Chủ Nhật, 14 tháng 6, 2015

Lối Cũ, Người Xưa …

Chi Lăng Trước 1975

Nhân dịp đi Sài Gòn ăn mừng Sinh nhật cho đứa cháu gái, tôi mượn xe hai bánh của con gái, để đi tìm con đường Hoàng hoa Thám Gia Định ngày xưa.
Đến trường Mỹ Thuật cũ, đi theo đường Chi Lăng (bây giờ là Phan đăng Lưu) chỉ khoảng 200 mét, bên phải là đường Hoàng hoa Thám. Vẫn là con đường thân quen ngày nào… chưa đổi tên. Đi độ 300 mét có một con hẽm rộng bên phải, đi hơn 50 mét là chùa Quảng Tám. Đây là một ngôi chùa cỗ đã lâu đời. Chung quanh chùa là những hàng sao cổ thụ…Nhà cô tôi cất phía sau chùa. Tôi đã ở đó đi học ngành điều dưỡng ở bệnh viện Chợ Rấy từ năm 1962.

Lúc lên SaiGon tôi mang theo xe đạp. Nhớ ngày đầu tiên nhập học, từ mờ sáng thằng ngố nhà quê ở Tỉnh lên đã ra bến xe buýt tại trường Mỹ thuật Gia Định để chạy theo xe buýt ra Sài Gòn. Từ Sài Gòn chạy theo xe buýt vô Chợ Lớn.

Lê văn Duyệt trước1975

Khi xe buýt khởi hành, chạy theo đường Lê văn Duyệt, qua Cầu Bông, qua rạp ciné Casino DaKao quẹo phải qua Hiền Vương. Chỉ một đoạn ngắn quẹo nó trái là đường Phan Liêm, băng ngang Phan thanh Giản rồi ra Mạc đỉnh Chi. Chạy thẳng đến đại lộ Thống Nhất ra Sài Gòn. Hành trình này khổ nhất là đoạn Mạc đỉnh Chi không có trạm dừng, đường vắng, xe buýt chạy nhanh, tôi đạp xe theo muốn hộc xì dầu.
Đến Sài Gòn chạy theo xe buýt tuyến Sài Gòn- Chợ Lớn theo đường Trần Hưng Đạo…

Rất may khi tôi đậu vào ngành Điều Dưỡng lại đổ đầu nên vào lớp ai cũng muốn làm quen. Có rất nhiều bạn là dân thổ địa Sài Gòn chính hiệu chỉ đường cho tôi đi rất gần. Đó là : đi đường Lê văn Duyệt, qua cầu Bông rẽ phải là Trần quang Khải (đi ngang rạp ciné Văn Hoa), băng ngang hông chợ Tân Định theo đường Yên Đỗ ra bùng binh đường Trần quốc Toản. Đi thẳng theo đường Trần quốc Toản gặp Nguyễn tri Phương quẹo trái đi thẳng, rồi quẹo qua đường Thuận Kiều. Dễ ợt. Rất gần.

Lối cũ buồn tênh
Đường Hoàng Hoa Thám bây giờ rộng rãi chứ không phải như ngày xưa. Ngõ hẽm vào chùa Quảng Tám cũng nới rộng thênh thang có trải nhựa… Căn nhà xưa tôi ở cô tôi đã bán lại cho người khác và được xây lại dạng biệt thự kiểu Pháp. Toàn cảnh chung quanh rất xa lạ. Cạnh nhà người cô, có cô bạn gái tên Nguyệt mà tôi đang muốn tìm.

Tôi tần ngần bấm chuông. Đây là lần đầu tiên tôi tìm nhà một người bạn gái cũ. Một bà cụ lạ hoắc ra mở cổng. Bà hỏi ông tìm ai. Tôi nói tìm cô bạn tên Nguyệt. Bà bảo nhà nầy tôi mua lại sau năm 1975. Không biết ai là Nguyệt cả.

Tôi chợt nhận ra tìm một người bạn cũ trên 50 năm thật là khó khăn. Hơn nữa, nó ý nghĩa hơn người bạn cũ rất nhiều. Phải gọi là người yêu cũ mới đúng. Ôi ! người yêu cũ khiến tim tôi dậy sóng. Bất chợt thấy vị giác đắng chằn và tâm hồn nghe bồi hồi rung động, ngất ngây.

Tôi không thể viết rằng đi tìm Nguyệt là tìm người bạn cũ. Bỡi vì Nguyệt chưa bao giờ là bạn của tôi. Phải là cái gì… hơn tình bạn kia. Nên tôi phải gọi là người yêu cũ. Gọi người yêu cũ nghe lòng quặn đau vừa bâng khuâng lẫnchua xót.
Đến bây giờ tôi cũng không phán đoán được ai là người phạm sai lầm tình cãm của nhau. Thuở đó, vẫn còn hồn nhiên lắm. Tình yêu trong sáng, vô tư. Để rồi xa nhau cho nỗi buồn hằn lên kỷ niệm. Để bây giờ tôi phải chấp nhận dù muốn hay không : em là người yêu cũ của tôi.
Hôm nay, can đãm lắm tôi mới đánh thức một cuộc tình mà tôi đã cố quên đi…

Tôi đã đứng trước nhà “ người yêu cũ “ như đang chờ ai, như đang đợi ai, dẫu biết rằng hình bóng cũ đã tắt lịm từ lâu theo thời gian. Phía trước chùa Quảng Tám là mấy gốc sao cỗ thụ. Nơi đó, nhiều đêm tôi hò hẹn với nàng. Nhà nàng đã cất mới nhưng vuông sân vẫn còn. Chỉ tiếc rằng theo thời gian cây sứ gốc to bông trắng không còn nữa. Cây sứ không còn cũng như hình bóng Nguyệt biệt dạng bị lớp bụi thời gian chôn kín.

Đại lộ Chi Lăng với Ty Công Chánh nằm ở góc đường Chi Lăng-Hoàng Hoa Thám.1965

Tôi đã trở lại chốn cũ ngày xưa, nơi mà một thời sục sôi con tim lúc còn trai trẻ. Con đường đã thay áo mới nhưng tiếc rằng diện mạo người xưa đã chìm trong dĩ vãng xa mờ.
Con đường Hoàng hoa Thám chưa bao giờ xưa cũ. Theo thời gian nó càng ngày càng rộng mở, mới hơn. Tôi cứ do dự mãi hôm nay mới trở về lối cũ tìm người xưa. Đường xưa không cũ dù rằng tôi đã hơn 50 năm vẫn tràn đầy nhận thức được lối đi về.

Tôi bước chậm chậm ra đầu hẽm. Nơi mà ngày xưa căn nhà lợp tôn là tiệm tạp hóa. Tiệm tạp hóa cũng không còn. Chỉ có căn phố lầu đang phát ra bàn nhạc đường xưa lối cũ của Hoàng thi Thơ. Bản nhạc đã đến đoạn kết thúc:

Chạnh lòng thương nhớ những phút xưa, phút xưa qua qua rồi
Lạnh lùng tưởng nhớ bóng dáng ai in sâu trong lòng tôi
Đường xưa còn đó, nắng vẫn lên, vẫn trăng treo ven đồi
Mà hình bóng cũ, thiếu trong tôi mỗi khi nghe chiều rơi…

Bài ca như chạm vào ký ức một thời hoang dại của tôi. Nhưng nơi đây không có núi đồi để thi vị hóa bài ca. Phải chi tác giả viết rằng :”nắng vẫn lên, vẫn trăng treo sáng ngời “… thì vừa không lạc vận vừa hợp với tình cảnh tôi biết mấy. Nhưng bài ca vẫn có tác dụng hâm nóng tim tôi để nhớ lại “ bóng dáng ai in sâu trong lòng tôi “.

Dù sao, đến từng tuổi nầy, vẫn còn có dịp nhắc lại kỷ niệm xưa yêu một người con gái gần nơi quán trọ… cũng làm cho tôi nhẹ nhõm cõi lòng. Tôi vẫn biết rằng những kỷ niệm nầy chắc nó vẫn còn đeo đuổi tôi đến hơi thở cuối của cuộc đời còn lại…

Dương Hồng Thủy (31/01/2015)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét