Thứ Năm, 25 tháng 9, 2014

Chị Hai Như Hoa Héo, Chị Ba Như...

( Kỷ Niệm ngày giỗ Má 24/9)

      Theo đúng dự liệu của bác sĩ, còn một tuần lễ nữa má sẽ qua đời. Đất trời như đảo lộn! Dù không muốn tin, cũng không được. Mọi người trong gia đình đều biết, ngoại trừ má, bà rất vô tư. Các anh chị em tôi đã chuẩn bị tư tưởng, sự suy nghĩ mỗi người một khác, mỗi người mang một cảm giác riêng. Tuy nhiên, ai ai cũng hồi họp, đợi chờ giây phút đớn đau nhất trong đời. Mỗi người con của má đang khắc khoải chờ một ngày không mong, nhưng sẽ đến.

      Từ hơn một tuần, các anh chị em từ Mỹ, Gia Nã Đại, Việt Nam lần lượt sang đây, mượn cớ “đi thăm má”. Còn chúng tôi, những người đang ở Úc, cuồng quay như con rối. Chúng tôi thay nhau vào ra phi trường, đón người này, rước người kia. Sinh hoạt của các anh chị em trở nên nhộn nhịp, ồn ào trong áo não. Những ánh mắt âu lo, trao nhau như thầm nói rồi sẽ đến … Nỗi u uẩn buồn vây kín, lệ chực chờ tuôn, nhưng kềm chế trong đợi chờ.
 
      Phải chăng mầm sầu chia ly trong nỗi vui sum hợp!?
      Nhìn khung cảnh đầm ấm, thời gian như chấp đôi chân chạy ngược về quá khứ. Con cháu của má xúm xích, căn nhà đầy ấp tiếng nói cười. Một gia đình đang hạnh phúc trong đớn đau!? Nhìn má khó ai đoán được sự tương phản vể nhân dáng của bà trong lúc này, người chỉ còn một tuần lễ nữa thôi, khi bờ mi khép nhẹ… sẽ đi, vĩnh viễn ra đi. Điều này nói không quá lời vì trong lần đầu gặp gỡ, vị Linh Mục đã thốt lên: “ Trông bà còn đẹp hơn các cô con gái của bà!”


      Má đẹp thật!
     Bộ tơ lụa trắng mà bà đang khoác trên người, phản sáng lên khuôn mặt trắng ngần. Thấp thoáng nơi bà, hình bóng của một bà mẹ trẻ hơn là kẻ sắp lìa đời và nét thanh xuân lại ẩn hiện mỗi khi má nở nụ cười tươi. Bà vui cũng phải, vui như mở hội, gọi với các con, bảo nấu món này, làm món kia, toàn những món ăn hợp khẩu vị cho những đứa từ phương xa đến và người được ưu đãi vẫn là anh Tư tôi. Con trai trưởng mà!

      Má vui đó nhưng đôi lúc lại kêu lên “Hơi mệt, má nằm nghỉ một chút nghe con”.
     Bốn năm trước, khi ba rời khỏi cuộc đời, má như chim chiều lẻ bạn. Tuy nhiên, bà không chịu về chung sống với đứa con nào cả. Má muốn ở lại trong căn nhà đầy ấp kỷ niệm, nơi đã một thời cùng ba chung sống, gắn bó yêu thương. Trong thời gian đầu này, ông anh rễ tôi từ Việt Nam thường hay nhắc nhở: “Em còn nhớ bài hát…chiều buồn len lén tâm tư…không? Một trong hai người ra đi, chiều là thời gian dễ xôn xao nhớ nhung và quặn đau lòng người nhất. Bởi vậy, các em bên ấy phải cố gắng lo cho má.” Lời dặn dò này cớ gì cứ đeo mang, khi ẩn lúc hiện, day dứt tôi hoài. Từ đó, những hôm không đi làm, tôi thường đến nấu cơm chiều cho má. Có lần trong một buổi chiều sắp tắt, cái nắng quái ác hôm ấy len lỏi qua tàng cây trước sân nhà, xuyên vào khung cửa số, hướng về phía má. Từ sau bờ lưng bà, nhìn mái đầu trắng phau, những sợi tóc mai lòa xòa cùng chiếc bóng má hắt dài, cạnh những bóng lá lay lay in lên nền tường, lòng tôi se thắt lại. Hình ảnh gợi trong trí, làm tôi liên tưởng đến cánh cò đang lặn lội trên bờ sông trong chiều nhạt nắng…phải chăng má đang nỉ non khóc, nhớ về ba, trong giây phút ba hấp hối. Đôi mắt tôi như đóng khung theo bóng má, lòng eo xèo nhớ về ba, ngàn năm không thay một câu nói “ Ba chết rồi ai lo cho má con”. Ba hỏi như là nói, nói hơn là giao phó một trách nhiệm và câu ấy chỉ nói với riêng tôi, trong đám mười đứa con.

      Lời người hấp hối là lời nói thật! Câu hỏi ba đặt ra với tôi: “Ba chết rồi ai lo cho má con”, tôi vẫn nhớ và đáp lại lời với ba “ Ba đừng lo, có con”. Có con! Giữ gìn lời hứa với người qua đời không phải dễ, vì là tâm hứa. Từ đấy, từng lời nói, mỗi cử chỉ cho đến hành động đối với má, như thể lúc nào cũng có sự hiện diện của ba.
      Trong thời gian này, chẳng những bà biết tự chăm sóc cho mình mà còn gọi điện thoại thăm viếng những người bạn già khác. Má nhắc nhở các bạn kiêng cữ về ăn uống, cách giữ gìn sức khỏe. Thú vui tao nhã của bà là viết thư cho người thân, cho bạn hữu này đến người quen khác trên thế giới. Bà ưa xem cải lương, hồ quảng chuộng tân nhạc, thích thoại kịch. Vì thế, việc sử dụng Ti vi, máy DVD, CVD, má khá nhuần nhuyễn.
      Những ngày trong tuần, sau bữa điểm tâm, cô em út thường cùng má bách bộ trên những con đường quen thuộc gần nhà. Đôi khi một mình, bà tự đi dạo, nhưng lúc nào cũng cẩn thận cài vào túi áo một mảnh giấy viết địa chỉ, ghi đầy đủ chi tiết, phòng khi bất trắc để tiện việc liên lạc. Có hôm tiện đường, má ghé thăm bác Hoa, hai người bạn cao niên này rất ư tâm đắc, nhưng là chuyện kể về ba, sau này bác Hoa đã cho chúng tôi biết thế.
      Những hôm cuối tuần hoặc những ngày nghỉ, tôi vẫn giữ việc nấu ăn cho má. Sau khi hoàn tất bữa ăn chiều “Xong rồi má ăn đi, con về nghe má.” Má bảo tôi “Con ở lại ăn luôn rồi hãy về”, nhưng tôi còn về để lo bữa ăn chiều cho mái gia đình nhỏ của tôi. Tôi ra về trong vội vã.

      Sau này, lúc má không còn nữa, những hôm các con vắng nhà, ngồi dùng bữa một mình, tôi chợt hiểu ra. Thật ra, lúc đó làm sao tôi hiểu được, thức ăn tôi nấu từ nhà mang đến hoặc cơm dọn ra đó mà má cứ nài nỉ tôi ở lại ăn. Người lớn tuổi đâu cần ăn nhiều mà chỉ cần có nhiều người cùng ăn. Thế mà, lo cơm nước cho má xong, tôi vội vã ra về cho kịp chuyến xe, nhưng tôi đã quên mất chuyến xe đời của má.

      Tôi vẫn chưa quên đôi bờ vai má trong buổi chiều tà, của những ngày đầu mất ba. Nhớ sao là nhớ, bàn tay bà đang đưa tay vuốt lại mái tóc trong một buổi chiều vàng len lén…hôm nao. Cảm giác lại trở về khi tôi lặng người trước hình ảnh cô đơn của Người, nhưng chưa một lần mất mát, làm sao tôi hiểu được sự đơn độc lúc đó. Đến bây giờ, khi tôi hiểu được thì má không còn. Giờ đây, sống trong nỗi mất mát, những hôm hiu quạnh một mình trong căn nhà, những buổi chiều sau giờ làm việc ra về, đợi chờ chuyến xe buýt đến. Cái nắng nung người oi bức của mùa hè, băng giá khi đông về, dầm mình trong mưa bão, tôi vẫn không ngại, chẳng làm tôi sợ, chỉ sợ nhất cái nắng vàng hiu hắt đang đổ dài bóng tôi, đang rượt đuổi những chiếc lá rơi cuộn mình, lăn tròn trên mặt đường.

      Ôi nắng vàng làm chi để mà nhớ nhung!

     Rồi đêm đêm trên chiếc giường ngủ, tôi lại nhớ về má, nhớ lúc nhắc chuyện xưa tích cũ. Phải chăng má như trối trăn, như thầm ngụ ý dạy tôi, đứa con ở tuổi đời không còn trẻ nữa qua câu chuyện kể lại. Má kể rằng: “Con biết hôn, hồi con còn nhỏ xíu, nói chưa rành rẽ mà cũng biết lý sự. Má hỏi con ai đẹp nhứt nhà. Con lanh lẹ lắm, nói một hơi… Chị Hai như hoa héo, chị Ba như hoa đèo, chị Năm như hoa bị ong đúc còn Con như hoa nở”. Rồi với nụ cười ấm, bà nắm lấy tay tôi. Bây giờ má không còn nữa, không còn ai hỏi tôi đứa con nào đẹp nhất nhà nữa. Tôi xấu nhất nhà thì có! Phải chăng má muốn nhắc tôi, một người con gái đẹp, không phải đẹp như hoa nở mà lòng phải biết nở hoa. Hoa tâm, từ tâm rộ nở cho đời thêm cánh nhân ái, vị tha, độ lượng.

      Nhớ má, tôi muốn ê a đọc lại bài thơ Mất Mẹ của Thiền Sư Nhất Hạnh:
Năm xưa tôi còn nhỏ
Mẹ tôi đã qua đời
Lần đầu tiên tôi hiểu
Thân phận trẻ mồ côi
Quanh tôi ai cũng khóc
Im lặng tôi sầu thôi
Để dòng nước mắt chảy
Là bớt khổ đau rồi
Hoàng hôn phủ trên mộ
Chuông chùa nhẹ rơi rơi
Tôi biết tôi mất mẹ
Mất cả một bầu trời

      Tôi ơi! Sao không làm những gì có thể, đợi đến khi má qua đời. Con đã đánh mất bầu trời. Con không thể kéo lại thời gian, nhưng giờ đây chắc chắn trong đoan hứa sẽ vun bồi vườn tâm cho Hoa Lòng con rộ nở nghe má!

Kim Phượng
24 - 09 - 2010

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét