Thứ Tư, 19 tháng 10, 2016

Đất Phương Nam I - Theo Dòng Thời Gian

(Vua Lê Thánh Tôn)

2. Đất Phương Nam Theo Dòng Thời Gian 

Tổng Quan Lịch Sử Mở Cõi Về Vùng Đất Phương Nam: 

 Lịch sử Nam tiến nhằm mở đất về phương Nam của dân tộc Việt Nam luôn gắn liền với kế hoạch khẩn hoang đã có từ thời các vua Đinh, Lê, Lý, Trần... Ngay từ thời vua Lê Thánh Tôn (1460-1497), nhà vua đã nhìn thấy cảnh đất hẹp người đông của xứ Đại Việt, nên ngài đã cho thi hành kế sách thành lập những đồn điền nơi vùng biên trấn phương Nam. Chánh sách đồn điền của các vị vua thời nhà Lê đã đem đến những lợi ích thiết thực cho dân tộc Việt Nam, một là giữ được an ninh cho vùng biên thùy, hai là mở rộng bờ cõi một cách ôn hòa. Chính vua Lê Thánh Tôn đã đặt ra chức quan Thu Ngự Kinh Lược Sứ đầu tiên với nhiệm vụ chiêu tập lưu dân, gồm những người tình nguyện và những tội nhân bị lưu đày biệt xứ, cũng như những người bỏ làng để trốn lính và thuế đều được cho vào nhóm lưu dân đi khẩn đất phương Nam. Chính những quan kinh lược thời nhà Lê đã âm thầm đưa lưu dân lấn sang đất Champa, thành lập những đồn điền do quân đội trấn giữ an ninh, đã đặt các vua Chiêm Thành trước việc đã rồi, nhưng vì thời đó quân đội Champa quá yếu nên họ không làm gì được. Tuy nhiên, mãi đến đời các chúa Nguyễn, nhờ sự khôn khéo của các chúa mà công cuộc Nam Tiến đã thành công rực rỡ chỉ trong một khoảng thời gian ngắn. Thật vậy, chỉ trong vòng 137 năm kể từ khi công nữ Ngọc Vạn về làm hoàng hậu cho vua Chei Chetta II (Nặc Ong Thu II) vào năm 1620 đến năm 1757, tức là năm mà vùng đất cuối cùng của vùng Thủy Chân Lạp rơi vào tay xứ Đàng Trong để hoàn thành công cuộc Nam Tiến của dân tộc. Như vậy sau nhiều thế kỷ trải qua nhiều triều đại, đến năm 1757, cuộc Nam Tiến coi như kết thúc, vào năm nầy chủ quyền vùng Nam Kỳ hoàn toàn thuộc về xứ Đàng Trong.
Tóm lại, trong quá trình dựng nước và giữ nước, cha anh chúng ta đã hy sinh quá nhiều xương máu mới để lại cho chúng ta một dãy giang sơn gấm vóc như ngày hôm nay. Tuy nhiên, trong tiến trình Nam tiến, dân tộc Việt Nam đã gặp rất nhiều thuận lợi trong việc thu phục Chiêm Thành và Chân Lạp.
Biên giới phương Nam thời kỳ nhà Ngô thu hồi nền độc lập là vùng núi non tỉnh Thanh Hóa, đến năm 1069, vua Lê Đại Hành đã thu phục các vùng Hà Tĩnh, Quảng Bình và phía Bắc Quảng Trị, đến năm 1306 Đại Việt làm chủ phần đất Quảng Nam và Quảng Ngãi, năm 1402 làm chủ Qui Nhơn, năm 1471 làm chủ Phú Yên, 1611 làm chủ Khánh Hòa, 1653 làm chủ Phan Rang, 1693 làm chủ Phan Thiết, 1698 chúa Nguyễn sai Nguyễn Hữu Cảnh làm Kinh Lược xứ Nông Nại(1), và cuối cùng năm 1757, xác lập chủ quyền trên toàn cõi Nam Kỳ. Đặc biệt nhất là với chánh sách khôn khéo và mềm dẻo mà chỉ trong vòng chưa đầy một thế kỷ, các chúa tiền triều nhà Nguyễn đã thu phục toàn bộ đất Thủy Chân Lạp. Công lớn của các chúa Nguyễn là đã tiến hành một cuộc Nam Tiến mở cõi về phương Nam một cách êm thấm, không hề có đổ máu với cư dân bản địa. 

Nam Kỳ Trải Qua Các Thời Đại:


Vùng đất Phương Nam chỉ thực sự được khai sinh khi dòng họ Nguyễn chính thức ly khai với vua Lê-chúa Trịnh ở xứ Đàng Ngoài bắt đầu từ năm 1600 trở về sau nầy khi lần cuối cùng Nguyễn Hoàng dứt khoát không trở ra Bắc để chầu vua Lê nữa. Nguyễn Hoàng và những người kế nghiệp ông đã từng bước biến Thuận Quảng thành một vùng lãnh thổ độc lập về tất cả các mặt chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, và xã hội để tạo nên một Đàng Trong phân biệt với Đàng Ngoài. Đối với xứ Đàng Ngoài, về danh nghĩa, Nam Triều thuộc về vua Lê chúa Trịnh, nhưng theo quan điểm của Nguyễn Hoàng và con cháu dòng họ Nguyễn thì chúa Trịnh đã cướp công của họ Nguyễn. Vì vậy ý định phục thù vẫn luôn tồn tại trong suốt chiều dài lịch sử của chín chúa triều Nguyễn. Tuy bên trong nắm quyền cai quản xứ Thuận Quảng, nhưng bề ngoài lúc nào cũng tỏ ra mềm dẻo với vua Lê-chúa Trịnh, để dòng họ Nguyễn có đủ thời giờ gây tạo thanh thế. Đến khi đã có đủ sức mạnh trong tay, đời Nguyễn Phúc Nguyên đã cho sửa thành lũy, đặt quan ải, và công khai cải tổ chính quyền khác hẳn với Nam Triều. Đối với các lân quốc phương Nam, các chúa Nguyễn đã từng bước xâm thực như “tầm ăn dâu”, từng bước xác lập chủ quyền của mình trên những vùng đất mới, từng bước xác lập quyền lực để hình thành xứ Đàng Trong, và kết quả là đưa đến nhiều đổi thay của lịch sử dân tộc(2).

Nói về vùng đất Nam Kỳ, tưởng cũng nên nhắc lại, trước đây là lãnh thổ của vương quốc Phù Nam và sau nầy thuộc Chân Lạp. Lưu dân người Việt có thể đã đến đây từ rất lâu trước khi các chúa Nguyễn chính thức thành lập bộ máy hành chánh tại đây. Vùng đất phía Nam nơi mà tổ tiên chúng ta đã đặt chân đến đầu tiên có lẽ là vùng Mô Xoài-Bà Rịa, tức là vùng Đồng Nai và Bà Rịa Vũng Tàu ngày nay. Đây là vùng đất cực nam của đất nước mà triều đình xứ Đàng Trong đã thu phục được từ vương quốc Chân Lạp trong một tiến trình hết sức hòa hoãn.
Cho đến ngày nay, lịch sử và cư dân cổ của vùng đất mà bây giờ chúng ta gọi là Nam Phần Việt Nam hãy còn nhiều bí ẩn tiềm tàng dưới lòng đất, và hãy còn đang chờ đợi các nhà khảo cổ đưa ra ánh sáng. Danh xưng Nam Kỳ do vua Minh Mạng đặt ra vào năm 1834 sau khi ông cho bãi bỏ Gia Định Thành. Dưới thời Pháp thuộc, họ vẫn xử dụng danh xưng Nam Kỳ Thuộc Địa. Tuy nhiên, đến tháng 3 năm 1945, vì muốn xóa bỏ danh xưng của người Pháp nên Thống Sứ Nhật là Nishimura đã ký sắc lệnh đổi “Nam Kỳ” ra “Nam Bộ”.

Sau năm 1945, chính quyền Việt Minh lên cầm quyền, họ vẫn dùng danh xưng đã thay đổi từ thời Nhật chiếm đóng để gọi tên các vùng là “bộ” như Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ. Sau năm 1954, miền Nam theo chánh thể Cộng Hòa, chánh quyền Việt Nam Cộng Hòa gọi miền Trung là Trung Phần, và miền Nam là Nam Phần. Nói về lịch sử của vùng đất nầy thì vương quốc Phù Nam đã bị Chân Lạp triệt tiêu từ thế kỷ thứ 7, nhưng mãi đến cuối thế kỷ thứ 17, triều đình Chân Lạp vẫn chưa thiết lập và chưa hề có ý định thiết lập các cơ quan hành chánh hay đồn binh để bảo vệ đất đai và dân chúng trên vùng đất Thủy Chân Lạp. Khi những lưu dân Việt Nam đầu tiên đến đây thì toàn bộ vùng đất nầy hãy còn chìm trong hoang vu(3) với những cánh rừng ngập mặn, không có thôn ấp, không có làng xã, cũng không có chợ búa. Khi nói đến Nam Kỳ Lục Tỉnh mà không nói đến công nữ Ngọc Vạn là một sự vong ân bội nghĩa không thể chấp nhận được. Trước khi công nữ Ngọc Vạn được gả về cho Miên vương Chey Chetta II thì vùng đất nầy chỉ có những lưu dân mạo hiểm người Việt từ các vùng Thuận Hóa vào đây tìm sinh lộ một cách lẻ tẻ, hoặc giả có một số tù phạm vượt thoát vào đây, và đây chỉ là những người đi tiên phong trong cuộc mạo hiểm của chính họ, chứ chưa có quốc sách nào về vùng đất Thủy Chân Lạp nầy.
Thật tình mà nói, việc công nữ Ngọc Vạn theo chồng về Cao Miên có thể được xem như là một bước ngoặt lớn đối với tiến trình Nam Tiến của dân tộc Việt Nam, vì kể từ đó về sau nầy, cả vùng đất bao la bạt ngàn nầy tuần tự rơi vào tay của xứ Đàng Trong mà các chúa không phải tốn nhiều xương máu của dân tộc Việt Nam. Sau cuộc hôn nhân ấy thì các chúa Nguyễn luôn sẵn sàng giúp đỡ về mặt quân sự để cho các vua Miên bảo vệ vương quốc của họ khỏi sự xâm lăng của người Thái. Chúng ta thấy rõ cứ mỗi lần các chúa tiến quân lên Miên giúp họ chống lại Xiêm La là mỗi lần các vua Miên nhường lại cho triều đình nhà Nguyễn một vùng đất hoang vu nào đó trên vùng Thủy Chân Lạp để đền ơn đáp nghĩa.
Thật ra cả vùng Thủy Chân Lạp chỉ thuộc về Chân Lạp trên danh nghĩa mà thôi, chứ trong thực tế mãi đến khi những lưu dân người Việt đến đây thì hầu như không có người Khmer nào cư trú trên vùng đất nầy. Kỳ thật, sau khi thấy những lưu dân người Việt đổ xô đến đây, người Khmer cũng theo chân những lưu dân ấy đến đây tìm đất sống. Tuy nhiên, họ chỉ sinh sống trên những giồng đất cao mà thôi, chứ không chịu khai khẩn những vùng đất trũng thấp như người Việt.

Năm 1708, Mạc Cửu dâng đất Hà Tiên, chúa Nguyễn chỉ nhận trên danh nghĩa, nhưng vẫn để cho dòng họ Mạc trấn giữ đất Hà Tiên. Khoảng những năm từ năm 1732 đến năm 1735, quân Cao Miên tấn công vào người Việt Nam tại vùng Mô Xoài Bà Rịa nên mùa Đông năm 1735, đời Lê Cảnh Hưng thứ 14, triều đình xứ Đàng Trong sai Cai Đội Thiện Chánh Hầu làm Thống Suất, Ký Lục Nghi Biểu Hầu Nguyễn Cư Trinh làm Tham Mưu điều khiển tướng sĩ 5 dinh Bình Khang, Bình Thuận, Trấn Biên, Phiên Trấn và Long Hồ đi kinh lược đất Cao Miên, quan quân đồn trú ở xứ Bến Nghé, lập nên dinh trại, gọi tên là Đồn Dinh (nay là chợ Điều Khiển), lo luyện tập binh sĩ tính kế mở mang vùng biên địa.
Năm 1753, nhân cơ hội vua Chân Lạp là Nặc Ong Nguyên lấn hiếp người Côn Man, chúa Nguyễn bèn sai Nguyễn Cư Trinh lo dàn xếp và lãnh lệnh chúa Nguyễn ở lại tiếp tục khai khẩn đất hoang và lập khu dinh điền mới.
Năm 1754, quân Gia Định chia làm hai đạo, Nghi Biểu Hầu đem kỵ binh từ sông Bát Đông tiến phát, quân Nam đi đến đâu quân Chân Lạp thua đến đó. Sau đó quân của Nghi Biểu Hầu hợp cùng với binh của Thiện Chánh Hầu tại vùng Tiền Giang.
Năm 1755, tại vùng Gia Định các ông Trịnh Hoài Đức, Ngô nhơn Tịnh và Lê quang Định cũng lập ra thi xã, thắp sáng ngọn đuốc văn hiến nơi góc trời cực Nam của tổ quốc. Năm 1756, vua Chân Lạp là Nặc Ong Nguyên xin nhượng hai phủ Tầm Bôn và Lôi Lạp cho xứ Đàng Trong để tạ tội, đồng thời xin cống nạp lễ vật còn thiếu ba năm trước đó. Từ đó coi như phần lớn đất đai của xứ Thủy Chân Lạp đã nằm dưới sự kiểm soát của Việt Nam. Trong khi đó Mạc Cửu và con là Mạc Thiên Tứ tiếp tục khai khẩn những vùng Hà Tiên, Phú Quốc, Long Xuyên (Cà Mau), Rạch Giá, Trấn Giang (Cần Thơ) và Trấn Di (Sóc Trăng và Bạc Liêu).
Năm 1757, Nặc Ong nguyên băng hà, chú của Nặc Nguyên là Nặc Ong Nhuận dâng thêm các phủ Trà Vang và Ba Thắc để được chúa Nguyễn phê chuẩn cho lên ngôi. Ngay sau đó rể của Nặc Nhuận là Nặc Hinh giết cha vợ rồi cướp ngôi, nhưng rồi Nặc Hinh lại bị quan Ốc Nha Uông giết chết. Cùng năm đó, con của Nặc Nhuận là Nặc Tôn dâng luôn vùng đất còn lại là vùng Tầm Phong Long để cầu cứu với Mạc Thiên Tứ dâng sớ lên chúa Nguyễn sắc phong cho ông làm vua Cao Miên. Sau đó Nặc Tôn lại dâng thêm 5 phủ Sài Mạc, Vũng Thơm, Cần Bột, Chân Sâm, và Linh Quỳnh cho xứ Đàng Trong.
Đến năm 1757, nền hành chánh của xứ Đàng Trong được coi như khá hoàn chỉnh. Riêng vùng Hà Tiên vẫn để cho con của Mạc Cửu là Mạc Thiên Tích làm quan Đô Đốc cai trị. Toàn xứ Đàng Trong chia ra làm 12 dinh, mỗi dinh đều có quan Trấn Thủ cai trị: Chính Dinh (Phú Xuân), Cựu Dinh (Ái Tử), Quảng Bình Dinh, Vũ Xá Dinh, Bố Chính Dinh, Quảng Nam Dinh, Phú Yên Dinh, Bình Khang Dinh, Bình Thuận Dinh, Trấn Biên Dinh, Phiên Trấn Dinh, và Long Hồ Dinh. Tầm Phong Long là vùng đất cuối cùng sáp nhập vào xứ Đàng Trong. Đây là vùng đất mà ngày nay bao gồm các vùng Sa Đéc, Cao Lãnh, An Giang, Châu Đốc và một phần của Rạch Giá. Ngày đó quan Kinh Lược Nguyễn Cư Trinh cho lập đồn dọc theo sông Cửu Long, gần biên giới để bảo vệ an ninh cho cư dân miền Nam. Sau khi tiếp nhận vùng đất Tầm Phong Long, chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát bèn lấy thêm vùng đất về phía nam của trấn Hà Tiên để thành lập 5 đạo. Trong đó Tân Châu, Châu Đốc và Đông Khẩu trực thuộc quyền cai quản của quan Lưu Thủ dinh Long Hồ về mặt quân sự và hành chánh. Trong khi Kiên Giang và Cà Mau (Long Xuyên cũ) trực thuộc Trấn Hà Tiên về quân sự, nhưng vẫn trực thuộc dinh Long Hồ về mặt hành chánh. Năm đạo ấy bao gồm: Đông Khẩu Đạo (tức vùng Sa Đéc ngày nay), Tân Châu Đạo (tức vùng cù lao Giêng ngày nay), Châu Đốc Đạo, Kiên Giang Đạo, và Long Xuyên Đạo (tức vùng Cà Mau ngày nay).
Như vậy đến cuối đời chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát, tất cả miền Nam ngày nay đã thực sự thành hình. Vì vị trí chiến lược quan trọng của dinh Long Hồ về các mặt quân sự, kinh tế, và văn hóa nên quan Kinh Lược Nguyễn Cư Trinh đã cho dời lỵ sở của dinh qua xứ Tầm Bào. Năm 1765, lộng thần Trương Phúc Loan hủy bỏ sắc chỉ di chiếu của Võ Vương, nên thay vì lập con thứ 2 lên nối nghiệp chúa thì Trương Phúc Loan cho lập con thứ 16 của Võ Vương mới 12 tuổi lên làm chúa Định Vương. Định Vương bị quân Tây Sơn đánh đuổi phải chạy vào Gia Định, sau đó cả Định Vương lẫn Hoàng Thân Dương đều bị đại quân Tây Sơn bắt sống và giết chết.

Năm 1776, Nguyễn Ánh bị đại quân Tây Sơn truy đuổi ráo riết nên phải lê gót trốn tránh khắp miền Nam. Thời nầy Nguyễn Ánh thường dùng đất Ba Giồng, thuộc Mỹ Tho ngày nay, làm căn cứ địa. Ba Giồng là một vùng đất rộng lớn từ Rạch Gầm (Mỹ Tho) tới Giồng Cái Én (Tân An). Nguyễn Ánh đã chiêu dụ chủ tướng quân Đông Sơn là Nguyễn Thành Nhơn nhằm tăng cường lực lượng tiến chiếm Sài Gòn. Trong thời bôn tẩu lẩn trốn nghĩa binh Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã nhiều lần lui tới đất Hà Tiên từ các vùng Hà Tiên, Phú Quốc, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cần Thơ. Tính từ năm 1776 đến năm 1782, Nguyễn Ánh đã hai lần kéo quân về đánh Sài Gòn nhưng đều thất bại.
Năm 1783, một lần nữa Nguyễn Ánh lại bị Nguyễn Huệ và nguyễn Lữ đánh cho một trận tan tác tại Sài Gòn. Sau đó Nguyễn Ánh kéo tàn quân chưa tới 100 người chạy về Ba Giồng lần nữa. Năm 1784, Nguyễn Ánh qua Xiêm cầu cứu với Xiêm Vương rước về hai tên tướng giặc là Chiêu Tăng và Chiêu Sương với trên 2 vạn quân Xiêm và 300 chiến thuyền dày xéo cả vùng Nam Kỳ, nhưng lại bị quân của Nguyễn Huệ đánh tan tại Rạch Gầm Xoài Mút.
Năm 1785, Nguyễn Ánh lại qua cầu viện với Xiêm vương lần nữa nhưng thất bại. Nghĩa là trong vòng 12 năm từ năm 1776 đến năm 1788, quân Tây Sơn làm chủ thành Gia Định, nhưng một mặt lúc nào Nguyễn Ánh cũng kéo quân về quấy phá, mặt khác ở phương Bắc quân Thanh đang đánh phá khắp nơi nên Tây Sơn không có thì giờ chỉnh đốn việc hành chánh ở Gia Định Thành. Mãi đến năm 1788, nhân lúc Nguyễn Huệ và đại quân Tây Sơn đang ráo riết đánh giặc Thanh ở phương Bắc, Nguyễn Ánh kéo quân về đánh chiếm thành Gia Định và chia đất Nam Kỳ ra làm 4 dinh và 1 trấn: Trấn Biên Dinh (Biên Hòa), Phiên Trấn Dinh (Gia Định), Trấn Định Dinh (Định Tường), Trấn Vĩnh Dinh (Vĩnh Long), và Hà Tiên Trấn.
Trước năm 1834, Nam Kỳ gồm 5 trấn: Biên Hòa, Phiên An, Định Tường, Vĩnh Thanh và Hà Tiên. Đến năm 1834, vua Minh Mạng bãi bỏ Gia Định Thành và chia vùng đất miền Nam ra làm 6 tỉnh: 1) Biên Hòa (Đồng Nai), lỵ sở được đặt tại thành Biên Hòa. 2) Gia Định (Phiên An), lỵ sở được đặt tại thành Sài Gòn. 3) Định Tường (Mỹ Tho), lỵ sở được đặt tại thành Mỹ Tho. 4) Vĩnh Long (Long Hồ), lỵ sở được đặt tại thành Vĩnh Long. 5) An Giang (Long Xuyên và Châu Đốc), lỵ sở được đặt tại thành Châu Đốc. 6) Hà Tiên, lỵ sở được đặt tại thành Hà Tiên. Lệnh thành lập sổ địa bạ cho toàn quốc đã có từ thời Gia Long, nhưng mãi tới năm 1836 toàn vùng đất phương Nam có ít nơi chia thành mẫu sào, mà chỉ tính theo từng dây đất hay từng thửa đất mà thôi.
Chính vì thế mà vua Minh Mạng xuống chiếu sai quan Kinh lược Đại thần đến từng nơi trong vùng Nam Kỳ Lục Tỉnh để khám xét, đo đạt từng khoảnh, từng thửa và chia ruộng đất thành đẳng hạng rồi giao cho dân sở tại lập thành địa bạ(4). Năm 1847, dưới Triều Tự Đức, Nam Kỳ được chia làm 3 quận, mỗi quận nhà vua bổ nhiệm một quan Tổng Đốc cai trị. 1) Quận Định Biên gồm tỉnh Gia Định và tỉnh Biên Hòa. 


2) Quận Long Tường gồm tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Định Tường. 3) Quận An Hà gồm tỉnh An Giang và tỉnh Hà Tiên. Quận Long Tường gồm tỉnh Định Tường, thuở đó có 2 phủ, chia làm 4 huyện: Phủ Kiến An gồm huyện Kiến Hưng và huyện Kiến Hòa. Phủ Kiến Tường gồm huyện Kiến Phong và huyện Kiến Đăng. Tỉnh Vĩnh Long có 4 phủ, gồm 8 huyện. Phủ Định Viễn có huyện Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Trị. Phủ Hoằng An gồm huyện Tân Minh và huyện Duy Minh. Phủ Hoằng Trị gồm huyện Bảo An và Bảo Trì (Bến Tre ngày nay). Phủ Lạc Hóa gồm huyện Tuân Nghĩa và huyện Trà Vinh.
 Năm 1859, quân Pháp đánh chiếm thành Gia Định và tiếp tục đánh chiếm các tỉnh khác trong xứ Nam Kỳ. Từ năm 1862 đến năm 1867, họ dùng danh xưng “départment” để thay thế cho phủ và “arrondisement” để thay cho huyện.
Sau năm 1867, nghĩa là sau khi họ chiếm toàn bộ Nam Kỳ, thì họ lại dùng danh xưng “arrondisement” cho hạt (tương đương với tiểu khu) do quan chánh tham biện cai trị (administeur). Tham biện được đặt dưới quyền của Thống đốc, và Thống đốc dưới quyền của quan Toàn Quyền Đông Dương. Như vậy, sau năm 1868, nghĩa là sau khi hoàn tất cuộc xâm lăng đất Nam Kỳ, người Pháp chia vùng đất Nằm Kỳ Lục Tỉnh ra làm 20 địa hạt (arrondissements). Năm 1876, Pháp lại chia Nam Kỳ ra làm 4 khu vực hành chánh, mỗi khu lại được chia ra làm nhiều địa hạt nhỏ: 1) Khu vực Sài Gòn gồm 5 địa hạt: Tây Ninh, Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Bà Rịa và Gia Định. 2) Khu vực Mỹ Tho gồm 4 địa hạt: Mỹ Tho, Gò Công, Tân An và Chợ Lớn. 3) Khu vực Vĩnh Long gồm 4 địa hạt: Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh và Sa Đéc. 4) Khu vực Bassac gồm 6 địa hạt: Châu Đốc, Hà Tiên, Long Xuyên, Rạch Giá, Cần Thơ và Sóc Trăng.

Vào ngày 8 tháng 1 năm 1877, Tổng Thống Pháp ký sắc lệnh thành lập thành phố cấp I tại Sài Gòn, đứng đầu là một quan đô trưởng (maire). Ngày 20 tháng 10 năm 1879, Thống đốc Nam Kỳ ra nghị định thành lập thành phố cấp II tại Chợ Lớn. Đến năm 1882, thực dân Pháp lấy 2 tổng của Sóc Trăng và 3 tổng của Rạch Giá để thành lập địa hạt Bạc Liêu. Năm 1883, theo hiệp ước Quý Mùi (25 tháng 8 năm 1883), triều đình Huế lại nhường toàn bộ tỉnh Bình Thuận cho Nam Kỳ thuộc địa để trừ vào tiền bồi thường chiến phí mà triều đình còn thiếu. Tuy nhiên, đến năm 1884, theo hiệp ước Giáp Thân (được ký ngày 6 tháng 6 năm 1884), Bình Thuận được trả về cho triều đình Huế.
Năm 1887, Nam Kỳ trở thành lãnh thổ của Liên Bang Đông Dương.
Năm 1895, Vũng Tàu (Cap Saint Jacques) được tách ra khỏi Bà Rịa để trở nên một thị xã tự trị. Đến năm 1899, Thống Đốc Nam Kỳ ra sắc lệnh đổi tất cả các địa hạt ra làm tỉnh (province). Nghĩa là năm 1899, toàn vùng Nam Kỳ Lục Tỉnh được chia ra làm 20 tỉnh bao gồm các tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Chợ Lớn, Bà Rịa, Tây Ninh, Thủ Dầu Một, Tân An, Mỹ Tho, Gò Công, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sa Đéc, Châu Đốc, Long Xuyên, Rạch Giá, Hà Tiên, Cần Thơ, Sóc Trăng và Bạc Liêu.
Năm 1913, tỉnh Gò Công được sáp nhập vào Mỹ Tho, tỉnh Sa Đéc được sáp nhập vào Vĩnh Long, và tỉnh Hà Tiên được sáp nhập vào Châu Đốc. Ngoài ra, còn có 3 thành phố gồm Sài Gòn, Chợ Lớn(5), và thành phố tự trị Vũng Tàu-Côn Đảo (Cap Saint Jacques) dưới quyền trực tiếp của Thống Đốc Nam Kỳ. Đến năm 1905 thì bãi bỏ thành phố Vũng TàuCôn Đảo, biến thành phố nầy thành một đại lý hành chánh trực thuộc tỉnh Bà Rịa. Năm 1929, Vũng Tàu và đảo Côn Sơn lại được nâng lên thành một tỉnh.
Năm 1933, triều đình Huế đồng ý cho Pháp sáp nhập quần đảo Trường Sa vào xứ Nam Kỳ thuộc địa. Theo thống kê của người Pháp, vào năm 1905, dân số Nam Kỳ khoảng 2.876.417 người. Năm 1909 tăng lên khoảng 2.975.838 người. Năm 1920, dân số khoảng 3.600.000 người. Và vào năm 1936, toàn vùng Nam Kỳ có tổng dân số là 4.616.00 người. Tháng 3 năm 1945, Thống sứ Nhật là Nishimura đổi nam Kỳ ra thành Nam Bộ.

Năm 1945, Việt Nam tuyên bố độc lập, chính phủ Trần trọng Kim tuyên bố sáp nhập Nam Kỳ vào nước Việt Nam. Sau tháng 8 năm 1945, tức là sau Cách Mạng tháng Tám năm 1945, Ủy Ban Hành Chánh Lâm Thời Nam Bộ, hay Lâm Ủy Nam Bộ, do chính quyền mới lập ra, đã tiếp quản vùng Nam Kỳ. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, quân Pháp tái chiếm Sài Gòn và các tỉnh lân cận. Người Pháp vội vã thành lập chánh phủ “Nam Kỳ Quốc” và tách xứ nầy ra khỏi Việt Nam, nhưng đến ngày 22 tháng 5 năm 1949, Quốc Hội Pháp phải đồng ý trao trả Nam Phần cho quốc gia Việt Nam.
Năm 1946, toàn vùng Nam Phần Việt Nam có 21 tỉnh và thành phố Sài Gòn trong số 72 tỉnh thành trên toàn quốc. Đó là các tỉnh: Tây Ninh, Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Bà Rịa, Chợ Lớn, thành phố Sài Gòn, Gia Định, Tân An, Mỹ Tho, Gò Công, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sa Đéc, Cần Thơ, Long Xuyên, Châu Đốc, Hà Tiên, Rạch Giá, Bạc Liêu, và Sóc Trăng.
Năm 1954, chiến tranh Việt Pháp chấm dứt, đất nước Việt Nam bị chia đôi. Miền Nam trở thành một phần lãnh thổ của quốc gia Việt Nam Cộng Hòa(6).
Năm 1956, sau khi ổn định miền Nam, chánh quyền Đệ Nhất Cộng Hòa chia vùng nầy ra làm 22 tỉnh và đô thành Sài Gòn, gồm các tỉnh Bình Tuy, Phước Tuy(7), Long Khánh(8), Bình Long(9), Phước Long(10), Bình Dương(11), thủ đô Sài Gòn, Gia Định, Long An(12), Định Tường(13), Kiến Hòa(14), Kiến Phong(15), Kiến Tường(16), Vĩnh Long(17), Vĩnh Bình(18), Phong Dinh(19), An Giang(20), Kiên Giang(21), Ba Xuyên(22), An Xuyên(23), và Côn Sơn.
Năm 1959, Tổng Thống Ngô Đình Diệm thành lập tỉnh Phước Thành, gồm một phần đất của Biên Hòa, Bình Dương và Tây Ninh, nhưng tỉnh nầy bị bãi bỏ vào năm 1965. Năm 1961, tỉnh Chương Thiện được thành lập, lấy ra từ các tỉnh Ba Xuyên, Phong Dinh và Kiên Giang.
Năm 1963, chánh quyền cắt những phần đất từ các tỉnh Ba Xuyên, Cà Mau và Kiên Giang để thành lập tỉnh Bạc Liêu. Cũng trong năm 1963, do nhu cầu an ninh lãnh thổ, chánh quyền Đệ Nhất Cộng Hòa lấy một phần của các tỉnh Long An, Gia Định và Tây Ninh để thành lập tỉnh Hậu Nghĩa.
Năm 1964, chánh quyền cắt những phần đất từ các tỉnh An Giang và Kiên Giang để thành lập tỉnh Châu Đốc.

Năm 1965, chánh quyền Việt Nam Cộng Hòa bãi bỏ tỉnh Côn Sơn.
Năm 1966, chánh quyền cắt một phần đất của Vĩnh Long cho sáp nhập vào thị xã Sa Đéc để thành lập tỉnh Sa Đéc. Như vậy tính đến trước ngày 30 tháng 4 năm 1975, Nam phần có 27 tỉnh và đô thành Sài Gòn. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, chánh quyền mới thay đổi hoàn toàn hệ thống các tỉnh thành tại miền Nam, đặt hai tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận trực thuộc Nam Phần. Họ giữ lại tên của một số tỉnh thời Pháp Thuộc và Việt Nam Cộng Hòa, nhưng lại đặt thêm một số tên tỉnh mới bằng cách sáp nhập vài tỉnh lại với nhau. Rồi sau đó ít lâu, họ lại trả tên cũ về cho nhiều tỉnh tại miền Nam.
Năm 1976, chánh quyền mới chia miền Nam Việt Nam ra làm thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn) và 12 tỉnh trong số 36 tỉnh thành trên toàn quốc. Đó là thành phố Hồ Chí Minh, và các tỉnh Sông Bé, Tây Ninh, Đồng Nai, Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre, Cửu Long, Hậu Giang, An Giang, Kiên Giang, và Minh Hải.
Đến năm 1979, chánh quyền mới cho thành lập Đặc Khu Vũng Tàu-Côn Đảo, tương đương với cấp tỉnh. Năm 1991, tỉnh Cửu Long lại bị tách làm hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh như cũ, và đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo trở thành tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Năm 1997, tỉnh Sông Bé được tách ra làm 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước; tỉnh Hậu Giang được tách trở lại làm 2 tỉnh Cần Thơ và Sóc Trăng; tỉnh Minh Hải được tách trở lại làm 2 tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu.

Đến năm 2004, thành phố Cần Thơ được tách ra khỏi tỉnh Hậu Giang. Hiện tại, về vị trí thì miền Nam giáp với các tỉnh Đắc Nông và Lâm Đồng của vùng Tây Nguyên, và Bình Thuận của Trung Phần. Theo Bản Đồ Hành Chánh năm 2007, nếu không kể hai tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận thì Nam Kỳ gồm 17 tỉnh và hai thành phố. Tuy nhiên, theo tài liệu của Tổng Cục Thống Kê Việt Nam và một số tài liệu khác lại xếp 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận vào Miền Đông Nam Phần.
(A) Hai Thành Phố: 1) Thành phố Sài Gòn (HCM), gồm 12 quận nội thành (từ quận 1 đến quận 12), và 7 quận ngoại thành(24). 2) Thành phố Cần Thơ, gồm 4 quận(25), và 4 huyện(26).
(B) 17 tỉnh: 1) Tỉnh Đồng Nai, gồm thành phố Biên Hòa, thị xã Long Khánh, và 9 huyện(27). 2) Tỉnh Bình Phước, gồm thị xã Đồng Xoài và 7 huyện(28). 3) Tỉnh Tây Ninh, gồm thị xã Tây Ninh và 8 huyện(29). 4) Tỉnh Bình Dương, gồm thị xã Thủ Dầu Một và 6 huyện(30). 5) Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, gồm 2 thị xã Bà Rịa và Vũng Tàu, và 6 huyện(31). 6) Tỉnh Long An, gồm thị xã Tân An, và 13 huyện(32). 7) Tỉnh Tiền Giang, gồm thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công, thị trấn Chợ Gạo, và 6 huyện(33). 8) Tỉnh Bến Tre gồm thị xã Bến Tre và 7 huyện(34). 9) Tỉnh Trà Vinh gồm thị xã Trà Vinh và 7 huyện(35). 10) Tỉnh Vĩnh Long gồm thành phố Vĩnh Long và 6 huyện(36). 11) Tỉnh Đồng Tháp gồm 2 thị xã Cao Lãnh và Sa Đéc, và 8 huyện(37). 

12) Tỉnh An Giang gồm thành phố Long Xuyên, thị xã Châu Đốc, và 9 huyện(38). 13) Tỉnh Hậu Giang gồm 2 thị xã Vị Thanh và Ngã Bảy (Phụng Hiệp), và 5 huyện(39). 14) Tỉnh Kiên Giang gồm thành phố Rạch Giá, thị xã Hà Tiên, và 10 huyện(40). 15) Tỉnh Sóc Trăng gồm thị xã Sóc Trăng và 8 huyện(41). 16) Tỉnh Bạc Liêu gồm thị xã Bạc Liêu và 6 huyện(42). 17) Tỉnh Cà Mau gồm thành phố Cà Mau và 7 huyện(43). 

 Người Long Hồ 
 Anaheim ngày 3 tháng 8 năm 2011 
Copyright © 2012 by Ngoc Tran. All rights reserved. 

Chú Thích:
(1) Năm Mậu Dần 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu sai Thống Suất Chưởng Cơ Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược vùng đất nầy, lấy đất Nông Nại lập ra phủ Gia Định, lấy xứ Sài Gòn đặt làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng nên dinh Trấn Biên, đặc các chức giám quân, cai bạ và ký lục. Kể từ đó đất Gia Định được chính thức khai sanh vì đây là lần đầu tiên trong lịch sử của vùng đất nầy, Gia Định được ghi danh vào sổ bộ của xứ Đàng Trong. Lúc đó xứ Gia Định được chia làm 3 dinh: Phiên Trấn, Trấn Biên và Long Hồ. Theo thống kê của quan Thống Suất Chưởng Cơ Nguyễn Hữu Cảnh thì vào năm 1698, phủ Gia Định bao gồm toàn thể miền đất Nam Kỳ, nếu không kể những vùng chưa được sáp nhập vào xứ Đàng Trong, thì diện tích của Gia Định thời đó khoảng 30.000 cây số vuông. Phủ Gia Định tồn tại đến năm 1802, tức là năm Gia Long lên ngôi, thì nhà vua đổi ra làm trấn Gia Định. Năm 1808, vua Gia Long lại đổi trấn Gia Định ra làm thành Gia Định, bao gồm 5 trấn: Phiên An (Gia Định), Biên Hòa (Đồng Nai), Vĩnh Tường (Định Tường), Vĩnh Thanh (Vĩnh Long và An Giang), và Hà Tiên. Đến năm 1834, vua Minh Mạng chia toàn vùng Nam Kỳ ra làm 6 tỉnh trực thuộc triều đình Huế, đó là Biên Hòa, Phiên An (sau đổi ra tỉnh Gia Định vào năm 1836), Định Tường, Vĩnh Long, An Giang (gồm An Giang và Châu Đốc, lỵ sở được đặt tại thành Châu Đốc), và Hà Tiên. Tuy nhiên, không phải đợi đến thời điểm 1698, mới có dấu chân người Việt trên vùng đất Nông Nại, mà Việt tộc đã đến đây từ sau những năm 43 sau tây lịch. Theo Phạm Trần Anh trong “Nguồn Gốc Việt Tộc”, NXB Việt Nam, California, USA, 2007, tr. 443, Hán sử chép rằng nước Phù Nam thành lập vào đầu kỷ nguyên Dương lịch, thời kỳ nầy tương ứng với thời điểm khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, nên sau khi Hai Bà thất bại, các Lạc Hầu Lạc Tướng, cũng như các thủ lãnh đã chạy xuống phương Nam hội nhập với cư dân tại đây góp phần xây dựng vương quốc Phù Nam. 
(2) Theo Viện Khoa Học Xã Hội trong “Nam Bộ Nhìn Về Lịch Sử Nhìn Vào Hiện Tại Nhìn Ra Khu Vực”, Hà Nội: NXB Từ Điển Bách Khoa, 2009, tr. 330-341. 

(3) Theo các nhà truyền giáo và thương nhân Bồ Đào Nha thì dân số vương quốc trên toàn cõi Chân Lạp vào giữa thế kỷ thứ 16, bao gồm vùng Chân Lạp bây giờ, vùng Nam Phần và một phần của Nam Lào, chỉ có khoảng chừng 700.000 người. Trong khi đó dân số của xứ Đàng Trong với diện tích chỉ bằng nước Cao Miên ngày nay mà dân số đã trên một triệu người, mà lúc nào Việt Nam cũng chịu áp lực nặng nề của Bắc phương, nên con đường duy nhất để tự tồn của dân tộc Việt Nam là phải tìm cách đi về phương Nam. Đây cũng là một trong những lý do chính cho cuộc Nam Tiến. Khoảng trên hai thế kỷ sau, khi vua Minh Mạng sáp nhập Chân Lạp vào Việt Nam vào năm 1836 thành Trấn Tây Thành, thì dân số chỉ vào khoảng 970 ngàn người, trong khi đó dân số Việt Nam (từ Bắc chí Nam) đã lên đến gần 10 triệu người, nghĩa là gấp hơn 10 lần dân số Trấn Tây Thành. 

(4) Theo Quốc Sử Quán Triều Nguyễn trong “Minh Mệnh Chính Yếu Tập II, Bình Thuận: NXB Thuận Hóa 1994, tr. 70, vua Minh Mạng xuống chiếu sai quan Kinh lược Đại thần đến từng nơi trong vùng Nam Kỳ Lục Tỉnh để lập thành sổ địa bạ như sau: “Trẫm thuận cho làm như điều đã bàn định. Nghĩ đến nhân chính, bắt đầu từ việc định rõ giới hạn của ruộng đất. Bờ cõi ruộng đất đã đúng, về sau mới truyền nối lâu dài và ngăn được mối tệ tranh giành. Hạ lệnh các thôn xã lấy điền bộ mới đo đạc làm chuẩn đích để lập giới hạn, hoặc dùng cọc gỗ, hoặc dùng trụ đá mà tiêu chí rõ ràng. Khiến mọi người tuân theo, không được thay đổi chút đỉnh. Bời cõi ruộng đã định rồi, nhưng còn nhiều đất hoang có thể cày cấy, vậy phải chuyên cần khuyên dân khai khẩn càng ngày càng rộng, để dân có đủ lương thực. Truyền lệnh các thần ở Nam Kỳ sức cho các phủ huyện khuyên dân trong hạt, khai khẩn cho kỳ hết ruộng đất bỏ hoang. Cuối năm phải trình báo số ruộng đất cày cấy tăng hay giảm, lập sách để tâu lên.” 
(5) Thành phố Chợ Lớn nằm trong tỉnh Chợ Lớn thời đó. 
(6) Lãnh thổ VNCH chạy từ sông Bến Hải đến mũi Cà Mau. 
(7) Tỉnh Phước Tuy thời VNCH bao gồm các vùng Bà Rịa và Vũng Tàu. 
(8) Tỉnh Long Khánh thời VNCH là vùng Xuân Lộc ngày nay. 
(9) Tỉnh Bình Long thời VNCH là vùng Bà Rá ngày nay. 
(10) Tỉnh Phước Long thời VNCH là vùng Lộc Ninh-Hớn Quản ngày nay. 
(11) Bình Dương là vùng Thủ Dầu Một. 
(12) Tỉnh Tân An vào năm 1956 bao gồm các vùng Chợ Lớn và Tân An. 
 (13) Tỉnh Định Tường vào năm 1956 bao gồm các vùng Mỹ Tho và Gò Công. 
 (14) Tỉnh Kiến Hòa vào năm 1956 bao gồm toàn vùng Bến Tre ngày nay, nhưng lúc đó quận Chợ Lách trực thuộc tỉnh Vĩnh Long. 
(15) Tỉnh Kiến Phong vào năm 1956 bao gồm các vùng Cao Lãnh và Phong Thạnh. 
(16) Tỉnh Kiến Tường vào năm 1956 bao gồm toàn vùng Mộc Hóa ngày nay. 
(17) Tỉnh Vĩnh Long vào năm 1956 bao gồm các vùng Vĩnh Long và Sa Đéc ngày nay. 
(18) Tỉnh Vĩnh Bình vào năm 1956 bao gồm toàn vùng Trà Vinh ngày nay. 
(19) Tỉnh Phong Dinh vào năm 1956 bao gồm toàn vùng Cần Thơ ngày nay. 
(20) Tỉnh An Giang thời VNCH bao gồm các vùng Long Xuyên và Châu Đốc ngày nay. 
(21) Tỉnh Kiên Giang thời VNCH bao gồm các vùng Rạch Giá và Hà Tiên ngày nay. 
(22) Tỉnh Ba Xuyên thời VNCH bao gồm các vùng Sóc Trăng và Bạc Liêu ngày nay. 
(23) Tỉnh An Xuyên thời VNCH là vùng Cà Mau ngày nay. 
(24) Đó là các quận Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Bình, Phú Nhuận, Tân Phú, Thủ Đức và Bình Tân. (25) Đó là các quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Ô Môn, Cái Răng. 
(26) Đó là các huyện Thốt Nốt, Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Phong Điền. 
(27) Đó là các huyện Tân Phú, Trảng Bom, Vĩnh Cửu, Định Quán, Thống Nhất, Cẩm Mỹ, Long Thành, Nhơn Trạch, và Xuân Lộc. 
(28) Đó là các huyện Phước Long, Bình Long, Lộc Ninh, Chơn Thành, Đồng Phù, Bù Đăng, Bù Đớp. (29) Đó là các huyện Châu Thành, Tân Biên, Tân Châu, Trảng Bàng, Dương Minh Châu, Gò Dầu, Hòa Thành, và Bến Cầu. 
(30) Đó là các huyện Dầu Tiếng, Phú Giáo, Bến Cát, Tân Uyên, Dĩ An, và Thuận An. 
(31) Đó là các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc, Đất Đỏ, Long Điền, Tân Thành, và Côn Đảo. 
(32) Đó là các huyện Châu Thành, Bến Lức, Thủ Thừa, Tân Trụ, Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Hưng, Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Đức Hòa, Đức Huệ. 
 (33) Đó là các huyện Châu Thành, Cái Bè, Cai Lậy, Gò Đông Đông, Gò Công Tây, và Tân Phước. (34) Đó là các huyện Châu Thành, Chợ Lách, Mỏ Cày, Bình Đại, Ba Tri, Giồng Chôm, và Thạnh Phú. 
(35) Đó là các huyện Châu Thành, Càng Long, Tiểu Cần, Cầu Kè, Trà Cú, Cầu Ngang và Duyên Hải. (36) Đó là các huyện Long Hồ, Bình Minh, Vũng Liêm, Mang Thít, Tam Bình và Trà Ôn. 
(37) Đó là các huyện Châu Thành, Hồng Ngự, Tân Hồng, Tam Nông, Tháp Mười, Thanh Bình, Lấp Vò và Lai Vung. 
(38) Đó là các huyện Châu Thành, Tân Châu, Phú Tân, An Phú, Châu Phú, Tri Tôn, Tịnh Biên, Chợ Mới và Thoại Sơn. 
(39) Đó là các huyện Châu Thành, Châu Thành A, Phụng Hiệp, Vị Thủy, và Long Mỹ. 
(40) Đó là các huyện Châu Thành, Hòn Đất, Tân Hiệp, Kiên Lương, Giồng Riềng, An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận, Phú Quốc, và Kiên Hải gồm các đảo nam Du và hòn Tre. 
(41) Đó là các huyện Kế Sách, Mỹ Tú, Mỹ Xuyên, Cù Lao Dung, Long Phú, Thạnh Trị, Vĩnh Châu và Ngã Năm. 
(42) Đó là các huyện Vĩnh Lợi, Giá Rai, Hồng Dân, Phước Long, Đông Hải và Hòa Bình. 
(43) Đó là các huyện U Minh, Trần văn Thời, Thới Bình, Cái Nước, Đầm Dơi, Ngọc Hiển, và Phú Tân. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét