Thứ Năm, 13 tháng 3, 2014

Nhạc Phim Schinder's List

  
      Mấy năm trước sở tôi có nhận vài người mới ra trường vào làm. Có thể vì chân ướt chân ráo nên vài tháng sau nhóm của họ đưa ra một cái poll(thăm dò ý kiến), với tựa đề là "Làm quen với đồng nghiệp".
Trong việc thăm việc thăm dò ý kiến đó có vài câu hỏi như bạn thích màu gì, món ăn nào, bản nhạc nào, thích du lịch ở đâu, thích phim nào ...
      Nếu trả lời qua loa cho xong chuyện thì dễ chứ trả lời đàng hoàng cũng mất nhiều thì giờ để suy nghĩ và so sánh.

     Tôi đã chọn phim "Schindler's list" là phim tôi thích nhất. Mặc dù không phải ghi lý do tại sao nhưng tôi thích phim này vì những lý do sau:
- Phim trắng đen (ngoại trừ một cô bé áo đỏ xuất hiện hai lần, một lần ở Warsaw's ghetto và lần thứ nhì lẫn lộn trong những xác người ở trại Auswitch). Phim này về holocaust trong đệ nhị thế chiến, có lẽ vì thời gian tính nên theo tôi phim trắng đen hay hơn. Mỗi khi chúng ta ôn lại kỷ niệm, hồì tưởng quá khứ qua những tấm hình cũ, hình như những tấm hình đen trắng có ấn tượng sâu đậm nhất.

- Bản nhạc chính trong phim nghe rất buồn. Tiết tấu và âm hưởng của bản nhạc này gợi cho tôi nhiều cảm xúc giống như khi nghe đoản khúc "mặc niệm chiến sĩ trận vong".

- Dân tộc tôi chịu nhiều đau khổ vì chiến tranh và cũng lưu lạc nhiều nơi trên thế giới sau khi chiến tranh chấm dứt.

- Phim dựa trên câu chuyện có thật về Oscar Schindler, người đã cứu gần 2000 người Do Thái trong thời gian đó, trong khả năng của ông ta.

      Gần nhà tôi có một công viên rộng, có hồ, có con lạch uốn khúc chảy qua. Dân trong vùng thường đi bách bộ trong công viên và có nhiều người dẫn chó đi theo nên vợ chồng tôi đặt tên công viên là công viên "chó".
      Cách nhà chúng tôi chừng chục căn có hai ông bà già người Hung Gia Lợi. Hầu như ngày nào họ cũng dẫn một con chó nhỏ màu trắng, loại terrier, đi xuống công viên. Thỉnh thoảng gặp hai ông bà, tôi chỉ chào hỏi bâng quơ, xã giao cho có lệ.

      Một hôm tôi đang lụi cụi tháo bình điện xe hơi vào nhà để xạc thì thấy bà cụ dẫn chó đi chơi một mình.
Tôi chào bà và hỏi:
- Ông đâu ?
- Chồng tôi không khỏe. Bịnh. Dù sao tôi cũng còn khỏe để lo cho ổng.
      
      Mà nhìn tướng bà thì khỏe cái gì. Thấy bà lò mò chống gậy qua đường nên tôi dẫn bà qua đường. Hôm đó trời nóng nên bà bận áo cụt tay. Tôi thấy lờ mờ cánh tay phải của bà có nhửng vết xâm với những con số ...
- Bà là người Do Thái ?
- Ừ. Sao anh biết ?
- Vì vết xâm trên tay bà.
- Tôi bị giam từ năm 1943 đến 1945. Lúc đó tôi mới 15 tuổi. Năm nay tôi 80 tuổi rồi.
- Rồi người Mỹ hay người Nga "liberate" bà ?
- Người Mỹ. Trại cuối cùng là Auswitch. Trước đó tôi ở Dachau rồi Krakow. Cha mẹ, anh chị em tôi ... gần chục người đều chết cả. Nhưng tôi không biết họ chết ở đâu ?
      Nhìn ánh mắt đau khổ của bà, tôi lặng người, không dám hỏi tiếp.
- Mà thôi anh à. Tôi không muốn nhớ tới chuyện đó nữa.

      Bà chậm chạp đi về hướng công viên. Con chó nhỏ vẫn quanh quẩn gần mấy gốc cây chờ bà. Bóng bà trải dài làm giải có xanh mùa Xuân có màu xám xit.

      Vài chục năm nữa chắc vợ chồng tôi cũng vậy, cũng lần mò dẫn chó đi xuống công viên ....

Wed 29/Oct/2008
ktk

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét