Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2016

Đất Phương Nam I - Thu Phục Champa


Tổng Quan Về Việc Thu Phục Chiêm Thành: 
Nói về những sự kiện hiển nhiên về sự vong quốc của Chiêm Thành và Thủy Chân Lạp, các sử gia ngoại quốc thường đề cập đến sự kiện xâm lăng và tiêu diệt từ phía Việt Nam. Tuy nhiên, về mặt khách quan, nếu nói về kế sách thu phục Champa và Thủy Chân Lạp của các chúa tiên triều nhà Nguyễn, chúng ta phải công tâm nhìn nhận rằng các chúa không hề có kế hoạch tiêu diệt các dân tộc này. Từ khi lập quốc, Champa là một vương quốc hùng mạnh qua nhiều thời đại. Ngay từ khi Việt Nam còn nội thuộc nhà Hán, người Champa đã nhiều lần mang quân sang đánh phá. Champa cũng thường mang quân đi chinh phạt khắp nơi. 

Về phía tây nam, họ luôn gây chiến với các nước Chân Lạp, và Mã Lai. Về phía đông nam, họ luôn dong buồm chinh phạt các đảo quốc ở biển Nam. Đến khi Việt Nam thâu hồi được nền độc lập vào thế kỷ thứ X, Champa đã nhiều lần phát động chiến tranh chống đối Đại Việt, và cũng có khi hợp tác với quân đội Đại Việt chống lại với quân Mông Cổ. Dầu vương quốc Champa là một vương quốc hùng cường, có vua, có quan, có nền chính trị và pháp luật ảnh hưởng theo Ấn Độ, nhưng những cuộc chinh phạt này đã làm cho Champa bị kiệt quệ về nhân lực và tài nguyên, vì họ phải tận dụng vàng bạc để mua sắm vũ khí cũng như nuôi quân. Và hầu như sau các cuộc chinh phạt họ đều bị các nước đối phương đánh trả lại và vì thế mà họ phải tốn một thời gian rất dài để tái thiết đất nước của chính họ. Bên cạnh đó, những lần các vua Champa tự nguyện dâng đất. Và rồi theo luật đào thải của tạo hóa, vận số của đất nước Champa tới hồi mai một. Trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam luôn bị áp lực từ phương Bắc, nên muốn sinh tồn Việt Nam không có con đường nào khác hơn là mở đất về phương Nam. 

Thế nên từ khi nhà Ngô giành lại độc lập năm 939(1), đất nước ta bắt đầu mở ra một kỷ nguyên độc lập với các triều đại nối tiếp về sau này như Đinh, Lê, Lý, Trần... Lúc đó tổ tiên chúng ta còn ở quanh vùng Bắc Việt, có lẽ từ vùng Thanh Hóa trở ra. Cho đến nay vẫn chưa có sử liệu nào xác định đích xác lãnh thổ nước Việt Nam dưới thời nhà Ngô. Tuy nhiên, chúng ta có thể dựa vào địa bàn hoạt động của 12 sứ quân sau thời Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn để thấy rằng vào thời kỳ này, trung tâm sinh hoạt của dân tộc Việt Nam ở vùng châu thổ sông Hồng. Trước thời Bắc thuộc lần thứ nhất, các bộ tộc Bách Việt sống rãi rác từ phía Nam sông Dương Tử đến quận Cửu Chân(2), nghĩa là lãnh thổ của Bách Việt bao gồm các quận Quế Lâm, vùng đất phía Bắc và phía Đông của Quảng Tây bây giờ; quận Nam Hải, bao gồm Quảng Đông và đảo Nam Hải ngày nay; và Tượng Quận, tức là cả vùng Bắc Việt ngày nay. Sau khi Ngô Quyền giành lại độc lập thì lãnh thổ của chúng ta thời đó chỉ còn giới hạn trong Tượng Quận, mà người Tàu đã đổi ra làm 2 quận là Giao Chỉ, tức vùng châu thổ sông Hồng, và Cửu Chân, tức vùng châu thổ sông Mã. Nghĩa là vào thế kỷ thứ X, diện tích nước Việt Nam chúng ta chỉ vào khoảng 150.000 cây số vuông, trong số đó chỉ có khoảng 22.000 cây số vuông đồng bằng. Chính vì lý do đó mà cha ông chúng ta phải tìm phương mở cõi để đáp ứng như cầu ngày càng gia tăng dân số của dân tộc Việt Nam. Chúng ta không thể nào mở cõi về phương 

Bắc, vì trong suốt quá trình lập quốc Trung Hoa đã tỏ ra cực kỳ hiếu chiến và luôn dồn nén dân tộc Việt Nam về phía Nam. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy Trung Hoa luôn dòm ngó về phương Nam và luôn tranh giành với Việt Nam từ tấc đất tấc biển. Lúc mới lập quốc, Hán tộc sống co cụm quanh vùng châu thổ sông Hoàng Hà(3), nghĩa là họ sống khá xa các bộ tộc ‘Bách Việt’. Tuy nhiên, ngay từ thời Tần Thủy Hoàng, tức là khoảng trên 2 thế kỷ trước Tây lịch, các vị hoàng đế Trung Hoa đã không ngừng xâm lăng và đô hộ Việt Nam. Năm 214 trước Tây Lịch, Tần Thủy Hoàng sai Đồ Thư và Sử Lộc sang chiếm đất đai của Bách Việt, rồi chia làm 3 quận Quế Lâm, Nam Hải và Tượng Quận để cai trị. Sau đó Thục Phán An Dương Vương chỉ huy dân ‘Việt’ địa phương nổi lên đánh lấy Tượng Quận. Nhà Tần bèn cử Nhâm Ngao làm Hiệu Úy quận Nam Hải(4), và Triệu Đà làm Huyện lệnh Long Xuyên(5). Triệu Đà đã dùng mưu kế hôn nhân giữa con trai mình là Trọng Thủy và con gái của Thục Phán là Mỵ Châu, rồi sau đó tấn công và chiếm toàn bộ Tượng Quận. Như vậy là toàn bộ đất đai của người Việt đã rơi vào tay của nhà Tần. Hơn 1.150 năm sau, các bộ tộc Bách Việt gần như bị người Tàu đồng hóa, chỉ còn lại có bộ tộc Lạc Việt là vẫn giữ được bản sắc dân tộc của riêng mình. Vào năm 939, Lạc Việt đã giành lại độc lập chỉ với một phần đất của Tượng Quận ngày trước với một dân số trên 3.000.000 người(6). 
 Riêng vùng Tượng Quận, nhờ có một vị trí địa lý hết sức đặc biệt, nó bị chia cắt với nội địa Trung Hoa bởi những dãy núi cao và hiểm trở. Chính nhờ bức tường thiên nhiên nầy đã giúp cho dân tộc Việt Nam bảo vệ lãnh thổ của mình một cách hữu hiệu từ hơn một ngàn năm nay. Còn lại tất cả những phần đất khác như các quận Quế Lâm(7) và Nam Hải (tỉnh Quảng Đông ngày nay) vẫn còn trực thuộc Trung Hoa. Đương nhiên, sau hơn 2.200 năm, ngày nay cư dân của các vùng đất nầy đã hoàn toàn bị Hán hóa. Dân Việt tại vùng Tượng Quận, từ lúc thu hồi được nền độc lập, đã tìm cách thu hồi lại những vùng đất đã mất về tay người Hán, nhưng không thể nào thực hiện được, ngoại trừ một lần vào thế kỷ thứ 11, lão tướng Lý Thường Kiệt đã mang quân sang đánh chiếm 72 thành trì tại các vùng Quế Lâm và Nam Hải, nhưng rồi cũng phải rút quân về. Các vương triều Việt Nam sau đó tự biết mình không thể nào thu hồi lại những vùng đất đã bị Trung Hoa lấn chiếm, nên phải tìm cách mở đất về phía Tây, tức là phía Ai Lao; hoặc về phía Nam, tức phía Champa. 

Năm 1290, sau khi dẹp tan quân Mông Cổ, vua Trần Nhân Tông đã mang quân sang đánh Ai Lao, sau đó chính Thái Thượng Hoàng Trần Nhân Tông lại mang quân trở qua đánh Ai Lao lần nữa. 
Năm 1297, người Ai Lao lại xâm phạm biên giới, nên vua nhà Trần phải sai danh tướng Phạm Ngũ Lão mang quân đi đánh dẹp. Đến năm 1301, quân Ai Lao lại sang đánh phá vùng Đà Giang, tướng Phạm Ngũ Lão phải đem quân đánh dẹp, và nhiều lần sau đó quân Việt Nam cũng trở lại đánh Ai Lao, nhưng không chiếm cứ lãnh thổ của nước này vì hai lý do: thứ nhất vì Ai Lao không có đồng bằng cho nông dân canh tác, và thứ nhì lúc đó toàn cõi Ai Lao là một vùng rừng thiêng nước độc mà không một người Việt Nam nào muốn lưu lại. Như vậy, con đường mở cõi duy nhất còn lại cho dân tộc Việt Nam là phương Nam. Nếu nhìn lại lịch sử giao thiệp giữa 2 nước Việt và Champa chúng ta sẽ thấy, năm 1069 vua Lý Thánh Tông đem quân chinh phạt Champa là để ổn định biên giới phương Nam chứ không có ý định chiếm đất, vì vua tôi nhà Lý chỉ bắt vua Champa là Chế Củ về Thăng Long để trừng phạt thôi, chứ không ép người Champa phải nhượng đất. Về sau, đến đời vua Chế Mân, nhà vua dâng đất một cách tự nguyện để đổi lấy nàng công chúa Huyền Trân. Đây không phải là kế sách của Đại Việt, vì vào thời đó có rất nhiều quan trong triều cực lực phản đối việc gả Huyền Trân công chúa cho Chế Mân. Vào thế kỷ thứ X, dù không phải là xứ của rừng thiêng nước độc như Ai Lao, nhưng vương quốc Champa chỉ rộng khoảng 110.000 cây số vuông, trong số đó chỉ có khoảng 14.000 cây số vuông đồng bằng nằm dọc theo duyên hải mà thôi. Chính vì vậy mà dân tộc Việt Nam cũng chưa muốn tiến ngay về phía Nam. Tuy nhiên, đến năm 1307, vua Trần Anh Tông đồng ý gả công chúa Huyền Trân cho vua Chế Mân của xứ Champa và Chế Mân đã dâng hai châu Ô và Lý(8) lên nhà vua để làm lễ cưới. Nghĩa là do một nguyên do khách quan mà không đầy 2 thế kỷ sau đó, người Việt Nam đã tiến xuống Quảng Bình và Quảng Trị. Nói là khách quan vì dưới Triều nhà Trần, dù muốn tiến xuống phía Nam, nhưng các vua nhà Trần hầu như không có một kế sách nào đặt ra nhằm xâm chiếm nước này, mà người Việt Nam chỉ làm cuộc Nam tiến do những nguyên nhân khách quan bên ngoài, chẳng hạn như sau khi bị người Chiêm quấy nhiễu, quan quân ta mới tiến đánh, hay vua Champa dâng đất cầu hôn như trường hợp của Chế Mân và công chúa Huyền Trân. 
Năm 1425, vùng Biên Trấn được mở rộng đến vùng Thuận Hóa. Năm 1471 chiếm Qui Nhơn, 1611 đến Phú Yên, 1653 đến Nha Trang. Năm 1697, chúa Nguyễn Phúc Chu cho đổi Thuận Phủ(9) ra làm trấn Thuận Thành, coi như vương quốc Champa mất hẳn từ đó. 

Tiến Trình Thu Phục Champa (Chiêm Thành)
Trước khi người Champa lập quốc vào cuối thế kỷ thứ 2 sau Tây lịch, theo cổ thư Trung Hoa thì vùng đất nầy(10) vốn là một quản hạt quân sự của người Hán. Đây là vùng đất chuyển tiếp giữa hai nền văn minh Ấn Độ-Trung Hoa. Phía bắc Champa giáp với Cửu Chân và Giao Châu, hai vùng đất luôn bị áp lực nặng nề của Hán tộc. Trong khi đó, phía nam Champa lại giáp với một vương quốc độc lập, chịu ảnh hưởng văn minh Ấn Độ, đó là vương quốc Phù Nam. Vì vậy, trong suốt mười thế kỷ đầu Tây lịch, để tự sinh tồn, vương quốc Champa phải áp dụng một chánh sách ngoại giao hết sức đặc biệt và phức tạp, khi thì phải thân thiện với Phù Nam, lúc lại phải hết sức thân thiện với Trung Hoa. Về phía Phù Nam, dầu muốn hay không muốn, vì nằm sát nách với Champa, nên họ luôn tìm cách gây ảnh hưởng đến lân quốc phía Bắc nầy trên mọi phương diện, từ chính trị, văn hóa, xã hội đến kinh tế. Ngày nay chúng ta vẫn còn thấy những chứng tích ảnh hưởng Ấn Độ-Phù Nam nơi người dân Champa qua phong tục tập quán, ngôn ngữ, và tín ngưỡng như y phục, gả cưới, ma chay theo tục hỏa táng, văn tự theo tiếng Phạn, tín ngưỡng theo Bà La Môn và Ấn Độ giáo. 
Về phía Trung Hoa, trong suốt mười thế kỷ nầy, mặc dầu lúc nào họ cũng dòm ngó về vùng đất Champa xa xôi nầy nhưng ít khi họ thật sự mang quân đi Nam chinh đến vùng đất nầy, ngoại trừ trường hợp Champa xua quân qua Cửu Chân hay Giao Châu gây chiến trước. Trước thế kỷ thứ X, dân tộc Champa là một dân tộc có lịch sử nổi bậc trong những cuộc chiến tranh với Hán tộc. Đây là một dân tộc hùng cường và dũng mãnh. Kể từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ IX, trong khi toàn bộ Đại Việt còn bị người Hán đô hộ, thì họ đã là một đất nước độc lập với binh hùng tướng mạnh, và họ đem quân sang đánh các vùng Giao Châu thuộc Hán không biết đến bao nhiêu lần mà kể. 
Tuy nhiên, đến sau thế kỷ thứ X, sau khi Đại Việt thâu hồi nền độc lập, cục diện quan hệ giữa Champa và Đại Việt không còn giống như quan hệ giữa Champa và Trung Hoa như trước đây nữa. Về phía Đại Việt, sau khi Đại Việt thu hồi được nền độc lập(11) từ tay người Hán vào hậu bán thế kỷ thứ X, người Việt Nam phải xây dựng và phát triển đất nước trong những hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, lớp thì phải lo bảo vệ biên giới phía Bắc, lớp nào phải lo đánh dẹp sự quấy nhiễu của người Champa ở biên giới phía Nam. Bên cạnh đó, dưới thời nhà Đinh, biên giới phía Tây của Việt Nam thời đó lúc nào cũng phải canh cánh lo sợ sự quấy nhiễu của các bộ tộc người Thái, điển hình là các nước Nam Chiếu và Đại Lịch(12), nằm về phía tây bắc Việt Nam. Như trên đã thấy, dầu trong bất cứ hoàn cảnh nào người Việt Nam cũng luôn xác định rõ ràng nguồn gốc chủng tộc ‘Việt’, khác hẳn với ‘Hoa tộc’. Chính vì thế mà bằng mọi giá, nếu không có khả năng lấy lại những vùng đất đã bị Hán tộc xâm chiếm và Hán hóa, thì ít nhất cha anh chúng ta đã tìm mọi phương cách đi xa khỏi vòng kiềm tỏa và ảnh hưởng của người Hán. 
Có nhiều lý do khiến người Việt Nam đã phải tìm cách đi về phương Nam, thứ nhất vì nơi nầy xa ‘Thiên Triều’(13), nên có rất ít ảnh hưởng của Hán tộc; thứ nhì, Đại Việt rất cần một hậu phương vững mạnh ở phương Nam để có thể tự bảo vệ mình trước một đối phương vô cùng hiếu chiến từ phương Bắc; và thứ ba, ngay từ khi mới lập quốc, Champa(14) đã không ngừng đem quân ra tấn công đất Giao Châu. Như trên đã nói, trong quá trình tự tồn, có nhiều lý do khiến người Việt Nam đã phải tìm cách đi về phương Nam, rồi tự phát triển cho mình chữ viết cũng khác với chữ Hán, và về sau nầy lại phát triển và hoàn thiện chữ quốc ngữ với mẫu tự La Tinh hoàn toàn không dính dấp gì đến chữ Hán nữa. Nghĩa là dầu phải có chung biên giới phía Bắc với người Hoa, người Việt Nam đã tìm đủ mọi cách để đi càng xa về phía Nam của Trung Hoa chừng nào càng tốt chừng ấy. Tưởng cũng nên nhắc lại, trong khi Đại Việt hãy còn là quận Tĩnh Hải và chịu sự đô hộ của nhà Đường(15), thì từ năm 877, quân Champa đã tràn lên đánh chiếm quận Nhật Nam. Dưới thời nhà Tiền Lê, sau khi vua Lê Đại Hành (Lê Hoàn) lên ngôi năm 980, đã gửi sứ giả là Từ Mục và Ngô Tử Canh sang giao hảo với Champa, nhưng vua Champa là Paramesvaravarman (972-982) đã bắt giam sứ giả(16), nhưng vua Lê không phản ứng mãnh liệt vì đang bận chiến tranh với quân nhà Tống ở biên giới phía Bắc. 

Năm 982, sau khi đánh bại quân Tống vào năm 981, vua Lê tự cầm quân sang đánh phá kinh đô Indrapura của Champa, nhưng chỉ tịch thu chiến lợi phẩm, san bằng thành quách, và phá hủy tông miếu của các vương triều Champa, rồi rút quân về nước, chứ không chiếm đóng(17). Đến năm 983, vua Lê Đại Hành phong cho chúa Champa làm phiên vương rồi rút quân Đại Việt về kinh đô Hoa Lư, chứ không chiếm đất của Champa. Tuy nhiên, sau biến cố Indrapura(18), rất nhiều binh sĩ Đại Việt cũng như lưu dân người Việt đã ở lại vùng đế đô Champa để lập nghiệp. Sau khi bị quân Đại Việt đánh bại lần nầy, năm 989, sau khi lên ngôi, vua Champa là Vijaya Sri Harivarman II (989-998) đã dời kinh đô xuống vùng Đồ Bàn(19). 
Dưới triều nhà Lý, từ năm 1010 đến năm 1225, trong lúc nước Việt Nam mới giành lại được nền độc lập từ tay Hán tộc, lãnh thổ hãy còn nhỏ hẹp, kinh tế chưa phát triển, dân tình hãy còn trong tình trạng ly tán chưa được ổng định sau quá nhiều năm dưới ách đô hộ của người Tàu, thì vương quốc Champa đã là một vương quốc hùng cường, lãnh thổ của vương quốc nầy chạy dài từ đèo Hoành Sơn(20) đến tỉnh Bình Thuận ngày nay, coi như toàn bộ lãnh thổ Trung Kỳ của nước Việt Nam ngay nay.
(Thành Vijaya)

Lúc nầy kinh đô Phật Thệ (Vijaya) nằm về phía bắc của tỉnh Bình Định. Dầu Hán sử có ghi chép lại thế nào đi nữa thì ngay từ cuối thế kỷ thứ II sau kỷ nguyên Tây lịch, người dân trong các huyện Tượng Lâm và Nhật Nam đã đủ mạnh để tự tách rời ra khỏi ảnh hưởng của Trung Hoa để thành lập một vương quốc cho riêng họ với cái tên ‘Champa’. Tuy nhiên, vị trí địa lý của Champa cũng là một bất lợi lớn cho việc phát triển và tồn tại của đất nước nầy. Về phía Tây là dãy Trường Sơn cao ngất, gần như là dãy ‘Hoành Đoạn Sơn’ bên vùng Tứ Xuyên-Vân Nam của Trung Quốc, nên người Champa không có cách gì phát triển về phía Tây được. 
Bên cạnh đó, cả vùng bình nguyên của họ chỉ có diện tích chưa đầy 14 ngàn cây số vuông, chính vì thế mà họ phải phát triển giao thương miền biển. Trong quá trình giao thương với các dân tộc miền biển khác, nền tảng chủng tộc Indonésien của họ đã bị pha trộn ít nhiều các giống Mã Lai và Nam Đảo, nhưng cũng nhờ vậy mà họ đã tự xây dựng cho mình một đạo quân thiện chiến, nhất là hải quân. Khi Đại Việt mới thu hồi nền độc lập, thì rõ ràng tương quan lực lượng giữa Champa và Đại Việt nghiêng hẳn về phía Champa. Tuy nhiên, khoảng hai thế kỷ sau đó, vào đầu thế kỷ thứ XI, khi chính quyền Trung Hoa bị suy yếu vì áp lực của nền văn minh sa mạc từ phía Mông Cổ, Đại Việt với những vị vua tài ba đã làm cho cục diện đã khác hẳn(21). 

Đến hậu bán thế kỷ thứ XI thì Đại Việt đã vươn lên và vượt xa Champa về mọi mặt, từ chánh trị, kinh tế, đến xã hội... Và lịch sử Nam Tiến cũng khởi đầu từ đây. Trong tiến trình Nam tiến, dưới thời nhà Tiền Lê, có lần quân Nam Chiếu đã liên kết với những bộ tộc Mường Mán trên miền thượng du Bắc Việt đánh chiếm miền nầy trong nhiều năm. Chính vì vậy mà dầu muốn hay không muốn, dân tộc Việt Nam không thể nào ôm ấp giấc mộng đánh chiếm lại những vùng đất đã mất ở phía Bắc, mà cũng chưa thể tiến ngay về phía Nam sau khi giành lại nền độc lập, nhưng phải đợi đến đời nhà Lý khởi nghiệp và đã củng cố quân đội hùng mạnh. Về phía Champa, sau khi bị vua Lê Đại Hành đánh bại vào năm 982, họ đã dời đô xuống Qui Nhơn và luôn ôm mộng trả thù Đại Việt. 
Lúc nầy biên giới giữa Đại Việt và Champa là vùng núi Hoành Sơn, tức vùng Đèo Ngang, nằm giữa hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình ngày nay. 
Năm 1043, vua Champa là Sạ Đẩu(22) đem hải quân sang tấn công vùng biển Nam Định, Thái Bình và Hải Phòng... nhưng bị quân ta đẩy lui. Để đánh trả lại, vào năm 1044, vua Lý Thái Tông(23) thân chinh đi đánh Champa và giết chết Sạ Đẩu tại cửa biển Đại An(24). Sau đó quân Việt đã tiến chiếm kinh đô Đồ Bàn một cách dễ dàng. 
Năm 1069, vua Lý Thánh Tông đem quân đi đánh Champa và bắt được vua Champa là Chế Củ (Sri Rudravarman III). Chế Củ xin dâng các châu Bố Chính(25), Địa Lý(26), và Ma Linh(27) để chuộc tội. Vua Lý Thánh Tông tha cho Chế Củ về lại Champa. Nhưng phải gần mười năm sau đó vào năm 1075, danh tướng Lý Thường Kiệt(28) với uy danh ‘Phạt Tống Bình Chiêm’, đã đem quân vào Nam kinh lý, sáp nhập châu Bố Chính vào vùng Kỳ Anh của tỉnh Hà Tĩnh, đổi tên Địa Lý làm Lâm Bình và Ma Linh làm Minh Linh. 
Đến năm 1092, vua Champa là Chế Ma Na(29) đã liên kết với Trung Hoa trong kế hoạch tiêu diệt người Việt Nam, nhưng lúc đó triều đình Trung Hoa đang suy yếu, nên kế hoạch không thành. Tuy nhiên, đến năm 1103, nhân vụ Lý Giác làm phản, bị triều đình đánh chạy sang Champa, hướng dẫn vua Chế Ma Na của Champa mang quân ra tái chiếm những châu Bố Chánh, Địa Lý và Ma Linh của họ. Nhưng cùng năm đó, lão tướng Lý Thường Kiệt đã đích thân mang quân vào đánh lấy lại những vùng đất nầy. Như vậy, trong lịch sử Nam Tiến, đây không phải là lần đầu tiên quân ta tiến đánh Champa(30), nhưng đây lại là lần đầu tiên quân Đại Việt chiếm đất của Champa để mở màn cho những cuộc Nam Tiến về sau nầy. 
Tưởng cũng nên nhắc lại, thời Tây Hán, năm 111 trước Tây lịch, Trung Hoa đã chiếm vùng Nhật Nam, chạy dài từ phía Nam quận Cửu Chân đến tận đèo Hải Vân, nhưng năm 877, quân Champa đã tái chiếm lại phần đất từ Hải Vân ra đến đèo Hoành Sơn, tức đèo Ngang. Người Champa chiếm giữ phần đất nầy từ năm 877, nhưng sau đó khoảng 200 năm, nghĩa là vào khoảng năm 1069, vua Champa là Chế Củ lại dâng cho Đại Việt. Tuy nhiên, trên thực tế, Đại Việt chỉ thiết lập bộ máy hành chánh tại ba châu nầy sau khi Lý Thường Kiệt tái chiếm vào năm 1076 mà thôi(31), vì sau lần tái chiếm nầy, bà Thái hậu Ỷ Lan đã thực sự bắt tay vào việc tổ chức di dân vào ba châu nầy, chứ không để đất hoang vô chủ, khiến cho Champa trở lại tái chiếm dễ dàng như trước đây nữa. Sau khi bị Đại Việt tái chiếm hai châu Địa Lý và Ma Linh, Champa quay sang liên kết với Chân Lạp ở phía Nam. Đến năm 1132, liên quân Champa-Chenla tiến đánh vùng Nghệ An, nhưng bị tướng Đại Việt là Lý Anh Nhỉ đánh tan. Sau đó, vào những năm 1117 và 1218, Champa vẫn tiếp tục đem quân sang đánh phá và mong chiếm lại các vùng đất một thời trực thuộc vương quốc nầy. 
Năm 1167, Tô Hiến Thành theo lệnh vua Lý Anh Tông (1138-1175) đem quân vào đánh thị uy Champa. Nhờ vậy mà gần cả thế kỷ Champa không còn mang quân ra đánh phá các vùng đất cũ của họ nữa. 

Về phía Đại Việt, đến đầu năm 1226, nhà Lý bị nhà Trần diệt sau một cuộc đổi ngôi thật bi thảm trong lịch sử. Trần Thủ Độ bắt ép vua Lý Chiêu Hoàng phải nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh. Thế là chấm dứt một trong những triều đại hùng cường của dân tộc Việt Nam. Đến năm 1252, quân Champa lại kéo đến vùng biên giới hai châu Địa Lý và Ma Linh, rồi cho sứ giả vào kinh thành xin chuộc lại những vùng đất đã mất. Vua Trần Thái Tông phải thân chinh ra biên giới đánh dẹp, quân Champa mới chịu rút lui. Trong suốt thời gian từ năm 1226 đến 1301, phía Đại Việt không có bất cứ kế hoạch Nam Tiến nào nữa vì trong vòng 75 năm nầy, các vị vua đầu đời nhà Trần phải dồn hết nỗ lực vào công cuộc chiến tranh chống lại quân Mông Cổ. Mãi đến năm 1301, sau khi nhường ngôi cho con trai là Trần Anh Tông (12931314), thái thượng hoàng Trần Nhân Tông có Nam du sang xứ Champa. Trong chuyến Nam du nầy, Thượng hoàng đã trực tiếp tiếp xúc với Chế Mân (1281-1307), một trong những quốc vương Champa có khuynh hướng ngoại giao hòa hiếu với các lân quốc, nhất là Đại Việt về phía Bắc. Ngay từ khi vừa mới lên ngôi được 3 năm, vua Chế Mân đã đưa quân Champa sang trợ giúp cho quân Đại Việt chống lại quân Mông Cổ tại vùng Nghệ An(32). 

Sau đó, vào năm 1293, vua Chế Mân đã cử một sứ đoàn Champa sang thông giao và tỏ ý muốn kết chặt mối bang giao lâu dài với Đại Việt Trong chuyến du hành 9 tháng sang Champa, Thượng hoàng Trần Nhân Tông đã được vua Chế Mân tiếp đón rất trọng thể, và nhân đó ngài có hứa gả công chúa Huyền Trân(33) cho vua Chế Mân(34). Có người cho rằng Thượng hoàng Trần Nhân Tông muốn nhân cơ hội vua Chế Mân đang muốn truất phế hoàng hậu Tapasi (Đan Thư) nên đem con gái của mình gả cho Chế Mân, hoặc giả Thượng hoàng muốn mở rộng bờ cõi về phương Nam trong cuộc hôn nhân nầy. Theo thiển ý, trong lúc quân Mông Cổ đang chực chờ xâm lăng bờ cõi Đại Việt, Thượng hoàng Trần Nhân Tông chắc hẳn không bao giờ muốn ôm đồm thêm bất cứ phần đất nào về phía Nam nữa, thượng hoàng cũng không có ý định cầu viện với quân Champa, vì lúc nào Đại Việt cũng xem Champa như một phiên quốc, nếu phiên quốc có gửi binh sang tiếp để đánh Mông Cổ thì gửi chứ hà cớ gì Đại Việt phải đi cầu viện với Champa? Kỳ thật, ngài chỉ muốn có không khí hòa hoãn với các lân quốc phía Nam để được rảnh tay đánh giặc Mông Cổ ở phương Bắc mà thôi. Lúc đó dầu vua Chế Mân có hay không có ý định truất bỏ hoàng hậu Tapasi đi nữa thì Thượng hoàng Trần Nhân Tông vẫn gả con gái của mình, vì chuyến Nam du của ngài không phải là một chuyến đi chơi xa, mà đây là chuyến đi cầu hòa và cầu thân với lân quốc về phía Nam, vì Đại Việt cần được sự an ổn và hỗ trợ của các lân quốc phía Nam để được rảnh tay đối đầu với quân Mông Cổ phương Bắc. 
Năm 1302, vua Chế Mân sai sứ đoàn cầm đầu bởi hoàng thân Chế Bồ Đài, mang lễ vật sang Đại Việt xin cưới công chúa Huyền Trân. Lúc nầy có nhiều sự chống đối cuộc hôn nhân nầy từ phía triều thần, duy chỉ có hai vị đồng ý là Trần Đạo Tái và Trần Khắc Chung, tuy người đương thời thường thị vị hóa mối tình vương giả giữa Khắc Chung và Huyền Trân. Khắc Chung(35) đương thời là một trong những vị quan văn võ song toàn dưới thời vua Trần Anh Tông. Theo chánh sử Đại Việt, năm 1299, vua Anh Tông bị Thượng Hoàng Trần Nhân Tông giận và có ý muốn truất phế về tội ham mê uống rượu. Anh Tông đã nhờ Đoàn Nhử Hài làm một tờ biểu tạ tội với vua cha, nhờ đó mà Thượng hoàng bỏ qua cho Anh Tông. Từ đó về sau, Anh Tông rất trọng dụng và bổ nhậm Nhữ Hài vào chức Ngự Sử Trung Tán. 
Từ năm 1302 đến năm 1305, Đoàn Nhử Hài(36) được vua Anh Tông sai sứ đi Champa đã dẫn tới cuộc hôn nhân giữa Chế Mân và Huyền Trân về sau nầy. Năm 1306, vua Trần Anh Tông cử Trần Khắc Chung làm Điện Tiền Chưởng Sư Quân cầm đầu phái đoàn với hơn 5.600 quân binh, hộ tống công chúa Huyền Trân lên xe hoa về làm hoàng hậu cho vua Chế Mân của xứ Champa. Đến năm 1307, vua Chế Mân đã dâng hai châu Ô và Lý lên Đại Việt(37) lên xứ Đại Việt để làm sính lễ. Sau khi thâu nhận hai châu Ô-Lý, vua Trần Anh Tông cho đổi tên làm Thuận Châu và Hóa Châu, rồi bổ nhậm Đoàn Nhử Hài vào đặt nền cai trị cũng như đưa dân vào khẩn hoang lập ấp tại đây. Như vậy, do một nguyên do khách quan mà không đầy 3 thế kỷ sau đó(38), người Việt Nam đã tiến thêm được khoảng 230 cây số bờ biển về phía Nam, xuống tận đến các vùng Quảng Bình và Quảng Trị, nhưng lần nầy không có chiến tranh đổ máu, mà bằng một cuộc hôn nhân kết tình thông gia giữa hai triều đình Champa-Đại Việt. 
Tuy nhiên, như trên đã nói, từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ XVII, vùng đất phía Nam Đại Việt(39) không phải là vùng đất vô chủ. Ngược lại, chủ nhân ông của vùng đất nầy lại là dân tộc Champa hùng mạnh và dũng cảm, nên các triều đại Lý Trần của Đại Việt không thể đi về phương Nam như đi vào chỗ không người, mà kỳ thật, dân tộc Việt Nam đã phải trả một cái giá nào đó bằng cả trí tuệ lẫn xương máu cho từng tấc đất và từng thước sông thước núi của vùng đất nầy. Như trên đã nói, sự việc đưa công chúa Huyền Trân về nước là một trò lừa gạt, đáng lý ra không nên xảy ra. Thật tình mà nói, nếu cần dùng võ lực để đưa Huyền Trân về Đại Việt, có lẽ còn tốt hơn là phải dối gạt vua Champa về tục lệ Đại Việt như thế nầy, vì sau sự việc nầy, đám hậu duệ của vua Chế Mân đã đem lòng thù oán Đại Việt và biết bao nhiêu đau thương tang tóc đã xảy ra sau đó. 
Thật vậy, sau vụ cướp hoàng hậu Paravecmari(40) về Đại Việt, từ cuối năm 1307 mãi đến năm 1390, đã xảy ra không bao bao nhiêu cuộc chiến tranh giữa Champa và Đại Việt cũng chỉ vì mối thù bị lừa gạt nầy. Sau năm 1307, con của Chế Mân là Chế Chí đã nhiều lần đem quân sang đánh phá Hóa Châu. Đến năm 1311, vua Trần Anh Tông bắt được và phế bỏ Chế Chí để lập người em của ông nầy là Chế Đà A Bà lên ngôi vua Champa. 
Năm 1318, con của Chế Chí là Chế Năng nổi lên cướp lại ngôi vua, rồi đem quân ra đánh phá Hóa Châu lần nữa. Vua Trần Minh Tông phải sai Trần Quốc Chẩn(41) và lão tướng Phạm Ngũ Lão mang quân đi đánh Đồ Bàn, Chế Năng mới chịu rút lui khỏi Hóa Châu. Năm 1352, vua Champa băng hà, con trai là Chế Mỗ lên ngôi, nhưng lại bị anh rể là Trà Hòa Bố Để soán ngôi. Chế Mỗ chạy sang cầu cứu với Đại Việt, vua Trần Dụ Tông sai quan quân đưa Chế Mỗ về nước, nhưng bị đoàn quân của Trà Hòa Bố Để đánh bại. Chế Mỗ phải lưu lại Đại Việt cho đến lúc chết. 

(Chế Bồng Nga)

Năm 1360, Chế Bồng Nga(42) lên ngôi vua Champa. Ông là một trong những ông vua oai hùng nhất của dân tộc Champa. Trong suốt gần 30 năm trị vì Champa, ông đã phong tỏa vùng Biển phía Đông Đại Việt, không cho tàu bè từ Trung Hoa cũng như từ các xứ Nam Dương và Mã Lai ghé vào bến Vân Đồn của Đại Việt. Thời đó người Việt thường gọi nhóm hải quân Champa đặc trách phong tỏa Đại Việt là ‘Giặc Sóng Gió’, vì họ đã thành công trong việc ngăn cản tàu bè ghé lại bến Vân Đồn một cách có hiệu quả còn hơn là sóng gió của biển cả nữa. 
Năm 1367, vua Champa là Chế Bồng Nga đã phục kích bắt sống được một trong hai vị nguyên soái của Đại Việt là Trần Thế Hưng(43). Năm 1368, Chế Bồng Nga đem quân sang đánh phá vùng Hóa Châu (châu Lý của Champa đã được vua Chế Mân dâng cho Đại Việt làm lễ cưới công chúa Huyền Trân). Năm 1371, Chế Bồng Nga lại cất quân đi vào cửa Đại An, rồi tiến đánh Thăng Long, đốt phá cung điện, rồi bắt hết cung phi mỹ nữ đem về Đồ Bàn. 
Đến năm 1376, Chế Bồng Nga lại dùng sách lược ngoại giao lần nữa. Ông đã sai sứ đoàn mang 15 mâm vàng qua Nghệ An, dâng lên vua nhà Trần để xin chuộc lại hai châu Ô-Lý, nhưng sứ đoàn đã bị trấn thủ Nghệ An là Hồ Tử Bình chặn lấy hết vàng, rồi báo cáo về kinh là quân Champa đang dự bị tiến đánh Đại Việt, vua Trần Duệ Tông tức giận, đã thân chinh mang theo 120 ngàn quân binh sang đánh Champa. Quân Đại Việt tiến thẳng vào đánh kinh đô Đồ Bàn của Champa vào năm 1377. Chế Bồng Nga và triều thần Champa rút ra khỏi Đồ Bàn để lập trận đồ phục kích quân Đại Việt. Khi quân của vua Duệ Tông kéo vào Đồ Bàn, tướng Champa là Mục Bà Ma kéo quân ra trá hàng, rồi phục kích giết chết vua Trần Duệ Tông cùng các tướng Đỗ Lễ, Nguyễn Nạp Hòa, và Phạm Huyền Linh của Đại Việt; còn các tướng Đại Việt khác là Hồ Tử Bình và Hồ Quí Ly đều bỏ chạy về nước. 
Riêng Ngự Câu Vương Trần Húc đã đầu hàng và xin được phục vụ trong quân đội Champa. Ngay năm sau đó, năm 1378, do sự hướng dẫn của hàng tướng Việt Nam là Ngự Câu Vương Trần Húc(44), vua Champa là Chế Bồng Nga mang đại quân ra đánh Nghệ An, rồi tiến chiếm Thăng Long, không ai ngăn cản nổi. Nhưng quân Champa chỉ đánh phá rồi cướp lấy chiến lợi phẩm mang về Đồ Bàn, chứ không chiếm đóng Thăng Long. Năm 1380, quân Champa lại ra đánh Thanh Hóa và Nghệ An, nhưng bị quân của Hồ Quí Ly đánh đuổi, nên phải rút về Qui Nhơn. Tuy nhiên, đến năm 1382, quân Champa lại sang đánh phá Thanh Hóa lần nữa, lại bị quân của Hồ Quí Ly và Đa Phương đánh đuổi về Nghệ An. 
Năm 1384, vua Champa là Chế Bồng Nga cùng tướng La Khải lại đem quân sang đánh Đại Việt bằng đường núi vào đóng tại Quảng Oai, vua Trần Nghệ Tông và triều thần phải bỏ kinh đô mà chạy. Quân Champa thừa thắng, bắt tướng Đại Việt là Mặc Ôn cùng với hàng vạn tù binh, đa số là đàn bà con gái, đem về Đồ Bàn. Trong trận chiến nầy, quân Champa đã tịch thu của Đại Việt vô số tài vật trong các kho lẫm của triều đình, mà theo dân gian Champa, từng đoàn thuyền đã chở về nước hàng tháng trời mà vẫn chưa hết. Năm 1389, quân Champa lại sang đánh phá vùng Thanh Hóa và bắt về Đồ Bàn hàng vạn tù binh. Nói gì thì nói, sau cuộc hôn nhân giữa Chế Mân và Huyền Trân, thế cuộc giữa Đại Việt và Champa đã thay đổi hoàn toàn, nó không đạt được sự hòa thân như sự mong muốn của Thượng hoàng Trần Nhân Tông, nhất là từ khi tướng Trấn Khắc Chung lãnh lệnh vua Trần Anh Tông qua Champa để tìm cách đưa công chúa Huyền Trân về nước sau khi vua Chế Mân băng hà. Đây cũng chính là lý do đã đưa đến những cuộc can qua giữa những ông vua họ ‘Chế’ hậu duệ của Chế Mân với Đại Việt về sau nầy. 
Trong suốt 30 năm trị vì (1360-1390), Chế Bồng Nga đã bỏ ra trên 25 năm cho những cuộc chiến tranh đánh phá Đại Việt, mà theo các sử gia thì sự thiệt hại về phía Đại Việt đã gấp hàng trăm lần những thiệt hại khi đánh với quân Mông Cổ. Âu đó cũng là cái giá mà tiền nhân của chúng ta phải trả cho sự tồn tại cũng như sự phát triển trên từng tấc đất, tấc sông, tấc núi của non sông gấm vóc Việt Nam. Đến năm 1390, Chế Bồng Nga lại kéo đại quân Champa sang đánh Đại Việt lần nữa, vua tôi nhà Trần hoảng sợ bỏ kinh thành chạy về Bình Than. 
Tuy nhiên, lần nầy khi đoàn chiến thuyền của ông mới vào đến Nghệ An thì bị tướng Trần Khát Chân phục kích giết chết(45). 
Sau khi Chế Bồng Nga tử trận, một thuộc tướng của ông là La Khải đã tự động soán ngôi vua tại thành Đồ Bàn. Hai người con của Chế Bồng Nga phải mang quân sang đầu hàng Đại Việt, nên kể từ đó khí thế của quân Champa không còn mãnh liệt như trước đây nữa. Về phía Đại Việt, sử liệu luôn ghi chép rằng Chế Bồng Nga là một ông vua Champa hiếu chiến, nhưng theo thiển ý, Chế Bồng Nga là một ông vua ái quốc, ông đã làm hết sức của mình để lấy lại những gì ông cho là công bằng cho đất nước của ông. Trước khi cất quân sang đánh Đại Việt, ông đã sai Mục Bà Ma cầm đầu sứ đoàn sang thăm Đại Việt và xin lấy lại hai châu ÔLý, vì cho rằng nhà Trần đã không sòng phẳng trong vấn đề hôn nhân, cũng như đã xâm phạm đến phong tục thiêng liêng nhất của Champa, nhưng tất cả đều bị nhà Trần từ chối. Phải thật tình và công tâm mà nói, trong lịch sử Champa, không có một ông vua nào có lòng yêu nước thương nòi như vua Chế Bồng Nga. Ông đã làm hết sức của mình chỉ mong sao lấy lại được những gì mà vương quốc Champa đã để mất vào tay Đại Việt. Đây quả là tấm gương anh dũng mà ngay cả người Việt Nam chúng ta cũng phải nên suy gẫm. 
Sau khi Chế Bồng Nga tử trận vào năm 1390, từ đó về sau nầy, xứ Champa không còn một ông vua nào có được tầm cỡ như Chế Bồng Nga để có thể mở những cuộc tấn công qui mô vào Đại Việt, nhưng liệu mối thù mà nhân dân Champa đã có đối với Đại Việt có chấm dứt theo sau cái chết của Chế Bồng Nga hay không? Chắc chắn là không! Cho tới giờ phút nầy, chưa có sự giải thích hay chưa có sử liệu nào giải thích một cách thỏa đáng về cách hành sử của triều đình Trần Anh Tông. Theo thiển ý, Đại Việt là một quốc gia có tầm cỡ, đặc biệt dưới triều đại nhà Trần, uy danh của Đại Việt đã lan rộng sau ba lần đánh thắng quân Mông Cổ, thì Đại Việt cần gì phải hành sử theo kiểu ‘mua gian bán lận’ bằng phương cách đánh cướp công chúa Huyền Trân như vua Trần Anh Tông đã làm? 
Thế nhưng vua Trần Anh Tông đã hành sử như vậy và hậu quả là nhân dân Việt Nam đã phải gánh chịu, phải hy sinh không biết bao nhiêu là xương máu trong những cuộc trả thù của Chế Bồng Nga. Nhưng thôi, việc gì đã qua, xin hãy cho qua, chỉ mong sao hàng hậu duệ chúng ta phải biết ‘ôn cố tri tân’ để có thể tránh được những gì đáng lý không xảy ra cho dân tộc. 
 Sau khi Hồ Quí Ly soán ngôi nhà Trần bên Đại Việt để lên làm vua và lập nên nhà Hồ. Năm 1401, Hồ Quý Ly sai tướng Hồ Tùng đem quân đi đường núi vào đánh Champa, nhưng giữa đường gặp những cơn mưa lũ, quân sĩ hết lương thực, phải rút trở về Thăng Long, Hồ Tùng bị giáng chức làm lính. Về sau Hồ Tùng liên kết với quân Champa mưu làm phản, nên bị xử chém vào năm 1404. 
Năm 1402, vua Hồ Hán Thương (1401-1407) cùng tướng Đỗ Mẫn Đạt(46) đem quân sang đánh Champa, vua Champa là Ba Đích Lại III(47) không chống nổi, bèn dâng đất Chiêm Động và Cỗ Lụy để được bãi binh. Nhà Hồ chia vùng đất nầy ra làm các châu Thăng, Hoa, và Tư Nghĩa(48). 
Tính đến đây thì hơn phân nửa lãnh thổ của Champa đã thuộc về Đại Việt. Sau khi thâu nhận các vùng đất mới nầy, nhà vua lại sai con trai mình là Hồ Hán Thương xây đắp con đường từ Thanh Hóa (Tây Đô) đi đến Hóa Châu, và cho di dân từ phía Bắc vào đây khẩn hoang lập ấp. Cùng năm đó, Hồ Hán Thương lại khởi công đào kinh từ Tân Bình đến Thuận Hóa. Hồi nầy, biên giới giữa Champa và Đại Việt là vùng phía Nam châu Hoa, tức là vùng Mộ Đức và Đức Phổ ngày nay(49). Đến năm 1403, Hồ Quý Ly lại sai tướng Phạm Nguyên Khôi đem 20 vạn quân thủy bộ vào đánh thành Đồ Bàn, nhưng đến 9 tháng sau mà vẫn chưa chiếm được thành Đồ Bàn, nên phải rút quân về(50). Và ngay từ đầu thế kỷ thứ 15, số cư dân Đại Việt tại các vùng mà trước đây thuộc Champa nay đã nhiều hơn số dân Champa bản địa, vì sau khi chiếm được những vùng đất mới nầy, Hồ Quý Ly đem những người không có ruộng từ miền Bắc di cư vào các châu Thăng, Hoa... lập đồn điền và cho họ vừa làm ruộng vừa làm lính giữ vùng biên ải. Hồ Quý Ly không cần làm sổ bộ cho nhóm người nầy, mà chỉ cần xâm lên cánh tay họ tên ‘Châu Thăng’ hay ‘Châu Hoa’ nơi họ ở để dễ bề kiểm soát. 
Như vậy, ngay từ đầu thế kỷ thứ XV, vương quốc Champa khó lòng thu phục lại những gì mà họ đã mất về tay Đại Việt. Khách quan mà nói, dưới triều nhà Trần, dù muốn tiến xuống phía Nam, nhưng các vua nhà Trần hầu như không có một kế sách nào đặt ra nhằm xâm chiếm nước này, mà người Việt Nam chỉ làm cuộc Nam tiến do những nguyên nhân khách quan bên ngoài, chẳng hạn như sau khi bị người Champa quấy nhiễu, quan quân ta mới tiến đánh, hay vua Champa dâng đất cầu hôn như trường hợp của Chế Mân và công chúa Huyền Trân. Về phía Champa lúc đó đất rộng người thưa và tổ chức hành chánh quá lỏng lẻo, nên các vua Champa nghĩ rằng giữ lại những phần đất ấy cũng chẳng làm được gì, chẳng hạn như hai châu Ô-Lý khi được vua Chế Mân dâng lên làm sính lễ cưới công chúa Huyền Trân thì hầu như không có dân Champa cư ngụ, mà thường thì họ ở phía Nam lên đó để khai thác gỗ quý và các loại lâm sản quý hiếm khác như quế; sau khi khai thác xong họ lại trở về quê chứ không ở lại. 
Bên cạnh đó các vua Champa chỉ chú ý đến những vùng bình nguyên rộng về phía Nam, nơi có khí hậu ấm áp, và cũng là vựa lúa chính của dân Champa. Chính vì vậy mà càng ngày họ càng co cụm về phía Nam, nhưng sự cay nghiệt của lịch sử là ở chỗ nầy. Khi các vua Champa ngày càng rút lần về phương Nam thì vì sinh lộ cho cả dân tộc, người Việt cũng không dừng lại ở những nơi mà người Champa đã dâng hiến; ngược lại, vùng nắng ấm đầy hứa hẹn của phương Nam đã khiến người Việt tiếp tục tiến về Nam mỗi khi có điều kiện thuận tiện. 
 Ngay khi quân Minh đánh chiếm Thăng Long và bắt giữ cha con Hồ Quí Ly và Hồ Hán Thương, thì các vua Champa đã chuẩn bị liên kết với quân Minh nhằm tạo thế gọng kềm không cho nhân dân Đại Việt khởi nghĩa chống lại quân Minh. Năm 1407, sau khi quân Minh xâm chiếm Đại Việt, quân đội Champa đã kéo ra đánh chiếm lại 4 châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa(51). Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau khi Lê Lợi đánh thắng quân Minh và thu phục lại nền tự chủ, đất nước Đại Việt đã phục hồi một cách nhanh chóng, khiến cho các vua Champa không có đủ thì giờ để liên kết với quân Minh ở phương Bắc. 
Tuy nhiên, sau khi thua trận ở Đại Việt, quân Minh cai cú yểm trợ cho Champa đánh phá Đại Việt. Từ những năm 1434, đến năm 1444 và 1445, quân Champa đã liên tục kéo quân ra đánh phá Thuận Hóa, nhưng đều bị quân ta đánh bại. Đến năm 1470, vua Champa là Bàn La Trà Toàn(52) đã sai sứ sang Tàu, tố cáo với Minh Triều là vua Đại Việt muốn hưng binh đánh Trung Hoa, và đã chận cướp hết những phẩm vật mà sứ giả Champa đem đi triều cống cho Minh Triều. Đồng thời, Trà Toàn thân chinh đem trên 100.000 quân sang đánh chiếm Thuận Hóa của Đại Việt. Đến năm 1471, vua Lê Thánh Tông (1460-1497) đánh chiếm thành Đồ Bàn và bắt sống vua Champa là Trà Toàn(53). 
Quân đội Đại Việt đồng thời chiếm giữ đất đai từ Quảng Nam(54) vào đến Tuy Hòa, nhà vua ra lệnh cho khắc trên bia đá làm biên giới tại vùng Thạch Bi Sơn ngày nay, lấy đèo Cù Mông làm biên giới giữa Chàm và Đại Việt. Nhà vua cho đổi tên vùng đất mới chiếm cứ được ra làm phủ Hoài Nhơn, và sáp nhập vào bốn châu trước đó(55) để thành lập Quảng Nam Thừa Tuyên Đạo. Phần đất còn lại của Champa, vua Lê Thánh Tông lại cho chia ra làm 3 nước: Champa Hoa Anh(56), Champa(57), và Champa Nam Phan(58). Và sau đó, người Việt dừng lại ở đây khá lâu, cho đến sau khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đất Thuận Hóa, đến năm 1611 người Việt tiến đến Phú Yên, và năm 1653 đến Nha Trang. Dưới thời Hậu Lê, vào thế kỷ thứ XVI, phải thành thật mà nói, do một cơ duyên tình cờ của lịch sử mà Nguyễn Hoàng được Trịnh Kiểm đề nghị với vua Lê cho vào trấn thủ đất Thuận Hóa(59). 
Sau đó, vào năm Canh Ngọ 1570, Trịnh Kiểm đòi quan trấn thủ Quảng Nam là Nguyễn Bá Quýnh về trấn thủ đất Nghệ An, để đất Quảng Nam cho Nguyễn Hoàng kiêm nhiệm(60). Các chúa tiên triều nhà Nguyễn luôn quan ngại đến sự quấy nhiễu của Champa do kinh nghiệm lịch sử qua bản chất hiếu chiến của quân đội Champa. Thêm vào đó, vào cuối thế kỷ thứ 16 khi vương quốc Champa đang đẩy mạnh việc giao thương với người Bồ Đào Nha làm cho mối quan ngại của xứ Đàng Trong ngày càng rõ rệt hơn, vì nếu không khéo các chúa Nguyễn sẽ phải “lưỡng bề thọ địch,” phía Bắc phải đối đầu với quân nhà Trịnh, còn phía Nam phải đối địch với vương quốc Champa đang có mối giao hảo rất tốt với Bồ Đào Nha. Vào năm Tân Hợi 1611, Nguyễn Hoàng đem quân vào đánh vùng Phú Yên, lập ra hai huyện Đồng Xuân và Tuyên Hòa. 
Dầu mất đất Phú Yên, vương quốc Champa vẫn không nao núng, họ thắt chặt mối giao hảo với các xứ Âu Châu, đặc biệt là Bồ Đào Nha. Chính vì thế mà vào năm 1620, chúa Nguyễn phước Nguyên gả con gái thứ chín là công nữ Ngọc Vạn cho quốc vương Cao Miên là Chey Chetta II. Và liền sau đó năm 1631, chúa lại gả luôn công nữ Ngọc Khoa cho quốc vương Champa là Pô Ro Mê, nhằm tạo sự yên ổn lâu dài cho vùng này. Có lẽ chính vì lý do này mà những năm sau đó, người ta không còn thấy người Champa giao hảo với người Bồ Đào Nha nữa. 
Đến khi người Champa thấy rằng đất nước của họ đang đứng trước hiểm họa diệt vong thì họ bắt đầu phản kháng mãnh liệt. Nhất là kể từ thế kỷ thứ XVII trở về sau nầy. Một mặt họ đã triệt để áp dụng chánh sách quấy nhiễu xứ Đàng Trong, vì lãnh thổ của toàn bộ xứ Đàng Trong thời bấy giờ đã từng một thời là lãnh thổ của Champa. Mặt khác, họ tăng cường giao thương với các nước Bồ Đào Nha, Ấn Độ và Trung Hoa... Thương thuyền Bồ Đào Nha thường hay ghé lại các hải cảng Cam Ranh và Phan Rang. Các chúa Nguyễn thấy được mức độ nguy hiểm của việc nầy, vì sự liên kết của Chiêm Thành với các nước nầy có thể trực tiếp đe dọa đến nền an ninh của Đại Việt. Chính vì vậy, một mặt các chúa Nguyễn tăng cường quân đội, mặt khác áp dụng chính sách hòa hoãn với Champa. Theo linh mục Alexandre De Rhodes, giữa những năm 1620 đến năm 1653, chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã phải liên tục duy trì quân đội tại vùng biên giới và lúc nào cũng đặt trong tình trạng báo động chiến tranh với Champa. Lúc nầy để dồn hết nỗ lực đối đầu với chúa Trịnh ở phương Bắc, các chúa nhà Nguyễn đã tỏ ra hết hòa hoãn với Champa. Năm 1631, chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã gả con gái là công nữ Ngọc Khoa cho vua Champa Pô Romê(61). 
Sau cuộc hôn nhân nầy, Champa trở nên thân thiện với xứ Đàng Trong hơn, trong khi đó họ đã tỏ ra lạnh nhạt với các nước khác, đặc biệt là với Bồ Đào Nha và Ma Cao. Theo Pierre Bernard Lafont trong “On the Relations Between Champa and Southeast”, đã ghi nhận rằng không hiểu vì sao, sau năm 1639 thì cuộc giao thương giữa Champa và Bồ Đào Nha không còn được nói đến nữa. 
 Đến năm Quí Tỵ 1653, vua Champa là Bà Thấm(62) đã đem quân sang tấn công và đánh phá vùng đất Phú Yên. Chúa Nguyễn Phúc Tần sai Cai Cơ Hùng Lộc đem quân vượt đèo Cả sang đánh chiếm Phan Rang. Vua Bà Thấm xin hàng, từ đó xứ Đàng Trong chiếm cứ thêm các vùng đất từ Phú Yên đến Phan Rang. Chúa Hiền cắt phần phía Bắc Phan Rang sáp nhập vào lãnh thổ xứ Đàng Trong, và đặt những vùng đất mới chiếm được nầy làm phủ Thái Ninh, sau đổi làm phủ Diên Khánh, đặt dinh Thái Khang cho Hùng Lộc cai quản. Sau đó, chúa Nguyễn lại chia vùng đất mới chiếm được ra làm 2 phủ Thái Khang và Diên Ninh(63), dưới quyền của dinh Thái Khang(64). 
Sau năm 1653, thì lãnh thổ của người Champa chỉ còn lại một vùng nhỏ hẹp từ phía Nam Nha Trang đến Bình Thuận (Phan Thiết), trong khi đó thì nội bộ của các hoàng thân Champa lại chia rẽ trầm trọng. Nghĩa là sự thể tồn vong của Champa đã quá trễ tràng, vì dầu muốn hay không muốn, Champa rồi cũng sẽ diệt vong. Đến giai đoạn nầy thì các chúa Nguyễn nghĩ rằng không còn cần thiết phải đánh Champa nữa, chỉ cần vượt qua vùng đất nầy để tiến về phương Nam, thì tự nhiên Champa sẽ bị mắc kẹt trong nội địa Việt Nam, không sớm thì muộn, lãnh thổ còn lại của Champa sẽ phải sáp nhập vào Việt Nam. 
 Năm 1692, vua Champa là Bà Tranh(65) không thần phục xứ Đàng Trong và cũng không chịu tiến cống, mà còn lại đem quân tấn công phủ Diên Ninh, chúa Nguyễn Phúc Chu sai quan Chưởng Cơ Nguyễn Hữu Cảnh(66) làm Thống Binh đem quân đánh dẹp. Năm 1693, Nguyễn Hữu cảnh bắt sống Bà Tranh cùng quần thần Champa là Tả Trà Viên, Kế Bà Tử, Bà Ân... đem tất cả về giam tại hòn Ngọc Trản (Hòn ChénHuế). Chúa Nguyễn Phúc Chu lấy phần đất còn lại của Champa lập thành trấn Thuận Thành. Tuy nhiên, nhằm vỗ về dân Champa, chúa Nguyễn cho bổ nhậm Kế Bà Tử(67) làm Khám Lý phủ Thuận Thành, và ba người con của Bà Ân làm đề đốc trấn giữ Thuận Phủ, nhưng bắt buộc tất cả quan chức người Champa phải ăn mặc theo người Việt. 
Như vậy, sau năm 1693, Champa chỉ còn lại một vùng lãnh thổ duy nhất là Bình Thuận (Phan Thiết). Đến năm 1694, chúa Nguyễn cho đổi Thuận Phủ ra làm trấn Thuận Thành, cho Kế Bà Tử làm Tả Đô Đốc. Đến năm 1697, mặc dầu các hoàng thân Champa vẫn còn làm quan tại trấn Thuận Thành, chúa Nguyễn lại đặt phủ Bình Thuận (Phan Thiết), lấy những vùng Phan Rí và Phan Rang làm các huyện Yên Phúc (An Phước) và Hòa Đa. Và để đề phòng sự nổi dậy của người Champa, chúa Nguyễn bổ nhậm Cai Cơ Nguyễn Tân Lễ giữ vùng Phan Rí và Cai Đội Chu Kiêm Thắng giữ vùng Phan Rang. Như vậy, kể tứ năm 1697, chúa Nguyễn đã hoàn tất công cuộc thu phục đất Champa, chỉ để lại cho người Champa một danh vị ‘Phiên Vương’ trên mảnh đất Thuận Thành nhỏ hẹp, mà trên thực tế cũng do quan quân của xứ Đàng Trong kiểm soát. 
Và cũng kể từ năm 1697, Đại Việt đã đưa biên giới phía Nam của mình giáp với vùng đất Thủy Chân Lạp. Đến đó coi như công cuộc thu phục Champa chấm dứt, mặc dù từ năm 1697 đến khi Gia Long lên ngôi, người Champa cũng đã nhiều lần nổi dậy chống lại triều Nguyễn, nhưng đều thất bại. Điều may mắn cho các chúa Nguyễn của xứ Đàng Trong là từ khi Chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào trấn nhậm Thuận Hóa, cũng là thời điểm vương quốc Champa suy yếu. 
Một điều không may mắn cho vương quốc Champa vào thế kỷ thứ 16 là chúa Nguyễn Hoàng đang cần hậu cứ vững chắc cho công cuộc tranh đấu với chúa Trịnh ở phương Bắc. Chính vì vậy mà từ chúa Tiên Nguyễn Hoàng đến các chúa Nguyễn về sau nầy, không một vị chúa nào bỏ lỡ cơ hội thu phục từng tấc đất của vương quốc Champa. Bên cạnh đó, tỷ lệ tăng trưởng của dân số Việt Nam và Champa ngày càng tiến dần đến tỷ lệ nghịch, nghĩa là trong khi dân số Việt Nam gia tăng thì dân số Champa cứ giảm dần sau những cuộc sơ tán vì chiến tranh giữa Champa với Java và Chân Lạp. Đến cuối thế kỷ thứ XVII thì vương quốc Champa kể như không còn trên bản đồ thế giới, và cư dân của vương quốc Champa trở thành người thiểu số trong cộng đồng người Việt. 

Phải công tâm mà nói, người Champa không bị người Việt tiêu diệt. Dẫu rằng giữa Champa và Đại Việt có xảy ra chiến tranh và sau mỗi lần đánh nhau, người Việt có chiếm đất của Champa, nhưng người Việt Nam không bao giờ chủ trương xóa sổ toàn bộ văn hóa của dân tộc Champa, bằng chứng là người Việt chưa bao giờ tàn phá những đền đài thánh tích của người Champa khi các vùng đất này thay ngôi đổi chủ. Dù dưới thời các chúa không có chánh sách ưu đãi người Champa, cũng không có chánh sách bạc đãi nào. 
Đến thời Việt Nam Cộng Hòa (1954-1975), miền Nam đặc biệt dành nhiều ưu đãi cho người Champa hay các dân tộc thiểu số khác. Phải nói nguyên nhân đưa đến sự tan rã của vương quốc Champa nằm ngay trong nội bộ của các vương triều Champa, chứ không phải do bị Đại Việt đánh chiếm. Tuy nhiên, chính những mối chia rẽ và suy thoát trong nội bộ Champa đã làm cho cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam nhanh hơn và dễ dàng hơn. Đến khi Việt Nam bắt đầu tiến vào đất Thủy Chân Lạp thì các chúa tiền triều nhà Nguyễn cũng dùng một sách lược áp dụng với Champa để rồi cuối cùng các vua Miên phải tuần tự cắt đi phần đất Thủy Chân Lạp giao cho Việt Nam. Kỳ thật, phần đất Thủy Chân Lạp không phải là bản địa của người Miên, mà là bản địa của vương quốc Phù Nam đã bị Cao Miên lấn chiếm hồi thế kỷ thứ VI, nhưng vì cả một vùng đất bao la bạt ngàn này luôn bị chìm ngập dưới làn nước phù sa của sông Cửu Long, nên hầu như toàn vùng không có cư dân người Chân Lạp. Đến khi lưu dân Việt Nam tràn vào định cư tại đây thì một số người Chân Lạp mới theo chân các người Việt này mà định cư tại các giồng đất cao thuộc các tỉnh Trà Vinh, Sóc, Trăng, Bạc Liêu, Rạch Giá và Châu Đốc. Như vậy, tại vùng đất Thủy Chân Lạp, người Việt chỉ thay thế người Chân Lạp, tiếp tục khai phá vùng đất mà Chân Lạp thừa hưởng của người Phù Nam nhưng chưa từng có kế hoạch khai phá và định cư, cũng như chưa từng xác lập chánh quyền trên vùng đất này. 

 Người Long Hồ 
 Anaheim ngày 3 tháng 8 năm 2011 
Copyright © 2012 by Ngoc Tran. All rights reserved. 

Chú Thích: 
(1) Sau gần 1.000 năm Bắc thuộc từ năm 110 trước Tây lịch đến năm 939 sau Tây lịch. (2) Địa phận tỉnh Thanh Hóa ngày nay. 
(3) Một trong những con sông dài nhất trên thế giới, phát nguyên từ cao nguyên Tây Tạng và đổ ra biển ở khoảng vĩ tuyến 38. 
(4) Địa phận tỉnh Quảng Đông thuộc Trung Quốc ngày nay. 
(5) Long Xuyên là thủ phủ của quận Nam Hải. 
(6) Theo Dư Địa Chí của Nguyễn Trãi, thời Ngô Quyền có 3.100.000, nhà Tiền Lê 5.006.500, thời Lý 5.300.100, nhà Trần 7.004.300, nhà Hậu Lê 7.009.940. 
(7) Vùng phía bắc và phía đông tỉnh Quảng Tây. 
(8) Bây giờ là vùng phía Bắc tỉnh Thừa Thiên. 
(9) Mảnh đất còn lại cuối cùng của Champa. 
(10) Thời Tây Hán, năm 111 trước Tây lịch, Trung Hoa đã chiếm vùng Nhật Nam, chạy dài từ phía Nam quận Cửu Chân đến tận đèo Hải Vân, nhưng năm 877, quân Champa đã tái chiếm lại phần đất từ Hải Vân ra đến đèo Hoành Sơn, tức đèo Ngang. Theo Hán sử, vào năm 192, Khu Liên, người làm phản nhà Hán, nổi lên giết quan huyện lệnh, rồi tự lập làm vua xứ Lâm Ấp 
(11) Năm 939, Ngô Quyền đã đánh bại quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng và thu hồi nền độc lập cho Đại Việt. 
 (12) Phần đất thuộc tỉnh Vân Nam của Trung Hoa ngày nay. 
 (13) Đây là lối tự xưng ngạo mạn của người Hán. 
(14) Champa lập quốc kể từ năm 192, lúc nầy Giao Châu vẫn còn bị người Hán đô hộ. Đến khoảng những năm 270 đến 280, vua Champa là Phạm Hùng đã liên kết với quân Phù Nam ra đánh Giao Châu. Đến năm 347, vua Champa là Phạm Văn lại đem quân ra đánh Giao Châu lần nữa. Đến những năm 803 và 806, Champa lại mang quân ra đánh Giao Châu. 
 (15) Trước khi Đại Việt thâu hồi độc lập vào năm 939 sau Tây lịch. 
 (16) Việt sử không nói rõ lý do tại sao vua Champa lại có thái độ thù nghịch với Đại Việt, cũng như lý do bắt giữ sứ đoàn. Theo Ngô văn Doanh trong “Thánh Địa Mỹ Sơn”, TPHCM: NXB Trẻ, 2008, tr. 137, từ năm 972 đến năm 978, vua Paramesvaravarman I đã cử ít nhất là 6 sứ đoàn đi Trung Hoa. Trong khi Champa tiếp tục có quan hệ tốt với Trung Hoa, thì vua Paramesvaravarman I lại gây ra những mâu thuẫn lớn với nhà Tiền Lê (980-1009) của nước Đại Việt. Kết quả là vào năm 982 vua Lê Đại Hành phải mang quân đi đánh Champa. Vua Paramesvaravarman I bị giết chết ngay tại mặt trận, vị vua mới lên ngôi là Indravarman IV phải bỏ kinh đô để chạy về phía nam. Tuy nhiên, vua Lê Đại Hành không chiếm đất Champa mà chỉ thâu góp chiến lợi phẩm đem về Hoa Lư. . 
(17) Sau biến cố tại Indrapura, vua Champa là Indravarman bị một người Việt tên Lưu Kỳ Tông cướp ngôi, rồi lên làm vua từ năm 983 đến năm 989. Năm 985, vua Indravarman II cầu viện Trung Hoa để lấy lại vương quốc nhưng không thành. Lưu Kỳ Tông lên ngôi và xin cầu phong với Trung Hoa vào năm 986. Trong giai đoạn nầy nước Champa suy yếu, các vua chính thống Champa dời đô về vùng Qui Nhơn ngày nay để lập nên kinh đô Phật Thệ. 
(18) Đế đô ấy ngày nay là vùng Mỹ Sơn-Trà Kiệu. Theo Ngô văn Doanh trong “Thánh Địa Mỹ Sơn”, TPHCM: NXB Trẻ, 2008, tr. 43-45, nhờ có bia ký mà ngày nay chúng ta biết được người đầu tiên lập nên đế đô Mỹ Sơn vào thế lỷ thứ IV sau tây lịch là vua Bhadravarman I. Ông chính là vua Phạm Phật đã được nói đến trong các thư tịch cổ Trung Hoa. Chính vua Phạm Phật cũng là người đã có công rất lớn trong việc tu bổ đô thành Sư Tử, mà người Việt gọi là Trà Kiệu (Simhapura). Thành Sư Tử thờ thần Bhadravarman được Thủy Kinh Chú mô tả như sau: “Thành ấy ở phía tây khúc sông là kinh đô Lâm Ấp, lập ở Điển Xung, cách bờ biển 40 lý, cách Quảng Châu 2.500 lý. Về phía tây nam giáp núi, phía đông bắc nhìn ra sông. Nhiều lớp hào nước bao quanh chân thành và ở mé ngoài các hào về phía đông nam thì sông dựa theo bờ thành, bề đông tây của thành thì dài, bề nam bắc thì hẹp. Chu vi thành 8 lý 120 bộ; thành gạch cao 2 trượng, trên thành có tường gạch cao 1 trượng...” 
 (19) Tức là kinh đô Phật Thệ-Vijaya, thuộc tỉnh Bình Định ngày nay, cách đế đô Indrapura khoảng 300 cây số về phía Nam 
(20) Tức là Đèo Ngang thuộc tỉnh Quảng Bình ngày nay. 
(21) Lúc nầy Đại Việt được cai trị bởi nhà Lý, một triều đại huy hoàng nhất trong dòng sử Việt. 
(22) Jaya Simhavarman II, trị vì Champa từ năm 1041 đến năm 1044. (23) Trị vì Đại Việt từ năm 1028 đến năm 1054. 
(24) Cửa Đại An nguyên là cửa Đại Ác, nhưng sau khi đánh thắng quân Champa tại đây, vua Lý Thái Tông đã đổi tên lại là Đại An. 
(25) Vùng phía Bắc tỉnh Quảng Bình ngày nay. 
(26) Vùng trung và nam tỉnh Quảng Bình. 
(27) Ngày nay là vùng phía bắc tỉnh Quảng Trị. 
 (28) Theo Việt Sử Toàn Thư của Phạm Văn Sơn, tập I, trang 299, Lý Thường Kiệt sanh năm 1019 tại Thăng Long, theo làm hoạn quan dưới thời vua Lý thái Tông lúc còn trẻ. Ông đã phục vụ trải qua 3 triều vua là Lý thái Tông, Thánh Tông, và Nhân Tông, từ năm 1027 đến năm 1105. Ông chỉ bắt đầu nổi tiếng từ sau 2 cuộc chiến tranh với quân Tống, đó là cuộc ‘phạt Tống vào năm 1075’ và cuộc ‘đánh Tống ra khỏi bờ cõi vào năm 1076’. Ông mất năm 1105, được truy tặng tước Việt Quốc Công. 
(29) Tên Champa là Srijaya Indravarmadeva V, trị vì Champa từ năm 1086 đến năm 1113. 
(30) Lần thứ nhất vào năm 982, vua Lê Đại Hành đã đánh phá đế đô Indrapura, nhưng không chiếm cứ đất đai. Vào năm 1044, dưới thời vua Lý Thái Tông, vua Champa chẳng những không triều cống mà còn đem quân sang quấy nhiễu vùng biển phía Nam, vua Lý Thái Tông bèn cất quân sang đánh, rồi cũng rút về chứ không chiếm đất. 
(31) Theo quyển Histoire du Vietnam của sử gia André Masson, khi lão tướng Lý Thường Kiệt vào đánh chiếm lại ba châu Bố Chính, Địa Lý, và Ma Linh thì vị tướng nầy đã cho thành lập những đồn điền. Đó là những vùng ruộng nương mới khai phá có đồn binh bảo vệ, vì khi quân Đại Việt tái chiếm ba châu nầy thì tại đây đã có nhiều cư dân người Việt vào sinh cơ lập nghiệp, đa số là những người nghèo khó, cùng khổ, và không có nghề nghiệp ở miền giáp với Champa thời bấy giờ. 
(32) Khi quân Mông Cổ tiến đánh Đại Việt lần thứ nhì, từ năm 1284 đến năm 1285. 
(33) Công chúa Huyền Trân là em ruột của vua Trần Anh Tông, con gái vua Trần Nhân Tông, sanh năm 1287. Theo Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim, trang 162, công chúa Huyền Trân về làm hoàng hậu Champa, tước hiệu hoàng hậu Paravecmari, chưa đầy một năm thì vua Chế Mân băng hà. Theo tục lệ của người Champa, hễ khi vua đã chết, thì hoàng hậu và các thứ phi đều phải hỏa thiêu chết theo. Tuy nhiên, vua Trần Anh Tông đã sai tướng Trần Khắc Chung và Đặng Văn đi sứ sang Champa, lấy tiếng vào thăm để tìm cách đưa em gái của mình trở về Đại Việt. Sự việc đưa công chúa Huyền Trân về nước là một trò lừa gạt, đáng lý ra không nên xảy ra. Khắc Chung đã nói với tân vương Chế Đa Da là theo tập tục của người Việt là phải đưa hoàng hậu Paravemari ra bãi biển để chiêu hồn Chế Mân và đón hồn về, rồi sau đó hoàng hậu Paravecmari sẽ trở lại hỏa đàn, tân vương Champa tin thật nên đồng ý cho 300 lính Champa theo hộ tống. Tuy nhiên, khi ra tới ngoài bãi biển thì 300 lính Champa bị 800 lính Đại Việt ập tới ép phải lên thuyền ra khơi, rồi dong buồm chạy thẳng về Thăng Long. Tuy nhiên, cả năm sau, đoàn thuyền của Khắc Chung Huyền Trân mới về đến Thăng Long. Mặc dầu Khắc Chung bị con của Hưng Đạo Vương là Hưng Nhượng Vương Quốc Tảng mắng ngay trước mặt ngay khi về đến Thăng Long, nhưng Khắc Chung vẫn được thăng quan tiến chức, đến năm 1330 thì mất tại Thăng Long. Vua Anh Tông có ngờ đâu rằng chính việc làm mờ ám nầy đã gây ra không biết bao nhiêu tai họa cho nhân dân Đại Việt về sau nầy. Thật tình mà nói, nếu cần dùng võ lực để đưa Huyền Trân về Đại Việt, có lẽ còn tốt hơn là phải dối gạt vua Champa về tục lệ Đại Việt như thế nầy, vì sau sự việc nầy, đám hậu duệ của vua Chế Mân đã đem lòng thù oán Đại Việt và biết bao nhiêu đau thương tang tóc đã xảy ra sau đó! 
(34) Theo Dohamide & Dorohiem trong “Dân Tộc Chàm Lược Sử”, 1965, tr. 73, vua Champa Jaya Simhavarman III, trị vì Champa từ năm 1287 đến năm 1307, sử Việt chép là Chế Mân. Về phía Đại Việt, nhân có sứ đoàn Champa sang dự lễ lên ngôi của vua Trần Anh Tôn, Thượng hoàng Trần Nhân Tôn bèn thực hiện ý định từ lâu là sang viếng các vùng đất thiêng vương quốc Chàm. Thượng hoàng đã lưu lại Champa 9 tháng và trước sự tiếp đãi nồng hậu của vua Jaya Simhavarman III, thượng hoàng đã hứa gả cho Chiêm vương đứa con gái của mình. Cuộc hôn nhân nầy đã gây nên cảnh bất bình trong thần dân của cả hai nước Việt và Chiêm. Đến năm 1305, vua Jaya Simhavarman III sai Chế Bồ Đài mang lễ vật sang Đại Việt gồm nhiều vàng bạc cùng lời hứa nhượng hai châu Ô-Lý, và được Đại Việt cho đổi làm Thuận Châu và Hóa Châu. Theo Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Thuận Châu gồm các huyện Đăng Xương, thuộc Triệu Phong Quảng trị ngày nay. Hóa Châu là các huyện Phú Vang, Phú Lộc của tỉnh Thừa Thiên và các huyện Diên Phước và Hòa Vang của tỉnh Quảng Nam. 
 (35) Trần khắc Chung sanh năm 1265, con của Tá Thiên Vương Trần Đức Việp, em ruột của vua Trần Nhân Tông. Khắc Chung đậu tiến sĩ năm mới 16 tuổi. Năm 1282, được sung làm Nhập Nội Hữu Tụng Quan, có nhiệm vụ đọc giảng kinh sử cho các hoàng hậu, hoàng phi và công chúa trong cung. Từ đó mà người đương thời thường thêu dệt về mối tình giữa đôi trai tài gái sắc Khắc Chung-Huyền Trân nầy. Theo phong tục tập quán Việt Nam thì con nhà chú bác hay cô cậu không thể nào yêu nhau và lấy nhau được, nhưng dưới thời nhà Trần nhiều chuyện như vậy đã xảy ra, chẳng hạn như trước đó Thủ Độ đã từng ép vợ của Trần Liễu phải lấy vua Thái Tông Trần Cảnh. 
(36) Đoàn Nhử Hài là một trong những người cầm đầu sứ đoàn Đại Việt sang Champa liên quan đến vấn đề hôn nhân giữa Huyền Trân công chúa và vua Chế Mân. Đến năm 1336, dưới thời Trần Hiến Tông, Đoàn Nhử Hài đang làm Kinh Lược Nghệ An, trong chuyến đi dẹp giặc Lào đã bị phục kích và chết đuối tại vùng phía Tây Nghệ An. 
(37) Không có tài liệu lịch sử nào ghi rõ hai châu ấy ngày nay thuộc vùng đất nào, tuy nhiên, dựa vào niên đại và tiến trình Nam Tiến của Đại Việt, chúng ta có thể đoán biết địa phận của hai châu Ô-Lý bây giờ là vùng phía Bắc tỉnh Thừa Thiên, có thể là vùng sông Thạch Hãn chảy ra biển tại vùng cửa Việt, thuộc tỉnh Quảng Trị ngày nay. 
 (38) 257 năm, kể từ ngày Chế Củ dâng 3 châu Bố Chính, Địa Lý và Ma Linh lên vua Lý Thánh Tông. 
(39) Vùng đất miền Trung Việt Nam bây giờ. 
(40) Công chúa Huyền Trân. (
41) Cha vợ của vua Trần Minh Tông. 
(42) Chế Bồng Nga, vua Champa Po Bin Swor, trị vì Champa từ năm 1360 đến năm 1390.
 (43) Năm 1367, sau khi nghe tin thám báo là vua Champa Chế Bồng Nga đang ráo riết luyện tập binh mã để đánh trả thù Đại Việt, vua Trần Dụ Tôn sai hai vị nguyên soái là Thế Hưng và Đỗ Tử Bình đem quân đi đánh Champa, nhưng Thế Hưng bị Chế Bồng Nga bắt sống, còn Tử Bình phải bỏ chạy về nước. 
(44) Theo Minh Sử, thì vào tháng 9 năm 1406, cũng chính Trần Húc là người đã hướng dẫn đoàn quân xâm lược của Trương Phụ, đem 400 ngàn quân binh vào đánh chiếm Thăng Long, bắt Hồ Quý Ly và Hồ Hán Thương về Bắc Kinh. (45) Trong trận hải chiến nầy, Trần Khát Chân được một người Champa làm phản mật báo chiến thuyền của Chế Bồng Nga, nên Khát Chân đã cho tập trung hỏa lực vào đó, cuối cùng Chế Bồng Nga bị tử thương.(46) Có sách chép là Đỗ Mẫn. 
(47) Tức vua Indravarman XII, trị vì Champa từ năm 1401 đến năm 1441. 
(48) Đây là vùng đất thuộc Tượng Quận dưới thời nhà Hán và ngày nay thuộc các tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi. Ngày nay, châu Thăng là quận Thăng Bình thuộc tỉnh Quảng Nam, châu Hoa là vùng Mộ Đức, còn gọi là Mộ Hoa, thuộc tỉnh Quảng Ngãi; châu Tư là quận Tư Nghĩa, cũng thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Như vậy, dầu triều đại nhà Hồ rất ngắn ngủi, nhưng cũng đã giúp cho Đại Việt tiến về phía Nam ít nhất là 120 cây số nữa. 
(49) Có thể là vùng núi Bình Đê, ngăn cách giữa hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định ngày nay. (50) Trên đường rút quân, thủy quân của Đại Việt chạm trán với khoảng 9 chiến thuyền của nhà Minh ngoài khơi bờ biển Champa, và bị quân Minh cảnh cáo là Đại Việt nên rút quân về, nếu không muốn phải đụng độ với quân Minh. Như vậy, trong cuộc chiến nầy, quân đội Champa đã cầu viện với quân Minh. 
(51) Tức vùng Chiêm Động và Cổ Lụy. (52) Trà Toàn trị vì xứ Champa từ năm 1460 đến năm 1471. (53) Theo quyển Champaka, California, USA, 1999, tr. 114-121, thành Đồ Bàn thất thủ đánh dấu sự diệt vong của dòng tộc Cây Dừa. Kể từ đó Champa bị thu hẹp trong lãnh thổ tiểu vương của dòng tộc Cây Cau. Thế rồi từ chánh sách Nam Tiến của các chúa Nguyễn và những vị hoàng tử bù nhìn làm tay sai cho xứ Đàng Trong, cùng với sự chia rẽ trong nội bộ (dòng tộc Cei Brei đã thành lập chánh phủ Chăm lưu vong ở Campuchia, và tướng Po Saong Nhung Ceng đã chạy theo Nguyễn Ánh để thành lập một chánh phủ Chăm lưu vong khác ở Gia Định) đã khiến vương quốc Champa đi tới chỗ tan rã. (54) Bao gồm cả tỉnh Quảng Ngãi ngày nay. 
(55) Đó là những châu Thăng, Hoa, Tư, và Nghĩa. 
(56) Vùng Phú Yên và Khánh Hòa. 
(57) Vùng Phan Rang. 
(58) Các vùng Gia Lai, Kontum và Daklak. 
(59) Nguyễn Kim theo phò vua Lê và phục hưng triều Hậu Lê, bị một viên tướng họ Mạc là Dương Chấp Nhất đầu độc chết, các con Nguyễn Kim hãy còn nhỏ, nên con rể là Trịnh Kiểm lên nắm binh quyền. Rồi vì muốn củng cố quyền lực mà Trịnh Kiểm đã âm mưu sát hại Nguyễn Uông. Nguyễn Hoàng cả sợ bèn xin chị là Ngọc Bảo nói với Trịnh Kiểm tâu lên vua Lê cho ông vào trấn thủ đất Thuận Hóa, theo lời khuyên của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm “Hoành Sơn Nhất Đái, Vạn Đại Dung Thân”. Từ đó đến mãi hơn 200 năm về sau nầy, hai họ Trịnh-Nguyễn đã chia cắt đất nước ra làm hai đàng: Đàng Ngoài, từ sông Gianh trở ra bắc; và Đàng Trong, từ sông Gianh trở vào nam. 
(60) Theo Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim, quyển 2, tr. 78. 
(61) Vào cuối thế kỷ thứ XVI, người Champa thường buôn bán với người Bồ ở Ma Cao, thương thuyền người Bồ hay ghé lại các hải cảng lớn của Champa thời đó, như Cam Ranh, Phan Rang, Nha Trang, và Qui Nhơn. Thấy được mối nguy hiểm nầy, nếu tiếp tục để cho người Champa liên kết chặt chẽ với người Bồ, thì rất nguy hiểm cho sự an nguy của Đại Việt. Chính vì vậy mà chúa Sãi quyết định hòa hoãn với Champa bằng cách gả con gái mình cho vua Champa là Po Romê, một ông vua tài ba, trị vì Champa từ năm 1627 đến năm 1651. Quả đúng như dự tính của Sãi Vương, từ khi gả công nữ Ngọc Khoa cho vua Po Romê, thì cuộc giao thương giữa Champa và người Bồ cũng chấm dứt. Dầu dưới thời Sãi Vương Nguyễn Phúc Nguyên, tiến trình Nam Tiến của xứ Đàng Trong phải bị giậm chân tại chỗ nơi vùng Prei Nokor, nhưng qua ba cuộc hôn nhân giữa ba cô công nữ, con của Sãi Vương, với ba nhân vật có thế lực đương thời, phải nói là một trong những sách lược kỳ tài nhất của chúa Nguyễn Phúc Nguyên (công nữ Nguyễn Phúc Ngọc Liên được gả cho phó tướng Mạc cảnh Vinh; công nữ Nguyễn Phúc Ngọc Vạn được gả cho vua Chân Lạp Chey Chetta II; và công nữ Nguyễn Phúc Ngọc Khoa được gả cho vua Champa Po Romê. 
(62) Bà Thấm là vua Po Nraup, trị vì từ năm 1652 đến năm 1653. 
(63) Vùng Ninh Hòa và Diên Khánh ngày nay. 
(64) Sau đổi ra Bình Khang, tức là vùng Khánh Hòa ngày nay. (65) Vua Bà Tranh có tên Champa là Po Saut, trị vì từ năm 1659 đến 1693. 
(66) Con trai của Nguyễn Hữu Dật.
(67) Kế Bà Tử là em của vua Bà Tranh.

 Nhấp vào Links:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét