Thứ Tư, 14 tháng 12, 2016

Lần Họp Mặt Khó Quên Trong Đời

(Lê Thị Tuyết Hoa)

Sau bao nhiêu năm tâm huyết với nghề nghiệp rồi cũng đến ngày chúng ta nghỉ hưu. Điều đó có nghĩa là tất cả những gì tinh túy nhất của một thời tuổi trẻ của mỗi một người đã được cống hiến, thể hiện, trải nghiệm ở đỉnh cao và chúng ta đang bước sang một thời kỳ mới đó là tuổi già với bao nhiêu sự lão hóa. Có nhiều từ ngữ để nói đến tuổi già. Trong số đó tôi vẫn thích dùng cụm từ nghe có vẽ nhẹ nhàng, dễ chịu và dịu dàng hơn, đó là « tuổi heo may » mà có lẽ đa số phụ nữ đều thích hơn vì tâm lý tránh nói đến nỗi sợ « già và xấu» (tôi nói như thế không biết có đúng không các anh, chị?). 

Khi về hưu, cuộc sống và sinh hoạt của mỗi người có vẻ an nhàn, tự tại, làm những gì mình thích, sẽ có một sự hụt hẫng nào đó lúc đầu vì ít có dịp lui tới chỗ làm gặp gỡ đồng nghiệp, nhưng tất cả đã nhanh chóng hoà nhập và chọn cho riêng mình một cách thư giãn và nguồn vui và xem đó là một trong những lẽ sống cho đến cuối đời. Có anh, chị thích hướng nội thì ở nhà chăm sóc nhà cửa, con cháu và thư giãn riêng tại nhà: nuôi chim, gà vịt, chăm sóc vườn rau, cây cảnh...Nhiều anh, chị chuộng hướng ngoại một chút và có điều kiện kinh tế và sức khoẻ thì gặp gỡ, họp mặt bàn bè tại quán cà phê hay du lịch trong và ngoài nước. Tất cả đều mong muốn sống những ngày còn lại vui, khoẻ, đạo đức và có ích. 

Một trong những điều hạnh phúc nhất của mỗi người trong cuộc đời là được thấu hiểu, cảm thông, yêu thương và chia sẻ trong gia đình và ngoài xã hôi. Với niềm khát khao đó, nhiều anh chị đã tìm đến và tổ chức những buổi họp mặt mà tôi cho đó là « đầy tính nhân văn và cội nguồn ». Đó là lý do mà lần đầu tôi có mặt trong lần họp mặt của cựu học sinh Tống Phước Hiệp lần 8 của khóa 62-69 vào sáng Chủ Nhật 11/12/16 tại nhà hàng Thiên Tân, sau khi dự xong tôi đã ngồi hằng giờ cho tâm tư lắng đọng để viết lại những điều tôi đã nghe thấy với tất cả tâm tình của một đàn em rất ngưỡng mộ các anh, chị mình đã làm được cho con, cháu sau này noi theo. 
Bài viết của tôi hơi dài dòng và không hay như một cây bút chuyên nghiệp, nhưng tôi xin được phép thể hiện hết được những gì tôi cảm nhận trong lần họp mặt này, nếu không thì tôi thật sự tiếc. Mong các anh, chị thông cảm và bỏ qua cho. 


Sáng nay cơn mưa muộn chợt đến, những giọt mưa lất phất như còn tiếc nuối chút hương cuối mùa. Tiết trời giao mùa se se lạnh, tạo cho tôi thêm một chút nao nao về lần dự họp mặt đầu tiên này, vì tôi và nhỏ bạn thân Ngọc Hải là khoá 76 đàn em, một thoáng ngỡ ngàng rồi cũng quen dần. 
Khi tôi đến nơi các anh, chị có mặt khá đầy đủ. Hai đứa chúng tôi nhanh chóng hoà nhập vì anh, chị rất hoà đồng và thân thiện. Mới gặp vậy mà chúng tôi đã thấy thân và « kết » nhau rồi làm mấy «pô» hình xếp dẻo. Đến gần 11g chiếc xe Taxi rước 2 thầy đến nơi, đó là thầy Lê Quang Liêm và thầy Hồ Ngọc Thuận, thầy Lê Tương Ứng năm nay không đến dự được vì thầy yếu hơn năm rồi.

Chương trình bắt đầu rất dí dỏm của anh Hữu Đức và hai chị Tuyết Nga, Xuân Mai dễ mến, các anh chị là sợi chỉ xuyên suốt dẫn dắt chương trình sinh động và liên tục. Anh Đức giới thiệu đại biểu là 2 thầy và các bạn và đây cũng là một trong những phần sôi động nhất sáng nay vì khi xướng danh một bạn nào với tài hóm hỉnh của anh, anh cũng cố hết sức tìm những nét nổi bật riêng của bạn đó để giới thiệu, mỗi lần như thế anh đã hứng rất nhiều « gạch đá » của mọi người nhất là của các chị với những cái vỗ vai, ngắt véo rất đáng yêu(chắc không hề mất miếng thịt nào đâu, phải không anh Đức?).

Buổi họp mặt có khoảng gần 50 người kể cả đại biểu. Nhiều anh, chị ở nước ngoài nhưng hàng năm vẫn sắp xếp thời gian và công việc để về vui ngày gặp gỡ. Sau đó là phần trao quà và chụp hình lưu niệm với hai thầy. Lúc này đã hơn 11g, chúng tôi nhập tiệc vừa thưởng thức món ăn ngon vừa có dịp lắng nghe những lời ca, tiếng hát ngọt ngào, truyền cảm của các anh, chị vượt qua tuổi già và những bồn bề trong cuộc sống. Phòng họp ấm hẳn và rộn ràng hơn vì tình thân. Nhiều anh chị rất phấn chấn và hát đến 2 bài. Thế mới biết tuổi già đâu thua gì bọn trẻ, gừng càng già càng cay mà. Một chị ở Sài Gòn đã ấp ủ, sáng tác một bài thơ từ mấy ngày trước và chị đọc tặng mà tôi đã quên xin chị bài thơ đó để đăng lên trang nhà, thật là đáng tiếc, bài thơ rất hay và hợp với tuổi của mình.

Giờ phút này bạn bè có dịp ôn lại kỷ niệm thời học sinh xa xưa,hỏi thăm nhau, tâm tình bao nhiêu là chuyện, từ chuyện gia đình, con cháu, sức khỏe ....câu chuyện cứ tiếp nối làm phòng họp ấm cúng hơn, xua tan cái se lạnh của những ngày chớm đông. Tôi hiểu nhiều hơn về đàn anh, đàn chị của mình. Một anh đã tâm sự với tôi: tôi học lớp C, bạn bè nam của tôi chết hết rồi, chỉ còn mình tôi thôi, hổng biết chừng nào « rụng nữa đây » nghe mà thương cho anh và xót xa cho những người bạn nay, đã không còn đồng hành với anh đến đây nữa. Tôi nói với anh rằng: đời là vô thường, không ai biết trước được ngày mai, anh cứ vui hôm nay đi, năm sau mình tính tiếp nha anh. Còn nhiều, nhiều những nỗi niềm của những người ở xa, ở hải ngoại chưa truyền tải hết cho bạn của mình nhưng vẫn từng giờ phút nghĩ đến và trong chờ đọc tin bài về sự kiện hôm nay trên trang nhà. 

Sau hơn hai tiếng đồng hồ, lúc khoảng 13g 30 chúng tôi cũng đành phải nói lời chia tay trong lưu luyến dù còn nhiều điều chưa nói hết và hẹn lần gặp năm sau đông đủ. 
Tôi ra về phấn chấn vì vừa được hít thở những hương tình thân ái và nhiều suy nghĩ ngổn ngang 


Tôi nghĩ về ý tưởng, kế hoạch sắp xếp, chương trình của buổi họp mặt này. 
Muốn làm được như thế không dễ dàng gì. Điều kiện ắt có và đủ, theo tôi, phải có một Ban Liên Lạc, cụ thể là những người đủ sức, đủ tài và tín nhiệm của tập thể làm người « khơi nguồn, giữ lửa và kết nối bạn bè» cùng với sự kết hợp công sức của các bạn từ khâu chọn món ăn ngon .....Các anh , chị đã tổ chức được 8 lần, điều đó chứng tỏ là một bề dầy kinh nghiệm mà anh Đức, anh Khải (Hoàng), Anh Khai, Chị Thơ, Chị Điệp Lê, Chị Xuân Mai, chị Tuyết Nga, Chị Bạch Tuyết và các bạn đã rút kinh nghiệm để những lần sau chu đáo hơn. Hai điều tôi thán phục hơn nữa: 

Một là: khi thầy đến và về anh Đức đã mời chúng tôi đứng dậy để đón và tiễn thầy 
Hai là: có phần báo cáo tài chính minh bạch của những lần thu chi trong những năm qua và năm nay có sự đóng góp của các anh, chị ở nước ngoài, trong nước và những người tham dự. Sau khi tính toán tất cả các khoảng chi phí, các anh, chị đã trích một phần quỹ để hỗ trợ những người bệnh và có hoàn cảnh khó khăn. 
Đó là nét đẹp tôn kính thầy cô và tình tương thân tương ái trong văn hóa ưu việt của người Việt Nam. 
Ở tuổi xế chiều, không ai tránh khỏi bệnh tật.Tôi chạnh nhớ đến những người triền miên trong bệnh tật: bị tai biến liệt nửa người, còn đi lại được, hay nằm một chỗ, hoặc sống đời sống thực vật, thật là đau khổ cho bản thân và gia đình. Nhưng dù có bệnh tật bao nhiêu, cũng có lúc khỏe làm những gì mình thích, nghĩ về nhau và đến với nhau để hàn huyên và uống một ly trà, một tách cà phê, còn gặp nhau là một phúc duyên và tình thân rồi vậy

Để thay lời kết, tôi xin kính chúc sức khỏe các anh, chị trong và ngoài nước, cám ơn tất cả đã cho tôi một buổi sáng đầu đông ấm cúng, thú vị. 
Trân trọng kính chào và mong có dịp trao đổi và gặp gỡ.

Lê Thị Tuyết Hoa ( Uyên Thị Vũ Tuyết Hoa)
Cựu Học Sinh Tống Phước Hiệp NK 76

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét