Thứ Ba, 11 tháng 2, 2014

Trong Giờ Dành Riêng


         Còn 10 phút nữa là hết giờ, Thầy Độ quay trở lại bàn, nhìn xuống những đứa học trò, chỉ mới nhận dạy chưa tròn tháng, Thầy chưa biết hết tên những học sinh ở lớp 9 này.
         Nhẹ xoa hai bàn tay vào nhau, Thầy từ từ cất giọng:
- Như Thầy đã nói, sự hiểu biết của các em, nếu chỉ dựa vào những gì từ bài vở ở trường vẫn chưa đủ, các em còn phải tìm hiểu thêm để mở rộng vốn hiểu biết của mình. Một học sinh thực sự giỏi khi kiến thức cao hơn trình độ một bực.
- Thưa Thầy, ngoài những điều học ở trường, chúng em mở rộng thêm vốn hiểu biết của mình bằng cách nào?
- Từ sách, báo, đó là kho kiến thức đồ sộ.
- Thưa Thầy, ở quận mình chỉ có một chỗ bán sách báo, nhưng em thấy toàn những sách không giúp gì cho việc học hỏi của chúng em.
- Thưa Thầy vậy tụi em phải tìm hiểu thêm ở đâu? (rất nhiều thắc mắc được các em cùng nêu ra.)
- Hỏi rất đúng, Quận không có những loại sách giúp ích cho các em, Trường chưa có thư viện để các em đào sâu hiểu biết. Các em có thể học từ môi trường chúng ta đang sống, từ những người chung quanh, gần gũi nhất chính là các Thầy Cô đang dạy các em đây.
- Nhưng em không biết gì để hỏi
- Không biết điều gì thì hỏi điều đó.Các em hãy nhìn những đứa bé 5-7 tuổi, khi thấy gì lạ là hỏi, hỏi đến mức cha mẹ không thể trả lời.
- Thưa Thầy, nếu tụi em hỏi, Thầy Cô trả lời không được rồi ghét tụi em thì sao?
- Theo Thầy, hỏi là điều quan trọng trong việc học. Thầy luôn khuyến khích các em hỏi, kể cả những gì không liên quan đến bài đang học, do đó không thể có chuyện ghét. Đối với những câu hỏi không thể trả lời ngay được, Thầy sẽ tìm hiểu và trả lời sau.
- Thế thì thưa Thầy cho em hỏi : Tại sao chúng em phải học?
- Gần hết giờ rồi, Thầy trả lời vắn cho các em.
Cả lớp nhao lên:
- Tụi em không cần ra chơi, Thầy trả lời luôn đi Thầy.
- Thứ nhất là lợi ích cho chính bản thân các em. Từ ngàn xưa, triều đại nào cũng cần người tài giúp nước, nhưng người tài ở đâu, là ai? Đó chính là các nho sinh, các học sinh như các em đây, hiện diện khắp nơi trên trái đất này.

         Thứ hai là tiếp nhận và truyền đạt những vốn liếng của loài người đã tìm hiểu, học hỏi...tích lũy từ trước đến giờ cho các thế hệ mai sau.
         Nói chung vì sự sinh tồn và duy trì nòi giống nên chúng ta phải học.
- Thưa Thầy, có nhiều người không học, người ta vẫn có thể sống và lo cho gia đình?
- Đúng vậy, có rất nhiều người thất học, họ vẫn sống được trong xã hội này, vẫn lo cho những người thân. Đó là do bản năng sinh tồn của con người, hay nói chung đó là bản năng của tất cả sinh vật trên trái đất này. Tuy nhiên, nếu loài người chúng ta chỉ biết dựa vào bản năng, dựa vào sức lực để sinh tồn, thì chúng ta sẽ không có được những tiến bộ như ngày hôm nay. Cũng có thể không có loài người mà chỉ là một giống linh trưởng nào đó như loài vượn,loài dã nhân...
- Sao kỳ vậy Thầy? Các học sinh vừa ngạc nhiên vừa thắc mắc.
- Theo thuyết tiến hoá của Darwin, Người cùng với Khỉ, Vượn...Cùng chung một gốc. Thuộc bộ Linh Trưởng. Sở dĩ chúng ta tiến hoá thành loài người như ngày nay, do thuỷ tổ ngày xưa biết sử dụng bộ óc, biết giữ gìn và phát triển những kinh nghiệm trong đấu tranh sinh tồn, khi còn là một động vật, một loài thú hoang dã. Bộ não nhờ vậy ngày càng phát triển, ngày càng thông minh hơn, để rồi từ đó trở thành chúa tể, thống lĩnh trái đất này.

         Các em thấy đó, loài người chúng ta không ngừng tiến bộ chính là nhờ vào sự khám phá, tìm tòi và truyền đạt những hiểu biết cho các thế hệ sau. Qua những điều thầy vừa nói, các em thấy cái học quan trọng đến mức nào.
- Nói như Thầy, từ lúc đó đến giờ, có quá nhiều điều để học, Làm sao chúng em học cho hết?
- Đúng vậy, tuy nhiên trong sự tiến bộ và phát triển, những gì đã lạc hậu, lỗi thời sẽ bị đào thải, bị bỏ đi rất nhiều, nhường chỗ cho những cái mới. Tuy nhiên những điều bỏ thì ít, những phát kiến mới rất nhiều.Tóm lại sự hiểu biết của con người ngày mỗi nhiều thêm, thật là bao la. Một đời người chúng ta không thể nào học hết . Chính vì thế cần phải chia ra mỗi cá nhân học một chút, người thì theo học về thiên văn, người thì địa chất, kẻ thì sinh vật...
         Như các em đây, hết năm học này, các em vào lớp 10, ở lớp này bắt đầu chia thành ban. Như ban A Vạn vật, ban B Toán, ban C Văn...(Vào những năm trước 1975 các ban được chia như thế).
         Thôi, giờ đã sắp hết giờ chơi, các em xả hơi một chút để học môn khác. Chào các em.
         Cả lớp im lặng, dường như vẫn còn chìm trong những gì Thầy Độ vừa nói.
         Khi Thầy rời khỏi lớp, sau lưng còn nghe tiếng của một học sinh nói theo:
- Thầy ơi, mấy buổi học sau, Thầy dành ít thời gian kể cho tụi em nghe nghen Thầy.
        Ngồi trên văn phòng, thầy Độ vừa uống nước giải khát, vừa suy nghĩ về câu nói với theo của em học sinh:" Đúng là các em rất muốn  hiểu biết thêm, muốn học hỏi những gì mới lạ chưa có trong chương trình học, mình cần phải giúp các em trong khả năng, trong sự hiểu biết của mình "

        Từ đó, thời gian đứng lớp là 120 phút, thầy đã dành ra từ 5 đến 10 phút để giải đáp mọi thắc mắc của học sinh cũng như truyền đạt những hiểu biết của bản thân, những điều không có trong chương trình dạy cho những đứa học trò thân yêu.


 Tâm Nguyện

Nhớ các em trong những giờ đứng lớp
Nét hồn nhiên pha lẫn vẻ tinh ranh
Biết nói sao ngôn ngữ nào tả xiết
Đợt sóng lòng từng đợt dâng cao
Nơi sâu thẳm trong tâm hồn ông giáo trẻ

Thương lắm thay những mái đầu xanh ngây dại
Biết gì hơn hãy hứa với chính mình
Cùng tiến bước đi lên phía trước
Tuy thênh thang đường tri thức lắm gian nan
Phải cố gắng các em ơi cố gắng

Thầy Trò ta cùng hướng tới tương lai
Ông giáo trẻ với những học trò son trẻ. 
                                             (Quên Đi)

Huỳnh Hữu Đức


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét