Thứ Ba, 5 tháng 1, 2016

Làng Xưa


Nói đến làng xưa là người ta nghĩ đến đây là nơi định cư của một tập thể người Việt (lâu lâu cũng có di cư, nhưng thường là ít, và lại càng ít vụ di cư cả làng). Đây là nơi lưu giữ hồn Việt, tập tục, tín ngưỡng! nơi có mồ mả ông bà tổ tiên và bao nhiêu kỷ niệm thân thương thời thơ ấu, và cả những người trưởng thành, đứng tuổi …
Ai mà không nhớ khi còn bé … bắt chuồn chuồn, đuổi bướm, chơi tổ kiến coi kiến tha mồi, hái lá chuối, lá mít làm đồ chơi, lấy gốc rơm, gốc rạ làm kèn, nặn đất làm pháo!
Khi xa quê thì nhớ day dứt. Lòng rộn lên khi về quê thấy cổng làng, cây đa, bụi tre làm ta lâng lâng, nhẹ người. Nhìn mái đỏ đình chùa làm ta ấm áp. Những cánh cò trên đồng, những đàn trâu lững thững về nhà. Những tiếng sáo diều vi vu. Những đêm trăng chơi ú tim, thả đỉa ba ba… Ôi! Ai mà không thấy làng mình tuyệt vời! Ai mà không kể về làng mình là nơi thơ mộng! Ôi! Thiên đường của tuổi thơ!

Ngày nay những bước chân rầm rập của văn minh (!) những bước chân oang oang của kỹ thuật làm người ta choáng váng! Điều tất yếu là người ta phải chạy theo văn minh! Đó là cuộc cạnh tranh sinh tồn mà!
Thời mới có tân học, nếu ông Hoàng Đạo nói: Theo mới! Theo mới không chút do dự! Theo mới là Âu hóa! Thì các nhà nho có tân học như Phan kế Bính, Phạm duy Tốn, Nguyễn bá Học chủ trương lấy cái ngọn xum xuê của Âu Mỹ tiếp lên cái gốc bền vững ngàn năm của ông cha để xây dựng một nền văn minh riêng cho Việt Nam! Nhưng bánh xe lịch sử ngày càng quay nhanh và người ta chẳng còn biết cụ Phan kế Bính là ai nữa!
Tôi không muốn nói tới những đổi mới sai lầm như Hợp Tác Xã, Sản Xuất Tập Thể, chỉ nói tới những đổi mới bình thường thôi cũng đủ giết chết làng xưa rồi! Cái hay thì khó học, cái xấu thì dễ theo, thậm chí còn theo một cách thích thú nữa! Ngày nay những tính xấu tràn về nông thôn như tầm ăn dâu , thậm chí như nước vỡ bờ!

Ngày nay làng nào mà không đầy quán nhậu( chưa nói tới những quán cực sang, chỉ những quán thường thôi người ta đã đổ đi biết bao nhiêu đồ ăn dư thừa ). Làng nào mà không có Vi tính, chơi game, Karaoke. Thậm chí có những cô gái ăn sương tính phí bằng lúa( lấy ngay hoặc tới mùa mới lấy). Bởi vì tiền trên hết, Tiện nghi trên hết! nên người ta sẵn sàng ngửa tay xin tiền, níu kéo người la, du khách. Vì tiền người ta sẵn sàng lấy chồng (!) xứ lạ , kể cả cái nước man mọi phía Bắc (!). Có cô gái trả lời phỏng vấn là cô ta lấy chồng ngoại là sẽ được đi máy bay!!!
Trước tình trạng đó người ta hô hào ( thực hay giả vờ ) bảo tồn truyền thống, bảo tồn cái hay cái đẹp xưa, bảo tồn luân lý phong tục xưa! Bảo tồn nếp sống xưa ( trong đó có nếp sống làng xã ). Nhưng hỡi ôi! Nói một đàng làm một nẻo! Chỉ thấy bày vẽ gia đình văn hoá, thôn làng văn hoá! Bảng hiệu, thu tiền và làm khó dân. Những di tích làng cổ, phố cổ(!). Làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây), làng cổ Phong Nam (Đà Nẵng ). Cái Hội An chỉ là một làng nghèo (trừ một số người Hoa buôn bán ) từ khi người Pháp tới mới nhiều nhà gạch . Mà các cụ ơi! Nhà hình ống: mặt tiền 4m, chiều sâu 20 m thì tôi hỏi nó “Cổ “ ở cái chỗ nào? Mà đã mang danh là cổ thì sửa chữa cũng không được, nói gì xây mới! Người ta còn đặt ra nhiều phương án (!) chắc còn lâu mới thi hành! mà sẽ có hàng trăm thứ giấy tờ thủ tục (lại có ăn nữa!)

Tôi thấy nhiều nơi cần có một chương trình gì đó, nhưng chưa kịp nhận danh hiệu thì nó đã dần dần chuyển bước tới văn minh hiện đại! Những khu như Cồn Lu, Cồn Ngạn Cồn vành, Cồn thoi ở Thái Bình Nam Định. Khu phía Tây Nghệ An, Bình Định. Khu giên giới Tân An, Đồng Tháp . Khu Cái Mơn, Cù Lao Ông Chưởng, Trà Sư – Lạc Quới – Tịnh Biên, khu Mũi Cà Mau… Tất cả đều có bước chân rầm rập của Văn minh. Nếu bạn muốn tìm hiểu về Phong Điền (Cần Thơ), bạn sẽ thấy làng Nhân Ái, làng Giai Xuân chẳng còn vết tích một làng xưa nữa. Ôi! Những người 100 năm cũ, hồn ở đâu bây giờ!
Một lần về quê tôi thấy lạc lõng, bơ vơ quá, có mấy câu thơ rằng:

Quê Nhà

Dạ thưa tôi tới quê nhà
Xôn xao bỡ ngỡ những là lạ quen
Ngó buồn mây trắng triền miên
Hững hờ ngớ ngẩn gọi tên quê mình
C.D.M.

Ngâm đi ngâm lại hoài, thấy thơ mình không hay bằng thơ ông Trịnh Hoài Giang. Tôi xin phép đăng bài thơ của ông lên đây:

Ơi Cánh Đồng Quê

Bây giờ ruộng đã bê tông
Cây đa đã cụt giòng sông đã què
Mái đình đã thẳng đường xe
Còn đâu cánh võng mà nghe chuông chùa
Hội làng thì đã ngày xưa
Thôi anh đừng có tiễn đưa làm gì
Em chào thầy mẹ em đi
Làm ô sin chẳng biết khi nào về
Heo may thổi dọc triền đê
Nghe câu dự án mà tê tái lòng
Người đi thì đã ngàn trùng
Người về đất có còn không mà về
Giật mình nửa tỉnh nửa mê
Cánh đồng quê, cánh đồng quê,cánh đồng

Trịnh Hoài Giang
28-12-2015
Chân Diện Mục

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét