Thứ Sáu, 18 tháng 3, 2016

Hùng Ca Sử Việt 1 : Lời Mở Đầu- Đồng Bào


Phần 1

Nam quốc sơn hà Nam đế cư, 
Tiệt nhiên định phận tại Thiên thư. 
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm, 
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư 
        Lý Thường Kiệt

Sông núi nước Nam, vua Nam ở, 
Rành rành định phận tại sách Trời. 
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm 
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời
               Quên Đi
***
Mục Lục

Lời Mở Đầu
Đồng Bào
Phù Đổng Thiên Vương

Tiếng Hờn Sông Hát
Nhuỵ Kiều Tướng Quân
Mai Hắc Đế
Bố Cái Đại Vương

***

Lời Mở Đầu

Mỗi dân tộc, mỗi quốc gia, đều có niềm tự hào, hãnh diện của nòi giống. Dân Việt ta lại càng hãnh diện hơn khi có những Tiền Nhân cân quắc anh thư, là những anh hùng xuất chúng.
Là một nước nhỏ bé nằm kề cận một nước lớn Trung Hoa, luôn tìm cách xâm chiếm và đồng hoá, thế mà vẫn kiên cường bất khuất. Trong suốt mấy ngàn năm luôn bị phương bắc xâm lược, Tổ Tiên ta vẫn giữ vững văn hoá dân tộc, để con cháu đời sau luôn hãnh diện tự hào: đất nước ta có hơn 4.000 năm văn hiến. Tiền Nhân luôn nêu gương sáng cho hậu thế, giữ vững truyền thống bảo vệ tổ quốc, bảo vệ giang san, không làm tay sai cho giặc như câu nói của Vua Lê Thánh Tông:
“Một thước núi, một tấc sông của ta không nên vất bỏ... Nếu ngươi dám lấy một thước, một tấc đất của Thái Tổ (Vua Lê Lợi) mà đút mồi cho giặc thì tội phải tru di...”
(Đại Việt Sử Ký Toàn Thư)
        
Lịch sử Việt Nam nếu tính từ lúc có mặt con người sinh sống thì đã có hàng vạn năm trước Công nguyên, còn tính từ khi đất nước được hình thành thì mới khoảng từ hơn 4000 năm trước đây

Những người Việt Tiền Sử trên vùng châu thổ sông Hồng sông Mã đã khẩn đất, chế ngự nước lụt của các sông, phục vụ cho việc trồng lúa và đã tạo nên nền văn minh lúa nước.

Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Vua Thần Nông (một trong Tam Hoàng của Huyền Sử Trung Hoa vốn người gốc Phương Nam) là tổ tiên của dân tộc Việt, đã đem cách trồng lúa ở phương Nam ra truyền dạy lại cho người phương Bắc.

Khu vực trung du bắc phần Việt Nam đã có người ở từ thời kỳ Đồ Đá Cũ (Thời Tiền Sử). Các nhà khảo cổ đã tìm ra các dấu vết người Vượn cư ngụ tại Lạng Sơn, Ninh Bình và Thanh Hoá cách đây hàng trăm nghìn năm. Thời kỳ này mực nước biển thấp hơn, và Việt Nam khi đó nối liền với đảo Hải Nam, bán đảo Mã Lai, Indonesia, với khí hậu ẩm và mát hơn bây giờ.

Do chính đặc trưng về địa chất nên vùng đồng bằng sông Hồng, vịnh Bắc Việt không có điều kiện khai quật nền đất cổ đại có ở khoảng 8000 năm trước Công Nguyên (trước khi có đại hồng thủy) để xác nhận dấu vết của các nền văn minh khác nếu có. Trang sử Việt có một khoảng trống không xác định được từ khoảng năm trước 5500 năm - 18000 năm trước.

Qua những khảo cứu trên, Thuỷ Tổ Tộc Việt không phải chỉ xuất xứ từ nam sông Hoàng Hà, vì thế mới có một nền văn minh riêng, ngôn ngữ riêng, không hề giống với tiếng nói của các dân tộc Đông Á.
Đó chính là sắc thái riêng, bản chất riêng được gìn giữ và lưu truyền trong tâm khảm của người Dân Việt.
“Hùng Ca Sử Việt" nói về những bậc Anh Hùng Dân Tộc Việt Nam. Cấu trúc mỗi truyện được chia làm hai phần, phần đầu được kể như truyện cổ tích, phần sau tóm lược Bối Cảnh Lịch sử đương thờ. Phần lớn nội dung được Biên Soạn từ "Đại Việt Sử Ký Toàn Thư" của Lê Văn Hưu, Phan Thu Tiên, Ngô Sĩ Liên.., “Lĩnh Nam Chích Quái”của Trần Thế Phát(?), "Việt Nam Sử Lược" của Trần Trọng Kim, cùng tham khảo một số bài viết trong các trang Web trên google (vì quá nhiều nên không thể nhớ đưa hết vào đây. Mong Các Vị thông cảm)…
***
Đồng Bào
Thế giới này, chỉ duy nhất dân tộc ta mới có từ "Đồng Bào" (cùng chung một bọc) mà thôi. Hai tiếng thật thân yêu, nói lên tình ruột thịt của Người Việt. Kinh Thượng một dòng máu, một tổ tiên, một cội nguồn.
Trong dân gian luôn truyền tụng câu chuyện Một Mẹ Trăm Con từ đây…

Thuở xa xưa, cách đây lâu đời lắm, ở Lĩnh Nam có một thủ lĩnh tên là Lộc Tục, hiệu là Kinh Dương Vương, sức khoẻ tuyệt trần, lại có tài đi lại dưới nước như đi trên cạn. Một hôm, Kinh Dương Vương đi chơi hồ Ðộng Ðình, gặp Long Nữ là con gái Long Vương, hai người kết thành vợ chồng và ít lâu sau sinh được một trai, đặt tên là Sùng Lãm.

Lớn lên Sùng Lãm rất khoẻ, một tay có thể nhấc bổng lên cao tảng đá hai người ôm. Cũng như cha, Sùng Lãm có tài đi lại dưới nước như đi trên cạn. Khi nối nghiệp cha, chàng lấy hiệu là Lạc Long Quân.
Lúc bấy giờ ở đất Lĩnh Nam còn hoang vu, không một nơi nào yên ổn, Lạc Long Quân quyết chí đi du ngoạn khắp nơi.
Ðến vùng bờ biển Ðông Nam, Lạc Long Quân gặp một con cá rất lớn. Con cá này đã sống từ lâu đời, mình dài hơn năm mươi trượng, đuôi như cánh buồm, miệng có thể nuốt chửng mười người một lúc. Khi nó bơi thì sóng nổi ngất trời, thuyền bè qua lại đều bị nó nhận chìm, người trên thuyền đều bị nó nuốt sống. Dân chài rất sợ con quái vật ấy. Họ gọi nó là Ngư tinh.
Chỗ ở của Ngư tinh là một cái hang lớn ăn sâu xuống đáy biển, trên hang có một dãy núi đá cao ngăn miền duyên hải ra làm hai vùng.

Lạc Long Quân quyết tâm giết loài yêu quái, trừ hại cho dân, Lạc Long Quân đóng một chiếc thuyền thật chắc và thật lớn, rèn một khối sắt có nhiều cạnh sắc, nung cho thật đỏ, rồi đem khối sắt xuống thuyền chèo thẳng đến Ngư Tinh, Lạc Long Quân giơ khối sắt lên giả cách như cầm một người ném vào miệng cho nó ăn. Ngư Tinh há miệng đón mồi. Lạc Long Quân lao thẳng khối sắt nóng bỏng vào miệng nó. Ngư Tinh bị cháy họng vùng lên chống cự, quật đuôi vào thuyền của Lạc Long Quân. Lạc Long Quân liền rút gươm chém Ngư Tinh làm ba khúc. Khúc đầu hoá thành con chó biển. Lạc Long Quân lấy đá ngăn biển chặn đường giết chết con chó biển, vứt đầu lên một hòn núi, nay gọi hòn núi ấy là Cẩu Ðầu Sơn, khúc mình của Ngư Tinh trôi ra xứ Mạn Cẩu, nay còn gọi là Cẩu Ðầu Thủy, còn khúc đuôi của Ngư Tinh thì Lạc Long Quân lột lấy da đem phủ lên hòn đảo giữa biển, đảo ấy nay còn mang tên là Bạch Long Vĩ.

Trừ xong nạn Ngư Tinh, Lạc Long Quân đến Long Biên. ở đây có con cáo chín đuôi sống đến hơn nghìn năm, đã thành tinh. Nó trú trong một hang sâu, dưới chân một hòn núi đá ở phía Tây Long Biên. Con yêu này thường hoá thành người trà trộn trong nhân dân dụ bắt con gái đem về hang hãm hại.
Một vùng từ Long Biên đến núi Tản Viên, đâu đâu cũng bị Hồ Tinh hãm hại. Nhân dân hai miền rất lo sợ, nhiều người phải bỏ cả ruộng đồng, nương rẫy, kéo nhau đi nơi khác làm ăn.
Lạc long quân thương dân, một mình một gươm đến sào huyệt Hồ tinh, tìm cách diệt trừ nó.
Khi Lạc Long Quân về đến tới cửa hang, con yêu tinh thấy bóng người, liền xông ra, Lạc Long Quân liền hoá phép làm mưa gió, sấm sét vây chặt lấy con yêu. Giao chiến luôn ba ngày ba đêm, con yêu dần dần yếu sức, tìm đường tháo chạy, Lạc Long Quân đuổi theo chém đứt đầu nó. Nó hiện nguyên hình là một con cáo khổng lồ chín đuôi. Lạc Long Quân vào hang cứu những người còn sống sót, rồi sai các loài thuỷ tộc dâng nước sông Cái, xoáy hang cáo thành một vực sâu, người đương thời gọi là đầm Xác Cáo, đời sau mới gọi là Tây Hồ.

Dẹp yên nạn Hồ Tinh nhân dân quanh vùng lại trở về cày cấy trên cánh đồng ven hồ, và dựng nhà lập xóm trên khu đất cao nhất gọi là làng Hồ, đến nay vẫn còn.
Thấy dân vùng Long Biên đã được yên ổn làm ăn Lạc Long Quân đi ngược lên vùng rừng núi đến đất Phong Châu. ở vùng này có một cây cổ thụ gọi là cây chiên đàn, cao hàng nghìn trượng, trước kia cành lá sum suê tươi tốt che kín cả một khoảng đất rộng, nhưng sau nhiều năm, cây khô héo, biến thành yêu tinh, người ta gọi là Mộc Tinh.



Con yêu này hung ác và quỷ quyệt lạ thường. Chỗ ở của nó không nhất định, khi thì ở khu rừng này, khi thì ở khu rừng khác. Nó còn luôn luôn thay hình đổi hạng ẩn nấp khắp nơi, dồn bắt người để ăn thịt. Ði đến đâu cũng nghe thấy tiếng khóc than thảm thiết, Lạc Long Quân quyết ra tay cứu dân diệt trừ loài yêu quái. Lạc Long quân phải luồn hết rừng này đến rừng kia và qua nhiều ngày gian khổ mới tìm thấy chỗ ở của con yêu. Lạc Long Quân giao chiến với nó trăm ngày đêm, làm cho cây long đá lở, trời đất mịt mù mà không thắng được nó. Cuối cùng Lạc Long Quân phải dùng đến những nhạc cụ như chiêng, trống nó khiếp sợ và chạy về phía Tây Nam, sống quanh quẩn ở vùng đó, người ta gọi là Quỷ Xương Cuồng.

Diệt xong được nạn yêu quái, Lạc Long Quân thấy dân vùng này vẫn còn đói khổ thiếu thốn, phải lấy vỏ cây che thân, tết cỏ tranh làm ổ nằm bèn dạy cho dân biết cách trồng lúa nếp, lấy ống tre thổi cơm, đốn gỗ làm nhà sàn để ở, phòng thú dữ. Lạc Long Quân còn dạy dân ở cho ra cha con, vợ chồng. Dân cảm ơn đức ấy, xây cho Lạc Long Quân một toà cung điện nguy nga trên một ngọn núi cao. Nhưng Lạc Long Quân không ở, thường về quê mẹ dưới thủy phủ và dặn dân chúng rằng: "Hể có tai biến gì thì gọi ta, ta sẽ về ngay! "


Lúc bấy giờ có Ðế Lai từ phương Bắc đem quân tràn xuống phương Nam. Ðế Lai đem theo cả người con gái yêu rất xinh đẹp của mình là Âu Cơ và nhiều thị nữ. Thấy Lĩnh Nam phong cảnh tươi đẹp, lại nhiều chim muông, nhiều gỗ quý. Ðế Lai sai quân dựng thành đắp lũy định ở lâu dài. Phải phục dịch rất cực khổ, nhân dân chịu không nổi, hướng về biển Ðông gọi to: "Bố ơi! Sao không về cứu dân chúng con!". Chỉ trong chớp mắt, Lạc Long Quân đã về.

Nhân dân kể chuyện, Lạc Long Quân hoá làm một chàng trai rất đẹp, có hàng trăm đầy tớ theo hầu, vừa đi vừa hát đến thẳng chỗ Ðế Lai ở. Lạc Long Quân không thấy Ðế Lai đâu cả, mà chỉ thấy một cô gái nhan sắc tuyệt trần cùng vô số thị tỳ và binh lính. Cô gái xinh đẹp đó là Âu Cơ. Thấy Lạc Long Quân uy nghi tuấn tú nàng đem lòng say mê, xin đi theo Lạc Long Quân. Lạc Long Quân đưa Âu Cơ về ở trong cung điện của mình, trên núi cao.

Ðế Lai về, không thấy con gái đâu, liền sai quân lính đi tìm khắp nơi. Hết ngày này qua ngày khác. Lạc Long Quân sai hàng vạn các ác thú ra chặn các nẻo đường, xé xác bọn chúng làm cho chúng khiếp sợ bỏ chạy. Ðế Lai đành thu quân về phương bắc.
Bấy giờ nàng Âu Cơ mang thai, trải ba năm, ba tháng, mười ngày, thấy trên núi Nghĩa Lĩnh có mây lành ngũ sắc xán lạn. Đến giờ Ngọ, ngày 25 tháng 12 năm Giáp Tý, Âu Cơ thấy bào thai chuyển động. Đến giờ Ngọ, ngày 28, hương lạ đầy nhà, hào quang khắp phòng, bà sinh một bọc bạch ngọc, hương lạ giáng xuống. Bắt đầu sinh ở núi Ngũ Lĩnh, đất Thổ Thứu phong, ao sen đỉnh ngọc.

Lạc Long Quân thấy bà sinh ra bọc lạ, cho là xưa nay chưa có, việc lạ trong nước, bèn triệu văn võ bách quan trong triều vào chầu chính điện. Lúc ấy, giờ Ngọ, bỗng thấy trong thành giữa trời có ba tiếng hiệu lệnh làm chuyển động trời đất, sông núi, cỏ cây, vạn vật kinh sợ. Mây lành ngũ sắc sáng đầy khắp ba nghìn thế giới. Trên thượng điện, vạn chim bay, ngư, lân tụ hội theo gió mưa cống triều.

Ngài thấy quốc gia có điềm lạ khác thường, xuống chiếu cho các quan văn võ chỉnh đốn ý mạo, chay khiết lòng thành, tề tựu tại điện Kính Thiên, thắp hương đèn phùng chầu triều bái Hoàng Thiên Thượng Đế đến Tứ phủ vạn linh.

Tới giờ Thân hôm ấy, bỗng thấy một áng mây xanh từ hướng Tây kéo đến, tụ tại thềm rồng của điện Kính Thiên, tự nhiên có bốn vị tướng xuất hiện kỳ lạ, cao hơn trượng rưỡi, đầu đội mũ hoa, thân mặc bào xanh gấm vóc, eo thắt đai ngọc, chân đi hài sắt, miệng cười như hào quang sáng rực, mây tuôn cuồn cuộn, tay cầm một chiếc long bài (sắc) của Ngọc Hoàng

Thượng Đế: Ban cho Hiền Vương một bọc trăm trứng, sinh nơi ngọc khuyết, thành trăm người con trai trị nước. Nay sai bốn vị Đại Thiên vương giúp đỡ, che chở cho nước. Vậy ban sắc!.
Lạc Long Quân chiếu theo long bài, truyền các quan văn võ ngẩng mặt bái tạ trời, bái tạ Thiên vương.
Thiên vương nói:
- Trăm trứng ngọc bào do điềm rồng giáng sinh, thiên sứ báo cho Hiền Vương biết, hãy đặt vào bàn vàng, mang đến chùa Cổ Viễn Sơn, tên là Từ Sơn Thiên Quang Hòa Thượng Thiền Thứu Lĩnh (về sau đổi là Thiên Quang Thiền tự) đặt ở trong chùa, chọn lấy vị quan trai giới chầu trực, thắp hương không dứt.
Bọc đó vỡ ra, Lạc Long Quân bèn đỡ lấy thì bốn vị Đại Thiên Vương tự nhiên biến hóa, Hiền Vương càng thành tâm cầu đảo. Đến giờ Ngọ, ngày rằm 15 tháng Giêng, trăm trứng vỡ ra đều thành trăm người con trai; rồng thành năm sắc, điềm ứng sáng ngời, hương trời giáng xuống, đầy khắp núi sông. Được khoảng một tháng, không phải bú mớm mà tự trưởng thành. Tất cả các con đều có hình dáng đẹp lạ, tướng mạo phương phi, anh hùng nổi tiếng ở đời, cao lớn ba thước bảy tấc.

Lạc Long Quân triệu 6 nàng cung phi, giao phát gấm lĩnh, cắt may thành trăm bộ áo mũ cấp cho trăm người con trai. Cả ngày trăm con vui cười, thường lấy lá hoa ao sen đùa nghịch. Sau 100 ngày, các con khôn lớn, không nói mà hay cười. Qua 200 ngày, đến giờ Thìn ngày 20 tháng 7, cả trăm người con trai đều cười to, nói rằng:

Trời sinh Thánh Vương trị nước, giúp bốn biển thanh bình, quốc gia yên vui, là trăm hoàng tử đều ở thềm rồng điện thượng. Bỗng thấy một đám mây ngũ sắc từ không trung giáng xuống thềm rồng.

Lạc Long Quân thấy tám vị Thiên tướng, đầu đội mũ đồng, mình mặc thiết giáp, chân đi hài bạc, eo thắt dải rồng, dung mạo xán lạn, mắt sáng như sao, miệng xuất hào quang, tay cầm thần kiếm, linh trượng, bảo trữ, thiết phủ, đứng hầu hai bên tả hữu; hai bên đối chầu, hư không biến hóa, gió mưa ập đến,bay vượt nhiễu không trung trong điện Ngũ Lĩnh, rồi núi non thất hình, sông hồ sóng dâng trào.

Sau ba giờ ánh sáng rực rỡ, tám vị tướng mới xưng danh làm tám bộ Kim Cương, vâng sắc của Thượng Thiên chư Phật, Bảo Đế lệnh sai giáng xuống che chở cho trăm người con trai. Nay tất cả đã trưởng thành, hiểu biết nên tám vị tướng phụng mệnh đưa các vương tử đến cửa khuyết bái tạ Hoàng phụ, cai trị trong nước.
Tám vị tâu xong, bay lên trời biến mất. Tám vị ban cho Lạc Long Quân một chiếc long bài, một chiếc thiên bảo thần ấn, một viên bạch ngọc, một chiếc thần kiếm, một quyển thiên thư, một chiếc thước ngọc, một chiếc bàn vàng đặt ở trong điện. Hiền Vương nhận lấy, cho đây là trời ứng điềm lành, giúp yên trong nước.

Vua thấy trăm người con trai bỗng nhiên cao lớn, thân dài bảy thước ba tấc, mỗi người cầm một vật thiên bảo thần khí chia nhau đứng hầu hai bên tả hữu, bái tạ Hoàng phụ.


Ngài xuống chiếu rằng: Trời sinh trăm người con trai, đều văn võ thánh thần, anh hùng tài lược giúp nước yên bình, thiên hạ cậy nhờ bởi ơn giáo hoá, phụ tử quân thần cùng nhau vui hưởng”.
Hàng chục năm trôi qua, Lạc Long Quân sống đầm ấm bên cạnh đàn con, nhưng lòng vẫn nhớ thuỷ phủ. Một hôm Lạc Long Quân từ giã Âu Cơ và đàn con, hoá làm một con rồng vụt lên mây, bay về biển cả. Âu Cơ và đàn con muốn theo Lạc Long Quân, nhưng không đi được, buồn bã ở lại trên núi. Hết ngày này qua ngày khác, họ mỏi mắt trông chờ mà vẫn biền biệt tăm hơi. Không thấy Lạc Long Quân trở về. Nhớ chồng quá, Âu Cơ đứng trên ngọn núi cao hướng về biển Ðông lên tiếng gọi:
"Bố nó ơi! Sao không về để mẹ con chúng tôi sầu khổ thế này".
Lạc Long Quân trở về tức khắc. Âu Cơ trách chồng:
- Thiếp vốn sinh trưởng ở núi cao, động lớn, ăn ở với chàng sinh được trăm trai, thế mà chàng nỡ lòng bỏ đi, để mặc mẹ con thiếp sống bơ vơ khổ não.
Lạc Long Quân nói:
Ta là loài rồng, nàng là giống tiên, khó ở với nhau lâu dài. Nay ta đem năm mươi con về miền biển, còn nàng đem năm mươi con về miền núi, nếu gặp sự nguy hiểm thì báo cho nhau biết, cứu giúp lẫn nhau, đừng có quên.


Hai người từ biệt nhau, trăm người con trai toả đi các nơi, trăm người đó trở thành tổ tiên của người Bách Việt. Người con trưởng ở lại đất Phong Châu, được tôn làm vua nước Văn Lang lấy hiệu là Hùng Vương. Vua Hùng chia nước ra làm mười năm bộ, đặt tướng văn, võ gọi là lạc hầu, lạc tướng. Con trai vua gọi là Quan Lang, con gái vua gọi là Mỵ Nương. Ngôi vua đời đời gọi chung một danh hiệu là Hùng Vương.

Lạc Long Quân là người mở mang cõi Lĩnh Nam, đem lại sự yên ổn cho dân. Vua Hùng là người dựng nước, truyền nối được mười tám đời. Do sự tích Lạc Long Quân và Âu Cơ, nên dân tộc Việt Nam vẫn kể mình là dòng giống Tiên Rồng.

Từ tích Cha Lạc Long Quân lấy Mẹ Âu Cơ sinh ra một bọc trăm trứng nên dân tộc ta mới có từ ĐỒNG BÀO.

Trống Đồng Đông Sơn

Bối Cảnh Lịch sử

Trong âm mưu thôn tính và đồng hoá dân tộc Việt, các cuộc xâm lăng từ phương Bắc không ngừng tiếp diễn. Điển hình nhất là trong thời kỳ Bắc Thuộc lần thứ hai, sau khi tiêu diệt được cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, Mã Viện tiến hành chính sách đồng hoá, thiêu huỷ tất cả những gì liên quan đến văn hoá nước ta. Chẳng những thế, Mã Viện còn trồng một trụ đồng trên có hàng chữ"Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt" có nghĩa là "Cột đồng gãy, Giao Chỉ bị tiêu diệt". Dân Việt vì sợ cột gãy, nên khi đi ngang trụ đồng đều lấy đá thảy vào chân cột, lâu ngày thành cái gò cao.

Người Trung Hoa lợi dụng huyền sử, không xác định chính xác về tổ tiên, với chính sách đồng hoá, đến thời Mã Viện đốt sách xóa bỏ chữ viết của người Việt Cổ, xoá bỏ các ghi chép về thời Hùng Vương..v...v.. (cho đến nay tạo ra 1 vùng huyền sử cho Chính Sử Việt Nam : Hùng Vương huyền sử - Lộc Tục+Sùng Lãm+18 đời vua HÙNG(20 vua) mà trị vì hơn 2600 năm Trước Công Nguyên ? (*)

Ép buộc khuyến khích học Hán Tự. Các quan Tàu đô hộ tìm đủ mọi cách để xoá đi cội nguồn dân tộc Việt.

Với chính sách đồng hoá và xâm lấn, các triều đại Trung Hoa liên tục tìm cách đồng hoá người Việt thành người Tàu, bọn chúng đã đốt sách, hủy diệt văn hoá của người Việt và còn thâm độc hơn tự nhận là "con cháu Viêm-Hoàng"(Đế Viêm tức Thần Nông) để có ý chỉ rằng dân tộc Việt cũng là người Trung Quốc.

Vốn Thần Nông Thị (dòng họ Thần Nông) là dòng vua đầu tiên của các vị vua người Việt. Người Việt gọi là "Đế Viêm"(tiếng Việt), Người Tàu gọi là "Viêm Đế" (tiếng Hán)


Đế Viêm Thần Nông người phát minh ra việc trồng lúa nước. Vào thời điểm này người Trung Hoa sống ở phía bắc khí hậu ôn đới chỉ biết trồng lúa mạch lấy đâu ra kỹ năng trồng lúa nước của miền nhiệt đới mà nhận ông vua này của họ? Đến đời nhà Hạ, nhà Thương của người Trung Hoa lãnh thổ cũng chỉ ở phía Bắc sông Trường Giang lấy đâu ra vùng trồng lúa nước sông Trường Giang?

Các vua kế tiếp Đế Viêm Thần Nông gồm có : Thứ 2. Đế Thư. 3. Đế Lâm. 4. Đế Minh (Vua này sinh ra Lộc Tục là con thứ không phải con trưởng. Lộc Tục (Kinh Dương Vương) sinh ra Sùng Lãm chính là Lạc Long-Quân) 5. Đế Nghi 6. Đế Lai 7. Đế Lý 8. Đế Du Vọng


Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Vua Đế Minh là cháu ba đời của Vua Thần Nông. Khi đi tuần phương Nam, đến núi Ngũ Lĩnh (thuộc Hồ Nam Trung Hoa) gặp một nàng Tiên, lấy nhau sinh ra Lộc Tục. Sau đó phong cho Lộc Tục làm vua phương Nam ( từ núi Ngũ Lĩnh trở vào Nam), Xưng hiệu là Kinh Dương Vương, đặt tên nước là Xích Quỷ. Năm Nhâm Tuất 2897 trước Công Nguyên, Kinh Dương Vương cưới con gái của Thần Quân Động Đình Hồ là Long Nữ sinh ra Sùng Lãm. Sùng Lãm nối ngôi vua xưng là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân cưới con gái vua Đế Lai tên là Âu Cơ.

Theo truyền thuyết Việt Nam, Âu Cơ là Tổ Mẫu của người Việt. Tương truyền, Âu Cơ là con gái của vua Đế Lai. Trong khi đi tuần thú phương Nam, ông đã để Âu Cơ lại trên một cái động. Khi Lạc Long

Quân đi đến đây thì thấy nàng xinh đẹp nên đã đem lòng yêu mến và đem về làm vợ. Hai vợ chồng Lạc Long Quân và Âu Cơ đã sống với nhau.

Âu Cơ Sinh ra một bọc, trong bọc có 100 quả trứng. Trứng nở ra trăm đứa con. Một hôm Lạc Long Quân bảo Âu Cơ: " Ta là giống Rồng, Nàng là Giống Tiên. Thuỷ hoả tương khắc, khó mà chung hợp nhau. Nay Nàng dẫn 50 con lên núi. Còn ta đưa 50 con xuống biển", chia nhau cai quản các vùng. Khi hữu sự hãy thông báo cho nhau để giúp đỡ. Đây là tổ tiên Bách Việt. Lạc Long Quân đưa các con xuống miền biển Nam Hải, phong cho con trưởng làm vua Hùng Vương đặt tên nước là Văn Lang.

Họ Hồng Bàng triều đại đầu tiên trong sử Việt bắt đầu từ đấy.

Huỳnh Hữu Đức Biên Soạn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét