Thứ Hai, 30 tháng 6, 2014

Thoáng Nhớ Vĩnh Long

                     
( Trường Tống Phước Hiệp)

      Khi tôi và Huệ chọn một góc vắng trong quán Café. Com, tọa lạc tại ngã ba đường, ngồi đợi các bạn hữu của trang mạng “tongphuochiep “  thì những vạt nắng chiều đang gãy vụn, rắc đầy đường phố. Thi thoảng mới có ngọn gió thổi dạt những hạt nóng, hất nhiệt độ oi bức từ mặt đường vào mặt người. Gió cũng cuốn những phiến lá cong queo và bụi mù chạy ù trên mặt lộ. Con lộ có hai chiều thuận nghịch như những lý lẽ, ý sống đời thường và dòng xe cộ đang luân lưu, đường khá nhiều xe qua lại được chia cách bởi các bờ cỏ và hàng cây lúng liếng lá xanh. Tiếng chim hót đâu đó vọng lại âm thanh rời rạc như lời gọi khan, than thở tình hè. Hai con đường lạ tên chéo nhau thành điểm hẹn cho những tâm hồn yêu văn thơ, từng học chung trường Mẹ Tống Phước Hiệp, Vĩnh Long, từng cho đi và nhận về những cảm xúc mềm, từng được sức hút nam châm của tình đồng môn có chung niềm yêu thích, mang trên vai chút hành trang chữ nghĩa để đến với nhau, níu kéo ký ức một thuở học trò, mấy thuở tình yêu hầu tô vẽ sắc màu cho cuộc đời thêm dễ thương và ý nghĩa.

     Cô giáo Vĩnh vừa từ sân nhà bước qua, nụ cười nở sẳn trên môi, Cô ngõ lời chào bằng đuôi mắt biết nói. Ở đó tôi đọc được niềm vui. Cô hỏi thăm về chuyến bay dài chồng chéo nhau suốt nửa vòng trái đất có làm tôi mệt ? Tôi cười khoe với cô rằng tôi có bùa, chỉ cần môt quyển giấy tập và cây bút mực là tôi thâu ngắn được đường xa và thời gian cũng quên làm tôi bạc tóc. Tôi thức ngủ với những ý nghĩ vụn vặt kết lại thành vần. Tội nghiệp mấy cô tiếp viên hàng không xinh đẹp bị tôi thôi miên, ngủ quên luôn trên những trang giấy bởi ngòi bút “viết quanh viết quẩn” của tôi. Cô giáo cười nửa môi thông cảm, nửa nụ nghi ngờ (?) Cô lăng xăng với cái máy điện thoại, nhắc khéo bạn bè phải mau đến chơi, kẻo thiếu thì giờ chung vui với nhau. Tôi ngõ lời thông cảm, nói rằng trời đang nóng quá, bóng nắng còn phải ngất ngư, ngay cả lòng mong chờ, náo nức gặp lại bạn bè của tôi cũng đến trễ nữa đó Vĩnh ơi!. Cô Giáo còn khoe hồi sáng nay, tại sân quán café này đã có hơn ba mươi anh chị em họp mặt, đa số là những nhà giáo có tâm hồn nghệ sĩ, muốn trải lòng mình ra ngoài những giáo án đã đóng thành khuôn. Họ là hương sắc đã tạo nên vuờn hoa, một sân trường đẹp, quyến rũ ngàn ong bướm tìm về. “ Nhiều bạn mong gặp anh” cô Giáo nói “ nhất là L.A. cứ thắt thẻo đợi chờ tội nghiệp lắm!”. Tự nhiên tôi thấy lòng mình phong lưu như màu lá, cơn gió mạnh vừa thổi xuyên hàng cây, sà xuống bám sát mặt đường. Hình như gió cố tình đưa tôi tìm về phố cũ và đường mây chiều cũng thả rong những cụm kỷ vãng của thuở nào mới biết rung động  tim yêu… 
     Tôi gọi một trái dừa ướp lạnh vừa để chống nắng, vừa ướp ngọt vị giác, lại thêm đậm tình quê hương. Có tàng dừa nào đó đang căng lá che dù cho lòng tôi dịu mát! Huệ gọi chai cam vắt màu vàng! Tôi biết bạn tôi rất vô tình, đâu ngờ chai cam vàng chạm mạnh hồn tôi rất ngộ nghĩnh. Ký ức bị đánh thức, trí nhớ òa vỡ như bị bới tung bởi cơn gió, tro bụi mù bay một thời học trò áo trắng. Hồi đó, sau nhiều ngày tháng ươm mơ, gieo  mộng, vườn tình trổ được trái thương yêu. Hồi đó, dễ chừng đã gần nửa thế kỹ mà chỉ ở phố thị Vĩnh Long mới gọi thức được lòng tôi, ngăn ký ức mở ra tiểu thiên đường chật những mùa thương quá khứ.

( Mưa Vĩnh Long - Ảnh Phan Vũ Bình)

      Chiều hôm đó, vẫn là buổi chiều hè mưa đi nắng đến như những chu kỳ chiều nhiệt đới sông nước miền Tây.  Lòng tôi rộn rã hơn tiếng ve gọi phượng và những lao xao cành lá. Sau cơn mưa, nắng vén những chùm mây, thả vạt vàng sơn phết óng ánh tơ lụa lên mặt đường sạch, còn lốm đốm những vũng nước mưa có chứa bóng mây đang chết chìm. Tôi quên bẵng những ngày tháng “gạo bài” cho mùa thi tú tài toàn sắp tới và đậu rớt gì tôi cũng phải đi xa…. Con đường Đồng Khánh rẽ phải qua Trưng Nữ Vương chỉ giản dị với những tàng cây cổ thụ chưa hề được gọt tỉa. Vậy mà chiều đó lá biếc mây xanh đến độ dị thường. Chừng như cỏ bổng trổ hoa và nắng gió đang chúc tụng tình tôi ngát thơm mùa trái chín. Tôi hẹn cô bé học trò lớp Đệ nhị Ban A nơi quán nhỏ và khuất cạnh rạp hát Lạc Thanh như thể đang giấu giếm một điều gì đó chưa định nghĩa được. Tôi dựng chiếc xe Honda một cách khó khăn đến cả tôi cũng phải giật mình. Tôi ngồi lên yên xe và nghe rõ nhịp tim, không biết đó là hòa âm hay lỗi nhịp?  Hình như trái tim tôi muốn phô trương điều gì đó mà hệ tuần hoàn chưa bao giờ mạo hiểm và hiểu được ! Có một vườn hoa dịu dàng sắc màu đang chớm nở khi “bé “ yêu dấu của tôi xuất hiện ở ngã tư đường. Mộng và thực cứ quấn lấy nhau làm lòng tôi chao đảo. Hai con bướm vàng song song lượn lờ cùng nắng gió, bay ngang qua mặt đường, nhởn nhơ vờn hoa nơi sân nhà hàng xóm như một điềm lành trời ban. Bé mặc áo bà ba màu xanh thật nhạt, một vạt áo có thêu hai đóa hoa hồng cũng phớt ửng nhẹ nhàng. Chúng tôi chào nhau bằng niềm vui của mắt và nụ mĩm của môi. Bé lí nhí “ Cậu đợi Bé lâu hông?” “ Cậu đợi từ lúc ngõ lời mời hồi tuần trước”… Hình như Bé cả tin nên Nàng hơi lung túng… Bây giờ tôi mới thấy bộ dạng run rẩy rất tội nghiệp của nàng…. Tôi khỏi phải kể với bạn về món nước uống của tôi. Và chắc bạn cũng đoán rằng người đẹp của tôi gọi ly cam vắt màu vàng ! Tối đó tôi mơ rất nhiều, học hành cũng chẳng được bao nhiêu. Những ngôi sao trên trời đều hóa thành trăng và mây giăng giăng cho lòng tôi phiêu lãng. Tiếng sáo trúc của tôi bỗng du dương ngất gió lạ thường ! Có giấc mơ hoa gấm hóa thành chữ thơ, trong bài thơ đó có 2 câu mà rất lâu sau Nàng gọi là 2 câu thơ “ chết người”, như tiếng chuông ngân trong khẳng định, đánh thức, trói buột tim và đời nàng vào cuộc đời lênh đênh sấp ngửa của tôi:
  “ Mời em ly nước cam vàng. Còn anh vừa uống cả ngàn bùa mê…”

      Tỉnh lỵ Vĩnh Long yêu dấu của tôi cũng giống như những phố thị đồng bằng Cửu Long khác, nghĩa là nằm cạnh bờ sông cái, nước phù sa hai mùa trong đục, gió mát trăng thanh, sông rạch lượn quanh , ngoại ô là  vườn đầy cây trái và ruộng đồng mỏi cánh cò bay. Nhưng thiên nhiên tuyệt đẹp ấy sẽ không là gì nếu thiếu bóng dáng dịu dàng thư nữ và tình tự yêu người, dung dị cùa người dân Nam Bộ, “áo trắng trắng trong hồn con gái, nón lá làm nên dáng học trò “ và “ Cổ Chiên yêu dấu của tôi ơi, gió chuyển, sóng xô, nước ngõ lời, em chứa bao trăng mà dịu mát, hay là em chiếm nửa hồn tôi?”
     Phải rồi !  “Tôi thầm nhớ nước sông con gái, vẫn lửng lờ qua trái tim tôi, trong ánh mắt mạch đời ngây dại, tiếng lòng tôi vỗ sóng bồi hồi”. Làm sao tôi có thể quên một đời sông bến ấm, em bên tôi nghe sóng vỗ thì thầm, sóng là tình nước trăm năm, ai bỏ đi để mưa dầm gió giạt? Tôi nhớ con đường tình mang tên em có những quán cà phê thật tình tứ, nhạc dịu êm như tiếng hát ca dao, có khi ngũ cung, quê mùa chân chất như tiếng rao đêm của người bán dạo. Những khi như vậy em thường nhìn thật sâu vào mắt tôi và chờ một lời thơ.  Hình như em thích ướt mưa và hương đêm. Em thường tựa vào cánh tay tôi để cùng bước lên bờ nắng gió. Hương nước phù sa Cổ chiên và hương đất thoảng mùi hoa nở về đêm làm lòng em tê dại. Em đứng lại cho
 cõi thơ tôi kịp lắng đọng một lời tình. Tôi chọn tặng em những vò lan cánh mỏng, những đài lan xòe ra như cánh bướm bay, tỏa hương nhẹ nhàng cùng mùi áo em đang dạo gió. Tôi tản bộ cùng em theo những bước đi mưa phùn và đứng lại cùng em khi mưa mù tối mặt. Tôi cảm nhận như thời khắc bên em đang cùng trời cuối đất….Khi dòng sông và những cơn mưa lũ ùa về, nước sẽ chảy xiết và sóng sẽ trải nghiệm qua mùa gió chướng…
        Có một đời thơ sầu lắng, mềm và lãng mạn như suối tóc chảy suông khẽ khàng bảo với tôi rằng Nàng ngỡ mình sẽ khóc khi gặp tôi. không ngờ nàng rất vui và cứ mĩm cười ngồi bên tôi để nghe bạn bè trêu chọc. Chỉ là một bến thơ chờ thuyền trăng ghé lại phải không? Hương tóc  và những tâm tình chân thật như anh em cùng tiếng nói nhẹ như thơ của nàng khiến tôi ngồi sau xe, chưa biết vịn vào đâu mà vẫn vững hơn những ý nghĩ đang nghiêng xiêu trong lòng…
        Một vườn đời khác thì ngược lại, Nàng rỉ rả qua phone là khi gặp tôi tự nhiên bị ứa nước mắt, cũng may nhờ cặp kiếng râm, nàng loay quay giả bộ tìm chỗ đậu xe và lau khô hạt lệ “ nhạy cảm”. Chắc thơ tôi mang khá nhiều hình ảnh học trò đã làm trái tim nàng trùng nhịp một hình ảnh man man nào đó chưa quên được ! Những chùm hoa đỏ và màu mận chín vẫn miên man trên môi má  nàng.  Lòng nàng và những cành lá cùng lao xao trong gió, ánh trăng vẫn trao nàng kỷ vãng vằng vặc những ngảy xưa.
         Tôi vẫn mong được gặp Nàng thơ bút hiệu là tựa một bài hát, măc dầu không dám mời và cũng chẳng nói cùng ai. Khi diện kiến nàng tôi giả vờ tỉnh bơ để phút giây chao đảo theo quạt gió cuốn đi. Tôi lấy làm lạ là dáng vóc nàng có giống những tưởng tượng của tôi. Tự nàng đã tỏa hương thơ, chất thơ và dáng Nàng có chung nét đài các rất riêng mà hình như chỉ cõi thơ lặng lẽ, sâu sắt của Nàng mới đặt cảm xúc người đối diện đúng mức thôi.
     Tôi nhớ hình ảnh Đào Hoa Viên và công trình sáng tạo của chủ nhân, cũng như những bửa cơm thân mật với bạn bè. Chuyến đi Tam Bình cho tôi cảm giác thật lạ vì là lần đầu tôi đến vùng đất có cuộc khởi nghĩa chống Tây thời Pháp thuộc. Tôi cũng nhớ giàn hoa thiên lý có tổ ong mật mà chủ nhân T. Th. cho tôi tha hồ hái bông xanh mang về B.H.P. Tôi không phải dặn dò “…người bạn pháo binh . Anh rót cho khéo nhé kẽo lầm nhà tôi…”. Tôi được làm anh Hai vì T. Th. đã có anh Ba Phú Xuân, tính trừ cọng một chút, tôi ngẫu nhiên là anh của thằng bạn học năm nào ! ” Anh dệt thơ tình, em cũng thơ, thơ anh như suối chảy tuôn trào, hồn em say đắm chìm tận đáy, nhưng biết bao giờ anh mới hay?”. Trời đất ơi ! Nói hổng biết làm thơ thì ai tin đây?
(Chợ Vĩnh Long -ảnh Phan Vũ Bình)
     Rồi một sáng nắng vẫn dòn trên lá, sương đêm đã theo gió bay đi, sinh hoạt đời thường theo dòng định mệnh qua những chông chênh sỏi đá  kiếp người. Chiều nay trong số bạn bè sẽ có hai cõi lòng vấp bóng  nghiệt cảnh và thời gian, sẽ khép lòng rời Vĩnh Long tiếp nối chuyến đời lênh đênh xa xứ. Tiệc cà phê trở thành bàn rượu tiễn. Đối diện tôi là  Kh. Th. D., nàng gọi sinh tố mãng cầu “ em yêu sinh tố mãng cầu, võ xanh như áo thắm màu lá non, môi ai chín, má hồng dòn, người đi chắc nhớ vết son môi chờ “ ; L.A. thì ưa món kem dâu, “ môi người ngọt lịm kem dâu, dáng thơ ai thả những câu ân tình, giết người khi cứ lặng thinh, nắng mưa tỉnh lẻ riêng mình ướt mi” ; Th. H. dù rất bận rộn cũng đến từ giả bạn bè, nàng tự thưởng công mình bằng nước dừa tươi Vĩnh Long “ tâm tình ngọt nước dừa tươi, người đi kẻ ở nụ cười gửi trao, phố xưa  chưa vẫy tay chào, mà mưa với lệ trộn vào khăn tay”…Tôi không nhớ những khúc thơ khác riêng cho các bạn Trinh, Ng. Thúy, T. Thanh, Vĩnh, B. Tuyết , H. H. Tấn Trên, Huệ  và L. K.Hiệp. Riêng những khúc thơ ứng khẩu ở nhà Ng. H.thì bị tự kiểm duyệt, cấm phổ biến. Khi nghe tôi phát biểu cảm tưởng bằng những lối thơ không định hướng như vậy Kh. Th. D. đùa với tôi rằng “ Anh T. N. thả thơ nhanh và trữ tình như vậy chắc có nhiều phụ nữ khổ vì anh lắm?”. Tôi đáp lời nàng bằng nụ cười ỡm ờ thay vì phải nói thật lòng mình “ khi anh khổ trước rồi, bị sét đánh trúng tim thì chữ thơ mới thành lời đó Nàng thơ ơi!”.
      Cám ơn đất lành Vĩnh Long trường tồn trong trí nhớ, mái trường xưa với những tấm lòng thủy chung Huynh Muội, bạn bè và những lần hội ngộ làm dầy thêm quyển lưu bút ký ức đời tôi.

Phạm Tương Như (  CHS Tống Phuớc Hiệp / VL)
Hạ 2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét