Thứ Ba, 19 tháng 1, 2016

Nhát Gái


Tôi sinh ra ở cái thời người ta gọi là giao thời. Nghĩa là cái thời học sinh được học cái yêu đương của mấy ông Tây trong khi gia đình lại đe nẹt theo kiểu Nho giáo. Thật là phiền cho mấy tay có trái tim hay rung động linh tinh khi dọc những Tố Tâm, Những Tuyết Hồng Lệ Sử, Chiếc Bóng Song The, Thuyền Tình Bể Ái
Dĩ nhiên tôi không thích nhân vật Lục vân Tiên:

Khoan khoan ngồi đó chớ ra
Nàng là phận gái ta là phận trai

Nhưng khổ thay, gia đình khô khốc của tôi lại không sản xuất cho tôi một trái tim nhẩy nhổm như Xuân Diệu:

Em gần thêm một chút anh hờn
Gần thêm nữa thế vẫn còn xa lắm

Bất hạnh cho tôi, dù tôi bị giằng xé giữa hai ngã đường, nhưng trái tim tôi nó vẫn bò lết về phía bến mê. Đúng như câu chuyện một lão sư dẫn đệ tử xuống núi. Đệ tử này được sư phụ nuôi từ bé , chưa thấy đàn bà con gái bao giờ. Gặp con gái, sư phụ nói với đệ tử: đó là quỷ. Chiều về, sư phụ hỏi đệ tử: vậy chứ hôm nay con đi chơi thích nhất gì? Đệ tử trả lời: con chỉ thích quỷ thôi!
Tôi không hiểu mê gái là bản năng trời sinh hay óc tò mò, khi người ta bị cấm thì càng tò mò muốn… biết.
Trong khi các bạn “ bình dân “ của tôi được chơi chung với con gái, nào là bịt mắt bắt dê, thả đỉa ba ba … được cầm tay, ôm vai, ôm bụng con gái… thì tôi con nhà“gia giáo“ tối ngày phải học Minh Tâm Bảo giám ….Nhưng lâu lâu anh của tôi lén đem về “ Tố Tâm “ … thì tôi tò mò đọc dù biết rằng cha tôi bắt gặp thì sẽ bị la rầy (giống như bây giờ người ta thích đọc văn chương lề trái vậy)
Dù rất tò mò , dù không khoái những lời giáo huấn khô khốc của cha , nhưng tôi vẫn tự hào là mình “ thanh tao “, thuộc tầng lớp quý (sờ) tộc, không chọc gái sàm sỡ như các bạn . Tôi không ngờ rằng cái gen “ thanh tao “đó nó hại tôi nhiều lắm. Tôi không “ chọc “ gái nhưng tôi “ mê “ gái. Mê gái mà không dám đến gần, không dám tấn công khiến tôi trở nên ngớ ngẩn, trở thành một tên cả Tề, cả Đẫn, cả Quỷnh, hay nói một cách bình dân, nôm na, dễ hiểu: là một tên Nhát Gái.

Mốt tình đầu đời của tôi xẩy ra năm tôi học lớp năm ( lớp một bây giờ ). Hồi đó ít người đi học nên hay có lớp ghép. Một phòng học được ghép hai, ba lớp.Thầy giáo chỉ định một cô lớp tên cầm tay tập viết cho tôi. Cô ta ngồi sau, choàng qua vai, cầm tay tập viết cho tôi. Chao ôi, một cảm giác dịu dàng ấm áp …. rồi xôn xao, rạo rực, đê mê tràn ngập tâm hồn tôi… đến khi cô ta cúi xuống, tóc xoà vào má tôi, nói những lời nhẹ nhàng êm dịu … thì … cha mẹ ơi … tôi ngay ngất, bàng hoàng, thảng thốt không bút nào tả xiết. Mùi da, mùi tóc và hơi thở của nàng nó mới tuyệt diệu làm sao! Thật đúng là: thế rồi thiên chúa tạo ra đàn bà. Chắc chẳng bao giờ cô ta biết những rung động của tôi, bởi lúc đó tôi còn bé xíu , bé như ….. trái ớt hiểm!
Rồi thời gian qua đi … qua đi … qua đi. Cái ấn tượng rằng đàn bà là tác phẩm hoàn hảo nhất của Chúa cứ theo tôi suốt cả cuộc đời.

Năm 16 tuổi, khi tôi thi bằng Diplôme. Cô giáo hỏi thi vấn đáp môn Pháp văn tên B.T. là một giai nhân tuyệt sắc. Cô hỏi mà tôi có nghe gì đâu vì tôi mải chiêm ngưỡng cô, tôi trả lời vấp váp, trật lất hoặc cứng họng luôn, có lẽ cô cho điểm 1 hay zero khiến tôi rớt. Nhưng tôi nào dám oán vì oral thời đó không quan trọng, ba tháng sau tôi lại đậu. Tôi rớt kỳ I là vì … xin lỗ cô, tôi nhát cô ( chứ không phải nhát gái ) chứ không phải tôi dốt tới cỡ đó.Sau này tôi nghe tin cô tự tử vì buồn phiền chồng cô là một hoạ sĩ rất nổi danh và cũng rất … hào hoa. Dù cô hơn tôi cả chục tuổi và lúc đó có thể đã có chồng , nhưng với tôi cô mãi mãi là “rất thánh đức nữ đồng trinh trên hết các kẻ đồng trinh“
Cái bệnh nhát gái, bệnh yêu đơn phương, yêu viển vông… không kết quả của tôi cứ ngày một tăng đến độ hết thuốc chữa, không lẽ lên hỏi ông trời

Bắc thang lên hỏi ông trời
Cái bệnh nhát gái có …. chữa được không


Một phần không nhỏ do các văn sĩ thời ấy. Thí dụ ông Thạch Lam viết: Nắng trong vườn, ông Khái Hưng viết Hồn bướm mơ tiên… Người ta đua nhau ca tụng tình đơn phương , tình yêu thanh cao , trong sáng (L’amour Platonique!), chết vì tình là cử chỉ cao đẹp nhất. Người ta đồn rằng các cô đua nhau ra Hồ Tây để … nhảy xuống tự tử , nên có những ông phu xe ra đậu gần đó nhắm mắt giả ngủ , để khi nghe tiếng kêu thì nhảy xuống cứu, lĩnh thưởng! Có lần một Tiểu Thư được cứu , chỉ xuống hồ nói với người phu xe: Còn đôi guốc, anh làm ơn xuống vớt dùm!
Tôi bị cuốn vào cái trào lưu mơ mộng đó đúng vào lúc tôi nhổ giò, vỡ tiếng, cái tuổi mà người ta gọi là “ sáo về tư tưởng “ đó nen làm sao tránh khỏi lẽo đẽo chạy theo các bóng hồng. Mà trước khi đi thế nào cũng lượm lặt năm ba câu thơ dằn túi để làm vốn . Nào là Truyện Kiều , thơ Tản đà , Xuân Diệu , Huy Cận , Lưu trong Lư , Hàn mặc Tử , Nguyễn Bính , Vũ hoàng Chương .
Truyện Kiều hồi đó đã lên đến Đỉnh Cao Quyền Lực . Người ta viết thư cho bạn cũng lẩy Kiều, viết kính thăm cha mẹ cũng:

Nhớ ơn chín chữ cao sâu
Một ngày một ngả bóng dâu tà tà

Tôi không mê tín đến nỗi mở Kiều ra khấn:

Lậy vua Từ Hải
Lậy vãi Giác Duyên
Lậy Tiên Thuý Kiều

Nhưng câu truyện anh chàng ráng học Kiều, ba năm thuộc lòng , nên được vợ… làm tôi phấn khởi lắm. Anh chàng mê gái , chạy theo người đẹp làm bộ chen lấn, cọ quẹt, bị nàng phang ngay cho một câu:

Tha cho thì cũng may đời
Làm ra ra tiếng con người nhỏ nhen

Anh chàng ức lắm, về nhà học Kiều ba năm thuộc lòng. Nhưng cha chết. Anh chàng nôn nóng báo thù rửa hận , đeo khăn tang ra gặp nàng. Nàng nhận ra, lại thấy khăn trắng, bèn đưa rằng:

Ăn làm sao, nói làm sao
Bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn
Ba năm tu luyện công lực, chàng bật ra chiêu tuyệt vời:
Sự đâu sóng gió bất kỳ
Hiếu tình có lẽ hai bề vẹn hai
………………………………………
Sư thành công của chàng này khiến tôi đi đâu cũng mang theo Kiều một bên ngực
Những câu mượt mà, ướt át:
“ Ái tình nó như hương của hoa, như khí trời buổi sáng, như mần non mới nảy, như đèn điện trong gian nhà tối, như ngày chủ nhật của những người lao động, như người dẫn đường những kẻ mù loà …“
Những cách nói kiểu cách, đỏm dáng như: cái gương soi thì nói là cái “ cố vấn sắc đẹp “, cái ghế ngồi thì nói là “ cái tiện nghi của cuộc đàm thoại “
Những câu trình diện mà tôi cho là tuyệt vời, có thể lấy điểm cao … hoặc như thứ mật ngọt có thể chết … ruồi như: Thưa tiểu thư, tôi sẽ rất lấy làm hãnh diện nếu được hầu hạ cô. hoặc: cô bằng lòng không, cô có bằng lòng cho phép kẻ hèn này được làm người đầy tớ trung thành suốt đời của cô không? cứ tuần tự chất đầy túi, nhưng khi đối diện người đẹp thì chẳng bao giờ nó bật lên được. Thế là tôi cứ tha thẩn đi qua nhà nàng:

Nhà ấy hình như có mặt trời
Có rừng có suối có hoa tươi
Bao nhiêu chim lạ bao nhiêu bướm
Không có gì đâu có một người
Tôi cứ đếm bước đo đường như phu lục lộ :
Mang bao hy vọng lúc ra đi
Chuốc lấy buồn không lúc trở về
Lòng mỗi lần đi lần bão táp
Mỗi lần là một cuộc phân ly

Và chỉ mong ông trời cứu:

Chao ôi yêu có ông trời cứu
Yêu có ông trời khoá được chân
Chàng lại đi về qua phố ấy
Mấy mươi lần nữa và vân vân
(Những đoạn thơ Nguyễn Bính)

Dĩ nhiên ông trời nào cứu được thằng nhát gái như tôi. và thế là tôi lủi thủi đếm mãi bâng quơ những gót giầy , để khi về đến nhà thì ủ rũ như con khỉ của Nguyễn Du:

Khỉ tựa gối, khỉ cúi đấu
Khỉ vò chín khúc, khỉ chau đôi mày

Thế là … thế là tôi cứ kéo lê kiếp cô đơn, cứ là những cái bóng, cứ là những cái đuôi đằng sau những bóng hồng

Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng cô đơn
Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng cô hồn

Không phải những bóng hồng của tôi bay lượn mờ ảo như các cô hồn, mà tôi là một cô hồn đi theo ám ảnh các nàng
“ Le murmure d’amour élevé sous ses pas “
(Viết đến đây tôi lại nhớ đến một vị Pháp Sư dạy Pháp văn chúng tôi ở Dại Học. Thầy chê Khái Hưng dịch dở ẹt . Khái Hưng dịch: “Ngờ đâu chân đạp lên trên khối tình“ thì giết chết ý thơ của Arvers rồi cón gì! Tôi thấy thầy nói đúng . Tôi cũng chẳng biết nên dịch murmure là gì, nhưng trong khi nàng: “đường trần lặng lẽ bước tiên “ thì trái tim tôi nó cứ murmure hoài.
Rồi thời gian qua đi … qua đi … qua đi. Tôi đã tới tuổi vai năm tấc rộng và ria mép lún phún. Tôi thấy mình đã là một Trượng Phu, một Hảo Hớn! không lẽ cứ hèn mãi. Tôi quyết định phải ngổ ngáo, táo tợn … làm cho rõ mặt anh hùng ! Một bữa đang đạp xe tà tà … tôi thấy một người đẹp đạp xe qua mặt có một vẻ nhất cố khuynh nhân thành , tôi bè đạp dấn lên: - Thưa cô, cái vú của cô nó cứ rung rinh! Cha mẹ ôi! Nàng quay qua cười rất tươi, liếc một phát sắc ngọt như dao bổ cau mà rằng: - Vâ…ng! thì nó ru…ng … ri … nh!
Chả biết hôm đó tôi xuất hành vào giờ tam nương hay … nhất nương gì đây mà gặp thứ dữ rồi, gặp ong vò vẽ , kiến lửa rồi ! Người tôi cứ nóng ran , không biết mặt đỏ hay tái , không biết chân tay có run không, nhưng chắc một điều là trái tim nó đang nhảy lô tô và cái quai hàm nó cứng ngắc không há miệng ra được. Chúa ơi, xin người cứu vớt linh hồn con. Người Nữ chỉ là cái xương sườn thứ bẩy của người Nam mà sao vờn người Nam như mèo vờn chuột vậy cà. Chúa chẳng trả lời, và thế là tôi … chun xuống đất. Nàng đi rồi mà tôi cứ ngẩn ngơ như mất một cái gì quý giá lắm. Câu trả lời có vẻ như diễu cợt, nhưng … rõ ràng là nàng cười rất tươi … và … rõ ràng là ánh mắt nàng rất trong sáng, hiền lành, vậy thì … vậy thì có lẽ trông tôi cũng không có vẻ cả quỷnh lắm đâu nhỉ ( chú A.Q. của Lỗ Tấn đã rỉ tai tôi như thế chăng?). Thế là tôi lại yên tâm, thế là tôi vui đến hai, ba ngày.


Rồi một sáng mùa xuân kia, khi tôi đã luyện được 8 thành công lực. Hai tay đút túi quần, mặt nhơn nhơn đi học vo tới trương Văn Khoa không manh theo bút vở chi cả. Tới cổng trường thấy một Tiểu Thư đài các từ trên xe bước xuống. Tôi không nhớ là Simca hay Dauphine, Cadillac hay Vedete, Peugeot 204 hãy 404, chỉ biết là xịn lắm, đúng là Đai quý(sờ)tộc . Tôi đi theo vào lớp, ngồi dát bên nàng để hưởng chút mùi hương sang trọng, quý phái. Hôm đó Quốc Sư họ Nghiêm giảng thuyết về ca dao. Khi Quốc Sư đọc câu:
Em như tán tía tàn vàng
Tôi quay qua nàng: - Em ghê gớm quá
Chỉ trong một sát na thôi, Quốc Sư tiếp:
Anh như mảnh chiếu rách nhà hàng bỏ quên
Nàng quay qua tôi: - Anh cũng ghê gớm quá!
Tôi đành đỏ mặt chịu thua 1-0 vì tuy tôi đã luyện được 8 thành trong công phu tán gái, nhưng với cái thiên thời địa lợi không có này làm sao tôi dám mơ tới chiếm được cái nhân hoà . Nhìn lại bộ gió của tôi: áo cháo lòng, quần Dacron (để giặt dễ , mau khô , khỏi cần ủi ) làm sao tôi không khỏi mặc cảm , chịu thua cho rồi. Lần này tôi lại nhát gái không phải tôi kém tài tán gái mà vì … ông thần tài không đứng về phía tôi.
Mấy thằng bạn trời đánh thường phang cho tôi những câu: “ mày đúng là thằng trăm trận trăm bại “ . Nhưng tôi vẫn ngoan cố cho mình là không bại. Tôi vẫn lẩm bẩm trong bụng rằng mình đâu phải đồ bỏ đi như chàng A.Q. vậy. Ừ, tụi bay cứ ca tụng những thằng chiến thắng như Don Juan đi. Tao đánh năm trận đều bại, nhưng tao sẽ thắng trận cuối cùng như Lưu Bang thắng trận Cai Hạ! Thế đủ rồi! Còn tên Don Juan kia nó tán tỉnh một vạn cô, dính được 100 cô thì hay ho gì. Dù hắn có vênh mặt kẹp tay 100 cô diễu qua diễu lại trước mắt tao, thì tao cũng … chẳng sợ! Ấy thế là tôi lại vui vẻ chạy theo mấy cô như … chưa hề thua trận nào cả! (Nói đến chuyện thắng bại, tôi lại nhớ đến bà Bác Sĩ Nguyễn thị Lợi. Bà chuyên Nhi Khoa, phụ Khoa nhưng tôi lại khoái khi bà đá giò lái các chú đàn ông. Các chú đàn ông cứ cho là mình thắng. Nhưng nghĩ lại xem: Trước khi lâm trận các chú ngẩng cao đầu, hùng hổ lắm! Kết thúc trận chiến các chú cúi đầu thảm não làm sao! Vậy thì “ Ai thắng Ai “)

Một năm sau, tôi tự đắc dã đủ 10 thành công lực để chơi với đời. Chả là vì tôi hay tụ tập với mấy thằng bạn phải gió ở sân trường, nói đủ thứ chuyện trời biển, nấy thằng đó thường khen tôi hót giỏi, hót như khướu, thông minh mẫn tiệp, ứng đối mau lẹ. Thí dụ như khi mấy thằng đang hót, một người đẹp đi qua, bị gió thổi bay quần áo mỏng, tôi bèn phán: Le vent ne sait pas lire ( tên một cuốn phim ) thế là các chàng phục lăn. Một lầ thằng V. hỏi tôi: Mày cũng yêu cô ta hả (một cô gái hắn đang yêu) tôi bèn trả lời: Je l’aime de tout ton coeur! Thế là các chàng cười nghiêng ngả. Nhưng khổ thay, tôi chỉ mẫn tiệp lanh lợi trước các bạn trai thôi, còn đứng trước các cô gái tôi vẫn là thằng ấp úng, giống như cái ngón Nhất Dương Chỉ của Đoàn Dự lúc linh lúc không.

Có lần ngồi bên chị bạn, tôi tự nhiên nghĩ bụng tại sao mình cứ phải gọi bọn họ là chị nhỉ. Bằng tuổi nhau mà mình lại là đàn ông thì phái hơn cơ chứ. Thế là tôi quay qua gọi chị ta là cô. Chị ta liếc tôi rồi nói: Ơ! Sao anh lại gọi tôi thế! Tôi có gọi anh là cậu đâu? Cái bộ óc mẫn tiệp của tôi muốn bật ra câu: - Thế thì tốt quá rồi! Nếu chị gọi tôi là cậu thì tôi sẽ gọi chị là mợ. Nhưng cái câu trả lời đó nó cứ từ chất xám qua hành tuỷ xuống tuỷ sống rồi cứ lộn lên lộn xuống hoài mà không chịu bật ra phía cổ họng Rõ khổ! Tôi im re. Chắc chị ta lại cười tôi cả đẫn, cù lần.
Trong đám bạn mắc dịch, có một thằng tổ sư đểu. Nó luôn đem freud ra loè tôi. Khoe đọc Freud nhiều, nó bảo: chắc mày sông xa nhà nhiều, thiếu tình mẫu tử, nên mày yêu cô nào cũng coi cô đó như mẹ. Tôi tức lắm, nhưng nghĩ bụng hay là nó nói đúng. Tôi không dám trả lời đốp chát , sắc cựa với chị là chỉ sợ chị phật ý rồi… không chơi với tôi nữa… thì tôi buồn lắm. Hay là tôi coi chị như mẹ rồi !!! Gần đây tôi nghe tin “ mẹ “ở Mỹ khá thành đạt, con cái cũng thành đạt. Tôi muốn liên lạc với “ mẹ “ nhưng rồi lại sợ . Không phải sợ “ mẹ “ già , xấu … mà chỉ sợ “ mẹ “không còn nhớ đến tên cả đẫn này. “ Mẹ “đâu biết rằng lúc đó tôi ngậm hột thị chỉ là vì tôi nể, tôi sợ, tôi không dám phá vỡ cái không gian hiện hữu mà đối với tôi nó cũng đủ ấm áp ngọt ngào rồi!


Rồi … một ngày mùa thu … tôi đang lang thang trên đường …. trời nhiều mây vương, có nghe lá vàng não nề rơi không. Tôi chợt nhớ đến địa chỉ của một chị bạn mà tôi mới có được. Tôi bèn săm săm băng lối đường trưa một mình tới nhà nàng. Tôi gặp chị, vui lắm. Kể chuyện xưa, vui lắm! Rồi tôi thường xuyên tới thăm chị. Tôi nghĩ bụng: mình phải nói cảm tình mình cho chị biết. Già rồi, sắp xuống lỗ rồi (4 tiếng mà chị hay nói) mắc cỡ gì! Mà có mắc cỡ thì da mặt mình nhăn nheo, xám xịt có ửng hồng lên đâu mà người ta biết. Tôi vuốt vuốt ngực lấy bình tĩnh, sửa soạn nói: - Hồi đó tôi cũng sạch sẽ, tươm tất lắm chứ … hồi đó tôi cũng cao ráo, thoáng khí lắm chứ… hồi đó… nếu tôi cầu hôn với chị thì chắc cũng hy vọng được tới… 40% chứ đâu ít nhỉ? Chỉ có bấy nhiêu mà tôi cũng không thốt lên lời! Thôi nhé! Tình cảm ơi! Hãy nằm im nhé! Thôi thì … trược kia lỡ nhát gái rồi, bây giờ cho … nhát bà già luôn.

Chân Diện Mục

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét