Chủ Nhật, 5 tháng 10, 2014

Thứ Ba Học Trò

(Một nén hương lòng kính dâng đến thầy Ngô Quang Vỹ.)


      “ Nhất quỉ nhì ma thứ ba học trò”. Đây là một câu mọi người thường hay nói, cũng là câu mà học sinh luôn phải nghe. Vì nghe mãi nên học sinh thích thực hành, áp dụng để chứng minh ca dao, tục ngữ Việt Nam không sai… là vậy!

      Các bậc thầy cô chẳng được học trò “Để mắt” đến là đồng nghĩa với không đủ sức thu hút, là ví như anh hùng hào kiệt đi trên đường bằng phẳng. Có hơn được ai!
Học sinh mà không một lần phá phách, khác nào như bánh đúc có xương. Học sinh ngoan với thầy cô thì bạn bè bảo cù lần, bằng ngược lại, bị trù ếm lên xuống thì được tiếng dân chơi. Bởi thế, bọn học sinh có sự phân vân chọn lựa: “Cù lần” hoặc“ Chịu chơi”. Rõ khổ!

       Phá thì cũng 5,7 đường phá. Muốn trội hơn người, học sinh phá ồn ào, phá sôi nổi, phá quậy đình quậy đám, phá bạo động, phá tới bến…Cần giữ tiếng ngoan, các cô cậu phá có bài bản, có bè kết, phá âm thầm, phá lặng lẽ, phá không để lại vết tích hay còn gọi là “nghịch ngầm”. Bởi nữ sinh nghịch ngầm nên đôi lúc cũng oan ơi ông địa cho bọn nam sinh. Một vấn đề được đưa lên ban giám hiệu, thì y như rằng: “Nữa cũng mấy thằng mắc dịch đó nữa”. Ngờ đâu con gái! Con gái có tiếng ngoan, nhưng ai biết được “Đừng nghe những gì con gái nói…con gái nói có là không…nói không là có…”. Bọn con trai trêu là “Lùn mã tử”, dù chẳng hiểu ý nghĩa của lùn mã tử là gì, con gái vẫn nhanh nhẩu trả lời: “ Lùn khỏi mắc công luồn cúi”. Con gái tuy nói thế, nhưng lúc nào cũng tìm thầy cô nào thấp nhất trường để so sánh, bằng cách đứa này vờ hỏi bài, đứa kia so cao thấp. Tuổi trẻ dại khờ là vậy, cứ nghĩ thầy cô là phải luôn cao hơn mình.

      Nhắc đến nhân dáng, không thể không nói đến thầy dạy Văn, người không bảnh trai, nhưng có khoa ăn nói, nhất là lúc kể chuyện. Bọn học sinh nghi ngờ tài của thầy, nên có lần chúng tôicố tình gây bận rộn để đứa khác nhanh tay cuỗm quyển Luận văn mẫu của thầy. Sau hai ba tuần, thầy vẫn thao thao bất tuyệt, bọn tôi chọn đứa hiền nhất lớp mang sách trả lại với tiếng lời là cất giùm vì thầy bỏ quên. Thầy vừa nhận sách vừa rối rít cám ơn. Đến giờ khảo bài, người hiền nhất ấy được vinh dự gọi lên. Cũng như lệ thường, bọn học sinh ngồi bàn đầu có nhiệm vụ phải nhắc nhở bằng cách hạ thấp cuốn tập, cô có thể nhìn bài mà đọc. Có lẽ vì cô thấy không rõ nên như đĩa hát hư, cô cứ lặp đi lặp lại…
- Một bầu…một bầu…
Một chuyện đảo lộn đất trời, lần này chính thầy là người nhắc bài cho cô. Thầy nhắc rằng: “Một bầu tâm sự vui thầm ai hay.” Cô ngây thơ lặp lại, cả lớp như ong vỡ tổ, vì thật ra là “Một bầu trời đất vui thầm ai hay”.
      Một hôm khác khi thầy vừa vào lớp, nhao nhao có tiếng la:
- Hôm nay tụi em hổng học giờ thầy đâu á.
- Tại sao? Thầy hỏi.
- Mọi hôm thầy rẽ tóc bên trái, sao hôm nay thầy rẽ bên phải. Thầy không chải lại, tụi em nhất định không học…nhất định.
- Ô hay, tóc của thầy, thầy muốn chải sao thì chải!
Lúc ấy, chị trưởng lớp lôi từ cặp ra từ một chiếc lược và đưa cho thầy.
      Thầy nhìn bọn học trò mỉm cười, đón chiếc lược và bước ra khỏi lớp…Khi thầy trở lại, đứa nào cũng hả hê ra tuồng chiến thắng. Hôm ấy, chúng tôi không những không có lý do để “ Nhất định không học” mà là buổi học hăng say nhất của bọn…thứ ba học trò.

      Đã trên ba mươi năm, tôi còn nhớ mãi nụ cười của thầy ngày hôm đó. Giờ đây tôi rất chắc chắn, không phải kiến thức cao hay tài ăn nói lưu loát của thầy đã chinh phục chúng tôi, mà chính sự tự thầy đặt mình vào vị trí học sinh, cùng đi những bước đồng hành để dìu dắt chúng tôi.
      Sự phá phách còn tùy thuộc vào mỗi bộ môn và học lực của chúng tôi.Những bộ môn khó nuốt thì khác, như trường hợp cô bạn tôi, mắt nhắm, chắp tay, rất thành kính, van vái cho thầydạy Pháp văn bệnh, không đến lớp, cô sẽ cúng Ông Địa nải chuối. Chúng tôi mặt tái xanh, im thinh thít vì thầy đang hiện diện mà cô nào biết.
- Sao, mong thầy bị bịnh gì?

       Đời học sinh có những niềm vui “làm sao nói hết”, được nghỉ hè trong thời gian dài, nhưng buồn vì xa thầy vắng bạn.Tết là cơ hội tốt cho chúng tôi vòi vĩnh , làm eo làm sách, nhất là giữa những giờ chuyển môn học.. Thầy dạy Toán vừa đến, thầy dạy Văn chưa kịp dời chân, một giọng nói nhão nhẹt :
- Thầy…năm cũ sắp qua, năm mới sẽ đến, lì xì cho tụi em một bài hát đi th…ầy…
      Thường ngày thầy rất nghiêm , hôm nay ngoại lệ, thầy với tay lấy chiếc nón lá treo trên tường đoạn quay sang thầy dạy Văn:
- Anh đàn giùm tôi đi.
Thầy dạy Văn vờ đưa tay, lên dây nắn phím: “ Từng …tửng…tưng…”.Thầy dạy Toán lật ngược chiếc nón lá và cất giọng:
- Bà con cô bác làm ơn, cho tôi xin bát gạo đồng tiền.

      Hồi ức đang ào ạt trở về, giọng hát năm nào còn vang vang. Đây là hành trang vào đời, tôi đã mang theo trong những năm còn làm việc nơi quê nhà.
      Trong bất kỳ những trường hợp phá phách , lúc nào học sinh cũng bị “lép vế”, nên tâm đắc nhất là cố tìm cái tẩy của thầy cô minh để lật. Ở Vĩnh long lúc “trời chiều đã ngả về Tây”, là thời gian xe hủ tiếu xuất hiện, được đẩy khắp nẻo đường với lối mời hàng hấp dẫn là tiếng gỏ cốc…cốc của hai thanh gỗ đánh vào nhau. Đường Văn Thánh nay được đổi tên thành Trần Phú, là lộ trình chót của xe hủ tiếu, đây là thời gian lý tưởng cho “vạc ăn đêm”.

       Không gì bằng sau những giờ học mệt nhọc, học sinh có được một tô hủ tiếu nóng. Tuyệt! Thật ra bọn học sinh xa gia đình, chỉ được nghe tiếng cốc…cốc…, làm gì có đủ tiền để ăn.
- Ý, tiếng ai nghe quen quen, giống tiếng của…
      Thế là đèn tắt cái phụp, chị em tôi cùng hướng mắt ra cửa sổ và quan sát tình hình…Một trong ba người cất giọng:

- Xí quách bà nấu ngon, nhưng ăn dơ tay quá!

       Chúng tôi âm thầm theo dõi, tiếng muỗng đủa chạm nhau, tiếng cười nói xôn xao. “Độ chập bã trầu”, tiếng Honda nổ máy và cuốn hút trong màng đêm. Tội cho thân tôi, tối hôm ấy phải thức gạo bài đến khuya vì một mục đích. Sáng hôm sau, đến giờ Toán, xoay người qua cô bạn ngồi bên cạnh, người đã được tôi kể chi li chuyện đem qua và tôi vờ nói:
- Xí quách ăn ngon mà dơ tay quá!
Thầy ngạc nhiên trố mắt
- Ủa, nhà của em ở đó hả?
- Dạ thầy nói chi em không hiểu.
      Để cho tôi hiểu…thầy gọi lên khảo bài, hôm ấy tôi bước lên bảng với đầy tự tin, bài toán được tôi chứng minh rõ ràng, ngắn gọn. Đạt được điểm cao, tôi rời khỏi bục. Thầy có biết đâu, vì muốn phá thầy và giữ tiếng ngoan, nên đêm rồi tôi học đến bở hơi tai. Lên lớp cao, đa số các môn học do thầy phụ trách, ngoại trừ cô Dung và cô Sâm. May mắn, tôi “gặp” lại cô Dung qua đĩa DVD, bụi thời gian chưa đủ tàn phai, nên tôi nhận ra cô Dung ngay. Hôm nay tôi không ngại bật mí, xem như kỷ niệm một thời tôi gửi đến cô vậy. Năm cô dạy là năm thi theo kiểu A, B, C khoanh, nên bài kiểm của lớp này được trao đổi với lớp khác và chúng tôi tự bắt lỗi cho nhau. Bọn con gái làm bài dù sai thế nào cũng được các nam sinh lịch sự sửa lại, nên đa số được nhiều điểm. Như đã bảo, con gái nghịch ngầm, nên bài làm của nam sinh dù làm đúng, bọn con gái khoanh lại cho sai. Đã vậy, con gái còn nấu chè đổi tên các chàng. Anh chàng tên Vương thì đổi thành “Dương Văn Dê”; “Trần Hữu Lộc” đổi là “ Trần Hủ Lọt”. Nam sinh khiếu nại ơi ới, cô Dung quay chúng tôi tơi bời. Đánh chết chứ nết không chừa, nên sau hai lần trao đổi để sửa bài, chương trình “tạp lục Tùng Lâm” đó chấm dứt. Đúng là con gái! Rượu mừng không uống, thích uống rượu phạt. Điểm cao không muốn mà muốn…tức ơi là tức, nhưng muộn mất rồi.

       Một người nào đã nói, đời người như dòng sông và cuối cùng cũng đi vào định luật của tạo hóa…trong số thầy cô còn đây,người miên viễn ra đi. Người tôi muốn nhắc đến là thầy Ngô Quang Vỹ. Đây là vị giáo sư được học sinh “để mắt” nhiều nhất. Ngoài giờ học ở trường, thầy còn tổ chức khóa học thêm tại trường Long Hồ. Trong những giờ học thêm, tôi ngại hỏi thầy trước đám đông vì sợ quê và bị chê dốt nên khi không hiểu bài tôi nhờ thầy giảng lại, trong giờ chơi, một lần thầy hỏi tôi:

- Nhà mầy ở đâu mà đi học tối?
- Dạ nhà em ở…
Tôi như được dịp vẽ rồng vẽ rắn thêm chân , để cuối cùng căn nhà của tôi được mô tả là nhà người yêu mà sau này là phu nhân của thầy.
- Mầy là con quỷ, tao sẽ mét anh mầy.
      Vì anh tôi cũng là học trò của thầy, nên cô bạn đứng cạnh tôi bênh vực ngay:
- Thôi ông ơi! Ông nói không lại rồi đòi mét.
Thầy vẫn không tha khi nhìn tôi có chiếc răng khểnh.
- Mầy là ma cà rồng có nanh.
Bạn tôi cũng chẳng vừa:
- Nó có một còn ông tới hai cái lận.

      Có lẽ câu nói “có tài có tật” đúng với thầy. Đa số học sinh, dù thầy đã xưng hô mầy tao, nhưng lại thích học giờ của thầy, vì áp dụng phương pháp của thầy thì tuyệt chiêu khi giải toán. Đến năm 1975, một sự thay đổi lớn, thầy bị sa thải, nhưng rồi được lưu dụng trở lại. Thầy bị trễ khóa học Chính trị đã tổ chức ở trường Tống Phước Hiệp, nên được gửi đến học tại trường Kỹ Thuật. Nhờ thế mà thầy trò chúng tôi có cơ may hội ngộ. Một sự may mắn khác, hình như ai cũng tỏ ra xa lạ với thầy, nên giờ giải lao, thầy và tôi ngồi riêng, có dịp nhắc chuyện xưa. Tôi nhắc lại việc các nam sinh cột vào xe thầy chiếc lon rỗng và khi lon được kéo lê trên mặt đường như cái đuôi, để mọi người biết chắc là xe của ông “Vỹ”. Thầy cười và vẫn chưa quên tiếng “con quỷ” để mắng tôi.

- Thầy ngon há, thời trước thầy đi xe hơi, thời này thầy đi Honda.
- Tao chưa cán mầy là may!
Thầy vẫn xưng hô mầy tao, dù bấy giờ tôi đã là một thiếu nữ và còn là đồng nghiệp của thầy nữa.

      Như thành phần quân nhân, các giáo chức chúng tôi được gửi sang Cần Thơ tu nghiệp về chính trị và khả năng chuyên môn. Thầy được bầu làm tổ trưởng, nhưng mọi người thích gọi thầy là “tổ chảng”. Đế giờ văn nghệ, mỗi nhóm đề nghị một người hát giúp vui. Tôi hét to: “tổ chảng…tổ chảng…”, thầy quay sang tôi, hạ thấp giọng:
- Mầy là tổ viên phản động.
       Những trận cười nắc nẻ như thế, dường mới hôm qua. Giờ này thầy miên viễn nơi nào?

      Tôi theo chân thầy trong những ngày còn là sinh viên, là giáo sư Đệ nhị cấp về bộ môn Toán với đôi ba giờ dạy tại một trường Tư thục Nguyễn Trường Tộ. Với tuổi đời còn khá trẻ, các học sinh chỉ kém tôi có một hoặc hai tuổi, nhưng chúng cao hơn tôi cả cái đầu và dĩ nhiên, tôi không tránh khỏi sự phá phách của học sinh trong việc so cao thấp. Tuy nhiên, với kinh nghiệm của thời áo trắng, cùng sự bao dung của các thầy cô ngày trước, đã giúp tôi đón nhận sự phá phách của học sinh là một trò chơi vô thưởng vô phạt, giúp tôi cảm nhận được rằng, dạy học không là một nghề bạc bẽo, càng không phải là nghề bán cháo phổi mà là một thiên chức, là viên gạch lót đường cho học sinh vươn lên. Với kinh nghiệm của bản thân tôi trong thời học sinh, xin thầy cô hãy hiểu cho rằng, sự phá phách của học sinh không chủ tâm gây tổn thương cho thầy cô mà là một mong ước được thầy cô chú ý, học sinh cần được yêu thương. Trong lứa tuổi ăn chưa no lo chưa tới này, đa số học sinh “học không phải vì tương lai cho mình, không phải để làm vui lòng cha mẹ”, mà chính vì thương mến thầy cô mà học, vì không muốn phụ lòng người dìu dắt mình.
      Thật ra tôi còn rất nhiều…nhiều…những câu chuyện về…THỨ BA HỌC TRÒ, tuy nhiên chừng ấy kỷ niệm một thời với thầy cô kể trên đã giúp tôi hoàn thành bài viết này.

      Đối với thầy Vỹ, dưới nhãn quan của riêng tôi, thầy là người khả kính, đã truyền đạt cho tôi một cảm nhận quý báu về sự đam mê môn toán. Dù 27 năm không gặp lại thầy, khi nghe được hung tin thì quá muộn màng, nước mắt tôi vẫn âm thầm rơi. Nếu thầy biết rằng cô học sinh phá phách năm nào vẫn tâm niệm Nhất Tự Vi Sư- Bán Tự Vi Sư, vẫn còn áp dụng môn học của thầy trong đời sống. Đó là, những ngày cuối Học Kỳ, những giờ hẹn gặp các vị thầy cô để họ tuờng trình về học vấn của con tôi. Thay vì đi trên đường tráng nhựa để đến văn phòng, tôi vẫn thích băng ngang ngõ tắt trên lối sân cỏ và…
      Thầy ơi! Em vẫn nhớ bài dạy của thầy:
      “Đường thẳng là đường ngắn nhất”

Kim Phượng
Úc Châu 2005

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét