Thứ Tư, 8 tháng 4, 2015

Tìm Hiểu Về Âm Nhạc Khmer Nam Bộ



      Trung tuần tháng 3 vừa qua, thông qua sự bảo trợ của ông Trầm Bê, một doanh nhân, tôi và một số họa sĩ Hội Mỹ thuật Việt Nam đã có chuyến đi thực tế sáng tác tại huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh.
      Trong thời gian 8 ngày ở huyện Trà Cú, dưới ánh nắng chói chang của những ngày đầu hè, song song với việc ký họa và vẽ tranh sơn dầu, tôi đã có dịp tham quan một số chùa Khmer, tìm hiểu và nói chuyện trao đổi với một số sư sãi cùng với một số người dân địa phương về âm nhạc của người Khmer Nam Bộ. (Đây là âm nhạc của người Khmer Nam Bộ, 1 trong 54 dân tộc sống trên đất nước   Việt Nam chứ không phải là âm nhạc của quốc gia láng giềng Kampuchea nằm sát cạnh nước Việt Nam của chúng ta).

      Người Khmer Nam Bộ thuộc dân tộc Môn-Khmer, cùng nguồn gốc với người Kampuchea; đồng thời, có nguồn gốc gần gũi với các dân tộc Indonésien, Malaysien ở các hải đảo phía nam. Tôn giáo chính của họ là Phật giáo Nam Tông. Vì thế, âm nhạc của người Khmer Nam Bộ vừa có ảnh hưởng từ Kampuchea, vừa từ Ấn Độ, vừa từ Indonésia.
      Đối với người Khmer Nam Bộ, chùa chiền là trung tâm văn hóa của phum sóc. Âm nhạc Khmer Nam Bộ có nguồn gốc là nhạc lễ của người theo đạo Phật và thường đi đôi với các vũ điệu. Nó đóng vai trò quan trọng trong mọi buổi lễ Phật, cưới hỏi hay mai táng.


THỂ LOẠI:


Âm nhạc Khmer Nam Bộ có thể chia làm 2 thể loại: nhạc Cổ điển và nhạc Tân

1- Dàn nhạc Cổ điển:
Do các chùa thành lập, còn được gọi là dàn nhạc ngũ âm.
Dàn nhạc ngũ âm gồm có các loại nhạc cụ sau: 1 hay 2 đàn Kongthom, 1 hay 2 đàn Ronéat, trống vỗ Sompho, trống cái Skothom. Đôi khi có Sáo gỗ phụ họa.
- Đàn Kongthom (đàn chiêng): Gồm 16 cái chiêng đồng nhỏ được đặt nằm trên một cái giàn bằng mây hình bán nguyệt. Nhạc công dùng một cái vồ nhỏ để đánh đàn. Âm giai của đàn chiêng là âm giai 7 cung đều nhau, giống với âm giai của nhạc Indo và khác hẳn với âm giai của nhạc Tây Phương hay Trung Quốc. Đàn chiêng Kongthom có họ hàng với đàn Gamelan của đảo Bali.
- Đàn Ronéat (đàn thuyền): Gồm 1 số thanh gỗ nằm ngang trên một cái hộp đàn có hình giống như chiếc thuyền, do nhạc công dùng vồ bằng gỗ để đánh và cũng mang 1 âm giai 7 cung đều nhau. Đàn thuyền Ronéat rất gần gũi với đàn Gambang của người Indo.
- Sompho (trống vỗ) và Skathom (trống cái) là những nhạc cụ có liên hệ với các loại trống Ấn Độ.

2- Dàn nhạc Tân:
Do ảnh hưởng trào lưu âm nhạc từ phương Tây, nên hiện nay các nhạc công Khmer Nam Bộ đã thành lập các ban nhạc; trong đó, chỉ sử dụng các loại nhạc cụ Tây Phương và của người Kinh như đàn Tam thập lục, đàn Nhị, đàn Guitar, đàn Mandoline, đàn Gáo, đàn Sến, kèn Saxophone…
Khác với dàn nhạc Cổ điển là nhạc ngữ được xây dựng trên âm giai 7 cung đều nhau, dàn nhạc Tân nằm trong hệ thống ngũ cung (Do Re Fa Sol La) giống như của người Kinh.


THỂ NHẠC:


1- Thể hát đối Ayay Ayang:
Cũng như các dân tộc sống bằng nông nghiệp, người Khmer Nam Bộ thường hay tổ chức các hội mùa. Các thể ca bình dân được phát triển mạnh mẽ, trước hết là thể hát đối Ayay Ayang.
Đây là một điệu hát công thức dùng để chuyên chở bất cứ đề tài nào trên giai điệu ngũ cung (Do Re Fa Sol La). Ayay Ayang là bài hát cột trụ của các gánh hát Dùkê, một hình thức hát rong.


2- Chăm Riêng (truyện ca):
Người Khmer Nam Bộ có một lối hát độc diễn gọi là Chăm Riêng. Nghệ sĩ vừa đánh đàn, vừa kể chuyện bằng thơ phổ nhạc



3- Thơ Khmer:
Có nhiều thể như Brahma Kith (ngũ lục), Karkatés (tứ ngôn), Phouchong liléa (lục song tứ), Pumnol (lục tứ lục).
- Thơ Brahma Kith thường được ngâm hay hát lên với giai điệu bay bổng trong ngũ cung (Re Fa Sol La Do) và với nhịp đôi. Đây là một thí dụ của thể ngũ lục Brahma Kith với tựa đề “Cha khuyên con”, mục đích nêu cao tinh thần đạo đức của người Khmer:


Kaun ơi ba kum thloy
Kum thlóp oy áp kê yós
Tham-đa kơt chéa prós
Oy réan rok chbáp méa-tra
Lok tha haw chhkuôt bei
Chhkuôt moy srei chhkuôt moy sra
Moy chhkuôt lbéng phéa léa
Leng pô béa thua kâm tat…

Bản dịch của nhà thơ Kiêm Rèm:
Này con, con chớ xem thường
Chớ nên kết bạn những phường hư thân
Làm trai đứng ở cõi trần
Dồi mài kinh sử tu thân mới là
Chữ rằng: Tồi bại có ba
Một là sắc dục hai là say sưa
Ba là bài bạc hơn thua
Những ngần ấy thứ con chừa từ đây…

- Thơ tứ ngôn Karkatés (nghĩa đen là nhịp đi của con quạ), là loại thơ chuyên về kể chuyện, kể việc. Đây là một thí dụ về thơ Karkatés với đầu đề “Ánh hào quang”:

Lok tha plơng phư
Méan pít mús rư?
Pum smơ sô-rya
Lok tha sơ seng
Cheng chăng huê ba
Nús pum smơ na
Brah dham brah Budh…

Nhà thơ Kiêm Rèm dịch:
Người nói đèn sáng
Có thật chăng nào?
Cũng kém thái dương
Người nói ánh trời
Soi sáng mọi nơi
Cũng chưa sáng tỏ
Cho bằng Phật Tổ…



Thơ Karkatés cũng được phổ nhạc với hệ thống ngũ cung (Re Fa Sol La Do).
- Ca kịch bình dân Lokhom. Hình thức của Lokhom cũng tương tự như gánh hát cải lương của người Kinh, từ thể ca hàng ngày đi lên sân khấu. Các tích xưa được đưa vào hình thức hát tuồng với đầy đủ các yếu tố âm nhạc, y trang, vũ điệu…
Ngoài ra, còn có một điệu dân vũ được mọi người ưa thích là điệu múa Lâm thôn (nghĩa đen là múa một mình). Lối múa này rất giản dị: hai người vờn nhau theo một điệu nhạc công thức (ngũ cung), hai tay uốn éo nhưng không chạm vào thân thể. Điệu múa này rất được phổ biến trong khu vực bán đảo Đông Dương, nơi có con sông Mékong chảy ngang qua.

Tín Đức 

Tài Liệu Tham Khảo:
-Kiêm Rèm: Tìm hiểu thi ca của người Việt gốc Miên.
-Lê Hương: Người Việt gốc Miên
-Phạm Duy: Loạt bài Dân ca dẫn giải.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét