Thứ Năm, 12 tháng 11, 2015

Bác Sĩ Nguyễn Văn Hoài - Dưỡng Trí Viện Biên Hòa

Đường vào khu trung tâm Nhà thương điên Biên Hòa (năm 1934).

Cơ sở y tế đầu tiên có quy mô lớn trên đất Biên Hòa do người Pháp xây dựng, khởi công vào ngày 17 - 3 - 1915.
Lúc mới thành lập, cơ sở này có tên gọi là Asile d’ alienes de Bien Hoa (Trại người điên Biên Hòa, bà con thường gọi là Nhà thương điên Biên Hòa). Nghe nói, giai đoạn đầu, nơi đây giống như một trú xá của người điên vì chỉ thu gom quản lý người điên tránh việc họ gây rối xã hội. Sau đó cơ sở được đổi tên Hôpital psychiatrique de Cochichine (Dưỡng trí viện Namkỳ) và được chuyển qua hình thức tổ chức của một bệnh viện với mục đích điều trị.

Thời kỳ 1918 – 1945, Nhà thương điên Biên Hòa có 15 tòa nhà được gọi chung là Trại nuôi bệnh gồm: Nhà quan quản lý, nhà quan lương y An Nam, nhà các thầy điều dưỡng, nhà các viên gác – dan, nhà tắm, nhà bếp, chuồng ngựa, chuồng bò, chuồng heo, nhà người đánh xe, trại thợ mộc, kho thuốc… Việc chữa trị có sự phân biệt giữa người bệnh nước ngoài (chủ yếu là người Pháp) và người Việt Nam: Người bệnh nước ngoài có chỗ ăn ở tiêu chuẩn cao, người bệnh Việt Nam lại chia làm hai hạng: Hạng có trả tiền được ăn uống khá hơn hạng không trả tiền (hạng thí). Tất cả người bệnh phải mặc quần áo riêng của nhà thương, có người giặt giũ. Người bệnh tỉnh được cho đi làm rẫy, làm ruộng hoặc giúp đỡ nhà bếp cùng làm các việc lặt vặt khác. Thân nhân tới thăm có giờ giấc quy định và theo sự hướng dẫn của người có trách nhiệm. Năm 1930, Nhà thương điên Biên Hòa xây cất thêm 4 trại bệnh và năm 1945 lại xây thêm 9 trại nữa để nhận số người bệnh đến điều trị ngày một đông hơn (khoảng 600 người bệnh vào thời điểm này).


Trước 1930, việc quản lý người bệnh chủ yếu sử dụng những buồng con cách ly để giam nhốt và áo bó để cố định người bệnh. Sau 1930, một số kỹ thuật mới được dùng để giải quyết những trường hợp người bệnh kích động như: tạt nước, tiêm thuốc gây áp xe. Nhưng điểm nổi bật trong thời gian này là sử dụng liệu pháp sốc điện (electrochoc). Bấy giờ, trên thế giới chỉ có 3 nơi có máy sốc điện là Rome, Alger và Fukuyoka.
 Bác Sĩ Nguyễn Văn Hoài

Sau này, chính quyền Sài Gòn tiếp quản Dưỡng trí viện Biên Hòa và đổi tên thành Dưỡng trí viện bác sĩ Nguyễn Văn Hoài để ghi công bác sĩ Hoài, Giám đốc người Việt Nam đầu tiên của bệnh viện mất năm 1955 tại đây. Sau đó, vào năm 1971 lại đổi tên Dưỡng trí viện thành Bệnh viện tâm trí bác sĩ Nguyễn Văn Hoài, chú ý chức năng điều trị hơn là di dưỡng. Từ sau 1955, số trại bệnh tăng thêm, được sắp xếp khoa học hơn. Cho đến những năm cuối của thập niên 60, Dưỡng trí viện Biên Hòa gồm các phòng điều trị bệnh và 18 trại bệnh (Phòng ngoại chẩn, Phòng trắc nghiệm, Phòng chỉ dẫn, Phòng thăm bệnh, Phòng xã hội, Phòng đọc sách, Câu lạc bộ, Phòng quang tuyến, phòng thí nghiệm và các dược xá, Trại quan sát, Trại y xá, Trại nhi đồng, Trại bệnh án, Các trại bệnh khác, Khu lao tác trị liệu). Ngoài các trại bệnh, văn phòng, Dưỡng trí viện Biên Hòa còn có các công thự, cư xá, trường học, hồ tắm, sân vận động, xưởng thợ, khu chăn nuôi và trồng trọt dành cho bác sĩ và nhân viên.

Thời gian này, cùng với sự phát triển về y học trên lĩnh vực tâm thần trên thế giới, Dưỡng trí viện Biên Hòa đã nghiêng về các liệu pháp điều trị mới. Theo tư liệu còn lưu trữ trong khoảng năm 1956 – 1963, thì tổng số người bệnh năm 1956 là 1.102 người, trong đó số trở lại bình thường được xuất viện là 384. Năm 1963, số người bệnh là 1672 và số được ra là 636 người. Nhiều người bệnh từng có địa vị trong xã hội như: Một ông hoàng Lào, một viên quan hai, một ông chủ bưu điện, một cô đầm… thậm chí cả bác sĩ, nhà giáo và trí thức khác. Khoảng những năm 1965 – 1966, một số nhà báo, nhà thơ đã là bệnh nhân của Dưỡng trí viện Biên Hòa và phải tới đây điều trị nhiều lần như: Nguyễn Ngu Í, Bùi Giáng…
Trại bệnh người bản xứ (năm 1934)

Sau 1975, cơ sở y tế này trở thành bệnh viện tâm thần Trung ương 2 do Bộ y tế quản lý với nhiệm vụ điều trị, phòng bệnh, nghiên cứu khoa học, đào tạo cán bộ, xây dựng và chỉ đạo tuyến cho 16 tỉnh, thành phố phía Nam. Nhiều năm qua, đơn vị này đã từng bước cải tiến về tổ chức và hoạt động.
Bệnh viện tâm thần TW2 giờ đây nổi tiếng vì có Hội đồng giám định pháp y tâm thần cao nhất tại khu vực phía Nam và các phương pháp mới trong chữa bệnh tâm thần.
Có một chi tiết khá đặc biệt là hiện nay, trong kho lưu trữ của bệnh viện vẫn còn đầy đủ các hồ sơ bệnh án từ khi thành lập đến năm 1975. Bệnh nhân tâm thần đầu tiên đến nhập viện ngày 21 – 1 – 1919 là bà Nguyễn Thị Điều, 35 tuổi, sinh năm 1884 tại làng Thới An, huyện Ô Môn, tỉnh Cần Thơ. Hồ sơ lưu còn cả ảnh chụp người bệnh với số hiệu in trên đồng phục “Biên Hòa – 1″. Bệnh nhân này đã ở tròn suốt 36 năm và qua đời tại đây.
Và một chi tiết mà chắc thế hệ lớn tuổi ở miền Nam mới biết là có một thời gian dài, thành ngữ “đi Biên Hòa” đồng nghĩa với “điên”. Cho nên anh em nào có về off với Tú thì đừng nói là “đi Biên Hòa” nhé!

Tống Ngọc Nhan sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét