Thứ Tư, 13 tháng 8, 2014

Đi Tìm Cội Nguồn Tục lệ "Bông Hồng Cài Áo"


Mỗi năm mỗi thắp đèn trời
Cầu cho cha mẹ sống đời với con.  
Ca Dao
Trong ngày lễ Vu Lan, đến chùa thắp nhang cúng Phật, nghe kể câu chuyện "Mục Liên Tìm Mẹ".
Mẹ già như chuối ba hương
Như xôi nếp một (đậu), như đường mía lau. 

Ca Dao
Chúng ta không khỏi bùi ngùi cảm động
Mẹ già như trái chín cây
Gió đưa mẹ rụng con rày mồ côi
 
Ca Dao

      Vu Lan mùa Báo Hiếu, tục lệ có từ ngàn xưa, ai cũng đều biết rõ, chỉ riêng chuyện đoá hoa Hồng và Trắng cài trên áo, biểu tượng cho người còn hay mất mẹ có nguồn gốc từ đâu, tự bao giờ thì ít được đề cập đến. Chúng ta cùng tìm hiểu về cội nguồn của Tục lệ này.

      Vào những năm đầu của thập niên 60 của thế kỷ 20, Thiền Sư Nhất Hạnh có viết một bài hồi ký mang tựa đề "Bông Hồng Cài Áo". Quyển hồi ký được in với kích thước khiêm tốn, có thể bỏ vào bao thư để gởi tặng nhau, phát hành khắp Miền Nam Việt Nam, rất được mọi người yêu thích, đón nhận nồng nhiệt, tái bản nhiều lần.

      Theo lời kể lại của Thiền Sư Nhất Hạnh trong quyển hồi ký "Bông Hồng Cài Áo" như sau:
"Vào năm 1962, trong chuyến đi Nhật nghiên cứu Phật Hoc, vào đúng dịp Ngày Của Mẹ mồng mười tháng năm. Tôi nhà quê không biết cái tục ấy. Có một ngày tôi đi với Thầy Thiên Ân tới nhà sách ở khu Ginza ở Đông Kinh, nửa đường gặp mấy người sinh viên Nhật, bạn của thầy Thiên Ân. Có một cô sinh viên hỏi nhỏ Thầy Thiên Ân một câu, rồi lấy ở trong sắc ra một bông hoa cẩm chướng màu trắng cài vào khuy áo tràng của tôi. Tôi lạ lùng, bỡ ngỡ, không biết cô làm gì, nhưng không dám hỏi, cố giữ vẻ tự nhiên, nghĩ rằng có một tục lệ chi đó. Sau khi họ nói chuyện xong, chúng tôi vào nhà sách, thầy Thiên Ân mới giảng cho tôi biết đó là Ngày Mẹ, theo tục Tây phương. Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng.

Tôi nhìn lại bông hoa trắng trên áo mà bỗng thấy tủi thân. Tôi cũng mồ côi như bất cứ một đứa trẻ vô phúc khốn nạn nào; chúng tôi không có được cái tự hào được cài trên áo một bông hoa màu hồng. Người được hoa trắng sẽ thấy xót xa, nhớ thương không quên mẹ, dù người đã khuất. Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ, và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi có khóc than cũng không còn kịp nữa. Tôi thấy cái tục cài hoa đó đẹp và nghĩ rằng mình có thể bắt chước áp dụng trong ngày báo hiếu Vu Lan."...

 

      Sau đó, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đã lấy ý từ quyển hồi ký này viết nên ca khúc "Bông Hồng Cài Áo" nổi tiếng, và sống mãi với thời gian như chúng ta đã thấy.
 
      Thiền Sư sau khi nghe bài hát của Phạm Thế Mỹ, Người có nhận xét:
- Phạm Thế Mỹ làm Bài Bông Hồng Cài Áo rất dễ dàng và tự nhiên như thở vào thở ra , tự nhiên như bước chân đi dạo, tự nhiên như khi nâng chén trà lên uống. Tôi không thấy tôi và nhạc sĩ là hai người khác nhau khi nghe ca khúc Bông Hồng Cài Áo, trước kia cũng vậy và bây giờ cũng vậy.

      Sau này, khi được hởi về tại sao Thiền sư lại chọn hoa hồng mà không phải là loài hoa nào khác? Phải chăng đơn thuần chỉ vì hoa hồng là loài hoa biểu trưng cho tình yêu?
Thiền Sư trả lời:

- Mình nên hiểu chữ hồng trong bông hồng là đỏ. Cài hoa hồng thì cài hoa hồng đỏ. Cài hoa khác như hoa cẩm chướng thì cẩm chướng màu cũng đỏ, không nhất thiết là phải có hoa hồng (rose). Và khi Mẹ không còn, Cha không còn thì được cài hoa trắng . Các đệ tử người Hoa của tôi khi làm lễ Bông Hồng Cài Áo đầu tiên tại Đài Loan năm 1995 thì họ dùng hoa cẩm chướng màu đỏ và trắng cho buổi Lễ Cài Hoa tưởng nhớ Mẹ Cha. Mẹ Cha còn thì cài hoa cẩm chướng màu hồng. Mẹ Cha mất thì cài hoa cẩm chướng màu trắng. Bất cứ hoa gì cũng được kể cả hoa lan.

Nếu bạn là Phật tử, bạn phải biết giáo pháp đức Thế Tôn có công năng chuyển rác thành hoa, biến phiền não thành bồ đề, dựng lại tình thâm từ xác chết hận thù. Cha Mẹ là Bụt đó, đừng đi tìm Bụt nơi nào khác. Ngày hôm nay bạn nói được câu gì, làm được cử chỉ gì để Mẹ vui, để Cha vui thì làm ngay đi, đừng để tới ngày mai, sợ rằng muộn quá. Đọc Bông Hồng Cài Áo để nhớ điều đó. Tôi chúc bạn một ngày Vu Lan thật ngọt ngào, thật hạnh phúc, thực tập thành công.
Nếu bạn được cài bông trắng, nên quán chiếu là Cha hoặc Mẹ vẫn còn trong bạn và có mặt trong từng tế bào của cơ thể bạn. Đưa bàn tay lên nhìn, bạn sẽ thấy bàn tay ấy của bạn mà cũng là bàn tay của Cha, của Mẹ. Trong bàn tay bạn, có bàn tay của Cha, của Mẹ. Bạn hãy đưa bàn tay ấy đặt lên trán và sẽ thấy, đó là bàn tay của Mẹ hay của Cha đang đặt trên trán bạn. Thật là nhiệm mầu.

      Xin Thiền sư cho biết lần đầu tiên phong trào này được phát động là vào mùa Vu Lan năm nào, tại đâu? Thiền sư có gặp sự trở ngại nào chăng khi đưa ra một nét văn hóa tuy đẹp đẽ song cũng rất mới lạ này?
- Tôi không hề có ý định phát động phong trào Cài Hoa Hồng để tưởng niệm về công ơn mẹ.
Phong trào ấy tự động phát khởi một cách tự nhiên mà thôi. Điều đó cũng làm cho tôi ngạc nhiên.
 

      Theo Thiền sư, giữa Ngày lễ của Mẹ trong văn hóa Nhật và ngày Vu Lan Báo hiếu trong văn hóa Việt Nam có những nét tương đồng và khác biệt nào?
- Khác truyền thống Nhật. Lễ này không những để vinh danh người Mẹ mà cũng để tưởng nhớ và vinh danh người Cha nữa. Mỗi người được cài hai chiếc hoa hồng, một dành cho Mẹ và một dành cho Cha. Chiếc hoa dành cho Cha nằm hơi cao lên một chút để phân biệt với hoa cho Mẹ. Và anh sẽ cài một hoa hồng cho Cha khi Cha còn sống, một hoa hồng cho Mẹ khi Mẹ còn sống...
 

Kết Luận
 

       Theo như quan điểm của Thiền Sư Nhất Hạnh, trong ngày BÁO HIẾU, chúng ta sẽ có hai bông hồng một cho cha và một cho mẹ. Vị trí cao thấp để phân biệt. Nếu có một người mất thì sẽ được thay là một đoá hoa trắng.
       Thế nhưng trên thực tế, trong ngày lễ Vu lan, chúng ta chỉ có một đoá hoa dành cho Mẹ. Có phải ảnh hưởng từ bài hát của Phạm Thế Mỹ:
Một bông Hồng cho em
Một bông Hồng cho anh
Và một bông Hồng cho những ai
Cho những ai đang còn Mẹ
Đang còn Mẹ để lòng vui sướng hơn
...


     Cho dù ai đi chăng nữa, Bông hồng cài trên áo trong ngày Lễ Vu Lan, đã trở thành một mỹ tục. Chúng ta không thể quên công ơn của Thiền Sư Nhất Hạnh và Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, những người đã khởi xướng, đã tạo nền móng, để từ đó có được một ngày hội hiếu thảo của người Việt.

    Việt Nam không có Ngày Của Mẹ, Ngày Của Cha như Tây Phương, việc cài bông hồng trên áo trải qua 50 năm vào dịp lễ Vu Lan, đến nay đã thành một tục lệ tốt đẹp mang nét đẹp riêng, một nét văn hoá mới hoàn toàn Việt Nam. Là người Việt, chúng ta cần phải duy trì tuyền thống tốt đẹp này mãi mãi.

Huỳnh Hữu Đức Mùa Vu Lan 2014
(Có thêm tư liệu từ http://langmai.org)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét