơ
Tương Biệt Dạ, với bút pháp tài hoa của thi sĩ, tả tình mà như tả cảnh, và tả cảnh mà như tả tình… 

Hiu hắt trăng khuya lạnh bốn bề
Ý sầu lên vút tới sao Khuê
Quý thay giây phút gần tương biệt
Lưư luyến người đi với kẻ về 

Ngồi suốt đêm trường không nói năng
Ngậm ngùi chén rượu ánh vừng trăng
Người xưa lưu luyến ra sao nhỉ
Có giống như mình lưu luyến chăng? 

Đã tắt lò hương lạnh phím đàn
Thư phòng sắp sẵn để cô đơn
Trời cao mây nhạt ngàn sao rụng
Một giải sương theo vạn dặm buồn 

Sớm biệt ly nhau không nhớ nhau
Nửa đêm chợt tỉnh bỗng dưng sầu
Trăng mùa xuân đó ai tâm sự
Anh đã xa rồi, anh biết đâu! 

Tương Biệt Dạ là nỗi niềm tâm sự của đôi bạn tri âm tri kỷ Khái Hưng và Nhất Linh trong giây phút chia tay. Không gian và thời gian chia tay là một khung cảnh trời đêm gần sáng, lạnh ngắt bốn bề. Chỉ có ánh trăng hiu hắt, chỉ có nỗi buồn dâng cao, dâng cao vút tới sao Khuê.
“Thư phòng sắp sẵn để cô đơn” là nơi hai người bạn gặp nhau lần cuối. Đó là một căn gác nhỏ ở số 80 phố Quan Thánh, Hà Nội.
Qua tài liệu văn học sử, thì Nhất Linh lúc ấy hoạt động cách mạng. Khi người Pháp biết rõ ông thành lập Đảng Đại Việt Dân Chính, qui tụ được nhiều người trong giới trí thức chống lại Pháp, thì họ đã giăng bẫy bắt ông. Nhưng ông đã biết và vượt thoát lưới giăng kpị thời, vượt sông Lô sang Vân Nam lánh nạn trước khi nhà cầm quyền bảo hộ ra tay.
Do đó mới có đêm giã biệt mà Huyền Kiêu ghi lại trong Tương Biệt Dạ… 

Hiu hắt trăng khuya lạnh bốn bề
Ý sầu lên vút tới sao Khuê
Quí thay giây phút gần tương biệt
Lưu luyến người đi với kẻ về 

Cho nên bài thơ Tương Biệt Dạ có sức lôi cuốn đến lạ kỳ. Có lẽ ai đọc, ai nghe thơ rồi cũng để lòng chùng xuống. Ở đây không có những giọt lệ tiễn đưa. Nhưng lòng người thì vẫn cứ sầu, và thiên nhiên thì…như cũng sầu theo.
Trời cao mây nhạt ngàn sao rụng
Một giải sương theo vạn dặm buồn 

Giây phút chia ly buồn nhưng vẫn đẹp. Bài thơ đã trên 70 năm, giờ đây đọc lại lòng sao cứ bâng khuâng man mác mãi như ý tình hai câu thơ Huyền Kiêu viết, Người xưa lưu luyến ra sao nhỉ, Có giống như mình lưu luyến chăng? 

Người xưa lưu luyến ra sao nhỉ, Có giống như mình lưu luyến chăng?
Không biết Qv&Cb có bao giờ bâng khuâng thăm hỏi như thế/khi chợt về một kỷ niệm nào đó trong đời. Chẳng hạn như ngày còn đi học, hình ảnh một người bạn nào đó đã xa. Đâu có phải chỉ là của một tình yêu? Một cố nhân?
Bài thơ Tương Biệt Dạ có sức quyến rũ thu hút người đọc thuộc nhiều thế hệ. Ngày nay mỗi khi đọc lại, có lẽ nhiếu người cảm nhận được cái không gian phảng phất chia ly.
Khi ý thơ là thật, khi người làm thơ cảm được nỗi buồn ấy để ghi lại thành thơ, thì bài thơ ấy sẽ đi vào lòng người, tồn tại mãi với thời gian.
Toàn bài thơ là một bức tranh giã từ lưu luyến, với những nét vẽ phác họa mờ ảo nhưng lại in đậm nét trong tâm hồn người thưởng ngoạn. 

Trong một đời người, làm sao có thể tránh khỏi những giây phút từ ly? Và rồi câu thơ của Huyền Kiêu sẽ vang lên trong tâm tưởng;
Người xưa lưu luyến ra sao nhỉ
Có giống như mình lưu luyến chăng? 

Bích Huyền

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét