Thứ Tư, 23 tháng 3, 2016

Quê Cha Đất Tổ: Ao Hồ Sông Rạch Mương Ở Ấp Phú Hữu Xã Giồng Ké

Mấy mươi năm trước, phía sau nhà của ba má tôi ở Giồng Ké có một cái ao nho nhỏ. Ao luôn trong sạch nhờ cái ống bộng. Khi nước lớn, nước từ một nhánh sông, theo ống bộng đi vào hồ. Và khi nước ròng, nước từ hồ thoát ra ngoài qua cái ống bộng ấy. Ống bộng thô sơ làm bằng thân cây cau. Sau đó được thay thế bằng thân cây dừa, có đường kính lớn hơn. Và theo nhu cầu cũng như sự tiến bộ, ống bộng được đúc bằng xi măng. 

(Cái ống bộng)
Ao sau nhà tôi, có chiếc cầu cây, do nhiều tấm ván ráp lại, có đóng những thanh ngang, bắc chuối xuống, rất tiện lợi và an toàn cho việc lên xuống khi rửa ráy. 
Vậy mà, sau mấy mươi năm khi trở lại quê nội, tôi nhìn thấy cây cầu ở ao nhà người, chỉ là một thân cây tròn, dễ trơn trợt. Và liệu, cầu bị ướt, thì bằng cách nào, người ta có thể di chuyển lên xuống dễ dàng trên chiếc cầu này.

(Chiếc cầu bắc xuống ao nước)
Trên đường đi, đây một chiếc cầu dừa khác, bắc ngang rạch nước, cũng là cây cầu tròn. Tuy nhiên, cầu không có tay cầm giúp cho mỗi lần di chuyển qua lại được dễ dàng.

(Chiếc cầu dừa bắc ngang qua mương)
Tại một căn nhà khác, tôi nhìn thấy chiếc ao bên cạnh. Nước trong ao đục ngầu, và khi hỏi, họ cho biết, đó là ao nước cho gia đình dùng hàng ngày.

(Ao nước)
Trong bài học về nước, khi còn ở ghế nhà trường. Tôi vẫn nhớ, nước là thành phần quan trọng trong cuộc sống, bởi nước chiếm đến 70% khối lượng của cơ thể con người và nhất là cần tinh khiết. Thiếu thức ăn, con người có thể sống lây lất, nhưng thiếu nước con người ta có thể kéo dài sự sống chỉ vài hôm và nếu sử dụng nước không trong lành, thì ảnh hưởng đến lục phủ ngũ tạng như thế nào. Và mỗi khi cầm ly nước lọc trong tay, cái màu nước đục đục lợn cợn trong ao nhà người cứ ám ảnh tôi hoài.

Kim Phượng
Ảnh từ Kim Phượng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét