Thứ Ba, 20 tháng 9, 2016

Đi Chơi DC


Chiều thứ Hai của tuần kế tiếp, 
-“Bà xả tôi nói nếú chuyến bay hủy bỏ thì tôi vô phi trường chở Khải về nhà tôi ngủ tối nay”. 
-“Nhờ bạn nói lại với chị rằng tôi cám ơn chị, tôi sẽ đi chuyến bay đi Chicago lúc 8 giờ tối và ngủ tại phi trường để đi chuyến sớm nhứt về Houston lúc 4 giờ 30 sáng ngày mai”.
• Hai câu trên là lời ông Hai Hoàng DC gọi tôi khi tôi báo cho ông biết chuyến bay của tôi dự trù bay lúc 5 giờ chiều đã bị hủy bỏ vì mưa quá lớn, nước lụt tại thành phố Houston. Ông Hai vừa chở tôi ra phi trường và hai đứa chia tay trước đó mấy giờ. 
............. 
Chiều thứ Bảy, ......“Bây giờ mình hẹn nhau, ngày mai, mấy giờ tôi sẽ đến đón ông?”
 “Mấy giờ cũng được, sau 8 giờ là tôi sẳn sàng.”
“Nếu vậy thì ngày mai tôi sẽ đến đón ông tại lobby của hotel lúc 10 giờ 30.” 
“OK” 

Vậy là yên chí đi chơi tới chiều thứ Bảy với nguyên nhóm cả 200 mạng, chất lên 5 xe buýt, đi thăm thắng cảnh thủ đô, ngắm 3000 cây anh đào chỉ có lá và gốc thân sần sùi, thăm đủ các cảnh của vùng hồ sông Potomac, kể cả building trong đó có máy in tờ giấy xanh-. Về đến hotel đã 5 giờ chiều, nằm thẳng cẳng nghỉ ngơi trong phòng thì chuông điện thoại lại reo, thằng bạn nhắc gần đến giờ ăn cơm tối với tụi nó. Hình như khu shopping nhộn nhịp hẳn lên vì từng nhóm, từng nhóm tụi nầy thả bộ tới lui vào chiều tối hôm đó, luôn cả sáng trưa chiều chúa Nhựt hôm sau.

Khu thương mại Eden (Ảnh do ông Hai Hoàng chụp) 

Sáng chủ Nhựt, 

Chưa 10 giờ mà quần áo đã chỉnh tề, vai mang máy, tôi lò dò xuống lobby chờ người tới dón. Người nầy là ai, mời cứ thong thả đọc tiếp. Đứng trước hotel ( cho gọn 4 gõ thay vì gõ 10 lần) thấy mấy đúa bạn hí hửng đi trở về từ đâu đó. “Mấy bạn đi đâu về vậy?” “Tụi em đi với mấy cô nầy ra bờ sông chụp hình, đẹp lắm anh ơi! Đẹp hơn cả Đà lạt nữa, trời mát hơn Đà lạt nên mấy nàng thích lắm”. “Hướng nào?” “ Anh đi về phía mặt”. “ Cám ơn nghe”. Nhưng đi chưa ra đến lộ là phải đứng lại vì có nhiêù cảnh nên ghi vô card, bèn đứng lại , chụp bốn phương tám hướng. Ánh mặt trời sáng chiếu qua cành là, trải trên thảm hoa, chiếu vài các thân cây cao thẳng tấp, tuyệt vời. Nhưng không bóng giai nhân ! Thỏa mãn! Đang quay trở lại hotel, thì điẹn thoại reo:” Ông ở đâu? Tôi đến tự nảy giờ mà không thấy ông ?” Nhìn lên thì là “người”, là ông ta, là hắn, dáng vẫn ốm nhom như ngày nào nhưng khoẻ vì không thấy anh ta mặc áo jacket gì cả mà chỉ với áo sơ mi mong manh. Mẹ ơi! 

Lên xe ngồi đàng hoàng chớ bác tài chưa đàng hoàng. Bác còn bận rộn lục tìm cái gì đó ở băng sau. Và rồi bác tài cũng ngồi sau tay lái. Nhưng bác chưa vội mở máy, bác mở cái túi vải mà bác tìm tự nảy giờ, tạm gọi là túi càn khôn. Bác lôi ra hai ba chai nước, hai loại nước khác nhau và đưa cho tôi một chai (!) với lời mời “ông cứ uống thoải mái” mặc dù tôi cũng có cầm theo nửa chai nước vì nguyên chai thì...hơi nặng cho cở tuổi già bóng xế.


“Bây giờ mình đi ăn sáng rồi đi xem thác nước”, tên là gì hả ông Hai tôi quên rồi, “đầu nguồn dòng sông Potomac, cảnh đẹp lắm. Mặc tình cho ông chụp hình”. “OK, nhưng xa không?” “Không xa, chừng hơn 1 giờ lái xe thôi”. Ông Hai chở đi ăn sáng. “Ông muốn ăn phở hủ tiếu hay bánh cuốn?” “Ăn bánh cuốn đi” . Xe trực chỉ khu thương mại Eden. Danh từ thổ địa dành cho người địa phưong không sai chút nào. Cùng một địa điểm, hai hôm trước, anh chị bạn và tôi vừa từ phi trường đến đó để ăn trưa trước khi về hotel, thấy lá cờ vàng phất phơ trong gió mà phải quanh 3 vòng mới biết đường vào. Còn ông Hai thì có thể nói “nhắm mắt cũng lái tới”. Ông bấm cho tôi mấy tấm hình, “Nơi nầy nè...” “Khải đứng nơi kia lấy hậu cảnh nầy đẹp lắm”. Nhìn từ xa, đám bạn lố nhố, ồn ào, nhóm năm nhóm bảy nhóm ba tới lui. Thì ra tụi nó đánh hơi cũng hay. Hai Hoàng dẫn tôi đi vào ngỏ mà hôm trước mình không thấy. Gặp mấy tên bạn cũng đi phất phơ. Có mấy ngỏ như thương xá

Eden, Charner Sàigòn xưa, trong đó cũng có tiệm quán, và vào một quán nhỏ cạnh bải đậu xe, nửa trên nửa dưới, có nghĩa là phân nửa của quán dưới mặt đất và khi ngồi vào bàn thì tầm mắt ngang với mặt đất bên ngoài. Bước ra cửa quán, phải bước lên mấy bực thềm để lên mặt đất. Điều nầy không có tại Houston! Bánh cuốn ngon thật. Nhưng càng ngon hơn khi mà ông Hai đãi bạn! Ghé qua quầy cơm chỉ, chao ơi nhiều món ăn, bày ra mát mắt, thấy rất tươm tất mà giá cả vừa phải. 

Bai bai Eden, ta đi đây, hẹn tối gặp lại. Ông Hai lái xe cừ thiệt tình. Để đi đến thác nước ông lái qua vùng rừng cây, không rậm mà không thưa, cây cao ngất, con đường thấp hơn hai bên lề cả hai ba thước. Đây là lảnh điạ của các tay triệu và tỷ phú, tạm gọi là “vùng đất nhà giàu”. Đây mới là điều đáng nói: ông Hai cho đi qua môt vùng mà nhà là dinh thự! Không sao tả hết ý nghĩ. Một thí dụ là “trong vùng nầy, có một nhà cất nhái theo toà bạch ốc”. Thật vậy, lúc sau tôi thấy cái nhà đó cách đường chừng trăm thước. Khi chạy ngang vùng nầy, phong cảnh như là một miền xa xăm nào, cũng núi đồi thung lũng, cũng rừng cây, cũng suối chảy róc rách, chỉ khác là tỷ lệ thu nhỏ lại mà thôi. Xe đang chạy phom phom thì đến ngả tư, đáng lẻ chạy thẳng thì đến thác nước, nhưng lại chỉ được quẹo phải hay rẽ trái mà thôi vì có hai ba xe phú lít chận và thêm mấy ông phú lít ra hiệu chọn trái hay phải. Bác tài bèn vặn tay lái về tay phải. Chợt nhớ tới câu “dự tính tại nhân, thành sự do phú lít” là đúng. Ông tài queọ qua quẹo lại nhiều lần để trở lại ngả tư mà mấy ông bạn dân vẫn cò múa tay chim bay cò bay. “Thôi bây giờ mình chạy ra bờ sông, cảnh cũng đẹp”. “ OK, cứ đi”. Nhưng than ơi, trời không chiểu lòng viễn khách. Xe ngừng từ trên đỉnh đồi, nhìn đường dốc xa vời vợi đầy xe là xe mà ngao ngán trong lòng. Ông tài bèn oánh vòng chữ U và trở về....thành phố!


Không để người bạn mình thất vọng, và viễn khách cũng không chút thất vọng trong lòng vì biết chắc một trăm phần dầu rằng ông Hai DC sẽ không để bạn mình thất vọng. 
Không nói không rằng, ông Hai đưa tui đến một nơi mà tui không ngờ được. Rất lý thú và hào hứng. “Tôi đưa ông viếng Smithsonian Fly Museum” ! Thật bất ngờ, có cách đền bù nào cho chuyện đi ngắm cảnh thác nước hụt hơn đền bù nầy! Mới nghe nói tên là đã vui không tả được. Chỉ với tên Smithsonian là đã có cảm tưởng khó tả rồi.


Tòa nhà quá rộng được xây trên vùng đất mênh mong. Tên đúng của bảo tàng viện là “Smithsonian National Air and Space Museum. Trước khi bước vào bào tàng viện ( btv) là cảnh của những khung cánh máy bay, hai hàng dài trên có ghi rất nhiều danh tánh các nhân vật liên quan đến ngành hàng không. Dù không biết họ đã có công gì nhưng tôi nghĩ rằng phần họ đóng góp cho ngành hàng không không phải nhỏ! 

Vào bên trong, chóa mắt vì hàng hà sa số máy bay lớn nhỏ treo cao, treo lưng chừng hay để từng trệt. Nơi nầy là chiếc máy bay đầu tiên thế giới của ông Wright, kế bên đó là Enola Gay đã thả bom nguyên tử trên đất Nhựt, xa hơn là chiếc Concorde lừng danh.....Rồi lại chiếc Blackbird có thể bay từ Vườn Xoài miền Viễn Tây đến Washington, DC mất một giờ năm phút -1 giờ 5 phút- khoảng 5 lần mau hơn máy bay dân sự !....Tôi có ý nghĩ rằng đa số là máy bay là thật nhưng một số rất ít là mẫu y như thật từ hình dáng đến kích thước. Trong tòa nhà có cả một gian phòng rộng, Restoration hangar. Lúc tôí đi ngang qua thì có một chiếc máy bay đang được phục hồi, phủ kín với các mảnh plastic.


Chân chưa mỏi, mắt chưa đã, nhưng bao tử làm nũng, và thì giờ không cho phép là cà lâu hơn, ông hướng dẫn viên du hí và tôi trở lên tầng trên để ăn xế trưa. Đứng trước các tấm digital liệt kê thức ăn thức uống, sao mà nhiều quá vậy, làm người đói đã đói mà thêm hoa mắt, cháng váng. Tôi chọn 1 món quốc hồn quốc túy (của Mỹ), ông hướng dẫn chọn món khác. Tôi đổi món, ông Hai đổi món khác. Tôi lại đổi món, ông Hai cũng lại chọn món khác. Và lịch sử lại tái diễn. Nhứt hóa tam, đổi ba lần thôi thì tới lượt mình, ông Hai order, và ông lấy thẻ nhựa ra. Đây là điều cần phải ghi sổ và đợi lúc ông Hai đến đây thăm mẹ thì thanh toán ông! Cũng như khi vào bải đậu xe, tài xế đã ma rốc. Xong bửa ăn lưng chừng, nghĩa là không phải ăn trưa, cũng không phải ăn chiều, thì gần đến giờ tôi phải có mặt tại hotel kẻo mấy tên bạn réo mặc dầu tôi có giang tụi nó đi ăn tối.. 
“Sáng mai, tôi đem hành lý xuống chờ ông trước khách sạn lúc 8 giờ rưởi.” “ok”. 

Tôi đang nằm phè trên giường thì front desk gọi cho biết đám bạn đang chờ đi ăn tối tại Eden. Còn ông Hai, ông ta về nhà vì “tui muốn làm giờ nào, muốn vô ngày nào thì vô, không ai hỏi han gì hết!” 

Sáng thứ Hai, 


Tài xế đem xe đến đúng giờ. Trong lobby và trước sân hotel lố nhố đồng môn, nhóm thì ra phi trường, đứa thì thân nhân đón đi, nhóm thì lên xe trực chỉ New York, ồn ào, bắt tay từ giả, ôm nhau thắm thiết, hẹn gặp nhau đâu đó năm 2018, làm tôi nhớ câu trong Quốc Văn giáo khoa thư “Ôi, cảnh biệt ly sao mà buồn vậy!” Cười hi hí hô hố chớ có buồn gì đâu. 

Lên xe với ông Hai. Ông (lại) mở túi càn khôn ra, lôi ra mấy chai nước, chia tôi hai, nhưng tôi chỉ lấy có một. Ông bảo “Uống đi, tôi còn mấy chai (trong túi càn khôn)”. Tôi nghĩ thầm “còn là có ngụ ý gì, thì anh ta cũng phải mua mà thôi”. Nhưng không phải vậy, sẽ nói rõ trong đoạn sau.


Bác tài chạy lanh quanh một lúc, vừa lái xe vừa cho biết sơ tình hình giá cả nhà cửa các khu nhà đi qua, có khu nhà đang xây, mà đã có người mua rồi! Như vậy thì quí đọc giả biết gíá nhà cao thấp ra sao rồi. Lái vào parking của một toà nhà rộng và lúc đó bác tài mới cho biết là nơí bác ta làm việc. Chưa vô chỗ đậu xe, bác tài thắng cái kịt, quay kiếng xuống và nói chuyện với người đồng sự về công việc gì đó. 

Ông Hai vào sở làm để in dùm boarding pass cho chuyến bay về Houston lúc 5 giờ chiều. Cũng phải làm thủ tục nhập cư, nhân viên quầy tiếp khách rất thân thiện với ông Hai, trao tôi visitor pass, để mang lủng lẳng trước ngực. Ông Hai chào mấy vị xếp lớn khi đụng mặt ở lobby. Lobby rộng thênh thang, bóng lộn. Và đây là điều thứ nhứt đáng nói: ông ta dẫn tôi vào cafeteria (tạm gọi như vậy), cũng quá rộng, quá khang trang, quá sáng sủa, quá sạch sẽ, và, ông Hai chỉ các cooler bự vĩ đại chứa đầy các lọai nước uống thức ăn và bảo tôi, tôi còn nhớ rõ thế nầy:” ông muốn uống gì cứ lấy, mấy chai cũng được, hoàn toàn miễn phí”. Cha mẹ ơi, nhớ khi làm cho Exxon, hai mươi năm trước, ăn một trái chuối tráng miệng, tôi cũng phải trả bảy mươi lăm xu, nói chi đến chai nước trà, nước trái cây, hay loại nước uống chi chi mà không trả gì hết! Đi với ông Hai vào sâu bên trong ngang qua một văn phòng, thêm một ngạc nhiên khác, nghe ông Hai nói tiếng Việt, tôi chưng hửng, “Chào cô Nhung”.“Chào chú Hoàng”. Ông Hai giới thiệu “Đây anh Khải, quê Vĩnh Long” “Chào chị”. “Đây là cô Nhung, cũng dân Vĩnh Long. Cô đã làm nơi đây 30 năm rồi”. Và đi tiếp vào một phòng rộng thênh thang, nhiều dãy bàn dài dây điện chằng chịt, chứng tỏ đó là xưỡng máy computer. Phía trong, sát một hướng vách là giang sơn riêng biệt của ông Hai. Một phòng rộng, cũng bàn ghế, cũng computer, cũng tủ, cũng có nước uống, nhưng cũng có 2 món mà độc giả không hề tưởng tượng ra. Đó là...-có ai ngờ trên đất Mỹ, một ông Việt, Nam kỳ chánh cống mà lại có hai món đó trong phòng làm việc riêng của ông ta- đó là 1 cái tủ lạnh khoảng 20 cu.ft và 1 microwave oven! Cho nên trên xe ngày chủ Nhựt hôm trước, ông Hai nói với tôi rằng ông “ăn trưa cơm sốt canh chua nóng, cá kho tại phòng làm việc”, nghĩa là trong tủ lạnh đang có nhiều lọ tô hộp đựng thức ăn Việt, - gỏ đến đây bổng dưng thèm canh chua cá kho tộ của Kim Sơn, hình như các món ăn đó đang chờ ông bà chủ vườn xoài Ca li-. Tôi thấy tận mắt mà vẫn không tin. Ai có tủ lạnh riêng, thì nhỏ xíu, 3 cu.ft là cùng. Vài người làm chung cũng dẫn khách hàng (?) đến thử máy. Sau khi thăm phòng làm việc, phòng xưởng của ông, tôi không còn thắc mắc về lý do ông Hai quá thông suốt về các software, các cách vận hành của computer. In xong boarding pass, trở ra trả thẻ và đi ăn trưa, quán ăn cũng gần đó. 

Chị Nhung đang chờ trước cửa quán. Tên quán ăn có vẻ tiếng Nhựt “Akira”. Tiệm nhỏ nhưng khang trang và khách ăn trưa cũng nhiều, quang cảnh nầy chứng tỏ quán có các món ăn ngon. Chị Nhung và ông Hai thảo luận về món ăn. Tôi chỉ nghe và nhớ thế nầy “như lần rồi “. Và cô tiếp viên người Á đông đến, ông Hai nói tên thức ăn và thức uống. 

Không lâu, cô đem ra để lên bàn trước mặt mỗi người 1 mảnh ván nhỏ cở bàn tay xoè, dầy hơn một cm, củ mèm. Cô lại đến đem tiếp 3 tô nhỏ đựng salad với nước chấm, ông Hai nói: “Salad nầy ăn với nước sauce nầy rất ngon”. Mà ngon thiệt! Tôi có tật không thích ăn salad trước bửa ăn trong tiệm Mỹ, mà hôm đó, tôi ngốn hết tô salad! Kế tiếp, cô đem ra từng nồi bằng gang để trên ba mảnh ván. Nhìn cái nồi trước mặt, hồn vía tôi bay lên mây! Bự quá “Làm sao ăn cho hết”. “Rán ăn đi, ngon lắm bạn. Đây là món mì Nhựt bổn có tên là udon”. Tên udon thì nghe thường, nhưng món nầy ở đây làm quá ngon, tôi đã từng chê udon mấy nơi ở Houston nhưng vừa ăn, vừa nói chuyện, từng chập khen nồi udon ngon, tôi thanh toán hết nồi cùng lượt với hai vị chủ nhà. Nồi gang giữ nóng làm món ăn không bị tình trạng nóng ban đầu, lạnh ngắt khi gần hết. Ngon thật, ngon quá, quá là ngon! Nhưng điều quan trọng để giúp tôi nhớ món ngon nầy là sau bửa ăn, bạn cố tri lại một lần nửa mở hầu bao! 

Thì giờ lại qua, nó đi đi mải chẳng chờ một ai! Lại đến giờ phải lên đường, ông Hai và tôi chia tay với chị Nhung, chị ấy trở về văn phòng, ông Hai đưa tôi ra phi trường về Houston. Chia tay nhau tại đó, “bây giờ bạn về nhà luôn phải không?”, ông bạn trả lời tôi “tôi phải trở vào sở có chút việc”. Quá xúc động vì ông ta đã tận tình với bạn bè, lại phải trở vào sở lúc hơn 3 giờ chiều. Khi chia tay, tôi lại đinh ninh rằng ông bạn sẽ lái xe về nhà. 

Cám ơn ông bạn biết bao! 
Tô salad cùng với nước sauce. 
Quá hấp dẫn, và quá ngon! Nồi mì udon 

Ông Hai Hoàng chu đáo sợ tôi bị chết khát trong khi chờ đợi ở phi trường cho nên bết cho hai chai nước khi chia tay. Tôi để hai chai trên khe nơi thổi hơi lạnh ra để giữ độ lạnh. 

Sau khi đã gởi hành lý, thảnh thơi nhìn ông đi qua, bà đi lại, cô đi tới, các nàng đi lui, lại nhớ đến ông bạn mình đang dán mắt lên màn ảnh computer để làm xong công việc mới cảm thấy thắm thía với câu “tha hương ngộ cố tri”. 
…………. 

“Hoàng hả, Khải đây. Tôi cho bạn hay rằng chuyến bay về Houston chiều nay đã bị hủy bỏ. Tôi vừa đổi chuyến bay”..... 
................. 

Đoạn kể thêm:
Nhưng rồi chuyện khác tới, chuyến bay về Houston bị hủy bỏ. Lý do thời tiết Houston quá xấu, thành phố ngập nhiều nơi, mưa rơi cả mấy ngày, chưa dứt, phi trường đóng cửa. Hỏi quầy vé, họ chỉ đến gate khác xa lắc tít mù, tất tả đến nơi, hàng rồng rắn dài thậm thượt. Lại đưọc báo tin một quầy khác vừa mở. Đến nơi thì thứ tự gần 10, lòng tự nhũ “thôi thì cứ chờ”. Đến lượt mình, tôi nói cho nhân viên biết tôi muốn đi chuyến sớm nhứt ngày hôm sau. Sau vài phút tìm, “Anh (you) có thể đến nhà ông Tư đại gia” “Ông ấy không phải bạn tôi”. “Nếu anh muốn thì anh đi SF” “Tôi không quen ai ở SF” “Còn LAX?” (!!!???) Tôi không quen ai ở LAX”. Có nghĩa là tôi phải bay suốt đêm từ bờ Đại tây dương qua bờ Thái bình dương rồi sáng hôm sau đi sớm trở lại vùng central time!!! “Vậy thì anh ở đây, nhưng phải đi đến phi trường thứ nhì”, bà sắp xếp chuyến chiều hôm sau, họ sẽ dặn hotel dùm nhưng họ không chịu chi phí taxi và hotel với lý do chuyến bay bị hũy vì thời tiết chớ không phải tại United! Bà thân mật tặng tôi 1 túi giấy nhỏ trong chứa ống kem, bàn chải răng, cây lược chải đầu cho bảnh bao.
Đành chịu ngủ tại phi trường vì chỉ còn vài đồng đủ cho cái hamburger. Khoảng một giờ sau, toán khác thay, tôi lại khiếu nại và nói cho họ biết ý muốn . Họ cho biết nếu tôi đến Chicago đêm đó thì sẽ đi chuyến 4:30 sáng về Houston. Tại phi trường O’Hare, tìm được chỗ ngã cái bịt, gối đầu lên ba lô, như những người khác và định nhắm mắt để thăng thì đùng đùng, ầm ầm. Nhướng mắt nhìn thì ra toán sửa chửa bắt đầu phận sự của họ. Dự tính đến bảo họ ngưng công tác, tối mai làm tiếp, nhưng nhớ là mình thân nhỏ như dế út tiêu nên thôi. Trời đất quỷ thần thiên địa ơi, ngủ nghê gì được. Nhìn chung quanh, thấy những kẻ lở độ đường an nhiên tự toại ngái pho pho mà phát tức. Tính gọi họ dậy để hỏi làm sao mà họ ngủ được, nhưng không dám vì sợ ăn cùi chỏ! Rồi thì cũng đến 2 giờ sáng, lobby bắt đầu rộn ràng……… Đoạn trường ai có lở đường mới hay! 
..........

Tổng kết, tôi mất năm pounds! Nhưng bù lại, nồi udon ngon tuyệt cú mèo! 

Nguyễn Cao Khải
(Từ Houston, tháng 8, viết kể lại một phần chuyến đi)

Một vài hình ảnh của chuyến đi









Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét