Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2016

Gọi Thầm Tên Em - Sáng Tác Quách Nam Dung


Đợi Trời



Lâu lắm rồi ta đợi ông Trời
Lâu lắm rồi ông ngó xuống coi
Dân ta quằn quại trong cơn khát
Nước chẳng còn trong, mặn chát rồi

Tấc đất ngọn rau bệnh úa vàng
Đi trên quê mẹ dạ hoang mang
Ngược xuôi khó nổi nên cơm cháo
Nắng cháy bụi mù khó thở than

Nước ơi trốn biệt về đâu nhỉ
Xin ngọt lòng dân sống qua thì
Khan cổ kêu hoài không tiếng vọng
Cúi đầu nghẹn lại tiếng sầu bi


Ai bảo lòng Nhân là xa xỉ
Cợt đùa mưa nắng chuyện như chơi
Ta nói lòng Nhân là chuyện lạ
Tươi héo đời nay chuyện tức cười


Chân Diện Mục

Hạn Hán



Bài Thơ Xướng:
Hạn Hán

Hừng hực suốt ngày như lửa hong
Cằn khô nứt nẻ khắp nương đồng
Kênh mương thiếu nước trơ phèn mặn
Dòng chảy cạn nguồn lộ đáy sông
Xơ xác ruộng còi, cây héo đọt
Ủ ê chồng nản, vợ đau lòng
Than trời trách đất nào ai thấu
Một trận mưa ào mỏi cổ trông.!

Phương Hà
***
Các Bài Thơ Hoạ:
Mạnh Hiếp Yếu
 
Thằn lằn rình rập đớp bò hong
Khỏi đói trăn kia nuốt chuột đồng
Giống vật săn mồi theo bản sắc
Con người giành của chặn giòng sông
Hòa bình chung sống chưa hòa nhịp
Thế giới riêng thâu mới thỏa lòng
Khốn khó trùm lên dân nhược tiểu
Thiên đường hạ giới dễ gì trông!

Cao Linh Tử
***
Nước ơi!

Nước khô còn bị mặt trời hong
Các tỉnh Miền Tây mặn ngập đồng
Ruộng lúa xác xơ mong đợi nước
Vườn cây héo hắt ngó chờ sông
Đầu nguồn vui sướng xây bao đập
Cuối bãi âu lo rối cả lòng
Cố chịu mùa này sau sẽ tính
Trời xa mưa chẳng chớ mòn trông.

Quên Đi
***
1/Nguyên Nhân

Báo động từ lâu đất nẻ hong,
Nguyên nhân rõ nét hạn khô đồng.
Nắng thiêu đốt cháy cây trơ ngọn,
Gió bấc đông xuân cạn kiệt sông.
Hữu nghị láng giềng ngăn chận, đập!
Tương thân mấy tốt cũng đau lòng.
Hạ lưu tại Cửu Long Giang mặn,
Thiệt hại dân ta hết chỗ trông!

2/Vựa Thóc Lớn Nhất Đng Bằng Sông Cửu Long Nay Còn Không

Rừng rú người ta đốt lửa hong,
Ruộng nương nước ngọt thóc đầy đồng.
Lẽ nào hạn hán mà khô kiệt ?
Sao lại chận nguồn đắp đập sông!
Lục tỉnh miền Tây chua đất mặn,
Cữu Long lưu vực cạn phơi lòng?
Than thân trách phận không ai giúp!
Nếp cũ hài hòa cũng hết trông!

Mai Xuân Thanh
***
Cảm Xúc:
Láng Giềng Chơi Xỏ
     
Thấy mà tức giận đến cành hong!
Nức nẻ đất đai khắp ruộng đồng
Hạ vực trơ nguồn do thiếu nước
Thượng lưu đấp đập cản dòng sông
Trên bờ biên giới thì xâm chiếm
Dưới biển be bờ cướp biển Đông
Hạn hán do trời đâu đến nỗi
Láng giềng chơi xỏ mới đau lòng!

Song Quang

Quay Về Chánh Đạo



Vầng đông lên, thắm sắc hồng
Đường về chánh niệm hương không đậm màu
Luân hồi mang kiếp, lạ sao?
An nhiên tự tại, duyên trao cam lồ.

Xa hoa phù phiếm ngu ngơ
Hồng ân tam bảo phò đồ chúng sinh
Ngày rằm hương khói lung linh
Cố công tu niệm, chuyển mình chân tâm.

Từ bi giải thoát tham sân
Thân tâm an lạc, nẻo gần vãng sanh
Nối vòng tay với duyên lành
Tìm nơi bờ giác, lìa dần bến mê.

Qua cơn ác mộng não nề
Ta bà phiền não nhất tề giải xa
Niệm Nam-Mô Phật Di-Đà
Ngày ngày kinh tụng, nhà nhà thảnh thơi*

Gia đình quyến thuộc hồng tươi*
Niệm danh Bồ Tát cuộc đời nên danh
Quy y cửa Phật lòng thành
Quay về chánh đạo, niết bàn là đây..

Bùi Thanh Tiên
*theo kinh Phổ Môn




Viết Về Lớp Lý Hóa Đệ Nhị Cấp

(Sinh Nhật 40 năm lớp Sư Phạm Lý Hóa Đệ Nhị Cấp đầu tiên trường Đại Học Cần Thơ 1973-2013) 

Các bạn thân!
Có lẽ các bạn chê tôi là già rồi mà còn “muốn trở về thời thơ ấu”, giờ này còn” viết bài giống làm báo tường“, nhưng đây cũng là niềm vui ở tuổi 60 này, đối với chúng ta đa số thuộc lớp về hưu, đã làm tròn bổn phận với xã hội (còn ai muốn cống hiến tiếp thì xin nâng tuổi về hưu thêm 5 năm nữa như nhiều ý kiến nêu ra trong khoảng thời gian này). Thời gian còn lại, mỗi người tìm cho mình một niềm vui nho nhỏ của riêng mình (ngoài việc giữ cháu nếu có, hoặc còn ham bon chen với bọn trẻ giành hết công việc kiếm tiền của chúng….) bạn làm thơ (vì có khiếu), bạn thích viết bài châm biếm (vì có đầu óc khôi hài) ….. Riêng tôi đều dở về các lãnh vực đó, nhưng vẫn thích đọc các bài bạn sáng tạo ra. Tôi trân trọng kỷ niệm, dù vui hay buồn, nhưng với tôi vui thì nhiều hơn, bạn có chắc rằng chưa bao giờ để cho dòng suy tưởng dẫn bạn về tuổi thơ ??? Tôi không tin điều đó. Đến một thời điểm nào đó đánh dấu một sự kiện, tôi lại thích tìm về quá khứ, ghi lại tình cảm dâng trào trong tôi, để đôi lúc bật cười khi gương mặt nghịch ngợm của ai đó hiện ra, hay niềm yêu mến trào dâng hướng về hình ảnh thân thương xa xưa, thoáng suy tư khi đọc lại bài thơ được tặng nhưng chưa đề tựa, nhắm mắt lại để hình dung những gì Hồng Mỹ đã viết về lớp, về các bạn trong những bức thư gửi cho tôi khi tôi rời xa các bạn về Saigon tiếp tục học, hoặc cố tình xem lại vài trang nhật ký ghi về thời sinh viên của 40 năm trước. 
(Cần Thơ xưa)
Tây Đô Thứ bảy 10-11-73
Thế là mình đã nhập học độ 3 ngày, mình ngỡ sẽ học tại trường có khoa Sư phạm, không ngờ khoa lại gởi ban Lý Hóa Đệ II cấp của mình qua học nhờ bên Khoa học. Nản kinh khủng, mình bị ấn tượng mạnh về việc thi cử tại khoa học Saigon, ai cũng than khó, do đó mình học mà cứ hồi hộp, lo sợ và ngán quá đổi. Học hành mà lòng không an, chán quá! H.Mỹ và mình bảo nhau có khi nào Sư phạm mở ban đệ II cấp lần đầu rồi sau đó không ai đậu nổi các môn bên Khoa học, rồi ban Sư phạm này dẹp luôn???.......

Thứ ba 13-11-73
Biết rằng số phận đã an bày, than vãn cũng không ích lợi gì, nhưng mình vẫn lo lắng, buồn khôn tả. Có thể nói tâm trạng mình hiện tại với ngày học ở SG trường N. An Ninh năm lớp 12 giống nhau vô cùng. Buồn rầu muốn chết đi được, muốn bỏ học tất cả để về nhà luôn, ở gần người thân. Thì ra từ trước đến nay mình tưởng mình gan dạ nhất không nản lòng trước mọi áp lực, đi đâu cũng được, bây giờ mới thấy đúng là một nàng con gái yếu đuối, nước mắt là bạn của mình, nghĩ đến việc gì một chút cũng khóc một cách ngon lành, dù chỉ có một mình. Tưởng tượng phải sống ở Cần Thơ 4 năm nữa mà phát sợ.

Thứ tư 21-11-73
Những ngày qua mình đã bớt nhớ nhà nhờ có công việc làm, đôi lúc cười đùa vui vẻ nhờ các bạn mới cùng nhà trọ họ vui tánh và tếu kinh khủng.
Bây giờ lớp Sư phạm của mình đã biết nhau khá nhiều nên đỡ buồn đôi chút, tuy học chung lớp Khoa học chính xác gần trăm sv đa số là nam, nhưng lớp Sư phạm mình tập trung lại một nơi nhờ đó mới biết nhau và giúp đỡ nhau trong học tập, và có bạn đồng hương là H.Mỹ học chung khiến mình cảm thấy bớt cô đơn và tự tin hơn.

Điểm đến buổi cắm trại lớp SPLH 2
Không biết tâm trạng các bạn ngày đó thế nào (nhất là các bạn ở tỉnh khác đến), tôi và Mỹ ngày đầu tiên háo hức đến trường tìm lớp bắt đầu thời sinh viên hằng ao ước, 2 đứa hẹn nhau trước cổng trường đ.h Khoa học khu Tự Đức lội bộ qua khu đh. dành cho khoa Sư phạm ở Cái Khế, đến nơi tìm mãi không thấy lớp nào ghi tên SPLHĐệ II cấp cả, các lớp đông đủ sv ngồi nghe các thầy cô sinh hoạt, ngoài sân trường vắng, không ai đi lang thang như tôi và Mỹ, thế là 2 đứa lội bộ trở qua điểm xuất phát với tâm trạng rối bời, trước cổng khu Tự Đức cũng vắng, vì sv đã vào lớp chỉ có vài anh đứng lớ ngớ chờ đợi, qua chuyện trò mới biết chúng ta cùng là sv mồ côi đang tìm nhà, những ảo tưởng tươi đẹp cho ngày đầu tiên làm sv biến mất nhường cho sự âu lo, buồn nản khi được anh Lân tìm ra chúng ta và thông báo chương trình sẽ học của lớp 2 năm đầu hoàn toàn học chung bên Khoa học chính xác và hóa ứng dụng.

Ngày thứ 2 làm sinh viên, cũng là ngày đầu tiên học cùng sv lớp K.H.C.X lại càng chán hơn khi lớp quá đông, toàn là con trai, mỏi mắt nhìn quanh đếm bóng hồng không đến 5/100, ồn ào như cái chợ…nản quá…. Nhưng cũng may là ngày sau lớp SPLH ngồi tập trung lại một góc, nên làm quen nhau và thấy có mối dây thân thiết ràng buộc nhau hơn. Tuy anh Lân không cùng trực tiếp học chung lớp (vì đã học trước 1 năm K.H.C.X), nhưng lớp tin tưởng bầu làm lớp trưởng, anh thể hiện vai trò anh đầu đàn luôn thường xuyên lui tới giúp đỡ đàn em, vì thế lớp quí anh cho đến hôm nay. Nếu nhớ không lầm lớp chỉ khoảng 20 sv, chia làm 5 nhóm nhỏ để cùng nhau học tập, nhóm của tôi có thêm H.Mỹ, Phước Hòa, Trần Nhạc, hình như 2 huynh ăn hiếp 2 cô bạn gái xinh đẹp duy nhất của lớp, có lẽ ngày đó chúng tôi là 2 cô gái đồng bằng sông Cửu Long nhu mì, hiền thục!!! Các huynh phải biết rằng tu mấy kiếp mới được lớp cho vào cùng nhóm tụi này vì các nhóm kia toàn là con trai.
May mắn đối với tôi là có 2 nhóm bạn thân:
- Ái Hữu 72 gồm 20 bạn học chung từ đệ thất đến hết đệ nhất trường Tống Phước Hiệp, dây thân ái thắt chặt chúng tôi cho mãi đến hôm nay, mặc dù hiện nay sĩ số có giảm vì người ở, người đi nhưng nhờ nền văn minh hiện đại dù ở tận nơi xa xôi nửa vòng trái đất chúng tôi vẫn biết tin nhau.
- Nhóm bạn Đ.H.S.P.L.H.C.T này: tình cảm các bạn dành cho tôi nhiều hay ít hoặc thậm chí là zéro, nhưng tình cảm tôi dành cho các bạn từ năm 1973 đến nay không giảm, mặc dù nửa thời gian sau tôi lên SG học, không chung lớp bạn nữa, nhưng lúc nào tôi cũng nghĩ mình là thành viên của lớp. Tình cảm này có được có lẽ tôi và Mỹ được các bạn “cưng chiều“. Điển hình vài trường hợp nhé:
1- Các nữ sinh viên lớp khác ghen tỵ với chúng tôi vì thời gian cả trường phải tham gia lao động đào đất, các anh không cho chúng tôi làm gì cả (có lẽ các anh cho rằng 2 tôi chỉ làm vướng bận chậm công trình của lớp??? (nhưng nghĩ sao cũng được), khi họ phải hì hụcđào bới bưng đất.

2- Trong thời gian tham gia phong trào vận động bầu cử ở Phong Điền (14-19/4/1976)các anh luôn chăm lo, săn sóc chu đáo cho tôi và Mỹ. Nhắc đến thấy vui mà cũng có nỗi sợ. Cả nhóm sợ có kẻ gây rối rượt theo khi buổi chiều gần đến, vội vã tìm xuồng qua sông nghỉ đêm tại trường Nhơn Khánh như kế hoạch, trời chạng vạng còn xuống sông bơi lội vui đùa. Tối bày ra “xây cơ“ một phen lo lắng ngủ không yên. Đêm cuối cùng tại chợ Phụng Hiệp, tôi và Mỹ lang thang tìm được chỗ tắm nhờ và cô chủ duy nhất đồng ý cho 2 tôi ngủ đêm tại nhà cô, thế mà các anh đi tìm được và buộc phải tập trung theo nhóm tại một ngôi trường gần đó, để bảo đảm an toàn, các anh đã chuẩn bị sẵn chỗ cho chúng tôi rồi.

Tôi rất quí tình bạn bè nên luôn giữ những kỷ vật, nhưng bạn làm tôi thất vọng khi xóa sổ tập lưu ảnh thời học sinh & sinh viên của tôi ra khỏi thế gian này, để thỏa mãn các “tay say“ trong buổi chia tay tuổi sinh viên, (30 năm sau tôi mới biết được thủ phạm ), trong khi bài hát “Em đi đưa cơm cho mẹ em cày“ mà bạn đã dạy cho tôi ở lớp trong các buổi học chính trị, tôi vẫn thường hát theo yêu cầu của con tôi khi còn nhỏ, vì nội dung bài khá ngộ nghĩnh. Như vậy bạn nghĩ sao ??? Huỳnh Thanh Sơn! Bạn nợ tôi trong 30 năm ấm ức đấy. 
Mỗi khi thay đổi môi trường, cần thời gian thích ứng, giai đoạn đầu khi chuyển lên ĐHSPTPHCM tâm trạng tôi cũng giống mới vào ĐHCT nhưng tôi còn có những người bạn động viên tôi qua các bức thư thăm hỏi, bài thơ viết bằng mực tím tặng tôi.H.Mỹ đã giúp tôi nhiều trong mối dây liên lạc đó và đã tận tình xin các thủ tục giấy tờ phiếu điểm chuyển cho tôi, rất cám ơn Mỹ nhiều nhe! (hơn 40 năm tôi vẫn còn giữ đấy nhé, ai muốn xin chuộc lại thì lên tiếng nhé, dù sao cũng ghi nhận và cám ơn những tình cảm chân thành thuở học trò).
(xin lỗi Hứa Tân Xuân vì tôi đưa bài thơ vào, nhưng tôi muốn mọi người thưởng thức bài thơ hay mà bạn đã làm tặng tôi nhân ngày chia tay tiễn tôi lên Saigon)
Mỹ viết: Tôi thấy bây giờ"các chuẩn thầy giáo“ lớp mình tiến bộ ghê quá"! Hay cãi nhau, hay kênh nhau! Hay miệt thị nhau! Hay phá nhau! Lại cũng hay giúp đỡ và đoàn kết nhau. Có lẽ nhờ đức tính đó mà chúng ta vẫn còn duy trì đến nay. Mỹ kể về tình hình lớp về các trận đá banh chỉ thua hoặc huề, lý do “thiếu chiếc áo vàng trên sân cỏ” (theo lời BTT Hứa Tân Xuân). Nói đến màu vàng tôi nghĩ đến bài thơ sáng tác khi mà H.T.X ngẩu hứng làm ra hay làm khi nào không biết dùng để tặng tôi và còn nhiều bài thơ đã làm nhưng chưa dám gửi, Mỹ gửi cho tôi:

TP hóa lý bài Quang Phổ
Anh chế anh pha hóa chất màu 
Đẹp quá em ơi! màu ống nghiệm
Áo vàng em mặc buổi hôm nao 

Con người xem ra tình cảm như thế, mà đã bao năm xa cách, đôi khi về VN vẫn không hề liên lạc với các bạn lớp mình, (có lẽ mấy mươi năm rồi không biết địa chỉ chúng ta chăng?) dù sao cũng cảm ơn những tình cảm chân thành dành cho cô bạn gái nhỏ đất Vĩnh, biết đâu trong tiềm thức vẫn còn hình ảnh lóp chúng ta nhưng vì lý do nào đó, nên ..?..?..? (Tôi không rành và không biết làm thơ lắm, nhưng vẫn thích đọc những bài thơ làm riêng tặng cho tôi).

Thời gian sau khi tốt nghiệp xong, đất nước vừa thay đổi, cuộc sống vô cùng khó khăn, phương tiện giao thông trắc trở, bạn bè hầu như mất liên lạc nhau, nhưng vẫn còn những người bạn không quên nhau, nếu có dip đi ngang Trường An ghé thăm xem tôi còn sống nơi này hay đã thất lạc nơi nao? Đối với tôi thời điểm đó rất quí khi được hội ngộ bất ngờ với Anh Lân và cô bạn gái (và hiểu được sự mất mát của gia đình anh), nỗi vui mừng khi thấy T.S.An đến thăm người chị này và vui khi biết An có một gia đình hạnh phúc, cuộc sống ổn định, không như những ngày sau 30/4 với sự lo lắng của chị và H.Mỹ dành cho An, vì quê An xa nhất so với các bạn trong lớp. Hơn mấy chục năm sau, thật xúc động khi gặp lại anh Măn từ nửa vòng trái đất trở về trong tình trạng sức khỏe không tốt lắm vẫn viếng thăm bạn bè xưa.
Các bạn thân! Có lẽ các bạn đang cười tôi, cô bạn già lẩm cẩm, nghĩ ngợi lung tung, bạn bè học chung một, hai năm,xa cách cả mấy chục năm làm gì còn tình cảm như xưa, đã thế còn cất giữ chi những thứ linh tinh, đâu phải thư tình của người yêu, nhưng tôi đã bảo “ tình cảm tôi ướt át, uỷ mị“ và tôi quí các bạn, đối với tôi trong cuộc sống không phải chỉ lo làm giàu, ăn, ngủ mà một phần “tình cảm chân thành, niềm tin giữa con người “giúp tôi vượt qua những khó khăn, làm tâm hồn tôi luôn tươi trẻ.
(Vĩnh Long xưa)
Vĩnh Long – Cần Thơ chỉ hơn 30 km, nhưng mãi gần 30 năm sau tôi mới có dịp trở qua, phải tìm đến địa chỉ duy nhất tôi còn nhớ là nhà Lâm Phước Hòa (vì Hòa quê tại Cần Thơ), hy vọng bạn vẫn còn ở nơi này, thật vui khi gặp được Bác trai nhắc lại chuyện cũ cùng Bác, không biết Bác còn nhớ không và vui hơn khi gặp lại bạn, tính tình vẫn như xưa, nhưng vóc dáng ra vẻ ”người lớn” không còn “trẻ con” trước mắt tôi (đừng tự ái nhé). Có lẽ vào thời gian đầu bỡ ngỡ, bơ vơ khi học ở KHCX, tôi cùng nhóm học với bạn, nên tôi cảm thấy rất thân và hay ăn hiếp bạn phải không? Đó cũng là một hân hạnh đấy nhé. Từ nơi bạn tôi mới biết được tin tức các bạn khác và cũng nhờ tiến bộ khoa học chúng ta mới liên lạc được với nhau
Các bạn thân! Không ngờ tất cả chúng ta gặp lại nhau tại nơi mà 30 năm trước còn là các cô gái, chàng trai rời quê bắt đầu cuộc sống sinh viên, đứng ngơ ngác trước cổng trường tìm lớp học. Bây giờ chính ngôi trường này nằm dưới bàn tay sinh sát của bạn Nguyễn Hồng Vân, ngày đêm lo nghĩ hành hạ sinh viên nên một đêm thức dậy tóc đã bạc trắng???

Vẫn dáng đi hàng ngang, giọng nói lè nhè, nhưng không phải giảm tới mười mấy kilogram vì thương nhớ cô bạn gái đổi đi Sàigon học như thư bạn gửi mà phải thay chữ giảm là chữ tăng, đừng giận nhé P.Anh Quốc chính nét đặc biệt này làm ai cũng phải nhớ đến bạn, cụ thể là “tôi thức trắng đêm vì mừng là sáng được gặp lại bạn“(ngày họp mặt đầu tiên sau 30 năm đấy, tin không???). Dù sao cũng cám ơn lời động viên, thăm hỏi của bạn vào thời điểm đó. Cũng không ngờ bạn lại hoán chuyển nơi cư trú với công tử Bạc Liêu Lý Đại Hòa và làm em rể anh ấy. Xem ra bạn L.Đ.Hòa cũng khôn chứ, chọn chồng cho em gái là bạn thân thì chắc ăn rồi, nếu anh Hòa có chuyện gì cần đến ông em này, thì phải sẵn sàng phục vụ thôi, nếu không anh Hòa sẽ khui chuyện hồi xửa hồi xưa…thì chết với vợ thôi, nhưng ngược lại nếu anh Hòa không đối xử tốt thì chàng ta cũng đem chuyện thời sinh viên tâu báo cùng chị dâu. Đùa vui thôi, chứ các bạn tôi đều là những sinh viên học giỏi, thật thà và luôn luôn nghiêm túc.?.?.?
Niềm vui nhất của tôi khi gặp lại các bạn là tất cả thành viên của lớp đều có một gia đình hạnh phúc, con cái thành đạt, nhưng nếu trong chúng ta có ai đó cùng kết thông gia thì tốt biết bao, vì khỏi mất công tìm hiểu gia đình 2 bên, giống như Quốc và Đ.Hòa vậy. Mong ước là thế, nhưng thời mình còn không mai mối, huống gì thời đại kỹ thuật số này các bạn nhỉ?

Tuy thời gian còn lại của chúng ta giảm dần, nhưng hy vọng tình cảm bạn bè chân thành của chúng ta dành cho nhau tăng dần theo cấp số nhân. Nếu sau này sức khỏe chúng ta yếu dần không thể còn dịp họp mặt nhau để mà ”nói xiên, nói xỏ”, nhấm nháp ly bia, thì cũng còn sức ráng nhớ bấm số “ alô” cho nhau, nhưng nếu thấy lâu không bắt máy thì đừng vội tắt đi vì phải chờ gắn máy trợ thính nữa bạn ơi!

Phan Thị Sương

Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2016

Phượng Nhớ



Hình Ảnh & Thơ: Nguyễn Cao Khải
Trình Bày: Kim Oanh

Chiều Trên Đại Tây Dương



Biển xanh giờ đã ngã màu 
Chiều buông chầm chậm theo tàu ra khơi 
Phượng buồn đỏ thẫm chân trời 
Nhớ hè năm cũ một thời yêu nhau 
Xa rồi người ấy về đâu 
Cánh chim phiêu bạt mang sầu biệt ly 
Trên cao gió gọi những gì 
Bao la sóng nước tàu đi lạnh lùng...

Biện Công Danh
Montevideo, Uruguay.
March 2016.
* Ảnh chụ của tác giả
***
Bài Họa:
Xa Thật Rồi


Thời gian trôi tóc phai màu
Năm xưa người đã xuống tàu xa khơi
Mình về riêng một góc trời
Vui cùng kỷ niệm nhớ thời gần nhau
Em giờ ở tận đâu đâu
Có còn tâm trạng nỗi sầu từ ly
Hay là quên hết những gì
Buông xuôi dĩ vãng quay đi chẳng lùng

Quên Đi

Nhớ Những Mùa Thi


(Từ bài Chiều Trên Đại Tây Dương của Biện Công Danh)

Xếp lại kỷ niệm giữ màu
Từ giã đất Vĩnh lên tàu vượt khơi
Ly hương xa cách phương trời
Luyến lưu trường lớp suốt thời bên nhau

Dù cho thất lạc nơi đâu

Hành trang ký ức gánh sầu mang đi
Hè sang nhớ những mùa thi
Ép cánh hoa phượng khắc ghi buổi đầu

Kim Oanh

Người Thổi Hồn Cho Đá


Sầu năm tháng lặng giữa mây trời
Bảo cuộn mưa dầm trải sức phơi
Một khối vô hồn trơ phỗng đá
Hình nhân lộ tướng cảm duyên đời
Bàn tay nghệ sĩ mang hoài bảo
Trí não con người tải vạn khơi
Phục hổ tàng long nguồn thể hiện
Tinh thần sức mạnh tỏ thay lời.

Nguyễn Đắc Thắng

Việt Nam Văn Học Sử Yếu - Dương Quảng Hàm.(Chương Thứ Nhất)

VIỆT NAM VĂN HỌC SỬ YẾU
THIÊN THỨ NHẤT
VĂN CHƯƠNG BÌNH DÂN



Chương thứ nhất
Văn chương truyền khẩu


Văn chương truyền khẩu – Như chương dẫn đầu đã nói, ở nước ta, trước khi có văn chương bác học, đã có một nền văn chương bình dân truyền khẩu. Văn chương truyền khẩu ấy là tục ngữ và ca dao. Vậy ta phải xét nền văn ấy trước. 
I. Tục ngữ 
Định nghĩa những chữ tục ngữ, ngạn ngữ, và phương ngôn. 
- tục ngữ (tục: thói quen có đã lâu đời ngữ: lời noí) là những câu nói gọn ghẽ và có ý nghĩa lưu hành tự đời xưa, rồi do cửa miệng người đời truyền đi. Tục ngữ còn gọi là ngạn ngữ ngữ , vì chữ ngạn nghiã là lời nói của người xưa truyền lại. 
Còn phương ngôn (phương; địa phương, vùng) là những câu tục ngữ chỉ thông dụng trong một vùng chứ không lưu hành khắp trong nước. 
Nguồn gốc của tục ngữ :- Xét về nguồn gốc, ta có thể chia tục ngữ ra làm hai loại: 

1) Những câu vốn là tục ngữ, tức là những câu nói thường, lúc ban đầu chắc cũng do một người phát ra trước tiên, rồi vì ý nó xác đáng, lời nó gọn ghẽ, người khác nghe đến nhớ ngay, sau cứ thế nhắc lại mà truyền tới bây giờ, đến nay ta không biết tác giả là ai nữa. Những câu về loại này chiếm phần nhiều nhất. 

2) Những câu vốn là thơ ca mà sau biến thành tục ngữ. Những câu nguyên ở trong một bài thơ hoặc một bài ca của một tác giả nào, nhưng vì ý đúng, lời hay, nên người ta truyền tụng đi mà làm thành một câu tục ngữ. 
Thí dụ: Câu tục ngữ “Thương người như thể thương thân” vốn là một câu trong tập Gia huấn ca của Nguyễn Trãi. 
Hình thức của tục ngữ: -xét về hình thức, tục ngữ có thể chia ra làm hai loại.

1) Những câu không vần, có ít. Những câu này có hai cách đặt: 
a) Hoặc đặt lấy đối: một câu chia làm hai đoạn đối nhau. 
Thí dụ: “Giơ cao đánh sẽ”- “No nên bụt, đói nên ma”.

b) Hoặc đặt không đối, chỉ cốt ý đúng lời gọn thôi. 
Thí dụ: “Mật ngọt chết ruồi”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”

2) Những câu có vần, rất nhiều. 
Vần trong các câu tục ngữ thường là yêu vận (yêu:lưng) nghĩa là vần ở lưng chừng câu, thỉnh thoảng mới có cước vận (cước: chân) nghĩa là vần ở cuối câu. 
Thí dụ: “Ăn cây nào, rào cây ấy” , “Nói ngọt lọt đến xương”“Khôn cho người vái, dại cho người thương, dở dơ ương ương, tổ người ta ghét”. 

Ý nghĩa các câu tục ngữ - tục ngữ của nước ta rất nhiều mà mỗi câu mỗi ý. 
Tựu trung, ta cũng có thể chia làm mấy loại như sau: 
1) Những câu thuộc về luân lý. Những câu nầy: 
a) Hoặc dạy đạo làm người. 
Thí dụ: “tốt danh hơn lành áo” – “Giấy rách giữ lấy lề”, “Sống đục sao bằng thác trong”. 

b) Hoặc cho ta biết những lý sự đương nhiên. 
Thí dụ “Khôn sống, mống chết” , -“Mạnh được, yếu thua”. 
Hoặc dạy khôn dạy ngoan. 
Thí dụ “Ăn cổ đi trước, lội nước đi sau”, “gửi lời thì nói , gửi gói thì mở” – “Ăn no nằm ngũ, chờ bàu chủ mà lo”. 

Nền luân lý trong tục ngữ là một nền luân lý bình thường, tuy không có tính cách cao siêu nhưng cũng đủ khiến cho người ta thành một người lương thiện và không đến nỗi khờ dại để người khác khác lường gạt được. 

2) Những câu thuộc về tâm lý người đời. Những câu nầy là tả thế thái nhân tình, nhờ đó mà ta biết được tâm lý của người đời. 
Thí dụ “Của người bồ tát, của mình lạt buộc”, “Vén tay áo xô, đốt nhà táng giấy” ,”Yêu nên tốt, ghét nên xấu” , “Dao năng liếc thì sắc, người năng chào thì quen”. 

3) Những câu thuộc về phong tục, nhờ đó mà ta biết các tập tục, tín ngưỡng ở nước ta. 
Thí dụ: “Một miếng giữa làng, bằng một sàng xó bếp”, “Vô vọng bất thành quan” , “ Cao nấm ấm mồ”, “Sống về mồ mả, không sống về cả bát cơm.” 

4) Những câu thuộc về thường thức. Những câu nầy: 
a) Hoặc nói về thời tiết. 
Thí dụ: "Chớp đông nhay nháy, gà gáy thì mưa”, “Tháng bảy heo may, chuồn chuồn bay thì bão”. 
b) Hoặc nói về việc canh nông. 
Thí dụ: “Trời nắng tốt dưa, trời mưa tốt lúa”. “Lúa giỗ, ngả mạ; vàng rạ thì mạ xuống đồng”. 
c) Hoặc nói về thổ sản. 
Thí dụ: Dưa La (1), cà Láng (2), nem Báng (3) , tương Bần (4), nước mắm Vạn Vân (5), cá rô Đầm Sét (6). 
d) Hoặc nói về lễ phép, thù ứng. 
Thí dụ: “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, “ăn miếng chả, trả miếng nem”, “Có đi có lại, mới toại lòng nhau” v.v.. 
(1) La: tức là tổng La nội, phủ Hoài đức, tỉnh Hà Đông. 
(2) Láng: tên nôm của làng Yên lãng, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà đông. 
(3) Báng có lẽ là làng Đình bảng, phủ Từ sơn, tỉnh Bắc ninh. 
(4) Bần : tên nôm của làng Yên nhân, phủ Mỹ hào, tỉnh Hưng yên 
(5) Vạn Vân (vạn: làng bọn thuyền chài), tức là tổng Vân hải huyện Hoành hồ, tỉnh Quảng yên. 
(6) Đầm sét: tên nôm của làng Diêm khê, huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà đông. 

Những câu nầy là do những điều kinh nghiệm của cổ nhân đã chung đúc lại, nhờ đấy mà người dân vô học cũng có một cái tri thức thông thường để làm ăn và cư xử ở đời. 
Thành ngữ: Thành ngữ là những lời nói do nhiều tiếng ghép lại đã lập thành sẵn, ta có thể mượn để diễn đạt một ý tưởng của ta khi nói chuyện hoặc viết văn.

Trong những câu người ta thường gọi là tục ngữ, có rất nhiều câu chỉ là thành ngữ chứ không phải là tục ngữ thật. 
Thí dụ: “dốt đặc cán mai”, “Nói toạc móng heo”, “Miệng hùm nọc rắn”, “Tiền rừng bạc bể” . 
Sự khác nhau của tục ngữ và thành ngữ là ở chỗ nầy: một câu tục ngữ tự nó phải có một ý nghĩa đầy đủ, hoặc khuyên răn, hoặc chỉ bảo điều gì ,còn như thành ngữ chỉ là những lời nói có sẵn để ta tiện dùng mà diễn một ý gì hoặc một trạng thái gì cho có màu mè.

Câu ví: Trong số các thành ngữ của ta, có rất nhiều câu dùng để so sánh hai sự vật với nhau, thứ nhất là một ý nghĩ ở trong trí với một vật, hoặc một cảnh tượng ở ngoài: những câu ấy tức là câu ví. Thí dụ: “đắng như bồ hòn”, “Trắng như trứng gà bóc”, “Lào nhào như cháo với cơm”, “Nhởn nhơ như con đĩ đánh bồng”, “Thẳng như ruột ngựa, “”Nói như đóng đanh vào cột”, “trông như trông mẹ về chợ." 

II. Ca dao 

Định nghĩa: Ca dao (ca: hát; dao: bài hát không có chương khúc) là những bài hát ngắn lưu hành trong dân gian, thường tả tính tình phong tục của người bình dân. Bởi thế ca dao cũng gọi là phong dao (phong: phong tục) nữa. Ca dao cũng như tục ngữ, không biết tác giả là ai ; chắc lúc ban đầu cũng do một người vì có cảm xúc mà làm nên , rồi người sau nhớ lấy mà truyền tụng mãi đến bây giờ. 
Thể văn: - Ca dao viết theo mấy thể văn nầy: 
1) Thể lục bát chính thức (câu 6 câu 8 kế tiếp nhau, hoặc thể lục bát biến thức (thỉnh thoảng có xem những câu dài hơn 6 hoặc 8 chữ). Thí dụ: 
Thể lục bát chính thức: 

Tò vò mà nuôi con dện (nhện) 
Ngày sau nó lớn nó quến nhau đi 
Tò vò ngồi khóc tỉ ti: 
“Dện ơi! Dện hỡi ! Mầy đi đàng nào?” 

Thể lục bát biến thức: 

Công anh đắp nấm, trồng chanh 
Chẳng được ăn quả, vịn cành cho cam 
Xin đừng ra dạ bắc nam 
Nhất nhật bất kiến như tam thu hề 
Huống tam thu như bất kiến hề, 
Đường kia, nỗi nọ như chia mối sầu 
Chắc về đâu đã hẳn hơn đâu 
Cầu tre vững nhịp hơn cầu thượng gia. 
Bắc thang lên thử hỏi trăng già, 
Phải rằng phận gái hạt mưa sa giữa trời. 
May ra gặp được giếng khơi, 
Vừa trong vừa mát lại nơi thanh nhàn 
Chẳng may số phận gian nan. 
Lầm tham cũng chịu phàn nàn cùng ai. 
Đã yêu nhau, giá thú bất luận tài! 

2) Thể song thất lục bát chính thức hoặc biến thức. 
Thí dụ: 
Thể song thất chính thức: 
Bác mẹ già phơ phơ đầu bạc 
Con chàng còn trứng nước thơ ngây. 
Có hay chàng ở đâu đây 
Thiếp xin mượn cánh chắp bay theo chàng. 

Thể song thất biến thức: 
Tròng trành như nón không quai, 
Như thuyền không lái như ai không chồng 
Gái có chồng như gông đeo cổ, 
Gái không chồng như phản gỗ long đanh. 
Phản long đanh anh còn chữa được, 
Gái không chồng chạy ngược chạy xuôi. 
Không chồng khốn lắm, chị em ơi! 

3) Thể nói lối: câu đặt thường bốn chữ, cứ chữ cuối câu trên vần với chữ thứ hai, hoặc chữ cuối câu dưới. 
Thí dụ: 
Lạy trời mưa xuống, 
Lấy nước tôi uống, 
Lấy ruộng tôi cày 
Lấy bát cơm đầy 
Lấy khúc cá to. 

4) Có khi một bài gồm hai hoặc ba thể trên. 
Thí dụ: 
Quả cau nho nhỏ 
Cái vỏ vân vân 
Nay anh học gần 
Mai anh học xa. 
Anh lấy em từ thuở mười ba, 
Đến năm mười tám thiếp đà năm con. 
Ra đường thiếp hãy còn son. 
Về nhà thiếp đã năm con cùng chàng. 

Cách kết cấu: 
a) Theo cách kết cấu (kết: tết lại; cấu: gày thành) nghĩa là cách sắp đặt các ý tứ cho thành một bài văn, thì ca dao chia làm ba thể: 
1/Thế phú: phú nghĩa là phô bày, mô tả; trong thể nầy, muốn nói về người nào, việc nào thì nói thẳng ngay về người ấy, việc ấy. 
Thí dụ: 
Ngang lưng thì thắt bao vàng, 
Đầu đội nón dấu, vai mang súng dài 
Một tay thì cắp hỏa mai, 
Một tay cắp giáo, quan sai xuống thuyền 
Thùng thùng trống đánh ngũ liên, 
Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa. 

Hoặc: 
Đường vô xứ Nghệ quanh quanh 
Non xanh, nước biếc như tranh hoạ đồ 
Ai vô xứ Nghệ thì vô. 

2/ Thể tỉ: tỉ nghĩa là ví, so sánh; trong thể này, muốn nói gì, không nói thẳng ra, lại mượn một sự vật ở ngoài làm tỉ ngữ để người nghe ngẫm nghĩ mà hiểu lấy cái ý ngụ ở trong. 
Thí dụ: 
Bài “Tò vò mà nuôi con dện: đã dẫn ở trên. 
Hoặc: 
Bầu ơi ! thương lâý bí cùng, 
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn. 

3/ Thể hứng: hứng là nổi lên, đây nói về tình của người ta nhân cảm xúc vì vật ngoài mà phát ra. Trong thể nầy, trước tả một vật gì làm câu khai mào, rồi mượn đấy mà tiếp tục xuống ý mình muốn nói. 
Thí dụ: Bài “quả cau nho nhỏ” đã dẫn ở trên. 
Hoặc: 
Trên trời có đám mây xanh, 
Ở giữa mây trắng ,chung quanh mây vàng. 
Ước gì anh lấy được nàng, 
Thời anh mua gạch Bát tràng về xây. 
Xây dọc, rồi lại xây ngang. 
Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân. 

b) cũng có khi một bài kiêm nhiêù thể, như 

1/ Phú và tỉ. Thí dụ: 
Trong đầm gì đẹp bằng sen, 
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng. 
Nhị vàng, bông trắng, lá xanh 
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. 
Bài này vừa tả hoa sen (phú), vừa ví người quân tử với hoa sen (tỉ) .

2/ Phú và hứng. Thí dụ; 
Qua cầu ngả nón trông cầu, 
Câù bao nhiêu dịp (nhịp), em sầu bấy nhiêu. 
Bài này vừa tả cái cầu (phú), vừa mượn cảnh cái cầu mà nói nỗi sầu của mình (hứng)

3/ Hứng và tỉ. Thí dụ; 
Dao vàng bỏ đẫy kim nhung, 
Biết rằng quân tử có dùng ta chăng? 
Trong bài này, có mượn cao dao vàng để nói đến tình mình (hứng), vừa ví mình như con dao vàng (tỉ).

4/ Phú, hứng và tỉ. Thí dụ: 
Sơn bình Kẻ Gốm không xa, 
Cách một cái quán ,với ba quãng đồng. 
Bên dưới có sông, 
Bên trên có chợ. 
Ta lấy mình làm vợ nên chăng? 
Tre già để gốc cho măng. 
Toàn bài là thể hứng: bốn câu đầu là thể phú; câu cuối là thể tỉ.

Ý nghĩa: Ca dao nước ta thật là phong phú và diễn tả đủ các tình ý trong lòng người và các trạng thái xã hội. Ta có thể chia làm mấy loại như sau: 
A) Các bài hát của trẻ con (đồng dao). Thí dụ bài “Thằng Bờm (xem phần thư hai, bài số 2) 
B) Các bài hát ru trẻ. Thí dụ: Bài “Bao giờ cho đến tháng ba ..” (Xem phần thứ hai, bài số 3) . 
Trong các bài về hai loại trên nầy, có nhiều bài xét toàn thiên không có ý nghĩa gì, chỉ là một mớ chữ sắp thành câu có vần và cũng khiến cho trẻ con thuộc được ít nhiêù danh từ về các vật thường dùng. 
Thí dụ: 
Ông giẳng ông giăng 
Xuống chơi với tôi 
Có bầu có bạn 
Có ván cơm xôi 
Có nồi cơm nếp 
Có nệp bánh chưng, 
Có lưng hũ rượu, 
Có chiếu bám đu, 
Thằng cu xí xoá, 
Bắt trai bỏ giỏ, 
Cái đỏ ẳm em, 
Đi xem đánh cá 
Có ra vo gạo, 
Có gào múc nước 
Có lược chải đâù 
Có trâu cày ruộng. 
Có muống thả ao, 
Ông sao trên trời. .. 

C) Các bài hát của con nhà nghề. Các người lao động, những lúc làm ăn vất vả, cất tiếng hát một vài câu thì dễ quên nỗi mệt nhọc và được vui vẻ mà làm ăn. Bởi thế, những người cày ruộng, cấy mạ, gặt lúa, hái dâu thường một đôi khi nghêu ngao những câu hát. Lại có nhiêù việc như chèo thuyền, đẩy xe, kéo gỗ, có nhiều người cùng làm với nhau cần phải mượn câu hát để lấy nhịp mà cùng làm cho đều tay. Vì vậy, nên có những bài hát của con nhà nghề. Thí dụ: 
1/ Bài hát của người thợ cấy: 
Người ta đi cấy lấy công, 
Tôi đây đi cấy còn trông nhiều bề. 
Trông trời, trông đất, trông mây, 
Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm. 
Trông cho chân cứng đá mềm, 
Trời trong, biển lặng mới yên tấm lòng. 

2/ Bài hát của người chèo đò (Xem phần thứ hai, bài số 4) 
3/ Bài hát của người tiêù phu (Xem phần thứ hai, bài số 5), v.v. .. 

D) Các bài thuộc về luân lý. Thí dụ: Xem phần thứ hai, bài số 6,7,8. 
E) Các bài tả tâm lý người đời. Những bài này: 
1/ hoặc tả thế thái, nhân tình. Thí dụ: Xem phần thứ hai, bài số 9.10 . 
2/ Hoặc ta tư cách các hạng người. 
a) Bậc quân tử. Thí dụ bài : “Trong đầm gì đẹp bằng sen .. .” đã dẫn ở trên. 
b) Bậc anh hùng. Thí dụ: 
Làm trai cho đáng nên trai, 
Xuống đông đông tĩnh, lên đoài đoài tan. 

c) Bậc nhân tản. Thí dụ: 
Nghêu ngao vui thú yên hà, 
Mai là bạn vũ, hạc là người quen. 

d) Người biết tự lập. Thí dụ: 
Làm trai có chí lập thân, 
Rồi ra gặp hội phong vân cũng vừa. 
Nên ra tay kiếm, tay cờ, 
Chẳng nên thì chớ, chẳng nhờ tay ai. 

e) Người khôn. Thí dụ: 
Người không đón trước rào sau, 
để cho người dại biết đâu mà dò. 

f) kẻ lười. Thí dụ: 
Chửa tối đã vội đi nằm, 
Em coi giấc ngủ đáng trăm quan tiền. 


g) người ăn chơi. Thí dụ: 
Ăn được ngủ được là tiên, 
Không ăn không ngủ là tiền vất đi. 

h) kẻ nói khoác. Thí dụ: 
Ở đâu mà chẳng biết ta, 
Ta con ông Sấm, cháu bà Thiên lôi. 
Xưa kia ta ở trên trời, 
Đứt dây rơi xuống làm người thế gian. v.v. 

F) các bài có tính cách xã hội. Những bài nầy: 
1/ Hoặc tả tình cảnh các hạng người trong xã hội, thứ nhất là người đàn bà và người nhà quê. Thí dụ: Xem Phần thứ hai, bài số 11,12. 

2/ hoặc ta các phong tục, tập quán, tín ngưỡng, dị đoan của người bình dân nước ta. Thí dụ: 
Đàn ông quan tắt thì chầy, 
Đàn bà quan tắt nửa ngày nên quan. 
Mồng bốn cá đi ăn thề 
Mồng tám cá về, cá vượt vũ môn. 
Chẳng thiêng ai gọi là Thần, 
Lối ngang đường tắt, chẳng gần ai đi? 
Mồng năm, mười bốn, hăm ba (7) 
Đi chơi cũng thiệt nữa là đi buôn. 

G) Các bài dạy những điều thưởng thức. Những bài nầy nói về: 
1/ Canh nông. Thí dụ: xem phần thứ hai, số 13. 
2/ Sản vật. Thí dụ: 
Ai lên Đồng tỉnh, Huê cầu (8) 
Đồng tỉnh bán thuốc, Huê cầu nhuộm thâm. 
Dù ai đi chợ Thanh Lâm. (9) 
Mua anh một áo vải thâm hạt rền. 
-- 
(7) Ba ngày ấy, trong lịch Tàu gọi là “nguyệt kỵ” nghĩa là ngày phải kiêng trong một tháng. 
(8) Đồng tỉnh: tên một làng thuộc huyện Văn giang, tỉnh Bắc Ninh – Huê Cầu: tên cũ của làng Xuân cầu, cũng thuộc huyện ấy. 
(9) Thanh lâm: tên một làng thuộc huyện Lang tài, tỉnh Bắc Ninh. 
-- 
3/ Thiên văn. Thí dụ: 
Mồng một lưỡi trai (hoặc: không trăng) 
Mồng hai lá lúa (hoặc: không trăng ) 
Mồng ba câu liêm, 
mồng bốn lưỡi liềm, 
Mồng năm liềm giật, 
Mồng sáu thật trăng 
Mười rằm trang nâu, 
Mười sáu trăng treo, 
Mười bảy sẩy giường chiêú, 
Mười tám trăng lẹm, 
Mười chín dụn dịn, 
Hai mươi giấc tốt, 
Hăm mốt nửa đêm, 
Hăm hai bằng đầu 
Hăm ba bằng tai, 
Hăm bốn ở đâu (hoặc: bằng râu) 
Hăm nhăm ở đấy (hoặc: bằng cầm) 
Hăm sáu đã vày, 
Hăm bảy làm sao 
Hăm tám thể nào, 
Hăm chín thế ấy, 
Ba mươi không trăng. 
4/ Thời tiết. Thí dụ: 
Thâm đông, hồng tây, dựng may (10) 
Ai ơi, ở lại ba ngày hẳng đi. 

5/ Sông núi. Thí dụ: 
Đi bộ thì khiếp Ải Vân (11) 
Đi thuyền thì sợ sóng thần hang Dơi (12) 
-- 
(10) phương đông thì đen, phương tây thì đỏ, gió may bắt đầu thổi; ta cho đó là triệu chứng trời sắp mưa to gió lớn. 
(11) Ải vân: tức là đèo Hải Vân, ởchỗ giáp giới tỉnh Thừa Thiên và tỉnh Quảng Nam. 
(12) Sóng thần hang Dơi: Phía bắc chân núi Hải vân sát tới bể có Bức cốc (Hang Dơi) hoặc gọi là Tiên Châu (Bãi Chuối). Tương truyền khi xưa chỗ âý có sóng thần, thuyền đi qua đó, chìm đắm nhiêù lắm (Đại Nam nhất thống chí) 
-- 
6/ Tướng người. Thí dụ: 
Những người ti hí mắt lươn, 
Trai thì trộm cướp, gái buôn chồng người. 

H) Các bài hát phong tình, nghĩa là những bài tả những cuộc tình duyên của trai gái: từ lúc mới gặp nhau ngỏ lời nói ướm, đến khi thề nguyền gắn bó, dạm hỏi cưới xin, rồi những cảnh nhớ mong, chờ đợi, đoàn tụ, biệt ly, những nỗi trái duyên, bội ước, quá lứa, lỡ thì, ở trong ca dao đều tả cả. 
Phần nầy là phần giàu nhất trong ca dao mà cũng là phần có văn chương lý thú nhất. 
Thí dụ: Xem phần thứ hai bài số 15,16,17,18,19. 

LỜI CHÚ. Chính những bài hát phong tình này đã dùng làm tài liệu cho các cuộc hát trống quân và hát quan họ hoặc hát đúm (13) 
1/ Các bài hát liên lạc đến lịch sử. Có nhiều bài ca dao ám chỉ đến một việc trong lịch sử, hoặc nhân một việc trong lịch sử đã xảy ra mà làm nên. Thí dụ: 
Nhớ em anh cũng muốn vô, 
Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang (14) 
Phá Tam giang ngày rày đã cạn, 
Truông nhà Hồ, Nội tán cấm nghiêm. 
(13) cuộc hát trống quân thường tổ chức ở các vùng nhà quê về dịp tết Trung thu, do các người đàn anh trong làng treo giải. Một người con trai và một người con gái ngồi đối diện nhau, vừa hát vừa gỏ vào một cái dây để lấy nhịp (dây này căng thẳng, trong khoảng hai cái cọc ở giữa buộc vào một tấm ván hoặc một cái thùng sắt tây chôn xuống đất để lấy tiếng vang). Hai bên đối đáp, mượn những câu hát có sẵn mà biến báo thay đổi cho hợp vớ itình ý mình: đến khi nào một bên không hát được nữa là thua, bên kia sẽ được lĩnh giải. - Tục hát quan họ thịnh hành ở vùng Bắc Ninh (các huyện Võ giàng, Tiên du, Yên phong) và Bắc Giang (huyện Việt yên) nhân các ngày hội chùa, trai gái mấy vùng ấy họp thành từng bọn (lúc đương cuộc, họ xưng hô với nhau là anh Hai, anh Ba, chị Hai, chị Ba, v.v. coi nhau như người cùng một họ, bởi thế mới gọi là hát quan họ), rồi bọn con trái hát lối đáp với bạn con gái khác ở trước sân chùa hoặc trên những đồi núi đồng ruộng gần chùa hoặc có khi mời nhau về nhà hát. 
(14) Truông nghĩa là rừng. Truông nhà Hồ tức là HỒ xá lâm ở huyện Vĩnh linh, tỉnh Quảng trị; vùng này xưa lắm giặc cướp, ai đi qua đấy cũng sợ. Phá nghĩa là lạch biển. Tam giang là ba con sông. Phá tam giang là cái lạch biển ở huyện Quảng Điên2 ,tỉnh Thừa Thiên, về phía tây nam có ba ngọn sông (Tả giang, Hữu giang, Trung giang) chảy vào . rồi đổ ra cửa bể Thuận an. Vùng ấy xưa nhiêù sóng lớn, thuyền bè qua đây rất sợ. Sau phá ấy cạn đi, nên tên chữ cũng gọi là Hạc hải (bể cạn). (Theo Đại Nam nhất thống chí) ----- 
Bài này ám chỉ ông Nguyễn khoa Đăng, làm Nội tán đời chúa Hiến tôn (191-1725), đã dẹp yên giặc cướp ở vùng Truông nhà Hồ. 
Câu đố. Trong số các bài ca dao, có nhiêù bài là những câu đố, hoặc tả một người, một vật gì để người nghe đoán ra hoặc đặt thành những câu hỏi liên tiếp đố nhau về nhiều việc. Thí dụ: 
Ngã lưng cho thế gian nhờ, 
Vừa êm, vừa ấm lại ngờ bất trung. 
Tức là cái phản. 
Bài hát đố: Xem phần thứ hai Bài số 20. 

Kết luận. 
Tóm lại mà nói, thì tục ngữ ca dao chiếm một địa vị quan trọng trong văn học giới nước ta, vì đó là một cái kho tài liệu để ta khảo cứu tính tình, phong tục, ngôn ngữ của người nước ta và là một mền văn rất phong phú trong đó có đủ cả các kỹ thuật về khua từ như (nói ví ý nầy ý kia; thí dụ: “cả vú lấp miệng em”. – “có bột mới gột nên hồ”; 
Phản ngữ nói trái lại ý mình muốn nói; thí dụ: Ở đời Kiệt , Trụ (15) sướng sao! Có rừng nem béo, có ao rượu đầy. Ở đời Nghiêu, Thuấn (16) khổ thay ! Giếng đào mà uống, ruộng cày mà ăn) điển tích (đặt những chữ có ám chỉ đến một việc xưa, một sự tích xưa; thí dụ :Ai về nhắn họ Hi, Hòa (17). Nhuận năm sao chẳng nhuận và trống canh) lông ngữ (bỡn chữ; thí dụ: Trăng bao nhiêu tuổi trăng già. Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non”, nhân hóa (làm cho các vật vô tri có tính cách như người; thí dụ “cơm tẻ, mẹ ruột” , “của đau con xót”, cụ thể hoá (làm cho các ý trừu tượng hóa thành vật có hình thể; thí dụ:”Miệng mật, lòng dao” “Nén bạc đâm toạc tờ giấy”. v.v. 

(15) Kiệt (1818-1783) , Trụ (1154-1122) là hai ông vua nước Tàu có tiếng là dâm bôn, tàn bạo. 
(16) Nghiêu (2357-2257), Thuấn (2255-2207) là hai bậc thánh quân ở bên Tàu. 
(17) Hi – Hòa : vua Nghêu sai hai họ này làm lịch, đặt ra tháng nhuận và định bốn mùa. 
Các tác phẩm để kê cứu 
1) Phạm Quynh, tục ngữ ca dao. 
2) Phan Khôi, Tục ngữ phong dao và địa vị của nó trong văn học. Tao đàn tạp chí. 
3) Hoàng Ngọc Phách. Xét tâm lý người thôn quê bằng những câu hát. 
4) Minh Trúc, Hát quan họ, Trung Bắc Tân văn . 
5) Nguyễn Văn Huyên, Chants alternés des garcons et des filles en Annam, Paris, Geuthner. 
6) G. Gordier, Essai sur la littérature annamite; La chanson, La Revue Indochinoise 1920, Hanoi. 
7) Phạm Quỳnh, Le paysan tonkinois à travers le parler populaire, Nam Phong tùng thơ, Đông kinh ấn quán, Hà nội. 

Dương Quảng Hàm
(Ktk sưu tập)

Thứ Năm, 31 tháng 3, 2016

Chỉ Chừng Đó Thôi - Thơ Nguyễn tất Nhiên, Phạm Duy Phổ Nhạc

Chỉ chừng đó thôi. Duyên ta từ lâu lỡ rồi. Ta tiếc cho ta hay cho em!...


Thơ: Nguyễn Tất Nhiên
Phổ nhạc: Phạm Duy
Đàn hát và thực hiện: An Nguyen

Mộng Du


Thuở nào anh đứng trộm nhìn
Cô em gái nhỏ vô tình làm sao
Người đâu ngu ngơ khờ khạo
Chân tay thừa thãi, chẳng mau ngỏ lời

Tưởng đâu sẽ kết duyên đời
Nhưng không anh chỉ là người lính xưa
Tiền tài sự nghiệp chưa vừa
Lấy đâu làm điểm đón đưa em về

Được tin em đã xa quê
Người đi không nói biệt ly ngút ngàn
Em đi răng khểnh còn mang
Nụ cười chúm chím lòng man mác buồn

Em đi! Anh đã mất hồn
Lòng thêm se thắt theo chồng sắc son
Thôi thì duyên phận không tròn
Cầu xin hạnh phúc trăng tròn không vơi

Thẫn thờ khi vắng mưa rơi
Anh đây chấp nhận cuộc đời bể dâu
Tang bồng thoả chí làm đầu
Chớ đâu phải lụy tình sầu mộng mơ.

Thời gian rồi sẽ xoá mờ
Tiền tài danh vọng nào ngờ phù du
Mong sao xa được mây mù
Thay dòng luân chuyển danh lưu xứ người.

Về Chiều

Vùng Khô Hạn


Tôi ước mơ trở về lính thú
Vùng lưu đày cái thuở ba gai
Thời trai trẻ ngại gì sương gió
Nơi gian khó lắm tài bộc lộ

Chiến trường xưa cam go trăm chổ
Trận giặc tình biển khổ nào thua
Đường tử sinh trò đùa treo lững
Vòng ái tình hồn những kẽm gai

Nay tôi đi qua vùng khô hạn
Đã lãnh phần nạn kiếp năm xưa
Kỷ niệm đau ngày dữ đêm mưa
Em gái nhỏ ai đưa về đất

Mất em rồi!
Biển Hồ vắng màu thơ mộng cũ
Mù mịch rơi lặng nước hồ Thu
Bóng em đâu sâu đáy ngục tù
Lòng ủ rũ như tàn cuộc chiến

Biển Hồ ơi! Thôi đành tạm biệt
Hẹn một ngày trăng miệt vừng lên
Gợn sóng nhẹ tình hên sống lại
Mai "Chuông" vàng đỗ khúc "Tự Do"

Số phận cao lo gì không đổi!

Pleiku 9-8-2010
Lê Kim Hiệp


An Phận


 Bài Thơ Xướng:
 An Phận 
Qua rồi cái thuở học sầu mơ
Cảm thức nhiều hơn một cõi bờ 
Biển gọi muôn trùng con sóng vỗ 
Mây chào vạn cảnh mắt thuyền ngơ 
Bên trời nắng đỗ say chiều quạnh 
Cuối ngõ hồn loang phủ bụi mờ 
Khắc khoải hoàng hôn tìm vãng lạc  
Quê nghèo áo vải dệt tình thơ.

Nguyễn Đắc Thắng
***
Các Bài Thơ Họa:
 Bản Ngã

Dẫu tuổi có già vẫn mộng mơ
Chữ tình muôn thuở thật vô bờ
Gặp tài mấy kẻ không ham hố
Thấy sắc bao người chẳng ngẩn ngơ
Suy gẫm nhân gian nầy vốn trọc
Xét ra nẻo đạo quá xa mờ
Thôi thì hãy cứ tuỳ duyên vậy
Lo nghĩ chi nhiều vấy cả thơ.

Quên Đi
***
Mộng Mơ
Tâm lý mọi người cũng ước mơ,
Cao niên, vóc dáng, đỏ môi bờ...
Thân hình cân đối xinh tươi trẻ,
Mái tóc mượt mà đẹp ngẩn ngơ...
Bảy chục, chưa già vui ấm áp,
Trung niên, phong độ khói sương mờ.
Tà huy ngã bóng tìm tri kỷ,
Tâm sự hàn huyên xướng họa thơ.

Mai Xuân Thanh
Ngày 26 tháng 03 năm 2016