Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2016

Nhớ Ơn Ba!

Ngày Nhớ Ơn Ba, Nguyện cầu Ba được Ngày Vui bên Má nơi Thiên Đàng
Happy Father's Day 04.Sep.2016


Thơ & Thơ Tranh: Kim Oanh

Đôi Mắt Ấy

Ngày Nhớ Ơn Cha 4.9.2016


Đa số những người con đều như vậy, thường nhắc nhớ về má hơn là nói đến ba. Tôi cũng thế.

Trong lúc trà dư tửu hậu với bạn bè. Có trăm điều để bàn luận, nhưng xôm hơn là hư tật của phái nam và chủ đích là... ông chồng. Những lúc ấy, tôi chỉ ngắn gọn một câu góp ý:
- Không có Ba tôi ở trong số đó à nghe!
Có sao được. Ba, người đàn ông tuyệt vời trong gia đình chúng tôi, giàu lòng nhân ái đối với mọi người. Đời Ba cực khổ nhiều hơn sung sướng, dù là con út của Ông Bang. Một gia đình giàu có, ruộng cò bay thẳng cánh. Ba không rượu chè, chỉ cần cù lo cho vợ con. Có nghiện chăng, là cà phê. Nhưng, phải là cà phê của tiệm Hiệp Phong ở Vĩnh Bình.

Ba qua đời đã hơn 19 năm, nhưng một hình ảnh mãi mãi sâu đậm, là đôi mắt. Đôi mắt trìu mến ấy, đã nhìn tôi qua song rào trước cổng trường Trung học Công Lập Vĩnh Bình, của mấy mươi năm về trước. Ba không vào Văn phòng giám thị, tìm con như những phụ huynh khác. Người chỉ đứng ngoài khuôn viên trường, im lặng, dõi mắt nhìn con cho đến hết giờ thể dục.
Khoảng đường, từ bến xe đò đến trường, thật không gần. Tôi biết, ba đã đi bộ đến đây. Bởi, tính chắt chiu. Thời gian, đợi chờ con học xong giờ thể dục, khá lâu. Nhưng có lẽ, tình yêu thương con, sự đợi chờ của Ba là niềm hạnh phúc của chính mình. Mối linh cảm nào đó, chợt thấy bóng dáng quen, không cầm lòng, tôi gọi lớn tiếng ba và chạy ngay đến cổng rào.
- Ba! Ba!
Ba tiến lại gần, lòn tay qua song, trao gói thức ăn, vừa xoa đầu:
- Ráng học nghe con!

Ba chờ con trước cổng trường
Đôi câu nhắn vội yêu thương vỗ về

Giây phút thiêng liêng, bất ngờ nhất, một lần trong đời.
Tôi một đứa bé, học lớp Đệ Thất, xa gia đình. Đêm ấy tôi trở về căn nhà trọ...chập chờn, trằn trọc không ngủ được.

Bởi, đôi mắt.

Kim Phượng
Melbourne 4.9.2016

Tình Cha - Ngọc Sơn - Đàn Hát Nguyễn Đức Tri Ân

Ngày Nhớ Ơn Cha 04-09-2016



Nhạc: Ngọc Sơn
Đàn và Hát: Nguyễn Đức Tri Ân

Đường Thêu Hoa Nắng

Nhớ mãi ngày tựu trường 9/1969. Ba không chở con đi học bằng xe gắn máy, mà đèo bằng xe đạp, chắc rằng Ba muốn có thời gian dài....để đứa con gái được bình tỉnh bên Ba, trong ngày mới nhất, trọng đại nhất trong đời..... 
Ba ơi, con tâm sự với Ba đây và con cũng không quên Má, Má tỉ mỉ cắt may áo dài cho con mặc đi học.... 
Một sự trùng họp tháng 04/9 ở Úc là Ngày Nhớ Ơn Ba. Happy Father's Day!

  ( Đệ Thất /8 - Giáo Sư hướng dẫn Đinh Văn Quân)

Năm 69 đậu vào Đệ Thất

Ngày tựu trường. Ôi ngây ngất lòng tôi!
Mặc áo dài sao bối rối
Mẹ vui say, nút áo vội cài thay
Trong gió tà áo mới bay
Ba đèo xe nhỏ nhẹ dạy từng lời
Đôi tay nhỏ đẫm mồ hôi
Ôm eo ba tim reo… hồi họp lạ
“ Con nhớ học chớ lo ra
Giỏi ngoan cuối năm Ba Má thưởng quà
Đừng theo bạn bè chọc phá
Tan Ba đón, Má ở nhà chờ nhe….”
"Dạ thưa Ba, con đã nghe!"

Đến cổng trường tôi xuống xe
Tay ôm cặp, lòng e dè ngượng ngập
Tiếng trống thay tim tôi đập
Sân trường xanh màu ngăn nắp hàng cây
Xoay lại nhìn Ba vẫn đấy
Nhìn tôi cười tay vẩy vẩy… thương yêu
Bớt âu lo bớt sợ đi nhiều
Tự tin bước trên đường thêu nắng sớm
Cảm giác êm đềm vừa chớm
Cô học trò Trung Học… Gớm oai ghê!
Tống Phước Hiệp đẹp say mê
Tình thứ nhất ngập đầy tim bé nhỏ.

Đã mươi năm tình vẫn đó
Ước thời gian quay lại có được không
Để được tim lòng nhịp trống
Giờ ra chơi đón phượng hồng trong gió
"Ép tặng nhau… Nhớ nhe nhỏ!"
Ba tháng hè xa vò võ nhớ nhung
Nằm mơ nghe tiếng thùng..thùng…
Cả bọn ùa chạy… đùng.. đùng chen lấn
Thương thầy cô nhớ bảng phấn
Yêu tuổi học trò vương vấn người dưng
Tim tôi nhịp thở không ngừng
Học trò áo trắng bâng khuâng suốt đời!!! 

Kim Oanh

Thoảng Bóng Cha Hiền



Cõi lòng thoảng bóng ba về
Con đường rực đỏ phượng hè phố vui
Tiếng chim ríu rít reo lời
Ba nghiêm nghị nở nụ cười cũng nghiêm

Nhưng con vẫn thấy ba hiền
Nhớ khi cha ẵm bồng lên ấu thời
" Này hôn con nhé, cưng ơi
Lớn lên con nhớ thành người thẳng ngay... "

Nhớ khi ba nhẹ bàn tay
Dắt con nhún nhẩy qua ngày ấu thơ
Bàn tay ấm đến bây giờ
Mát như tiếng sóng vỗ bờ yêu thương

Nuôi con ăn học đến trường
Tóc ba dần bạc sợi sương gió lùa
Con hầu ba giấc ngủ trưa
Đấm lưng , nhổ tóc như chưa hầu gì

Thương ba thao thức đêm khuya
Gánh bao khó nhọc cũng vì đàn con
Trăm năm bia đá cũng mòn
Ơn cha như núi mãi còn chất cao

Đêm nằm nghe gió lao xao
Nhớ ba giọt lệ rơi vào cõi xa
Thoảng trên cao bóng dáng ba
Nhìn con đôi mắt hiền hòa thương yêu

Trầm Vân

Mùa Thu Trong Mưa - Trường Sa - Ngọc Lan



Sáng Tác: Trường Sa
Ca Sĩ: Ngọc Lan
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình

Sơ Xuân - 初春 - Nguyễn Tử Thành - 阮子成


初春                                   Sơ Xuân

臘梅開盡雪飄零,     Lạp mai khai tận, tuyết phiêu linh,
老大情懷節勿驚。     Lão đại tình hoài tiết vật kinh.
傍水人家楊柳嫩,     Bàng thủy nhân gia dương liễu nộn,
寒天客院半陰晴。     Hàn thiên khách viện bán âm tình .
遊蜂摘蜜穿花去         Du phong trích mật xuyên hoa khứ,
野蝶偷香帶粉輕。     Dã diệp thâu hương đới phấn khinh.
檢點名園供勝賞         Kiểm điểm danh viên cung thắng thưởng,
春花一樣百般生。     Xuân hoa nhất dạng bách ban sinh.

阮子成                                                   Nguyễn Tử Thành

Dịch nghĩa:

Tháng chạp hoa mai đã nở hết, tuyết bay lả tả,
Người già nghĩ tới thời tiết cảnh vật mà kinh
Nhà ai mé nước, dương liễu xanh non
Phòng khách nửa râm nửa sáng
Ong đi lấy mật xuyên qua cả chòm hoa
Bướm nội trộm hương, nhẹ nhàng mang theo phấn
Dạo qua khu vườn danh tiếng để thưởng ngoạn cảnh
Trăm loài hoa xuân đua nở, loài nào cũng đẹp

Dịch Thơ:

Đầu Xuân

Mai tháng chạp , tuyết bay lả tả,
Nhìn tiết trời, già cả lòng kinh .
Nhà ai mé nước liễu xinh,
Khách phòng sáng-nhạt, nắng in lạnh về .
Ong hút mật vo ve trong khóm,
Bướm trộm hương lốm đốm phấn hoa .
Khu vườn nức tiếng dạo qua,
Trăm loài trăm vẻ xuân hoa yêu kiều .

Mailoc phỏng dịch
***
Các Bài Dịch Khác:

Đỗ Chiêu Đức góp ý thêm:

- Câu 2: Tâm tình của người già biết tiết chế, nên không lấy làm lạ
- Câu 4: Phòng khách trong mùa lạnh nửa nắng nửa râm.
- KHỨ : là ( bay ) Đi
- KINH : là ( bay ) Ngang qua.
- Câu 7: Điểm qua hết các vườn hoa nổi tiếng để mà thưởng ngoạn, thì...
- Câu 8: Cũng chỉ là trăm vẻ hoa xuân cùng đẹp như nhau mà thôi !

Đầu Xuân

Tuyết rơi mai nở báo xuân sang,
Già cả nhìn quen chẳng ngỡ ngàng.
Bến nước nhà ai xanh liễu mới,
Trời đông phòng khách nắng râm vàng.
Ong vui hái mật đùa bay lượn,
Bướm hút nhuỵ hoa vội tách ngang.
Điểm hết xưa nay bao thắng cảnh,


Đỗ Chiêu Đức diễn nôm
***
Chớm Xuân

Tháng chạp mai tàn, tuyết lạnh rơi
Tâm già bình tĩnh chẳng lo vời
Nhà ai liễu rũ xanh bờ nước
Gian khách đông sang sáng nửa vời
Chộn rộn, ong tìm hoa hút mật
Xôn xao, bướm trộm phấn rung vòi
Ung dung dạo bước trong vườn thắm
Rực rỡ ngàn hoa khoe sắc tươi.


Phương Hà phỏng dịch
***
Quên Đi cũng có ý kiến:
- chữ Tiết 節 ở đây có nghĩa là thời tiết chớ không thể là dằn lại, tiết chế.
- chữ Kinh 驚 ở đây có nghĩa là dao động.

Đầu Xuân

Mai rộ năm tàn tuyết trắng rơi
Bâng khuâng ông lão ngẫn ngơ trời
Nhà ai mé nước hàng dương rũ
Khách viện ngoài sân sáng nửa vời
Nếm mật vờn hoa ong thoả chí
Mê hương đắm phấn bướm say đời
Vườn xuân vang tiếng nay tìm đến
Hoa vẫn như nhau nét rạng ngời.


Quên Đi
***
Chớm Xuân Thôi!

Chớm xuân mai búp, tuyết rơi đều,
Tuổi hạc cao niên trãi nghiệm nhiều,
Mé nước hàng dương xanh ngã bóng,
Khách phòng dọi nắng ấm cô liêu
Bầy ong nhụy mật bay mê mẫn,
Lũ bướm phấn hương lượn mỹ miều.
Thưởng ngoạn khu vườn thơm nức tiếng,
Trăm hoa đua nở thắm màu ... yêu...


Mai Xuân Thanh 
Ngày 27 tháng 07 năm 2016
***
Đầu Xuân

Tháng chạp tuyết đầy mai trổ bông
Lão già nghĩ đến chạnh nao lòng
Nhà ai kề cận chen dương liễu
Gian khách tỏ mờ tranh khoảng không
Ong lẻn vào hoa giành mật ngọt
Bướm bay theo phấn trộm hương nồng
Khu vườn vang tiếng loanh quanh dạo
Muôn vẻ trăm hoa bắt mắt trông


Kim Phượng
***
Chớm Vào Xuân

Tuyết trắng rơi nhiều...Mai rung hết !
Tiết trời trông thấy lão kinh hoàng
Nhà ai dương liễu còn xanh mát
Phòng khách râm ran chút nắng vàng
Hút mật ong vờn trong khóm lá
Tìm hương bướm lượn muốn bay sang
Vườn Xuân nổi tiếng mong dừng bước
Thưởng thức ngàn hoa....thật ngỡ ngàng


Song Quang

Hoành Thánh Mì


Hoành Thánh Mì là món soup mì rất được nhiều người ưa chuộng, nhiều chị bếp Việt mình khi làm nhân chỉ cho thịt heo băm và gia vị. Riêng Yên Dạ Thảo thì lấy món Há Cảo & Xíu Mại của người Hoa mà chế biến nhân cho món Hoành Thánh Mì của mình. Thành quả cũng rất thơm ngon!

Nguyên Liệu:


300gr thịt heo băm hoặc xay
200gr tép bạc thẻ
2 – 3 tai nấm đông cô (nếu có sẳn trong bếp nhà)
½ muỗng canh dầu hào
2 muỗng cà phê dầu mè
½ muỗng canh nước mắm ngon
Muối, tiêu, đường, bột ngọt (nếu không kiêng)
Giấy gói mì thánh
Xương gà hay heo
2 – 3 củ carrot (tùy lớn nhỏ)
1-2 củ hành tây (tùy lớn nhỏ)
Cải ngọt luôc chín (mua loại cải non)
Hành lá, ngò

Nước Soup:

Trụn sơ xương heo hay xương gà trong nồi nước sôi vài phút cho ra bớt mở, vớt ra, rửa xương lại với nước lạnh cho sạch cặn trước khi cho vào nồi nước sôi. Nấu khoảng 45 phút đến 1 tiếng, với bọt thường xuyên cho đến khi nước soup được trong thì hạ nhỏ lửa, cho củ hành, carrot, nước mắm, muối, đường và bột ngọt vào nồi.
Đậy nấp lại “hơi” kín để tránh bụi khi nấu, hầm cho đến khi xương được mềm. Dùng rây lọc nước soup qua một nồi khác để nước được trong khi chế soup vào mì. Cho 1 muỗng dầu mè vào nồi soup trước khi ăn, nêm lại cho vừa khẩu vị.

Cách Làm Nhân:

Nấm đông cô ngâm trong nước ấm vài giờ cho mềm, cắt bỏ cùi, rửa sạch, luộc sơ trước khi xắt hột lựu. Nếu có thời gian thì xào sơ nấm với củ hành tím, dầu hào, tí xíu muối và đường trước khi xắt hột lựu.
Băm nhuyển 3 cọng hành lá (lấy phần cọng trắng).
Tép lột bỏ vỏ và chỉ đen, băm nhỏ (hoặc xay nhưng đừng quá nhuyển), trộn tép vào thịt, kế cho dầu hào, nấm đông cô, hành lá, nước mắm, tiêu, đường, bột ngọt và 1 muỗng dầu mè.

Gói nhân vào từng lá mì thánh, luộc chính. Cho mì vào tô, trên cho vài cọng cải luộc, chế nước soup vào mì trước khi bỏ hành, ngò, tiêu và ớt. Ta có thể thêm vài lát thịt heo ram mặn hay thịt xá xíu nếu thích.

Chú ý:
Nước soup ăn mì thường được nấu từ xương heo và củ cải trắng nhưng nếu ta nấu với carrot và củ hành tây thì nước soup cũng thơm ngon và ngọt.
Nếu không có nấm đông cô thì nhân tôm thịt và gia vị cũng đủ ngon.
Khi làm nhân mì thánh Yên Dạ Thảo không dùng tỏi vì tỏi sẽ làm nhân bị nồng mùi khi ăn.

Yên Dạ Thảo

Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2016

Bông Bần

Thông thường những hoa tôi thấy buổi sáng hàm tiếu, khoảng 1 giờ trở lại là bung cánh từ từ rất đẹp, khoảng hơi trưa, hoa đã mở hết cánh.
Hoa bần không vậy, đêm đến sáng chúng ta có thể gọi hàm tiếu, cứ hàm tiếu như thế đến chiều, tôi canh theo nó mà đang dùng cơm trưa, chực nhớ, buông đủa ra sau nhà xem, hỏng có gì, đưa cháu đi học về cũng vội vàng canh, hỏng thấy nở, cơm chiều đến chạng vạng cũng không có tiến triển nào. Tôi đoán có lẽ hoa bần nở vào đêm, cứ 15 phút tôi ra sau nhà dòm chừng, mãi đến 7 giờ 40 tối đầu hôm, tua râu đầu tiên mở xuống hơn chục tua, tôi ghi hình, máy lấy tiêu cự không đạt, thôi cũng bấm máy kẻo lại không có ảnh, phải công nhận hoa nở hết rất nhanh, chỉ trong 5 phút đã xong. Vì phải zoom máy gần hết số, lại đêm, ánh sáng không ổn định, lấy tiêu cự thật trầy trật. Hoa vẫn nở hết mà không rụng trụ suốt đêm, phải đến 7 giờ 30 sáng hôm sau hoa rụng hết sạch tua nhụy đực, hoàn thành chu kỳ truyền giống hậu sanh. 
Thân mời các bạn.







Trương Văn Phú

Mộng Liêu Trai


Này em, Thu đã nơi đầu ngõ
thắp sáng đêm lên trước tối ngày
ngó lá vàng rơi, Hè đang vỡ
liệu mai còn mấy cuộc vui này!

Anh vẫn chướng, hay lo quá độ
sợ rừng thiếu lá lũ tràn thôn
và sợ cả người không tế mộ
cháu con đâu còn của hồi môn!

Này em, Thu giữa trời u ám
thắp sáng tin yêu kẻo tuổi buồn
ngắm cảnh rừng phong cây trụi lá
liệu mai còn nắng đủ xanh mầm!

Anh vẫn thói hóa vô thường cuộc sống
sợ ngày mai còn quá khứ âm vang
tình sẽ chết dưới trầm luân sóng động
người xa người bởi ảo vọng hư danh!

Đừng nhìn cây lay, đừng thèm ngó gió
mặc lá vàng rơi, đừng tiếc mùa phai
đừng níu hôm nay giữ đầy trí nhớ
mình sẽ vui đời thuở mộng liêu trai!

Cao Nguyên

Chiều


Chiều

Không gian bàng bạc nắng chiều buông
Thương nhớ vu vơ ngập cả hồn
Ngày tháng chập chùng trong lặng lẽ
Hôn hoàng nháy mắt lại hoàng hôn!
Cali 8-8-16
Mailoc
***
Chiều

( Nhái và Họa )

Bàng bạc không gian sợi nắng buông
Nhớ thương tràn ngập cả tâm hồn
Thời gian lặng lẽ trôi đi mãi
Vun vút nhanh hơn một nụ hôn

Phương Hà
***
Họa Vận; Chiều

Sân nhà nghiêng chiếu nắng vừa buông,
Diệu vợi lòng quê ngơ ngẩn hồn.
Chiều tắt chiều tà chiều tím mãi ...
Hôn hoàng đà biết mấy hoàng hôn!

Đỗ Chiêu Đức
***
Chiều


Một mình xõa tóc gội rồi buông,
Kẽo kẹt trưa hè, võng thả hồn.
Thoáng chốc bóng câu qua cửa sổ,
Tà huy mơ tưởng ngỡ ai hôn!

Mai Xuân Thanh 
 ngày 10 tháng 08 ăm 2016 
***
Chiều Tàn

Nắng nhạt chiều tàn khẻ nhẹ buông
Thương thân lữ khách rót vào hồn
Bao năm viễn xứ đời hiu quạnh
Kẻ tiển,người đi .....gởi nụ hôn!

Song Quang
***
Chiều

Say chiều giọt nắng thẫn thờ buông
Ngẫm bước đường xa trĩu nặng hồn
Ráng đỏ ngập ngừng chân rã rượi
Đêm dài tống tiễn bóng hoàng hôn

Nguyễn Đắc Thắng

Thứ Năm, 1 tháng 9, 2016

Con Đường Xưa Em Đi



Hình Ảnh & Thơ: Lê Kim Hiệp
Thơ Tranh: Kim Oanh

Gọi Gió Thương Em


Gió đưa rũ tóc em buông
Cho mây đầu ngõ chở hồn phiêu du
Gió theo tiếng hát lời ru
Lãng quên tiền kiếp thiên thu thuở nào!!..

Gió thương một sớm mưa mau
Cánh hoa chùm gửi úa xàu bâng khuâng
Gió nâng niu những nụ hồng
Lưu hương còn đó mặn nồng gửi ai?!

Gió đùa theo áo lụa bay
Cho em khép nép nắm tay áo người
Chỉ là chút gió nhẹ thôi
Aó em cánh mỏng thêm đời hắt hiu!!

Gió ôm cả nét yêu kiều
Để anh sớm biết tiêu điều cõi anh!
Gọi gió thương em giùm anh
Gió cùng Tôi mộng yêu nàng bấy lâu.

Hương Chiều
Thi Tập “Và Em…Rất Xưa..”

Yên Sơn Viếng Thăm Orange County, California

Trích một phần bài bút ký chuyến viếng thăm Orange County, California vừa qua gửi đến tất cả bằng hữu như một lời cám ơn chân tình của Yên Sơn.


...Từ giã anh chị Vũ Ngọc Thạch, từ giã tân Linh Mục Dòng Tên Vũ Ngọc Dzao, từ giã Thánh đường Đại học Loyola Marymount, Los Angeles... chúng tôi vội vã đến cái hẹn 1g chiều ở nhà hàng Hồng Ân trên đường Westminster để hội ngộ với một số anh chị em văn nghệ sĩ quen biết đã nhiều năm, do bạn văn Trần Việt Hải và Khiếu Như Long tổ chức.

1:30 trưa tới nơi đã thấy một nhóm đang chụp hình, cười đùa rôm rả. Thấy có vợ chồng Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm, tôi cảm động đến chào Thầy. Đây là lần thứ hai tôi gặp Thầy (lần đầu gặp Thầy trong Hội Ngộ Liên Trường Trung Học Quảng Ngãi ở Washington DC 2013). So với lần trước, Thầy trông có vẻ gầy ốm và dĩ nhiên già hơn nhiều. Với sức khoẻ như vậy mà Thầy Cô cũng có mặt vui vẻ với anh chị em thật là đáng trân trọng. Trong suốt buổi gặp gỡ, Thầy chỉ ngồi cười nhiều và vỗ tay tán thưởng cùng với mọi người. Theo đề nghị của Việt Hải, tôi đặc biệt hát tặng Thầy một câu Vọng cổ của 6 câu “Đêm Mộng Hồ Tây”. Câu này không có gì đặc biệt chỉ là nhớ đâu hát đó cho vui chứ đâu có ai ngờ đó là câu vọng cổ cuối cùng Thầy nghe được trước khi giã biệt cõi đời!


Viết đến đây bỗng dưng xúc động, ngồi một phút lặng yên tưởng nhớ đến Thầy. Dạ thưa Thầy, dù em không có may mắn được học với Thầy, nhưng tiếng thơm của Thầy được sách vở và người đời truyền tụng khắp cả Miền Nam Việt Nam; trong nhiều thập niên Thầy đã dày công đóng góp cho một nền giáo dục của VNCH vô cùng tốt đẹp đầy nhân bản và khai phóng. Em cảm tạ tình nghĩa của Thầy đối với lũ hậu bối chúng em; cảm tạ Thầy đã không ngại nắng gió hôm nay đến chung vui với tụi em trong bầu không khí thân tình. Và em cũng không ngờ, em vô tình hát tặng Thầy Cô bản Thư Tình Cuối Mùa Thu của Phan Huỳnh Điểu khi khi nhớ lại bức tranh Cô dìu Thầy ra xe về trong chiều ly biệt, “...Tình ta như hàng cây đã qua mùa bão gió. Tình ta như dòng sông đã yên ngày thác lũ. Thời gian như ngọn gió mùa đi cùng tháng năm, tuổi theo mùa đi mãi chỉ còn anh và em. Chỉ còn anh và em cùng tình yêu ở lại...”

Khi chúng tôi tới nhà hàng, ngoài Thầy Cô Nguyễn Thanh Liên, thấy có khoảng mười mấy anh chị em, hầu hết đã quen biết như: Khiếu Như Long, Trần Việt Hải, Nhược Thu, Cò Tuấn và hai cô nương, chị Hồng Vũ Lan Nhi lúc nào cũng tươi vui, chị Bích Huyền vẫn còn khá nhiều nét yêu kiều, Dương Viết Điền, Trịnh Thanh Thuỷ, Quỳnh Hương; bạn quen nhưng mới gặp lần đầu: anh Trần Mạnh Chi, Ngọc Quỳnh, Lâm Dung, chị Gina Nga (phu nhân NS Lê Trọng Nguyễn), nha sĩ Kim Loan, anh chị Huệ, Huỳnh Anh, Băng Tâm, phó nhòm vô cùng dễ thương Nguyễn Thiều Minh, nhạc sĩ keyboard thiên tài David Tòng, anh Thiên Đức... rồi từ từ thêm nhiều người khác đến gồm có anh Đào Ngọc Nhuận, ông bạn hai quần Đồng Văn... Nếu thiếu ai cho tôi xin lỗi nha.

Dù là bạn cũ, bạn mới chúng tôi cũng rất trân trọng tình nghĩa bạn bè. Một lần nữa, xin cùng với các bạn, đốt nén hương lòng tưởng niệm đến Thầy Nguyễn Thanh Liêm, chúc Cô Phương nhiều nghị lực để phấn đấu trong những tháng năm cô đơn sắp tới; xin chân thành cảm tạ Bạn Khiếu Như Long, bạn Việt Hải, không có hai bạn chắc chắn chúng ta không có buổi hội ngộ thân thương và mang nhiều kỷ niệm này.



Yên Sơn
Kingwood, 25/8/2016

Tiễn Hạ - Chớm Hạ


Tiễn Hạ

Chiều phố nhỏ ảm đạm vào cuối Hạ
Hoa úa sầu cỏ lá cũng buồn vương
Gió chuyển mùa cây ủ rũ bên đường
Hoàng hôn xuống thưa bóng người trên lối

Trời về đêm tiếng sáo buồn nhẹ trổi
Biệt ly sầu khắc khoải nỗi lòng ai
Giọt sương khuya đọng chiếc lá u hoài
Tim tan tác tháng ngày dài xa vắng

Tiễn Hạ đi nửa vầng trăng khuyết lặn
Nửa ngậm ngùi lơ lửng giữa trời đêm
Lệ ai rơi như dòng suối êm đềm
Lưu luyến Hạ … lòng ta buồn man mác

Yên Dạ Thảo
31/08/2010
***
 Họa:Chớm Hạ

Phương trời nầy hôm nay vừa chớm Hạ
Giọt mưa chiều cây lá cũng tơ vương
Cành phượng vĩ trổ bông cạnh bên đường
Nắng chiều buông lấp lánh vàng muôn lối.

Đêm càng khuya con dế mèn giọng trổi
Tiếng gáy buồn tim nóng hổi bi ai
Người phiêu lãng dừng chân ngóng u hoài
Mơ cố quận ngày dài thêm xa vắng.

Đêm thật ngắn nên trăng tàn sắp lặn
Nhấp cô đơn mặn chát của từng đêm
Thương mắt ai mi ướt đẫm êm đềm
Chào chớm Hạ nghe nỗi sầu man mác.

Dương Hồng Thủy
04/06/2016

Thứ Tư, 31 tháng 8, 2016

Hồn Quê


Chiều thoi thóp nắng còn vương trên mái
Làn khói lam trên chái uốn tròn xoay 
Mùi cơm chiều trong xóm, mũi ngây ngây,
Trời vời vợi, ráng mây chiều tím ngắt 

Lối đi nhỏ, men theo con đường tắt,
Cây cầu dừa thầm lặng vắt qua mương.
Bụi tre già quẹt áo khách bên đường,
Tà áo trắng nữ sinh đang dần khuất 

Mùi gốc rạ nồng nồng hòa hương đất,
Mùi hoa cau ngây ngất quyện trời quê.
Chiếc xe trâu lộc cộc chở rơm về,
Tiếng chim vịt lê thê chiều sông vắng 

Ghe dưới bến tiếng ầu ơ trầm lắng,
Nước đã ròng bãi cát trắng mênh mông 
Chiếc cà ràng lửa củi đã dụi xong,
Sào đã cấm, thuyền bềnh bồng sông nước 

Hoa lau trắng gió rì rào tha thướt,
Đàn cò ma lũ lượt cánh tà tà 
Chuông chiều buồn xa vắng tiếng ngân nga 
Nắng chưa tắt, vầng trăng đà thấp thoáng 

Tần ngần mãi, một mình trên cầu ván 
Dòng sông mờ, văng vẳng tiếng sáo thôn
Tình quê hương len lén tận tâm hồn.
Tôi nghe rõ cả hồn quê đang thở!

Mailoc

8-18-2016
***
Họa: Khói Lam Chiều
Trời sắp lặn, mái nhà vương chút nắng,
Khói lam chiều trên chái bếp vòng xoay.
Cơm gạo mới thơm lừng thật ngất ngây,
Vàng lúa chín cánh đồng xa tít tắp,

Gánh thóc về vòng quanh đường ngõ tắt,
Nhịp cầu tre léo lắt nối bờ mương.
Khách phương xa mới về đứng tìm đường,
Chợt thấy bóng nữ sinh tà áo trắng.

Đồng mới gặt, gánh lúa vàng chân đất,
Vườn bưởi hoa thoang thoảng chút tình quê.
Xe trâu kéo rạ rơm được chở về,
Chim ríu rít bốn bề trên quãng vắng.

Bến đò xưa neo thuyền nghe sâu lắng,
Con nước ròng, bãi cát rộng mênh mông.
Bữa cơm chiều, đã dọn dẹp mới xong,
Thuyền neo lại ngoài sông nghe gió lặng.

Đèn đom đóm lập lòe bên mương nước,
Lội bì bõm, người soi ếch ...tà tà.
Chuông nhà thờ âm hưởng vọng ngân nga,
Trăng mới mọc thấy gương tròn vành vạnh.

Cảnh đẹp, nông tang thanh bình vận động,
Trâu muộn về sáo thổi ở cuối thôn...
Im tiếng súng cú kêu gọi vào hồn,
Mình tủi thân nghe nhịp tim ai thở ...

Mai Xuân Thanh

Ngày 19 tháng 08 năm 2016
***
Hồn Nước

Chiều nhạt nắng,rán vương vương sườn núi
Cánh đồng xa.cò trắng lượn vòng xoay
Bầu trời xanh lờ lững những áng mây
Theo gió cuốn trôi về miền thẩm ngắt

Ngày chưa đi,rừng chiều im phăng phắt
Bóng hoàng hôn tràn ngập lối đường mòn
Tiếng chim ngàn gọi bạn hót véo von
Tiều phu củi chất đầy đà lẩn khuất

Thác róc rách đầu nguồn rơi trắng đất
Nước trong veo luồn lách chảy qua ghềnh
Đá chập chùng lặng lẽ dáng buồn tênh
Bên bờ suối bóng trăng vàng lấp ló..

Dòng sông chiều êm đềm qua xóm nhỏ
Bến đò ngang hối hả đón người về
Chở phù sa bồi đấp ruộng đồng quê
Thuyền thương lái cắm sào chờ con nước

Chiều biển lặng sóng xô bờ cát ướt
Cuốn dã tràng, xoá bước dấu chân người
Những cánh buồm xa tích cuối chân trời
Bầy chim biển đảo chao tìm cá đớp

Vì đất Mẹ gót chinh nhân cất bước
Đem thân mình gìn giữ xóm làng thôn
Yêu Quê hương nung nấu cả tâm hồn
Hồn non nước in sâu từng hơi thở

Song Quang

Lòng Quê


Lòng quê dợn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà!
(Tràng Giang – Huy Cận)

Nắng chiều vương mái nhà tranh,
Khói lam chiều vẩn vơ thành tròn xoay.
Cơm chiều thoang thoảng hương bay,
Trời chiều vời vợi nghe dài ngẩn ngơ.

Lối đi nho nhỏ ven bờ,
Cầu dừa thầm lặng vắt hờ qua mương.
Lá tre níu khách qua đường,
Phất phơ áo trắng còn vương nắng nhòa.

Bên đồng hương rạ tỏa xa,
Hòa cùng hương đất hương hoa thoảng nồng.
Xe trâu lôc cộc thong dong,
Oang oang chim vịt bên sông kêu chiều.

Bến sông ghe đậu dập dìu,
Ầu ơ tiếng võng thiu thiu giấc nồng.
Nương theo tiếng hát bổng trầm,
Bềnh bồng sóng nước bềnh bồng hồn thơ!

Hoa lau theo gió phất phơ,
Đàn cò ma trắng lượn lờ bay qua.
Chuông chiều văng vẳng ngân nga,
Nắng chiều dần tắt trăng tà nghiêng treo.

Tần ngần suốt buổi xóm nghèo,
Chiều tan chiều tắt chiều theo trăng tà.
Tình quê bát ngát bao la,
Hồn quê tràn ngập chan hòa trong tôi.

Bao năm xa cách quê rồi !!!

Đỗ Chiêu Đức

Aug. 2016

Trưng Cầu Dân Ý



(Họa thơ " Trưng Cầu Dân Ý của Khôi Nguyên)

Năm có bốn mùa, lạnh nhất Đông,
Trời cao đất rộng, chẳng an lòng.
Đông nghe rét mướt không ai muốn,
Hạ thấy phân vân, nóng khỏi mong.
Thu cảm buồn thiu thi sĩ thích?
Xuân vui hạnh phúc đẹp ngàn thông.
Nam Tào, Bắc Đẩu tuân theo lệnh,
Tổ chức trưng cầu chắc khó xong!

Mai Xuân Thanh
Ngày 23 tháng 11 năm 2014

Thứ Ba, 30 tháng 8, 2016

Nghiêng Lời Chim Hót


Thơ: Trầm Vân
Thơ Tranh: Kim Quang


Nhất Tự Vi Sư Bán Tự Vi Sư


Trường Tiểu học Giồng ké nằm trên trục giao thông đường liên tỉnh Vĩnh Long - Vĩnh Bình. Trường chỉ có một lớp Nhất, nam và nữ đều học chung.

Số tuổi của học sinh trong lớp rất chênh lệch. Đây là điều dễ hiểu, con nít sống trong thị xã hay còn gọi là “học sinh ở chợ”, đến trường theo đúng số tuổi qui định. Các học sinh ở thôn ấp, vì phương tiện khó khăn, xa xôi, cầu tre lắc lẻo, hoặc gia đình đơn chiếc, thiếu người phụ giúp việc đồng áng, nên đa số đến trường khá muộn, khi hoàn cảnh cho phép. Số tuổi của các “học sinh dưới vườn” này, tương ứng với vóc dáng, nên dân trên chợ chúng tôi thường bị xem “ nhí ” nhất là trong các trò chơi, cần đến thể lực và chúng tôi cũng thua luôn về mặt tâm lý tình cảm, ngoại trừ trình độ học vấn. Đây là vấn đề các anh chị lớn trong lớp thường hay thắc mắc đặt ra, là tại sao chúng tôi nhỏ con mà lại học giỏi.

Nhắc đến tâm lý tình cảm, là nhắc đến chuyện “con nít quỉ”, cắp đôi, xảy ra vào giờ học Địa lý. Thầy đang vẽ các dòng sông của miền Nam nước Việt trên bảng để chúng tôi xem đó, vẽ theo. Tội nghiệp cho học sinh, chỉ nhìn thấy bờ lưng của thầy mà thầm nghĩ : “Thầy dễ gì nghe”! Các chị lớn bắt đầu bày trò, bất luận tuổi tác, cũng chẳng biết yêu thương hay ghét bỏ thế nào, chọn lựa tên của bất cứ hai người nam nữ, ghép lại với nhau mà đầy ý nghĩa, ngồ ngộ là được.

Trong cuộc gán ghép này, xem ra ai cũng “ xứng đôi vừa lứa” cả, chỉ có tôi, được ghép chung với anh chàng tên Hoa (con trai mà tên Hoa!). Hoa- Phượng, đẹp quá chứ còn gì nữa. Nhưng hỡi ơi! Tôi nhỏ con đã đành, còn “nó”, “thằng Hoa”, đèo đẹt hơn tôi nữa. Nó quay qua, nhìn tôi mỉm cười…Lớp học cứ thế, tha hồ ồn ào. Một lúc sau thầy quay lại:
- Các em xong chưa ?
- Dạ chưa thầy.
- Các em vẽ nhanh lên.
- Dạ thầy.

Cuối cùng cả lớp hoàn thành tác phẩm của mình. Sang giờ Đức dục, trước khi vào bài mới, thầy gọi học sinh lên kiểm bài như thông lệ. Nhưng thật ra, lần này thầy phá lệ, gọi từng người, theo cặp một, “y chang” như những tên mà chúng tôi đã cắp đôi
-Trời ơi! Cứ ngỡ hôm nay thầy hiền, dễ dãi, ai dè… 
Sau này, tôi cũng phá lệ như thầy. Ngồi bàn đầu, lúc nào tôi cũng tìm mọi cách để nhắc bài cho các bạn, mỗi khi bị kiểm tra. Nhưng, ngoại trừ “thằng Hoa”, tuyệt nhiên tôi không nhắc bài cho “ nó” nữa.

Từ sau buổi học ấy, sinh hoạt của lớp không còn như trước. Các anh chị lớn, dường như phải lòng nhau, nên đã phạm nội qui, “đi học quá sớm”. Dù rằng, chúng tôi là học sinh lớp nhất, đàn anh, đàn chị của trường, lại chẳng làm gương. Còn tôi, các anh chị trong gia đình đều đi học xa, tôi phải phụ giúp việc nhà, nên lúc nào cũng đi học đúng giờ. Bởi thế, hai bạn cùng lớp là Hồng và Cúc, thường đến giúp tôi rửa chén bát, giặt giũ đồ hay nhóm bếp, lấy cớ ngoan, để được phép đi học sớm. Những hôm như thế, học sinh “trên chợ” và “dưới vườn”, tề tựu, bày đủ trò vui. Một trong những trò vui, tự hậu, tôi “ tởn đến già” là ăn cắp ấu.

 Đập ấu nằm dọc con lộ ấp Phú Tiên, liên tỉnh Vĩnh Long - Vĩnh Bình. Đập mênh mông nước, lá ấu xanh, trải đầy, che kín cả mặt đập. Các chị lớn xắn quần đến gối, lội xuống, lật ngược các tay ấu lên, mọc đầy những trái to, căng tròn, trông thật hấp dẫn. Nhìn các chị nhanh tay hái ấu, bỏ đầy cả cặp đi học, dân trên chợ bị cám dỗ mạnh, quên đi sự nhút nhát bắt đầu ùa xuống. Tôi đang đưa tay định hái trái non, thì trời ơi, một con đỉa đen ngòm đang phăng tới. Tôi, hồn phi phách tán, la ré lên và tôi chẳng hiểu nhờ đâu, cái bờ lộ cao thế kia, tôi có thể “phi thân” lên dễ dàng. Một chị bạn khác vẫn thản nhiên tiếp tục hái, vừa cười, đưa tay nhón con đỉa đang bám trên chân chị và vừa mắng yêu :
- Tưởng gì, con đỉa mà mầy cũng sợ. Đúng là dân chợ nhát hít! Tao chỉ cho cách này nè. . . tụi nó xuống trước, quần nước đục ngầu hết, thấy nước đục thì đừng xuống, vì đục là có đỉa hà.
Kể từ lúc ấy, bọn trên chợ, có thèm ăn ấu non quá, thì “nhón” một ít ấu đựng trong cặp của các chị mà thôi.


Hết đi ăn cắp ấu lại bày trò chơi, “trốn kiếm”. Con trai, đóng dinh ở vườn trâm bầu, con gái ngự trị bên vườn chuối, kẻ trốn, người tìm. Nói vườn cho oai, chứ thực ra, trường Giồng Ké nằm sát nhà dân cư địa phương. Khu đất nhà bác Hai khá rộng, nên một bên bác trồng trâm bầu để lấy củi, bên kia trồng chuối, thu quê lợi. Có lẽ học sinh chúng tôi mãi mê chơi mà quên mất câu: “ Đi đêm có ngày gặp ma”. Hôm ấy không biết, bằng cách nào mà tập vở của chúng tôi đặt bên hông trường, đợi giờ vào lớp, đã bị thầy Hiệu trưởng gom tất cả cất vào một nơi. Giờ học đến, chúng tôi nhớn nháo…Than ôi! Tập vở không cánh mà bay, cả lớp đành đứng sắp hàng, chịu lỗi, nhận hình phạt ăn đòn, trước khi thu lại cặp sách.

Giận thầy thì học sinh có giận…, nhưng khoảng sau một tháng, thầy Hiệu trưởng và Thầy dạy lớp tôi cùng với chiếc xe Lamretta, là phương tiện di chuyển hàng ngày của hai thầy từ Vĩnh Bình đến Giồng Ké, bị bên kia chận lại, dẫn đi mất biệt. Bọn học sinh lớp Nhất buồn thiu, vẫn đi học sớm, tụ năm, tụm ba, thường khóc và tìm cách “cứu thầy”. Cuối cùng, một chị cho biết nơi hai Thầy bị giam giữ. Lúc ấy, dù chẳng rủng rỉnh tiền, nhưng cả bọn tự đóng góp để mua thức ăn cho Thầy và cả thuốc lá, thứ mà thầy Hiệu trưởng ưa thích. Từ hôm đó, các Thầy Cô còn lại trong trường luân phiên giảng dạy. Hồng và tôi đảm trách điểm danh, ghi sổ, cộng điểm sắp hạng học sinh trong lớp. Đây chính là lúc tôi thật sự cảm nhận được câu: “Nhất tự vi sư, Bán tự vi sư” và vì thế tôi thật đắc lực, rất cẩn thận trong vai trò này, mặc dù tôi vẫn là học sinh thích phá phách thầy cô.
Đời học sinh, càng lên lớp cao, mỗi năm, thêm thầy cô mới, càng có nhiều vị sư đảm trách cho từng môn học. Tuy nhiên, vị thầy đã từng cho tôi ăn đòn, là người tôi vẫn kính mến cho mãi đến hôm nay.

Mười tám năm sau, trong làn sóng tị nạn ồ ạt, Úc là quê hương thứ hai, nơi tôi đang định cư. Một dấu ấn sâu đậm pha lẫn hài về câu nói “Nhất tự vi sư, Bán tự vi sư” này. Chuyện tôi sắp kể là… Ngày đầu đến Úc, người tỵ nạn chúng tôi được đưa về Migrant Hostel, để hoàn tất thủ tục nhập cư và dự khoá học Anh văn căn bản trong 6 tuần. Sau đó, mọi người đều lo tìm công ăn việc làm, đồng thời chúng tôi ghi tên học khóa Anh văn hàm thụ English for Newcomers. Chúng tôi đọc sách, nghe băng cassette, làm bài tập gửi đi và nhận trở lại sau khi cô giáo đã sửa lỗi. Tôi còn nhớ mãi bài văn, viết về sinh hoạt trong đời sống hàng ngày. Với vốn liếng Anh văn khiêm nhường, tôi kể về gia cảnh, công việc làm và đi đến kết luận là: “Tôi rất vui được sống trong một xứ tự do, nên không quản ngại mệt nhọc, dù là sau giờ làm việc tôi còn phải tự nấu ăn…(I cook myself)”. Một tuần sau, tôi nhận lại bài tập của mình. Bằng bút mực màu đỏ, cô giáo khoanh tròn “ I cook myself”, thêm vào đó chữ “by” đỏ chói, to tướng. Đồng thời bên dưới có hàng chữ “You’re jumping in the oven”.
Vâng, mỗi lần nhìn nhất từ “BY” là tôi nhớ đến từ “ vi sư ”. Sau đó tôi đến tận trung tâm hàm thụ Anh văn để tìm vị sư ấy, đồng thời cho bà biết lý do nào tôi tìm đến đây và tôi kể cho bà nghe về câu nói “ Nhất tự vi sư, Bán tự vi sư” của dân tộc mình.

Tôi rời Việt Nam khá sớm năm 1978, khi mùa phượng nở, ve râm ran. Bao năm xa xứ, chưa một lần trở lại quê nhà. Những được mất trong cuộc đời tưởng chừng đã lắng. Bỗng dưng, sự xuất hiện cuốn Đặc San, cùng đĩa DVD, do cựu giáo sư, cựu học sinh Tống Phước Hiệp, cùng một nhóm thân hữu thực hiện. Tất cả những sinh hoạt của một số “người xưa” tôi đã biết qua, cùng một số "người mới" tôi chưa quen bao giờ. Tất cả hiện ra trên màn ảnh. Những dòng chữ nhắc nhớ về Vĩnh Long trong Đặc san khơi lại trong tôi, trở ngược về thời áo trắng. Một thời để nhớ để thương.Thời lo âu, buồn vui, hờn dỗi. Thời hồn vía lên mây khi chẳng học kịp bài…và nhất là thời…mùa thu tóc ngắn không còn nữa. Tiếc thời con gái bận đón đưa...đang ào ạt trở về. Nhìn số người tham dự tôi tìm thấy lại một số thầy cô. Giờ đây ít nhiều thay đổi, nhưng hình ảnh trên bục giảng năm nào trong trí tôi vẫn như in. Rất tiếc, tôi không tìm được bóng dáng bạn bè cùng lớp.


Tuy nhiên, một sự may mắn tình cờ, tôi hân hạnh “biết” thầy Nguyễn Thanh Liêm, hiện diện trong DVD ấy. Tôi thích gọi tiếng Thầy hơn là ông Thứ trưởng. Tiếng Thứ trưởng nghe xa cách làm sao!
Qua đó Thầy cho biết cơ duyên nào, đã đưa thầy đến tỉnh Vĩnh Long và cảm phục người Vĩnh Long. Theo lời thầy: “Tuy nhiên, cái người mà tôi phục nhứt, tôi kể như là ông thầy của tôi đó, mặc dù là tôi không có đến học với ổng, là cái người sinh ra ở Vĩnh Long, đó là ông Trương Vĩnh Ký”.
Thầy cho biết, và phân tích 2 câu viết đặt trước cửa trường Pétrus Ký:

Khổng Mạnh cương thường tu khắc cốt
Tây Âu khoa học yếu minh tâm

Thầy giải thích: “Một mặt phải thu nhận những kiến thức khoa học, mặt khác phải ghi trong xương tủy của mình nền đạo đức luân lý của Á Đông”.
Ngày xưa, trong chế độ quân chủ, vị thế người thầy vô cùng quan trọng, là người nhận chịu mọi trách nhiệm về kiến thức và lẫn hành vi đạo đức của học sinh mình. Ngày nay với lối sống dân chủ và nhất là ở xã hội này, vai trò người thầy không còn quá nặng nề. Riêng tôi, tiếng Thầy, không chỉ đóng khung trong phạm vi học đường, những điều tôi có thể học hỏi từ một người, người ấy tôi xem là Thầy rồi.

Những vị đã rèn luyện cho tôi được kiến thức hôm nay. Đó là, một số thầy cô, hiện diện trong DVD đây, một vài vị khác, đã miên viễn. Tuy nhiên, trong thăng trầm trên những con đường đã đi qua, tôi có được những vị Thầy từ trường đời mà tôi đã học hỏi. Và một vị Thầy, Thầy và tôi có cùng sự đồng cảm. Người tôi muốn nhắc đến là thầy Liêm. Thầy Liêm, xem ông Trương Vĩnh Ký, người Vĩnh Long, là một bậc thầy, dù chưa một lần thọ giáo.Tôi, người đồng quê với cụ Trương Vĩnh Ký, lại xem thầy Liêm là thầy, dù chỉ biết Thầy qua DVD. Thầy Liêm, người đã giúp cho tôi học được điều mà tôi chưa hề biết. Khi thầy khuyến khích nhóm hậu sinh, về sự sống còn của quyển Đặc San, dù phát hành trễ. Đó là:

Mi sanh tiền, tu sanh hậu
Tiền sanh bất nhược, hậu sanh trường

(Tân niên hội ngộ của CHS Tống Phước Hiệp, Cali)

Thật ra, nếu Thầy không giải thích, chắc tôi cũng chẳng hiểu được. Chính hình ảnh và lời phát biểu của Thầy đã “kéo” tôi về thời ăn cắp ấu. Thời tôi vừa biết cảm nhận được câu “ Nhất tự vi sư,  Bán tự vi sư”, và nhớ về người Thầy Hiệu trưởng năm xưa, là người cho cả lớp ăn đòn.

Lời nói của thầy Liêm, là động lực thôi thúc tôi hoàn thành ước nguyện và tự trả lời cho chính câu hỏi mà tôi đặt ra, từ bấy lâu nay: “ Ai là người xứng đáng được gọi là thầy?”.
Thật ra, trong bước đường đời, mỗi lần tôi tiếp xúc với người nào, y như rằng tôi được học hỏi ít nhiều từ người ấy.
Như một lời tri ân, kính gửi đến Thầy Nguyễn Thanh Liêm, xin mượn lời thơ trao tặng Thầy, thay đoạn kết qua 2 câu thơ trên, Thầy đã khuyến khích nhóm hậu sinh chúng tôi:

Mày đây vênh váo tự hào
Tao sinh ra trước ai cao hơn bằng
Râu cười khiêm tốn thưa rằng
Cao thì cao thiệt! Dài bằng tôi không?
Nghêng ngang mày lại cãi ngông
Dẫu dài cho lắm cũng không tài bằng
Thế thì trổ hết tài năng
Cho thiên hạ khiếp hầu răn dạy đời
Ậm ừ mày chẳng thức thời
Nói nhăng nói cuội lỡ lời như chơi
Ủi an râu nói “ Mày ơi!”
Làm đẹp thiên hạ là trời ban cho
Ganh đua chỉ tổ làm trò
Nó giận…
tỉa hết
cạo sạch
còn gì mày râu !!!

Bài thơ thay lời tri ân này, vẫn còn đây. Nhưng Thầy đã miên viễn. Thầy đã mãn phần hôm 17 tháng 8 năm 2016 này.
Thành kính chia buồn cùng Cô và Thân quyến. Em Nguyện cầu Hương linh Thầy sớm an nghĩ nơi cõi Vĩnh Hằng.

Kim Phượng

Cái Thẻ Nhớ



Cái thẻ nhớ vơ tư trong máy ảnh.
Mặc ai ghi, ai xóa chuyện đời mình
Thẻ lưu giữ những gì tươi đẹp nhất
Giúp cho em chất chứa một khối tình

Cũng từ đó em giam đời phiêu lãng
Của một người lang bạt đã bao năm.
Bóng hình tôi, em nhốt vào thẻ nhớ.
Cho hương tình, bốc lửa cháy âm âm.

Cái thẻ nhớ vô tình nhưng tội nghiệp,
Ghi rất nhanh và xóa cũng dễ dàng.
Nên kỷ niệm đời em luôn biến đổi,
Như bọt bèo cứ hợp để rồi tan.

Ngày nào đó góc nhìn kia đổi khác,
Em lạnh lùng số hóa cuộc tình ta.
Hình ảnh đẹp cũng trở thành dị dạng,
Tôi chẳng còn trong thẻ nhớ đời em…

Ngọc Hiệp

Tay Nhớ Bờ Vai


Chiều xuống đường in bóng đổ dài
Thướt tha tà áo quyện hồn ai
Có phải em về trong ngõ hẹp
Sao lòng tôi vẫn mãi mê say

Tình ngỡ quên đi theo ngày tháng
Một người xa dấu vết miệt mài
Còn lại đây nỗi nhớ chưa phai
Chiều chậm đi tay nhớ bờ vai

Đành thôi gặp nhau qua giấc mộng
Người ơi nước mắt đọng hồn tôi
Xót xa câu tình lẻ đơn côi
Khi hoàng hôn cuối trời chợt tắt.

Biện Công Danh

Đậm Sâu Tình Mẫu Tử!...


(Nhân Lễ Vu Lan năm Bính Thân 2016)

Mẹ! Mẹ! Mẹ!
Tiếng đầu đời bập bẹ con kêu!
Rúng động lòng con
Trong nỗi nhớ thương yêu
Thương Mẹ lắm!
Những sớm chiều, Mẹ nuôi con lớn
Tháng bảy Vu Lan mưa dầm gió cuốn
Tiếng chuông chùa chộn rộn ngân vang.
Hương tỏa khói nhang,
lời kinh báo hiếu
càng khiến lòng con,
đau chữ hiếu khó tròn!

Thầm gọi Mẹ! Trong tâm hồn rơi lệ
Nghẹn ngào lời con! Mẹ về Mẹ nhé!
Mẹ vẫn bên con trong cô lẻ đêm sầu
Vẫn âu yếm ôm con, xoa dịu cơn đau
Trong kiếp sống dãi dầu sương gió.

Mẹ trong con, Mẹ vẫn đang còn đó
Theo bước chân con lặng lẽ đi theo
Thấy con lớn khôn lòng Mẹ vui reo
Không hề trách khi con lầm sai bước.

Nói với Mẹ! Điều con luôn thầm ước
Mẹ hiền của con từ trước tới sau
Mãi mãi bên con, đậm sâu tình mẫu tử
Mẹ từ bi! Sinh tử vốn là nhau
Con của Mẹ! Vẫn luôn cần có Mẹ!

Nguyên Khang
15/08/2016  

Thứ Hai, 29 tháng 8, 2016

Qua Rồi Mùa Hạ



Đóa hoa hồng vươn lên
Trong nắng thu muộn màng
Hương hồng xưa thoang thoảng
Giữa trời thu mênh mang

Một nỗi gì rưng rức
Trong trái tim dại khờ
Tóc xanh giờ đã bạc
Sao lòng còn ngây thơ

Mùa hạ qua, qua rồi
Hoa phượng tàn rơi rơi
Không còn ai đứng đợi
Bên góc trời xa xôi

Cổng trường xưa đã khép
Lối đi hoa huỳnh đàn
Tôi xưa và ai đó
Mờ mịt bụi thời gian

Khánh Hà

Thu Triêu Lãm Kính - 秋朝覽鏡 - Tiết Tắc - 薛 稷

Những ngày cuối năm ta, sắp Tết, thêm một năm nữa... Chuyển dịch lại một bài thơ xưa. Sau một đêm mưa, sáng dậy thấy mình trong gương, who would be that person if not me? PKT 01/22/2016


Thu Triêu Lãm Kính

Tiết Tắc (649 - 713)

Khách tâm kinh lạc mộc
Dạ tọa thính thu phong
Triêu nhật khan dung mấn
Sinh nhai tại kính trung

Dịch Xuôi : Sáng Thu Soi Gương

Xa nhà ngại phải nhìn lá rụng
Đêm ngồi nghe gió thu thổi về
Sáng lấy gương soi mặt
Thấy hiện rõ nỗi đời vất vả của một kẻ tha hương.

Sáng Thu Soi Gương

Thu xa ngại lá rụng
Đêm gió lộng canh dài
Sáng lấy gương soi mặt
Ngẩn ngơ nhìn tưởng ai


Phạm Khắc Trí
01/22/20
***
Soi Gương Sáng Mùa Thu

Viễn xứ lặng buồn ngắm lá rơi
Đêm thu hun hút gió bên trời
Sáng ra nhặt mảnh gương soi mặt
Thấy nét bôn ba của một đời


Phương Hà phỏng dịch
***
1/
Lá rơi, khách bàng hoàng
Đêm thu, gió vang vang .
Sáng sớm dung nhan ngắm ,
Trong gương thấy võ vàng


2/
Tiếng lá rơi làm khách rụng rời.
Đêm thu nghe gió rít ngàn khơi.
Sớm mai đầu bạc dung nhan ngắm,
Ngao ngán trong gương một cuộc đời.


3/
Tiếng lá rơi làm khách kinh động,
Đêm thu nghe gió lộng trên ngàn.
Sớm mai lặng ngắm dung nhan,
Cuộc đời vất vả rõ ràng trong gương!


Mailoc
***
秋朝覽鏡                      Triêu Thu Lãm Kính

客心驚落木,           Khách tâm kinh lạc mộc,
夜坐聽秋風。           Dạ toạ thính thu phong.
朝日看容鬢,           Triêu nhật khan dung mấn,
生涯在鏡中               Sinh nhai tại kính trung.

薛 稷.                                              Tiết Tắc

Dịch Nghĩa: 
Sáng Sớm Mùa Thu Soi Gương

Trong lòng khách thấy lo sợ khi nhìn cây rụng lá
Ban đêm ngồi nghe gió thu thổi
Sáng sớm ra nhìn xem đầu tóc dáng vóc
Mới thấy cuộc sống hiện rõ trong gương.

Dịch Thơ:

Sáng Sớm Mùa Thu Soi Gương

Khách lo ngại khi nhìn cây rụng lá
Ngồi lắng nghe gió lộng cả đêm thu
Sáng tỉnh ra soi ngắm lại hình thù
Trong gương rõ dấu hằn đời trôi nổi.

Quên Đi
***
Soi Gương Tự Biết

1/
Đăm chiêu đau đáu lá vàng rơi,
Đêm xuống trời thu gió thổi rồi.
Mờ sáng ra xem ôi bóng dáng !
Soi gương hiện rõ mảnh đời trôi...


2/
Lá rụng, giật mình khách ngẩn ngơ,
Đêm thu trở giấc gió vu vơ.
Dung nhan hằn nét xem ra khổ,
Tiều tụy soi gương thấy dật dờ!


Mai Xuân Thanh
Ngày 23 tháng 01 năm 2016
***
Sáng Thu Soi Gương

Cảm ngại nhìn cây trút lá rơi
Đêm dài lắng tiếng gió thu khơi
Ban mai đối kính soi hình vóc
Hiện rõ trong gương bóng cuộc đời!


Nguyễn Đắc Thắng
***
Sáng Sớm Mùa Thu Soi Gương

Cây trút là bồi hồi dạ khách
Đêm thu lồng lộng gió ngồi nghe
Sáng ra soi kính dung nhan ấy
Hằn nét già nua gương ngại e

Kim Phượng


Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2016

Thương Ai Nhớ Ai - Phạm Duy - Ý Lan

Ai thương nhớ ai khăn rơi xuống đất....
Đèn thương nhớ ai mà đèn không tắt...
Mắt thương nhớ ai mắt ngủ chẳng sâu..


Sáng Tác: Phạm Duy
Ca Sĩ: Ý Lan
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình

Trả Lại Cho Tôi Sài Gòn Ngày Tháng Cũ


Xin trả cho tôi màu nắng lụa vàng
Xin trả cho tôi đường lá me bay
Xin trả cho tôi Saigòn ngày cũ
Xin trả cho tôi! Xin trả cho tôi
Tôi vẫn nhớ Saigon xưa êm ả
Xe và người không chen chúc như nêm
Saigon bấy giờ còn thênh thang lắm
Người tốt với người dù lạ hay quen
Saigon ngày xưa từng bầy con gái
Áo trắng ngập đường, guốc mộc khua vang
Những suối tóc huyền, nụ cười tươi thắm
Như đàn bướm bay trong ánh nắng vàng
Những lời Thầy Cô: khuôn vàng thước ngọc
Bài học công dân giáo dục thuở nào
“Hãy nép vào lề nghe xe cấp cứu
Nhường lối xe tang lễ phép cúi chào
Kính trọng người già, yêu thương em bé
Thai phụ ưu tiên, giúp đỡ người mù
Nhẫn nại, dịu dàng với người câm, điếc
Nhường dưới kính trên thì mới nên người”
Hãy trả cho tôi Sài Gòn xanh biếc
Công viên Tao Đàn, đường phố thênh thang
Trả lại cho tôi khung trời đại học
Xác phượng sân trường… một thuở bình an
Trả lại cho tôi màu nắng lụa vàng
Trả lại cho tôi đường lá me bay
Trả lại cho tôi Saigòn yêu dấu
Trả lại cho tôi! Hãy trả cho tôi

Đầu tháng 8/2016
Yên Sơn

Le Lac - Alphonse de Lamartine (1790 – 1869)


Vào Trang Nhà đọc được bài Tạp Ghi đôi dòng về Văn Chương Lãng Mạn cuả Pháp thế kỷ 19 cuả Người Học Trò "Già Via Cốc Ðế", lại nhớ thời Trung học, cuốn Littérature cuả Des Granges và những giờ Pháp Văn (Sinh Ngữ 1) với thày Nghiêm Toản và thầy Ðoàn Phú Tứ, say mê với những dòng thơ Le Lac của Lamartine:

Que le vent qui gémir,le roseau qui soupire
Que les parfums légers de ton air embaumé
Que tout ce qu ' on entend, l'on voit, l'on respire
Tout dise:ils ont aimé!

Ôi chao, mê mẩn, quên mọi chuyên, quên cả chuyện là hoc. trò ban B (Toán) Tú Tài 1 cuối niên học 1951-52, nếu thi rớt là không được hoãn dịch để tiếp tục học.
Nhân đây, bỗng dưng lại nhớ lõm bõm, mấy câu ,chữ còn chữ mất ,không còn nhớ tác giả và ở trong một bài cảm đề hay là ở trong một bài dịch. Viết ra đây để xin được chỉ giaó (cho biết toàn bài thì quý lắm) và cũng là để mong được coi như lơi cảm ơn Người Học Trò Già Via Cố Ðế về những cảm tình và khích lê trong nhà với nhau.
...
Nhưng sao cứ mơ màng chuyện cũ
Ngồi im nghe sóng gió thiên thâu 
Về đây bóng dáng u sầu 
Ta ngừng tiếng lệ nhớ màu thuở xưa ... 

Cầu chúc an lành cho tất cả chúng ta
Phạm Khắc Trí
 08/23/2016
***
Thầy kính mến
Đọc những lời thầy gửi, em cũng mơ màng chuyện cũ, và đi sưu tầm cho trọn bài thơ Le Lac của tác giả Lamartine.
Để góp với thầy chung tâm sự, em xin được phỏng dịch 4 câu, đoạn cuối bài Le Lac của Lamartine.

Tiếng gió rên rỉ, lau sậy thở dài
Hương thơm dịu dàng  khí trời tỏa ngát
Vạn vật lắng nghe, đang nhìn dào dạt
Tất cả đồng thanh“Họ đã yêu nhau” 

Học trò Kim Oanh  
Le Lac
Ainsi, toujours poussés vers de nouveaux rivages,
Dans la nuit éternelle emportés sans retour,
Ne pourrons-nous jamais sur l’océan des âges
Jeter l’ancre un seul jour?

Ô lac! l’année à peine a fini sa carrière,
Et près des flots chéris qu’elle devait revoir,
Regarde! je viens seul m’asseoir sur cette pierre
Où tu la vis s’asseoir!

Tu mugissais ainsi sous ces roches profondes;
Ainsi tu te brisais sur leurs flancs déchirés;
Ainsi le vent jetait l’écume de tes ondes
Sur ses pieds adorés.

Un soir, t’en souvient-il? nous voguions en silence;
On n’entendait au loin, sur l’onde et sous les cieux,
Que le bruit des rameurs qui frappaient en cadence
Tes flots harmonieux.

Tout à coup des accents inconnus à la terre
Du rivage charmé frappèrent les échos:
Le flot fut attentif, et la voix qui m’est chère
Laissa tomber ces mots:

« Ô temps, suspends ton vol! et vous, heures propices
Suspendez votre cours:
Laissez-nous savourer les rapides délices
Des plus beaux de nos jours!

« Assez de malheureux ici-bas vous implorent,
Coulez, coulez pour eux;
Prenez avec leurs jours les soins qui les dévorent,
Oubliez les heureux.

« Mais je demande en vain quelques moments encore,
Le temps m’échappe et fuit;
Je dis à cette nuit: Sois plus lente ; et l’aurore
Va dissiper la nuit.

"Aimons donc, aimons donc ! de l’heure fugitive,
Hâtons-nous, jouissons!
L’homme n’a point de port, le temps n’a point de rive ;
Il coule, et nous passons!"

Temps jaloux, se peut-il que ces moments d’ivresse,
Où l’amour à longs flots nous verse le bonheur,
S’envolent loin de nous de la même vitesse
Que les jours de malheur?

Eh quoi! n’en pourrons-nous fixer au moins la trace?
Quoi! passés pour jamais? quoi ! tout entiers perdus?
Ce temps qui les donna, ce temps qui les efface,
Ne nous les rendra plus?

Éternité, néant, passé, sombres abîmes,
Que faites-vous des jours que vous engloutissez?
Parlez : nous rendrez-vous ces extases sublimes
Que vous nous ravissez?

Ô lac! rochers muets! grottes! forêt obscure!
Vous, que le temps épargne ou qu’il peut rajeunir,
Gardez de cette nuit, gardez, belle nature,
Au moins le souvenir!

Qu’il soit dans ton repos, qu’il soit dans tes orages,
Beau lac, et dans l’aspect de tes riants coteaux,
Et dans ces noirs sapins, et dans ces rocs sauvages
Qui pendent sur tes eaux.

Qu’il soit dans le zéphyr qui frémit et qui passe,
Dans les bruits de tes bords par tes bords répétés,
Dans l’astre au front d’argent qui blanchit ta surface
De ses molles clartés.

Que le vent qui gémit, le roseau qui soupire
Que les parfums légers de ton air embaumé,
Que tout ce qu’on entend, l’on voit ou l’on respire,
Tout dise: Ils ont aimé!

Lamartine

Nỗi Nhớ Phiêu Bay



Khi nỗi nhớ bật lên mầm cỏ dại
Mùa đông về chợt hát khúc heo may
Tiếng chim hót từ thời xưa xa ngái
Xanh lên làn nắng ấm tỏa ban mai

Xanh lên ngày thon thả bước khoan thai
Em về giữa bầu trời xanh mộng tưởng
Có chếnh choáng là hàng cây ngất ngưởng
Nắng reo vui và hoa lá reo vui

Có tình anh giọt nắng đỏ tô môi
Có hương rắc qua lòng anh mở ngỏ
Mây em khoác là tình anh rung gió
Là đôi bờ sông nước sóng xôn xao

Ru tình yêu ngào ngọt buổi ban đầu
Tình e thẹn là tình vừa chín tới
Ngày chưa cũ đã nghe xanh ngày mới
Cuống quít hẹn hò cuống quít vòng tay

Nụ hôn đầu đốt cháy tuổi thơ ngây
Em bé bỏng bỗng dưng thành người lớn
Anh già dặn bỗng dưng thành đần độn
Ngồi bên em khép nép mối tình say

Thời gian trôi ngan ngát mái tóc dài
Tóc em quấn quanh lòng anh sợi nhớ
Con phố bụi ngó qua lòng bỡ ngỡ
Những ngày dài tha thiết bám đuôi em

Quán nhỏ chiều hôm dào dạt hương quen
Ly xí muội chia nhau còn ngọt mãi
Chiếc xe ấm thân hình em mềm mại
Chở nhau về xuân nõn mượt về theo

Và nỗi nhớ dài gió lộng trăng treo
Dài cánh dơi bay dài lời dế gáy
Nghe những bước chân xưa về nhún nhẩy
Mở cửa lòng tiếng nhạc gió thương reo

Trầm Vân

Xa Quá Tình Em !


Thu về nghe mát
Thèm khát giấc mơ
Bơ phờ phiêu bạt
Gãy nát vần thơ.

Đêm mờ lộng gió
Hơi thở mặn nồng
Tầng không lá đỏ
Em nhớ gì không?

Lòng vòng bịn rịn
Câm nín chia tay
Hỏi ai còn tính
Lừa phỉnh tình nầy.

Đêm nay gió lạnh
Hiu quạnh bùi ngùi
Em còn đỏng đảnh
Cay đắng lòng anh.

Thôi đành từ giã
Hai ngã đường trần
Càng gần càng lạ
Xa quá tình em!..

Dương Hồng Thủy