Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2016

Chợ Quê


(Chuyến đò trên sông Mỹ Tho trước năm 1975-Nhiếp ảnh gia Gene Whitme)

Đêm tôi mơ thấy mình đi chợ, ngôi chợ quê ở đầu làng, xa hơn nửa quả địa cầu và cách hơn năm mươi năm Chợ nằm trên bờ vàm, chỗ ngả ba sông Cái Cối và sông Ông Mẻ, nên được gọi là chợ Vàm hay chợ Ông Mẻ. Một cái tên quê mùa, thân thuộc như những chợ quê lân cận: Cái Thia, Cổ Cò, Ông Hưng, Ông Vẽ….nằm trong quận Cái Bè thuộc tỉnh Mỹ Tho.

Trong giấc mơ, tôi thấy mình vẫn còn là một đứa bé. Chuyến đò ngang đưa tôi qua chợ. Tôi thấy lại nguyên vẹn hàng me già ven sông, những căn tiệm lụp xụp, ngôi trường làng mái lá vách tre, nơi tôi bắt đầu những bài học vỡ lòng…. Hơn nửa thế kỷ qua rồi mà những hình ảnh này vẫn còn lẩn quất ở một góc nào đó trong trí nhớ. Hàng me già hẳn đã chết, bãi sông xưa đã lở, những căn tiệm và ngôi trường đã thay hình đổi dạng mấy lần

Bao nhiêu lần tôi đã qua sông trên chuyến đò ngang đó. Đò là một chiếc tam bản hai chèo. Vợ chồng người lái đò có cánh tay gân guốc, da rám nắng, áo bạc màu, thay phiên nhau đưa rước khách. Cứ một chuyến qua sông Cái, một chuyến qua sông Ông Mẻ. Vào lúc chợ họp, khách qua đò đông đúc, ngồi chen chúc trên mấy tấm ván lót giữ lòng ghe. Vào lúc chợ đã tan, họa hoằn lắm mới có một người khách sang sông. Vợ chồng người lái đò cư ngụ trong gian nhà lụp xụp ngay bến đò. Nhà lợp lá, có vách mắt cáo, lồng lộng gió sông.. Những lúc rảng rang, người chồng nằm trên chiếc chỏng tre, ngâm nga mấy câu vọng cổ, hay nói thơ Lục Vân Tiên, Phạm Công Cúc Hoa…; người vợ ngồi may vá trên ngạch cửa, chờ đợi nghe tiếng hú hoặc tiếng gọi bớ đò.

Nước ở vàm sông chảy xiết nhưng đò lúc nào cũng đuợc chèo chống khéo léo, cặp bến chính xác ngay chiếc cầu nhủi, cạnh gốc me già. Cây me chỉ còn một phấn rễ bám vào đất, phía kia trơ ra mặt sông vì phần đất dưới chân đã bị nước xoi mòn. Cả hàng me trước chơ nhiều cây cũng bị trơ rễ và thành chỗ buộc cho ghe xuồng cặp bến. Thiếu đất mà hàng me vẫn tươi tốt, trên cành ríu rít tiếng chim. Mùa me chín, mỗi lần gió lớn, trái rụng lộp độp xuống mặt đường, trên mái lá của những căn tiệm nằm sát nhau.

So với các tiệm tạp hóa trong chợ, tiệm của chú ba Huê hấp dẫn nhất với hàng keo thủy tinh trên kệ đựng đầy bánh kẹo. Những viên kẹo đủ màu, gói giấy bóng kính xanh đỏ, những loại bánh có hình chữ abc, hình con cá hoặc cây súng,lại còn thêm xí muội, cà na. Vào tiệm, người ta có thể mua mọi món cần thiết, từ kim chỉ tới bột đường, tương chao, dầu lửa, nước mắm… tới giấy mực học trò, giấy tiền vàng bạc, nhang đèn, chén dĩa, nước ngọt con cọp, rượu chát…. Hàng hóa lớp xếp trên kệ, lớp bày dưới đất. Trước tiệm, thím Ba còn bày một sạp vải, bán các loại vải ú, vải xiêm, lụa lèo, mỹ a….Cạnh đó là tiệm may, vào dịp tết nhứt, khách ra vô nườm nượp. Xa hơn chút nữa là tiêm đò thiếc, lúc nào cũng có tiếng búa đập chan chát. Trước cửa tiệm, từng chùm quặng thiếc, ca nhôm treo lủng lẳng. Người quanh vùng hễ có nồi nhôm bị lủng, thùng thiếc bị rò là mang tới đây để vá lại. Tiệm hớt tóc của bác năm Liên là một mái lá nằm dưới bóng me, thân cây me nằm lọt giữa nhà, được bác đóng đinh làm chỗ treo tấm kiếng và tấm vải choàng. Trước tấm kiếng là cái ghế dựa lưng cao dành cho khách ngồi hớt tóc. Bác ngồi trên chiếc ghế đẩu. Hộp đồ nghề của bác gồn dao cạo, kéo, tông- đơ và một hộp phấn mà cái bông dùng chung cho mọi người.

Tiệm thuốc bắc của chú Xồi khang trang nhất chợ. Trước cửa tiệm, treo một tấm bảng to, kẻ mấy chữ ” An hòa đường” bằng tiếng Tàu và tiếng Việt. Chú Xồi mạp mạp, phương phi, lúc nào cũng mặc áo thung và quần lở tới gối, ngồi bệ vệ sau quầy thuốc. Tiếng chày tán thuốc gỏ vào cối nghe loong coong rất vui tai nhưng không đứa trẻ nào thích ghé vào tiệm chú. Những vị thuốc bắc của chú đem sắc lên thành chén thuốc đen đen, đắng khủng khiếp, uống một lấn là sợ cả đời dù có được đền bằng mấy trái táo đỏ, táo đen ngọt lịm.Tiệm chú Xồi bán đủ các loại cao đơn hườn tán. Cảm mạo sơ sài có Thối nhiệt tán, Ngoại cảm tán. Nặng hơn một chút có Lục thần thủy, Bạc hà thủy. Đau bụng đã có Nhơn đơn. Đối với những bệnh không có thuốc bào chế sẵn, chú Xồi chẩn mạch rồi hốt thuốc. Những vị thuốc được chú bốc ra từ các ngăn kéo xếp dài theo vách, được cân lường và gói giấy lại thành từng thang vuông vức, có buộc sợ dây lác.

(Chợ Mỹ Thiện Cái Bè trước năm 1975- Nhiếp ảnh gia Gene Whitme)

Nhà lồng nằm giữa chợ, mái lợp tôn, không có vách. Những chiếc sạp gỗ được xếp kề nhau thành hai hàng, giữa có lối đi rộng. Đây là nơi bày bán thịt, cá, gạo, nếp và các loại rau trái, quà bánh.
Dưới mé sông có vài gian nhà sàn bán lá chầm để lợp nhà, một trại cây bán các loại gỗ và một trại hòm. Khi nước lớn, người mua có thể căp ghe xuồng sát vào nhà để chất hàng, rất thuận tiện.
Phương tiện chuyên chở ở miền quê thời đó là ghe xuồng. Lúc chợ họp, ghe xuồng đậu san sát dưới bến, chiếc nọ cột sau chiếc kia. Người đậu sau phải bước nhờ chiếc phía trước để lên bờ.

Chợ họp từ lúc tờ mờ sáng. Người ở xa phải canh theo tiếng gà gáy, con nước hay bóng trăng để tính cho kịp buổi chợ. Người xách giỏ đi bộ, kẻ bơi xuồng tấp nập. Nếu không muốn đi bộ, người ta có thể đón xuồng quá giang. Chỉ cần đứng ở đầu cầu, ới một tiếng hỏi, nếu ghe xuồng rộng chỗ, chủ sẵn sàng cặp lại để rước khách, thường là có dư một cây dầm để khách bơi phụ. Tiếng mái chèo khuấy nước, tiếng nói chuyện rì rầm. Người ta bương bả ra chợ để mua những món cần dùng, để bán một con gà, con vịt, buồng chuối, buồng cau, vài chục cam, chục quít hay mấy trái bầu, trái bí vừa hái trong vườn, mớ tôm, mớ cá vừa đánh được dưới sông.

Trẻ nhỏ thường đòi theo mẹ đi chợ, mong được mẹ mua cho đồng quà, tấm bánh. Bà mẹ trải một manh chiếu nhỏ giữa xuồng cho con ngồi ngủ gà ngủ gật vì rời nhà từ lúc trời chưa sáng. Quà bánh ở chợ quê đối với trẻ nhỏ mới tuyệt diệu làm sao, nào xôi vò, xôi nếp thang, xôi lá dứa vừa dẻo vừa thơm.; nào bánh ít, bánh tét. bánh bò, bánh chuối, bánh cam, bánh còng…đơn sơ mà đầy hương vị. Trong tuổi thơ, ai đã từng ăn qua chắc khó lòng quên được món cốm dẹp trộn dừa thơm nức gói trong lá sen, hay món bắp nấu trắng tinh gói trong lá chuối xanh, trên rải mấy lát dừa nạo, chút đường, chút muối mè, và được xúc ăn bằng một khúc lá thơm. Phải xúc bằng cọng lá thơm thì món bắp nấu mới có đủ hương vị của một thời xa xưa.
(Bến đò Cái Bè )

Một lần tôi theo mẹ đi chợ và được một món quà kỳ lạ khiến tôi nhớ mãi. Hôm ấy xuồng tôi đậu kế bên một xuồng khác, có lẽ là xuồng bán cá. Lúc đó trăng đã xế nhung vẫn còn đủ sáng để tôi thấy giữa xuồng bên cạnh có một khối vuông lớn được phủ bằng một lớp trấu. Bác chủ xuồng lấy tay khỏa lớp trấu rồi dùng búa nhỏ đập nhẹ một cái, khối vuông vỡ ra thành nhiều mảnh trong suốt, lấp lánh dưới ánh trăng, dường như có một làn hơi nhẹ bốc lên. Thấy tôi chăm chú nhìn vật thể kỳ lạ đó với vẽ tò mò, mẹ tôi nói với bác chủ xuồng bán cho tôi một cắc nước đá. Bác cầm một cục to bằng nắm tay đưa cho tôi, nói cho con nhỏ chớ tiền bạc gì. Đó là lần đầu tiên tôi cầm cục nước đá trong tay, nghe một cảm giác lạnh buốt lạ lùng.

Chợ quê họp sớm mà cũng tan sớm. Khi mặt trời lên cao, chợ đã thưa thớt. Người ta hối hả về nhà để mớ tôm mớ cá mua được vẫn tươi, hoặc để còn ra ruộng ra vườn làm việc. Những ngày cận Tết hay ngày rằm, chợ họp lâu hơn và có nhiều hàng hóa hơn. Chợ Tết có thêm hoa vạn thọ, hoa cúc, hoa mồng gà, bánh mứt, thèo lèo, hột dưa. Ngày rằm, mồng một có thêm các món chay như tương, chao, kiểm. Kiểm là một loại canh chay nấu với bí rợ, khoai lang, bột khoai, sa- kê, cơm dừa nạo…nêm thêm nước cốt dừa.

(Cá Linh)
Buổi chợ sớm đã tan nhưng người ta vẫn có thể mua được thức này món nọ nhờ các xuồng ghe bán hàng lưu động. Tùy theo con nước, các xuồng rao bán cá cơm, cá linh còn nhảy xoi xói, mới vừa chày, lưới được từ dưới sông. Hai loại cá này rất mau ươn nên người bán thường dùng xuồng ba lá để bơi cho nhanh. Nghe tiếng rao ”cá cơm hơ…”, cá linh hơ…” thì phải chạy ngay xuống bến sông đón mua kẻo lỡ.. Thỉnh thoảng cũng có xuồng bán thịt. Với một tấm thớt, một con dao, người bán xẻ thịt theo ý người mua rồi dùng sợi dây lác buộc ngang đề người mua xách lủng lằng chớ chẳng gói ghém chi. Đôi khi cũng có những ghe thương hồ chở sản phẩm từ xa tới như cá duồng từ Nam Vang, mắm lóc Châu Đốc, dưa hấu Cầu Đúc. Cũng có xuồng bán sen tươi, dưa ngó sen, dưa môn, dưa bồn bồn từ Đồng Tháp Mười.

Trẻ con hào hứng nhất là vào buổi trưa buồn miệng, chợt nghe tiếng rao ” ve chai, lông vit, hột gòn đổi cốm hơ…. hoặc ” vỏ hến, cau tầm vung đổi vôi, đổi cốm hơ…”. Những món nhò nhặt vỏ hến, lông vịt tưởng như bỏ đi mà gom góp lại cũng đem đổi được những miếng cốm ngon lành. Cốm ở đây là cốm gạo, cốm búng, cốm chùi, đóng thành từng phong nhỏ, đựng trong thùng thiếc để được dòn lâu. Món bánh lọt tàu hủ mới là ngon tuyệt. Người bán dùng cái muổng nhôm trẹt, hớt từng mảng tàu hủ mịn màng cho vào chén, thêm ít bánh lọt xanh như ngọc thạch, thơm ngát mùi lá dứa vá cuối cùng là mấy gáo mù u nước đường ngào ngạt mùi gừng.. Chén tàu hủ ăn trên bến sông giữa một buổi trưa hiu hiu gió không giống chén tàu hủ ở bất cứ một nơi nào khác.

Ôi! bao nhiêu hoài niệm về thuở yên bình năm mươi năm trước. Năm mươi năm đủ cho vật đổi sao dời. Có còn kịp không để tôi được một lần về lại quê xưa, soi soi bóng mình trên dòng sông thơ ấu...

Khánh Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét