Chủ Nhật, 15 tháng 11, 2015

Tờ Nội San Năm Cũ


Được quyết định làm thành viên trong Hội đồng giám khảo, tôi về Sở Giáo Dục để chấm thi. Suốt thời gian chấm thi, cô Tuyết Vân bận rộn công việc nơi Phòng Khảo thí nên không nhìn thấy tôi gật đầu chào. Buổi chấm thi cuối cùng, cô vẫn còn bận rộn công việc, tôi đành ngồi ngoài băng ghế đá đợi chờ.

Hơn ba mươi năm trước, cô Vân là giáo sư hướng dẫn (Giáo viên chủ nhiệm) của lớp tôi. Lúc đó, cô dạy môn Văn học. Trong những giờ ngoại khoá, cô thường mang những tác phẩm hay ra phân tách và chỉ bảo cách hành văn. Chúng tôi rất thích sáng tác. Trong sổ tay, nhật ký hoặc lưu bút đều ngập tràn những vần thơ hoặc tuỳ bút. Đó là những áng thơ văn ngây ngô chân chất của tuổi học trò. Lớp tôi rất tích cực tham gia làm tờ Nội san của trường và có rất nhiều bút danh cầu kỳ mà lãng mạn: Nguyên Thuỷ, Thương Hoài Phương, Kha Trường An, Thuỷ Cúc… Bạn bè trong trường thường gọi đùa lớp Đệ Tứ Ba (Lớp chín ba) là lớp của những nhà văn tương lai. Trong cuộc thi Bích báo toàn trường năm ấy, lớp tôi chiếm giải nhất. Cuối năm học, chúng tôi bịn rịn chia tay và chuyền nhau lưu bút. Quyển sổ bìa cứng hai trăm trang cũng chi chít chữ. Có vài đứa nước mắt chảy ngọt ngào khi đọc dòng lưu bút của nhau. Chứng kiến cảnh ấy, cô cứ lặng im cho tình bạn chúng tôi dâng đầy lớp học. Khi biết cô nhìn, những bạn đang khóc mắc cỡ quay mặt, vội lau nước mắt. Cô không khóc, nhưng ánh nhìn long lanh ngấn nước. Lúc ấy, cô đẹp lạ thường, ý nghĩ non nớt của một đứa học trò lớp Đệ Tứ cho rằng ai xây dựng gia đình với cô sẽ hạnh phúc lắm vì cô là một người có tình cảm hết sức bao la. Ý nghĩ đó được giấu kín trong tôi. Sau một phút lắng lại, cô nói:
- Người viết văn hay phải có một tình cảm chân thật. Tình cảm ấy sẽ làm cho cái tâm của nhà văn chấp cánh… Cô hết sức cảm động trước tình bạn chân thật của các em.

Bất ngờ, cô đưa ra một đề nghị:
- Tại sao các em không làm một tờ nội san cho lớp mình trước khi chia tay mùa hạ? Những gì các em viết trong lưu bút, cô thấy rất hay. Nếu câu cú chưa hoàn chỉnh hay thiếu mượt mà thì cô sẽ tiếp sức biên tập cho các em, có sao đâu?

Các bạn quay lại nhìn tôi thăm dò ý kiến. Làm tờ nội san không dễ dàng đâu, nào là tiền giấy, tiền mực, công in ấn… Thay mặt lớp, tôi đứng lên thưa:
- Thưa cô, chúng em …không có tiền.

Cô Vân tươi cười :
- Mỗi em bỏ ra một ít. Ai có nhiều bỏ ra nhiều, ai nghèo quá thì “miễn phí”. Cô và các em cùng bỏ công ra thực hiện tờ nội san. Sau cùng, nếu còn thiếu tiền, cô sẽ cho…

Cô vừa dứt lời, tiếng pháo tay nổ giòn trong lớp học. Ngày hôm sau, tôi và vài bạn giỏi văn của lớp ôm một xấp bài đến nhà cô để được chỉ cách biên tập. Trong những ngày ấy, chúng tôi học rất nhiều phương pháp hành văn, biết thêm cách phát triển một ý tưởng trở thành tứ thơ như thế nào. Cô cho biết người làm thơ, viết văn hay phải biết bộc lộ những tình cảm chân thành trong sáng nhất của mình vì thơ văn là tiếng nói của trái tim nhân ái…
***
Trong lúc miên man nhớ lại những ngày còn đi học, ánh mắt tôi không rời khỏi cửa Phòng Khảo thí. Như đáp lại nỗi đợi chờ của tôi, cô bước ra. Tôi vội vã đến bên cô:
- Thưa cô! Cô vẫn khoẻ?

Cô ngước nhìn tôi, ánh mắt vẫn long lanh như ngày ấy:
- À…Hiệp! Sao lâu nay các em không đến nhà cô chơi?

Hơn ba mươi năm trời tôi mới nghe lại được giọng nói thân thương và đầm ấm ấy. Cô hỏi, làm tôi lúng túng. Lẽ ra chúng tôi nhớ và đến nhà cô như những ngày làm tờ nội san. Mười năm đi dạy, tôi không nhớ tên của một đứa học trò, không tạo được một không khí ấm tình thầy trò như cô đã tạo. Giống một đứa trẻ phạm tội bị bắt gặp, tôi chỉ biết cúi đầu nói lí nhí trong miệng:
- Xin cô tha lỗi…

Cô nhìn tôi mỉm cười:
- Các em không có lỗi.(Cô nhìn xa xôi, và nói như đang độc thoại) Hiện nay con người phải vật lộn với cuộc sống để lo cơm, áo, gạo, tiền… những kỷ niệm đẹp thường bị bỏ quên trong ký ức.

Sợ khó gặp lại cô, tôi vội hỏi thăm chỗ ở, mới hay trong ngôi nhà của ba mươi năm trước, có một người phụ nữ chưa lập gia đình khi mái tóc đã nhuốm màu bụi phấn vì còn nặng nợ cưu mang những đứa cháu mồ côi.

Ngày đầu tiên tôi được Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh cho góp phần vào tuyển tâp thơcủa tỉnh, tôi nhớ quyển đặc san năm ấy, cảm thấy ngày xưa mình làm thơ quá đỗi ngu ngơ, rồi mắc cỡ cho những bài viết của thuở học trò. Tôi mang tuyển tập thơ vừa xuất bản đến nhà tặng cô, cô rất vui khi đón nhận. Cô bảo tôi ngồi chờ một chút, rồi lặng lẽ đi vào trong mở chồng sách cũ. Cô đưa tôi xem một tập giấy quay Ronéo rất quen thuộc, đó là Nội san lớp Đệ tứ 3. Cô nói:
- Có lẽ quyển Nội san nầy đã mở đường cho em có tác phẩm hôm nay.

Tôi lặng người vì mình không còn giữ được quyển nội san năm cũ.

Ngoc Hiệp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét