Chủ Nhật, 8 tháng 5, 2016

Mother’s Day: Ngày Nhớ Ơn Mẹ


Lý Giải “Đạo Hiếu”
Còn mấy hôm nữa là tới ngày chủ nhật 08/05/2016, ngày Mother’s Day. môt tập quán của nước Úc. Không biết có phải các sắc tộc sống ở nước Úc này đều có cái tập tục này không nữa? Chứ riêng dân Việt hay dân Úc gốc Việt thì chắc chắn là chỉ vui theo mà thôi. Hình như ở Mỹ quốc cũng có ngày Mother’s Day nhưng không phải là ngày chủ nhật tuần đầu của tháng 5 hàng năm như ở Úc này. Là một người Việt sống tỵ nạn trên quê hương thứ hai này, người viết cũng nhiều lần suy nghĩ về tập tục này, và cũng đã từng truy cập cái xuất xứ của tập tục kỷ niệm này, cho tới bây giờ thì nó cũng tiến hóa sai lệch đi rất nhiều với cái xuất xứ ban đầu của nó, có thể nói hầu như tất cả các tập tục ớ xứ phương tây này, à quên riêng ở Úc phải nói là phương Nam cực mới đúng, tất cả đã bị thương mại hóa. Tuy nhiên đối với dân Việt mình thì nếu có sống theo cái tập tục này thì phải hiểu đó là ngày “Nhớ ơn Mẹ”. Nói tới cụm từ “Nhớ ơn Mẹ” thì không thể quên được cụm từ “Báo Hiếu” đối với bậc sinh thành, mặc dù ở nơi này có ngày “Father’s Day” riêng biệt. Đối với cha mẹ thì người con dân Việt chỉ có “Đạo hiếu” mà thôi. Như câu thành ngữ:
“Công cha như núi Thái sơn,
Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ Mẹ kính Cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”

Vâng! Với câu thành ngữ này đã là người Việt sinh sống ở Việt Nam thì ai ai cũng thuộc nằm lòng vì nó có trong sách giáo khoa ngay từ cấp tiểu học, và thường được các bậc cha mẹ nhắc nhở trong cuộc sống thường nhật. Trong Phật giáo nơi các chùa tổ chức lễ Vu Lan [lễ báo hiếu] hàng năm cũng không thể quên được câu thành ngữ ấy. Nhân ngày Mother’s Day người viết muốn diễn giải câu thành ngữ trên hầu cống hiến và chia sẻ cùng các bạn đọc một vài thiển kiến làm sáng tỏ thêm nguồn văn hóa Việt, một nền văn hóa siêu việt mà cha ông ta đã thừa truyền lại cho chúng ta tới ngày nay.
Như chúng ta đã biết, chữ quốc ngữ theo dạng chữ La tinh mà chúng ta hiện đang sử dụng làm thứ ngôn từ chính gọi là Việt ngữ. thực chất ra nó mới có được gần 300 năm, từ thời triều đại nhà Nguyễn do một giáo sĩ người Bồ Đào Nha chuyển hóa từ tiếng Nôm mà thành [thời kỳ này kể từ khi Vua Quang Trung Nguyễn Huệ xưng vương thì không còn dùng tiếng Hán nữa, mà tiếng Nôm là ngôn ngữ chính thống của triều Nguyễn, các nhà nho được gọi là sĩ phu và được Vua Gia Long ưu đãi đặc biệt]. Cho nên câu thành ngữ trên toàn mang âm ngữ của tiếng Nôm mà thành. Để khẳng định điều này ta có thể lấy thể thơ lục bát là một thể thơ đặc thù của chữ Nôm, nó mang đủ ngũ âm [sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng] trong âm từ và nó cũng mang theo đủ thành phần của sự vận chuyển Ngũ hành [Kim, Thủy, Mộc, Hỏa. Thổ] trong câu thành ngữ trên. Đó chính là đặc trưng cho ngôn ngữ Việt mà trên thế giới này không có âm ngữ của dân tộc nào giống được như vậy. Cũng chính thời kỳ này dân tộc Việt đã xuất hiện tập trường thi chữ Nôm truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, có áng thơ nôm Chinh Phụ Ngâm, có Lục Vân Tiên của Nguyễn đình Chiểu cũng là những áng thơ Nôm tuyệt tác, chính vì thế nên câu thành ngữ ca dao về Đạo hiếu cũng mang đầy đủ tính chất đó. Để các bạn đọc, được hiểu ngọn ngành tôi xin được phân giải rành rẽ như sau:

Câu thứ nhất: “Công Cha như núi Thái sơn”, tôi có hỏi khá nhiều vị lão thành và học giả về núi Thái sơn ở đâu? Hầu hết đều trả lời núi Thái sơn là tên một ngọn núi nào đó ở bên nước Tàu. thật là thất vọng vô cùng bởi chẳng có vị nào đã được đặt chân tới đó cả, mà chỉ là nghe nói vậy thôi. Trời! Sao lại nói “Cha” mình ở bên đó chứ? Các vị đó đã quên câu ngạn ngữ “Trời sinh, đất dưỡng” rồi sao? Hay câu “cha mẹ sinh con Trời sinh tính” [ở đây cũng xin các độc giả hiểu rõ là chữ Hán không hề có tự “Trời”, chỉ có chữ Nôm mới có tự “Trời”, chữ Cha, chữ Mẹ cũng vậy]. Chúng ta vẫn gọi Hệ mặt trời là “Thái dương hệ”, trong kinh nhà Phật [Việt giáo ngày xưa] có nói tới dãy núi Tu Di ở trên cõi Phật. Cho nên Công Cha như núi Thái sơn có nghĩa là “Cha sinh Mẹ dưỡng”. Mà đã là cao như núi ở trên Thiên thì mỗi khi mưa gió cho thế gian sinh sôi nảy nở thì thường phải có sấm sét hiện thân, nói tới tiếng “sét” thì nơi nào có thể chất kim loại thì mới tạo ra luồng sét đánh tới, ta thường thấy các nhà cao ốc phải có cột thép tiếp âm để giải tỏa hiểm họa của sét. Chính tia chớp của sét là biểu tượng của kim tức dấu ‘Sắc’ gạch một nét từ phài nghiêng trái trong tiếng Việt. Nên tôi có câu thơ là: “Sắc là Kim tại Thái sơn”

Câu thứ hai: “Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Nước trong nguồn tức là nước bắt đầu từ hướng Tây chảy xuôi về biển tức hướng đông, đồng nghĩa là từ trái sang phải nếu ta lấy hướng Bắc làm chuẩn, đó là dấu ‘Huyền’ mà ta đánh dấu một gạch từ trái sang phải. Nước chính là ‘Thủy’ vậy. Nên tôi tiếp câu thơ là “Huyền vi Thủy mạc suối nguồn Tây Đông”

Câu thứ ba: “Một lòng thờ Mẹ kính cha”. Nói tới thờ kính là nói tới việc thắp nén nhang thờ cúng khi cha mẹ đã quy Tiên, nén nhang là Mộc khi bị đốt cháy cong xuống như hình dấu ‘Hỏi’, khói nhang cuộn lên là hình dấu ‘Ngã’ vậy. Là một tâm niệm và phải dùng lửa [tức Hỏa] để thắp nén nhang đó. Trong hành động và tâm niệm thờ kính cha mẹ nó mang tải cả ba cái dấu ‘Hỏi’, ‘Ngã’, ‘Nặng’, tàn nhang rớt trên bát nhang đó là ‘Thổ’. Bát nhang chính là hình tượng của dấu ‘Nặng’. Nên tôi có câu thơ là: “Hỏi rằng Mộc trổ ai trồng, Ngã thân chấp Hỏa sao mong giải phiền, Nặng căn Thổ lượng nhân duyên”.

Câu thứ tư: “Cho tròn chữ Hiếu mới là Đạo con”. Đúng vậy! Đạo Việt là Đạo Vuông Tròn như sự tích “Bánh chưng bánh dày” chỉ có Đạo Tâm mới thể hiện đầy đủ và trọn vẹn chữ hiếu mà thôi. Tất cả duyên nghiệp trong mối quan hệ cha con, mẹ con đều phụ thuộc vào sự vận hành của Ngũ hành mà thành. Ngũ hành tương sinh thì mọi duyên nghiệp đều được hóa cải viên mãn. Nên tôi có câu thơ kết như sau: “ Vuông tròn đạo lý thừa truyền Hiếu trung”.
Kết hợp lại những câu thơ trên ta có được một bài thơ hoàn thiện mang cái ý nghĩa mà người viết muốn chia sẻ với các bạn đọc như sau:
Sắc là Kim tại Thái sơn
Huyền vi Thủy mạc suối nguồn tây đông
Hỏi rằng Mộc trổ ai trồng
Ngã thân chấp Hỏa sao mong giải phiền
Nặng căn Thổ lượng nhân duyên
Vuông tròn Đạo lý thừa truyền Hiếu trung.

Những mong qúy độc giả lượng thứ cho những mộ phạm nếu có, thành thật xin cảm ơn.

Nguyên Khang
Viết nhân ngày Mother’s Day 08/05/2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét