Thứ Ba, 3 tháng 2, 2015

Tìm Hiểu Về Chứng Cao Mỡ Trong Máu


1. Mỡ giúp gì cho cơ thể của chúng ta?


Mỡ là một trong các nguồn lớn , cung cấp năng lượng cho những hoạt động hằng ngày đối với cơ thể của chúng ta.
Cơ thể chúng ta cũng còn cần đến cholesterol để tạo ra một số kích thích tố, những bộ phận thiết yếu của tế bào, cũng như một vài công dụng khác trong cơ thể.

2. Nguồn cholesterol:

a. Chất béo lấy từ thức ăn tạo nên cholesterol
Phần lớn , cholesterol được đem vào cơ thể qua thức ăn, như tròng đỏ trứng, thịt, cá, đồ biển, sữa nguyên chất.
Trái cây, rau cải, đậu, hạt không có cholesterol.

b. Cơ thể cũng tạo ra được cholesterol cần thiết cho hoạt động bình thường của cơ thể . Quá trình tạo cholesterol nầy chủ yếu diễn ra ở gan . Ăn những thức ăn có lượng chất béo bảo hòa cao sẽ khiến cho gan tạo ra nhiều cholesterol hơn .
Gan của chúng ta có khả năng tạo ra khoảng 1g cholesterol mỗi ngày .

3. Mỗi ngày chúng ta cần ăn bao nhiêu mỡ?

Hội tim mạch ở Hoa Kỳ khuyến cáo thức ăn hàng ngày của chúng ta chỉ cần có khoảng 300 mg cholesterol hoặc ít hơn . Nhưng nếu chúng ta ăn những thức ăn hoàn toàn không có cholesterol thì cũng không sao vì cơ thể của chúng ta có khả năng sản xuất đủ lượng cholesterol cần thiết .

4. Cao mỡ trong máu sẽ có tác hại gì?

Lượng mỡ cao trong máu sẽ dẫn đến tình trạng hẹp lòng mạch máu cũng như làm cho thành mạch máu bị cứng do tiến trình thành lập các mãng bám (plaque) cũng như chứng huyết khối (atherothrombosis) . Kết quả nầy sẽ đưa tới tình trạng giảm lượng máu lưu chuyển hay làm tắt nghẽn các mạch máu dẫn đến các cơ quan, làm gia tăng nguy cơ bệnh tim mạch .
Cao mỡ trong máu cũng là tác nhân liên quan tới những bệnh khác như sạn mật, yếu sinh lý, tinh thần suy nhược.
Thịt dư trong lòng ruột già (polyps) và ung thư, đặc biệt là ung thư nhiếp hộ tuyến & ung thư ngực, cũng được ghi nhận có liên quan tới tình trạng cao mỡ trong máu.

5. Bệnh tim mạch là gì?

a. Chứng đau ngực (Angina):
Chứng đau ngực nhất thời xảy ra khi lượng máu cung cấp cho tim bị suy giảm.
Xin được nhắc, mặc dù tim là cơ quan chứa máu nhưng lượng máu chứa trong tim không nuôi trái tim được. Tim chỉ được nuôi bằng lượng máu cung cấp thông qua bỡi các nhánh động mạch vành (Coronary Artery), sau khi máu đã bơm ra khỏi lòng tâm thất trái.

b. Nhồi máu cơ tim (Myocardial Infarction)
Do một trong những nhánh động mạch vành bị tắc nghẽn, có thể dẫn đến tử vong.
c. Đột quỵ (Stroke) : Một vùng não bị thiếu Oxy do tắc nghẽn một nhánh của động mạch nuôi não .
(Đột quỵ còn có thể xảy ra do tình trạng vỡ mạch máu não , thường xảy ra ở những người mắc chứng cao huyết áp) .
d. Bệnh động mạch ngoại biên: Do tắc nghẽn động mạch ở những vùng tận cùng của tứ chi , có thể gây đau đớn hoặc đôi khi gây hoại tử , phải cắt bỏ phần chi bị chết .
e. Cao huyết áp
f. Suy tim

6. Có bao nhiêu loại mỡ trong máu?

a. Loại mỡ tốt (Cholestrol HDL):

Mỡ đạm mật độ cao (HDL) di chuyển trong máu có nhiệm vụ chuyên chở những cholesterol thặng dư trong động mạch về lại lá gan . Tại đây , cholesterol nầy được tái chế hay đào thải khỏi cơ thể . Cholesterol HDL cũng không gây tình trạng đóng mãng (plaque) trong lòng mạch máu cho nên hạ giảm nguy cơ bệnh tim mạch .

b. Loại mỡ xấu (Cholesterol LDL và VLDL):

Mỡ đạm mật độ thấp (LDL) và mỡ đạm mật độ rất thấp (VLDL) được biết đến như là những loại mỡ xấu (mỡ có hại) .
VLDL do gan tạo ra và có nhiệm vụ vận chuyển chất béo đi khắp cơ thể . Khi đã giảm bớt một phần chất béo , cholesterol VLDL sẽ trở thành cholestrol LDL , nó sẽ tiếp tục mang theo những cholesterol còn lại đi khắp cơ thể.
Khi có quá nhiều cholesterol LDL lưu chuyển trong máu , loại mỡ nầy có thể tích tụ dần dần gây ra những mãng bám (plaque) bên trong lòng các động mạch làm gia tăng nguy cơ bệnh tim mạch .

c. Loại mỡ tồi tệ (Triglyceride):
Ngoài Choleserol , trong máu còn có một loại mỡ khác đó là Triglyceride tìm thấy trong máu . Triglyceride do cơ thể tạo ra và cũng được cung cấp từ nguồn thực pẩm
Mức Triglyceride cao trong máu thường xuất hiện với mức mỡ tốt (HDL) thấp.
Mức Triglyceride cao kết hợp với mức mỡ xấu (LDL) cao sẽ làm gia tăng nguy cơ của bệnh tim mạch 

6. Chọn lựa thức ăn như thế nào?

Có hai loại chất béo: có lợi và có hại.
Chất béo có hại cho sức khỏe là chất béo đã được bảo hòa. Giảm lượng chất béo bảo hòa ăn vào thì sẽ giảm được lượng mỡ trong máu.
Để giảm lượng mỡ trong máu không có nghĩa là chúng ta phải cắt giảm hoàn toàn chất béo mà phải biết lựa chọn chất béo có lợi (chất béo không bảo hòa ) để đưa vào nhằm giúp cơ thể hoạt động hữu hiệu .

a. Các chất béo bảo hòa:
Các chất béo bảo hòa thường ở thể rắn trong điều kiện nhiệt độ bình thường .
Thực phẩm có chứa nguồn chất béo bảo hòa:
- Thịt mỡ
- Sản phẩm làm từ sữa(bơ, phô mai, kem)
- Bánh: bích quy, bánh ngọt, bánh nướng
- Kẹo chocolate
- Khoai tây chiên, khoai tây chiên sấy khô
- Dừa
- Dầu hạt bông, dầu dừa

b. Các chất béo không bảo hòa:
Thường có từ thực vật hoặc các loại dầu cá.

Chất béo không bảo hòa gồm có hai loại:
- Chất béo không bảo hòa đơn (Mono unsaturated fat)
- Chất béo không bảo hòa đa ( Polyunsatuated fat)

Như đã biết chất béo bảo hòa làm tăng lượng cholesterol trong máu , nhưng chất béo không bảo hòa thì được ghi nhận là , có thể giúp làm giảm mức cholesterol trong máu .
Chính vì vậy, ăn uống lành mạnh là biết loại bớt những chất béo bảo hòa và thay thế bằng những thức ăn có chất béo không bảo hòa , nhất là những thức ăn có chất béo không bảo hòa đa , giúp tăng tỉ lệ cholesterol có lợi đối với cholesterol có hại .

Thực phẩm có chứa chất béo không bảo hòa đơn:
- Bơ thực vật (magarine) được làm từ dấu ôliu hay từ dầu canola .
- Dầu ôliu , dầu canola , dầu đậu phộng
- Trái bơ (avcado)
- Hạt điều , hạt hạnh nhân(almond) , hazelnut .

Thực phẩm có chứa chất béo không bảo hòa đa:
- Dầu cá, hải sản
- Magarine không bảo hòa đa
- Dầu thực vật như dầu hạt hướng dương , dầu safflower , dầu bắp hay dầu đậu nành .
- Các loại hạt như walnut , hạt brazil nut và các loại hạt(seeds)
- Chất béo không bảo hòa đa được phân thành chất béo omega-3 và chất béo omega-6

7. Chất omega-3, omega-6 là gì?

Omega-3 và omega-6 là một chất acid béo thiết yếu cần có trong chế độ dinh dưỡng hằng ngày của chúng ta , vì cơ thể không tạo ra được chất nầy .
Một số bằng chứng ghi nhận rằng nhận nhiều chất béo omega-3 và omega-6 có tác dụng :

- Hạ mức cholesterol và triglyceride trong máu làm giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch .
- Cải thiện tính đàn hồi của mạch máu
- Làm loãng máu giúp làm giảm nguy cơ đóng cục máu trong lòng động mạch
- Tăng cường hệ thống miễn nhiễm , giảm chứng viêm trong các mạch máu

Nguồnchất béo Omega-3 :

- Động vật : cá hồi(salmon, trout ), cá ngừ (tuna), cá mòi(sardine), cá anchovies , cá trvally .
- Thực vật : dầu đậu nành, dầu hạt cải và margarine
Ăn cá tươi , cá đóng hộp hoặc đông lạnh , ít nhất mỗi tuần 2 lần , là cách tốt để cung cấp lượng Omega-3 cho cơ thể .
Nguồn chất béo Omega-6:
- Hạt và dầu thực vật như dầu bắp , dầu đậu nành và dầu safflower

8. Rượu bia có ảnh hưởng gì đến mỡ trong máu?

- Ảnh hưởng tốt: gia tăng lượng mỡ tốt (HDL) trong máu , giúp giảm thiểu nguy cơ bệnh tim mạch
- Ảnh hưởng xấu: Bia có thể làm gia tăng lượng Triglyceride làm gia tăng nguy cơ bệnh tim mạch
Có một số chuyên gia cho rằng, uống một ly rượu vang đỏ mỗi ngày có thể giúp ngăn sự tác hại của cholesterol có hại (LDL) trên các thành động mạch và cũng còn giúp tăng lượng cholesterol có lợi (HDL) trong máu. Nhờ thế làm giảm được nguy cơ bệnh tim mạch .

PHẦN KẾT:
Cân bằng lượng cholesterol trong máu để duy trì những hoạt động của cơ thể là điều cần thiết .
Nguồn chất béo trong thức ăn cần phải được chọn lựa cẩn thận hầu cung cấp cho cơ thể một lượng cholesterol vừa đủ cũng như giúp gia tăng tỷ lệ mỡ tốt đối với mỡ xấu trong máu , nhằm làm giảm nguy cơ mắc các chứng bệnh tim mạch của chúng ta.

BS Đinh Tấn Khương
Nguyễn Lữ sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét