Thứ Tư, 7 tháng 1, 2015

Tìm hiểu về Luật Thơ Hát Nói


Hát Nói là một bộ môn nghệ thuật có từ xưa. Theo nghiên cứu gần đây, Hát Nói có thể xuất hiện từ thời vua Lê Thánh Tôn (1470-1497). Ngày nay, Hát Nói được công nhận là một bộ môn nghệ thuật cần phải bảo tồn của dân tộc ta.

Hát Nói là một trong các lối hát ả đào hay đào nương ca. Hát ả đào gồm những lối ca trù do đào nương (hoặc cô đào) hát, đối với lối hát trai hay Hà nam do giáp công (hoặc kép) hát.
Hát ả đào kể có nhiều lối như dâng hương, giáo trống, gửi thư, thét nhạc, vân vận. Nhưng chỉ có lối hát nói là thông dụng nhất là có văn chương lý thú nhất.
Hát nói có thể coi là một biến thể của hai thể lục bát và song thất.

Đủ khổ, dôi khổ và thiếu khổ.

Mỗi bài hát nói chia làm nhiều đoạn gọi là khổ bài. Mỗi khổ có bốn câu, trừ khổ cuối chỉ có 3 câu. Theo số khổ, hát nói chia làm ba thể:
1) Đủ khổ là những bài có ba khổ (khổ đầu 4 câu, khổ giữa 4 câu, khổ xếp 3 câu) cộng là 11 câu. Thể này là chính thức.
2) Dôi khổ là những bài có hơn ba khổ (khổ dôi ra là khổ giữa)
3) Thiếu khổ là những bài thiếu một khổ (thường là khổ giữa) chỉ có 7 câu.
Hai thể sau là biến thức.

1. Đủ khổ
Các câu trong bài đủ khổ. Theo tiếng nhà nghề, 11 câu trong bài đủ khổ có tên riêng là:
Khổ đầu: Khổ mở lời, gợi ý. Hai câu 1-2 là lá đầu; hai câu 3-4 là xuyên thưa.
Khổ giữa: Diễn tả nội dung bài hát nói. Hai câu 5-6 là thơ; hai câu 7-8 là xuyên mau.
Khổ xếp: Phần kết luận bài. Câu 9 là dồn; câu 10 là xếp; câu 11 là Keo. Đặt biệt: Câu Keo là câu kết thúc ý của toàn bài.

Thí dụ: Ơi Người Thương Cũ của Quên Đi có 11 câu:

Ơi này người thương cũ
Mớ bồng bông gỡ rối sao đây
Bao tháng năm sương gió dạn dầy
Vừa gặp lại hồn như chao đảo
Nhất ngộ hữu duyên tình tất đáo
Đa lai vô phận mộng nan thành
Mắt nhìn nhau ta tóc chẳng còn xanh
Em cũng thế má hồng giờ phai nhạt
Nhưng kỷ niệm đâu thể nào mất mát
Đúng không em chuyện dĩ vãng một thời
Thì nay bạn hữu trong đời.

                              
Số chữ trong câu hát nói:

Số chữ không nhất định. Thường đặt những câu 7,8 chữ; nhưng có khi đặt những câu ngắn hơn chỉ cỡ 5 chữ, hoặc dài tới 12, 13 chữ.
Duy có câu cuối bao giờ cũng đặt 6 chữ và hai câu 5-6 đặt thành hai câu thơ thì phải theo thơ ngũ ngôn (5 chữ) hoặc thất ngôn (7 chữ). Nhưng hai câu 5- 6 không đặt theo thơ mà có số chữ so le cũng được.

Cách gieo vần trong bài hát nói.

Cách gieo vần phải theo các lệ sau này:
1. Trong bài hát nói, dùng cả hai thứ vần; vần bằng và vần trắc. Khi nào trong một câu đang vần bằng đổi sang vần trắc hoặc trái lại thế, thì vừa có yêu vận và cước vận.
Những câu ấy là các câu chẵn, trừ câu thứ sáu là câu thơ nên chỉ có cước vận thôi.
2. Trong mỗi khổ, cước vận của câu đầu và câu cuối phải dùng tiếng trắc, cước vận của hai câu giữa phải dùng tiếng bằng. Còn yêu vận của câu thứ hai thì dùng tiếng trắc mà của câu thứ tư thì dùng tiếng bằng để có thể chuyển vần trắc sang vần
bằng hoặc vần bằng sang vần trắc được.
3. Yêu vận gieo vào chữ cuối đoạn thứ nhì

Thí Dụ 1: "Nợ Nam Nhi"
Đây là bài Hát Nói đủ khổ, sử dụng cả Yêu Vận lẫn Cước Vận

Tang bồng hồ thỉ nam nhi trái
Cái công danh là cái nợ nần
Nặng nề thay hai chữ "quân thân"
Đạo vi tử, vi thần đâu có nhẹ
Cũng rắp điền viên vui tuế nguyệt
Trót đem thân thế hẹn tang bồng
Xếp bút nghiên theo việc kiếm cung
Hết bốn chữ "trinh trung báo quốc"
Nghiêng mình những vì dân vì nước
Túi kinh luân từ trước để về sau
Nghìn thu một tiếng công hầu

Thí dụ 2 : Chí Nam Nhi của Nguyễn Công Trứ

Đây cũng là bài đủ khổ, nhưng hai câu thơ lại đưa lên đầu bài Hát Nói. Chỉ sử dụng Cước Vận:

Thông minh nhất nam tử
Yêu vi thiên hạ kỳ (1)
Trót sinh ra thì phải có chi chi,
Chẳng lẽ tiêu lưng ba vạn sáu.
Đố kỵ sá chi con tạo,
Nợ tang bồng quyết trả cho xong.
Đã xông pha bút trận, thì gắng gỏi kiếm cung,
Cho rõ mặt tu mi nam tử.
Trong vũ trụ đã đành phận sự,
Phải có danh mà đối với núi sông.
Đi không, chẳng lẽ về không?


Luật bằng trắc trong bài hát nói.
Đại khái luật bằng trắc các câu trong mỗi khổ bài hát nói là như sau:
(những chữ thường) không cần theo đúng luật, theo lệ (nhất, tam, ngũ bất luận):
Câu thứ nhất: t T b B t T
thứ nhì:          b B t T b B
thứ ba:           b B t T b B
thứ tư :           t T b B t T
Lưu ý: Câu đầu và câu cuối theo một luật vì hai câu ấy đều gieo vần trắc; hai câu giữa đều theo một luật vì hai câu ấy đều gieo vần bằng.

Lời chú: 
1. Khổ xếp chỉ có ba câu thì theo luật của ba câu đầu kể trên
2. Những câu 5-6 và những câu khác trong bài hát nói, nếu đặt thành câu thơ, thì phải theo đúng luật thơ ngũ ngôn hoặc
thất ngôn.
3. Những câu 6 chữ theo đúng luật kể trên. Còn những câu dài hơn 6 chữ thì, đói với việc ứng dụng luật ấy, phải chia làm ba đoạn con, mỗi đoạn 2 chữ, hoặc 3, 4 chữ hay dài hơn nữa. Trong mỗi đoạn, chỉ kể chữ cuối là phải theo luật bằng
trắc, những chữ trên gác ra ngoài không kể, muốn đặt tiếng gì cũng được .
4. Những câu 4, 5 chữ chỉ chia làm hai đoạn thì đoạn thiếu là đoạn đầu không kể, còn hai đoạn dưới theo đúng luật.
Thí dụ:
Câu đầu bài Chơi thuyền Hồ Tây của Nguyễn Khuyến:
Thuyền(b) lan(b) nhẹ(t) nhẹ(t).
Câu đầu bài Cái thú say rượu của Nguyễn Công Trứ (?)
Say (b) chưa?(b) say(0) mới(t) thú(t).
5. Những câu lấy chữ sẵn không theo đúng luật bằng trắc. Thí dụ: Câu thứ hai của khổ xếp trong bài "Mộng Sự Với Chân Thân (Thú Nhàn?)" của Cao Bá Quát
.....
Gõ nhịp lấy đọc câu "Tương Tiến Tửu
Quân bất kiến Hoàng hà chi thủy thiên thượng lai. Bôn lưu đáo hải bất phục hồi.(*)
Làm chi cho mệt một đời
(*) Câu này là câu lấy chữ sẵn ở trong bài Tương tiến tửu của Lý Bạch)

Lời chú:
"Lệ gieo vần và luật bằng trắc tuy như đã kể trên, nhưng một đôi khi nhà làm văn không theo đúng hẳn cũng được, miễn là câu đặt có thể hát lưu loát thì thôi."

II. Dôi khổ ( Dư Khổ)
Cách làm bài hát nói dôi khổ.
Trong những bài dôi khổ, khổ đầu, vẫn ở trên, khổ xếp vẫn ở dưới, còn khổ giữa thì làm dôi ra thành hai ba khổ hoặc nhiều hơn nữa tùy ý.
Trong những khổ dôi ra, số câu, số chữ, cách gieo vần và luật bằng trắc cũng theo như các khổ chính.
Thí dụ: Phong cảnh Hương Sơn của Chu Mạnh Trinh

Mưỡu:

Đàn thông phách suối vang lừng,
Cá khe lắng kệ, chim rừng nghe Kinh.
Hát nói:
Bầu trời, cảnh bụt,
Thú Hương Sơn ao ước bấy lâu nay.
Kìa non non, nước nước, mây mây,
Đệ nhất động hỏi là đây có phải?

Thỏ thẻ rừng Mai chim cúng trái,
Lững lờ khe Yến cá nghe kinh.

Thoảng bên tai một tiếng chày kình,
Khách tang hải giật mình trong giấc mộng.
Này suối Giải Oan, này chùa Cửa Võng,
Này am Phật Tích, này động Tuyết Quynh.
Nhác trông lên, ai khéo vẽ hình:
Đá ngũ sắc long lanh như gấm dệt.
Thăm thẳm một hang lồng bóng nguyệt,
Chập chờn mấy lối uốn thang mây.
Chừng giang sơn còn đợi ai đây,
Hay tạo hoá khéo ra tay sắp đặt?

Lần tràng hạt niệm "Nam mô Phật",

Cửa từ bi công đức biết là bao.Càng trông, phong cảnh càng yêu!

III. Thiếu khổ

Những bài thiếu khổ. Một đôi khi bài hát nói thiếu hẳn đi một khổ, thường là khổ giữa, chỉ còn lại có 7 câu.
Thí dụ:        
Tiễn Biệt

Ngán cho nỗi xoay vần thế cục,
Sum họp này chả bỏ lúc phân ly!
Hởi ông tơ! Độc địa làm chi!
Bắt kẻ ở người đi mà nỡ được!
Thôi đã trót cùng nhau nguyện ước,
Duyên đôi ta chẳng trước thì sau,
Yêu nhau nhớ lấy lời nhau!

Cung Thúc Thiêm

IV. Mưỡu
Định nghĩa.


Mưỡu là những câu làm theo thể lục bát đi kèm với bài hát nói, hoặc ở trên (mưỡu đầu), hoặc ở dưới (mưỡu hậu).
Không phải bài hát nói nào cũng có mưỡu; có nhiều bài không có. Lại có bài chỉ có mưỡu đầu hoặc mưỡu hậu; có bài có cả mưỡu đầu và mưỡu hậu.

Mưỡu Đầu.
Mưỡu đầu có thể đặt một cặp câu lục bát (Mưỡu đơn) hoặc hai cặp câu lục bát (mưỡu kép). Những câu mưỡu đầu bao giờ cũng đặt trùm trên bài hát nói. Câu mưỡu cuối không phải hiệp vần với câu đầu bài hát nói.
Bài "Phong Cảnh Hương Sơn" ở trên hai câu Lục Bát chính là Mưỡu Đầu Đơn

Mưỡu hậu.
Mưỡu hậu bao giờ cũng là mưỡu đơn. Mưỡu hậu thường đặt ở câu xếp và câu keo; nhưng cũng có khi đặt ở dưới câu keo, nghĩa là đặt hẳn xuống cuối bài hát nói. Nếu hai câu mưỡu hậu đặt xen vào giữa câu xếp và câu keo, thì câu lục phải ăn vần với câu xếp ở trên mà câu bát phải buông vần xuống cho vần câu keo ở dưới bắt vào. 

Thí dụ: Mẹ Mốc của Nguyễn Khuyến

So danh giá ai bằng mẹ Mốc,
Ngoài hình hài, gấm vóc chẳng thêm ra; 
Tấm hồng nhan đem bôi lấm xoá nhoà, 
Làm thế để cho qua mắt tục. 
Ngoại mạo bất cầu như mỹ ngọc, 
Tâm trung thường thủ tự kiên kim 
Nhớ chồng con muôn dặm xa tìm, 
Giữ son sắt êm đềm một tiết. 
Sạch như nước, trắng như ngà, trong như tuyết,  
Mảnh gương trinh vằng vặc quyết không nhơ, 
Đắp tai ngảnh mặt làm ngơ,
Rằng khôn cũng kệ, rằng khờ cũng thây. 
Khôn kia dễ bán dại này!

Ngoài ra, một bài hát nói có thể vừa có mưỡu đầu và mưỡu hậu.

Huỳnh Hữu Đức
Theo "Việt Nam Văn Học Sử Yếu" của Dương Quảng Hàm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét