Thứ Năm, 13 tháng 2, 2014

Đi Tìm Khung Trời Mới

(Truyện phiếm vui /Kịch ngắn (xảy ra trong đời thường vào đêm Valentine)


[Hai giờ đêm. Hai ông bà: Ông đang đọc báo. Bà thức dậy.]

- Tôi để tờ báo này cho bà đọc vì tôi đã đọc rôì nên biết và ghi dấu những bài hay bài dở hoặc đoạn nào quan trọng, để bà đọc cho dễ hiểu và nhanh.
= Không. Tôi đã có một tờ y hệt rồi.
- Hãy đọc tờ này.Tôi muốn giúp bà đọc được nhanh hơn để giải quyết đống báo cứ ùn ùn ra đấy. Báo chí lấy ở chợ, sách báo mượn ở thư viện tôi thường chọn lọc cái cần thiết, cái hay cho bà đọc. Nhiều tin tức qua các cơ quan truyền thông tôi cũng kể lại cho nghe, chứ bà đâu có thì giờ.
= Không. Tôi có cách đọc của riêng tôi.
- Thật tình tôi chỉ muốn giúp bà đỡ mất thì giờ. Có mục hay quá thì thưởng thức, có đọạn dở quá thì lướt qua cho nhanh. Thực vậy, có truyện nội dung mắc mớ rất khó hiểu nên tôi ghi chú hoặc đánh dấu chỗ thắt nút, hoặc vạch dài liên kết các đọạn chính của bài văn với nhau...
= Không. Tôi muốn lần lượt đọc từng giòng chữ, từng chi tiết trang giấy không có ghi chữ hay dấu vết gì.
- Đây này, tôi phân tách kỹ hơn cho bà biết. Có một tạp chí tôi còn giữ kia trong đó tác giả kể một câu chuyện vô cùng hấp dẫn. Hai nhân vật, một nam, một nữ trao đổi với nhau. Tác giả diễn tả lời nói thay phiên nhau của mỗi nhân vật bằng lối viết văn thông thường là xuống giòng và gạch ngắn một cái. Suốt từ đầu đến cuối liền một mạch dài tới 2 trang đều đều như vậy khiến tôi lẫn lộn như đi vào mê hồn trân không còn biết lời nào do ai nói. Từng câu văn của tác giả không giúp ta đoán được nhân vật đang nói. Muốn phân biệt, trước khi đọc lại lần thứ mấy rồi, tôi đành phải lấy bút viết N hay n cho từng lời nói. Đấy bà thử đọc xem, nếu tôi không ghi thêm thì đố bà mò ra lời nào do ai nói. Mặc dù rất hiếm hoi ở một hai chỗ tác giả dùng chữ anh hay em nhưng trong cách xưng hô của ta, hai tiếng này không nhất định tiếng nào chỉ ngôi thứ nhất hay ngôi thứ hai số ít, khác với hai tiếng I hay You trong Anh ngữ. Ở chỗ khác, tờ báo quên đánh số trang nên tôi lại phải lật đi lật lại để ghi số trang cho bà nữa. Còn có chỗ in bị mờ hay xếp nếp, tôi phải đoán chữ mà viết bù vào cho đủ. Cũng có chỗ in trùng lặp từng đoạn dài do vô ý hay cố ý, tôi phải gạch xoá đoạn thừa đó.
= Thật sao?


- Chính vì vậy có lần viết truyện ngắn, đối với những đoạn văn đối thoại dài, tôi đã phá lệ truyền thống: dùng 1 gạch(-) hay 1 dấu hoa thị (*)cho nhân vât này, dùng 2 gạch(=) hay 2 dấu hoa thị(**) cho nhân vật kia, vân vân và vân vân. Ấy, chưa kể một tác giả không biết có cố ý dùng bút pháp đặc biệt hay không, đã viết những câu dài dằng dặc hàng chục giòng đến nỗi tôi phải dùng bút gach chéo ngắt ra thành từng câu nhỏ cho bà dễ đọc. Dù sao, khi thưởng thức một tác phẩm, ngoài nội dung, ta cũng cần phân tich bút pháp chứ!
= Thì cứ đọc-đi-đọc-lại,đọc-tái-đọc-hồi rồi cũng hiểu thôi, cần gì phân tích tỉ mỉ làm chi cho mệt óc.
- A, thế là bà công nhận việc phải mất thì giờ. Vậy để đốt giai đoạn, bà hãy đọc cuốn này đã được tôi ghi dấu trên nhiều bài văn và tiết mục.
= Thôi, ông cứ mặc tôi. Tôi không cần sự giúp đỡ của ông.
- Đâu muốn bà hoàn toàn theo cách của tôi. Nhưng trước khi đi vào chi tiết, bà hãy lướt qua những chủ điểm ghi chú của tôi, có mất mát gì đâu.
= Không. Rõ thật là lẩn thẩn.
- Việc của tôi giống như bình thường khi đọc các cuốn hướng dẫn cách xử dụng máy móc kèm theo hàng hoá. Trong đó, tôi đánh dấu, khoanh tròn, gạch dưới... bằng bút thường hay bút hai-lai những chỗ quan trọng cho bà chú ý. Có tờ in xen kẽ chữ Spa-ni-ss hay cái tiếng gì lạ hoắc thì tôi đã gạch bỏ cho thoáng chỗ. Bà đã thấy khi đến ngân hàng, phòng bác sĩ, phòng khai thuế...nhân viên thường đánh dấu hay hai-lai vào chỗ cần thiết để bà dễ thấy. Và bà có biết các nhân vật V.I.P thường có một mẩu giấy tóm tắt tin cần thiết do người phụ tá viết đặt sẵn trên bàn giấy của bô-ss đấy sao?
= Đúng. Tôi biết. Nhưng...

- Bà có để ý các bài thuật truyện phim ảnh trên báo chí, internet và tờ quảng cáo...với mục đích thúc đẩy khán giả bỏ tiền đi xem bằng cách bỏ lửng đến chỗ hấp dẫn thì s-top, khiến bà ấm-a-ấm-ức không được biết kết cục ra sao. Nhờ tôi là kẻ mê phim ảnh, đã đọc truyện phim lấy từ tiểu thuyết hoặc đã tận mắt xem phim đó nên kể lại đoạn kết cho bà thoả mãn đấy sao? Cũng như hàng ngày tôi đâu có giữ kín bao tin tức quan trọng lấy từ các cơ quan truyền thông, nhờ đó bà mới hiểu biết nhiều chuyện đời thường để tán gẫu với người khác. Chưa kể tôi không bao giờ tiếc thời giờ tháp tùng bà đi chợ, phụ giúp việc bếp núc, và đôi khi nhẫn nại chờ đợi bà hàng giờ ngắm nghía hàng hiệu trong dịp đi winh-đâu-sốp-pinh nữa.
= Phải, công nhận ông giúp tôi nhiều việc, nhưng...tôi cương quyết là không đọc cái tờ báo chắc chắn đã bị ông ghi lem nhem đầy dấu mực đó đâu..

[Hai giờ rưỡi. Ông bắt đầu thở dài thất vọng. Bà vẫn khăng khăng khước từ. Nhưng Ông lại bắt đầu thuyết phục Bà].


- Bà hãy chú ý nghe. Còn một lý do vô cùng quan trọng: đó cũng là một cách tạo sự thông cảm giữa hai người đọc, nhất là hai người chung sống với nhau, chưa kể đặc biệt hai người đó lại là tình nhân.
= Ông đừng ép nữa. Như thế là kiểm duyệt tôi à, ở xứ này tự do ngôn luận, lại kiểm duyệt cả cách đọc sách và tư tưởng của tôi sao? Hiến pháp Hoa Kỳ đã...đã...đã...
- Là vợ chồng, một người thấy gì tốt xấu, truyền đạt cho nhau là sự thường. Nó cũng giống như trao đổi tâm sự, cảm nghĩ để cảm thông hoặc để giải quyết công việc hàng ngày. Có gì áp bức ai đâu.
= Không, tôi không cần cảm-thông-cảm-thiếc gì cả.
- Vậy bà là người chỉ muốn cô độc? À bên lề cái bài Tham luận chính trị trong tờ báo này, tôi cũng ghi chú ý kiến của tôi để mong bà góp ý. Chúng ta thường thử tìm hiểu quan điểm của nhau qua những cuộc tranh luận giữa tôi với bà đó sao? Hồi xưa, bà đã từng kéo mấy cô bạn ở Luật đến nhà tán dóc ầm ĩ như mấy bạn hàng ngoài chợ, và thỉnh thoảng tôi cũng góp lời bàn ngang-như-cua khiến nhà mình vui như tết. Có cãi cọ với nhau như thế mới thích thú chứ?
= Tôi có cách đọc sách báo riêng, không cần trao đổi ý kiến để tìm sự đồng cảm với ai. Quá khứ là quá khứ. Tội cho qua hết rồi. Bây giờ cần phải thực tế.
- Thật không? Không ngờ bây giờ bà thay đổi thế! Chả trách bà là kẻ cô độc, ngay cả chẳng có bạn bè. Hồi xưa tôi đã tưởng bà thơ-ca-bay-bướm như chúng ta đã từng như vậy. Thế mà bây giờ bà chỉ quanh quẩn ở nhà với món-ăn-này-món-ăn-nọ. Tôi rủ đi du lịch đây đó hoặc đi xem vũ nhạc kịch đểu bị lắc đầu quầy quậy, lại còn luôn luôn muốn giữ chân tôi ở nhà. Ngoài tập thể dục, bà nằm dài ra đó để ngốn mãi đống báo chí không bao giờ vơi. Cả việc muốn bà đọc email cũng phải thúc giục mãi. Trong khi bà nói chuyện với người em, tôi chỉ thấy nhắc đi nhắc lại những truyện, có thể nói thẳng là...là tầm phào, chẳng bao giờ bàn đến văn chương, mỹ thuật, chính trị cả. Nhiều khi tôi đã phải nhắc bà về những tin tức thời sự nóng hổi quan trọng trên TV, trên in-tơ-net nữa, y như tôi là thư ký riêng cho bà, mà tôi có kêu ca bao giờ đâu.
= Bây giờ tôi chỉ thế thôi. Sống một mình theo cách của riêng tôi. Chẳng cần cảm thông với ai.


- Rất tiếc bà đã biến đổi. Biến đổi thật lớn. Tôi không ngờ, sau hai chục năm tại xứ sở này. Tôi biết bà đã phải lăn lộn tranh đấu cho cuộc sống, nên những bản tính tốt đã dần dần mai một. Nhưng bà nên nhớ rằng giữa vợ chồng, ngoài chuyện thường ngày, còn cần hợp tác với nhau, trao đổi những suy tư, những mối lo âu và cả tâm sự. Chính vì bà muốn cô độc nên tôi đã phải tìm cách trao đổi kiến thức, cảm nghĩ, tâm tư qua internet, web site, Gmail này nọ. Như tôi đã viết trên một trang mạng: Bạn bè thân hữu ở xa, Trao nhau xướng hoạ vần thơ tâm tình...
= Ông cứ việc. Còn tôi không cần trao đổi gì với ông. Ông nói muốn giúp tôi đỡ mất thời giờ, thì chính ông lại tiêu phí quá nhiều thời giờ hơn tôi. Thôi để tôi ngủ.
- Thôi được! Tôi biết vậy. Bà làm tôi cảm thấy thiếu...thiếu cái hạnh phúc gia đình thế nào ấy! Đừng trách tôi có lúc mải mê với internet, Gmail, Facebook,web site,... để tìm một khung trời mới tươi vui, lành mạnh, với chân-thiện-mỹ, cho quên cái buồn tẻ của tuổi hoàng hôn trong cuộc sống đời thường.

[Ba giờ đêm: Mặt Ông hơi đỏ. Ông ngồi bật dậy, bỏ sang phòng Computer, lẩm bẩm: thế là mất toi hết cái đẹp thơ mộng của ngày Valentine rồi! ]

       
ChinhNguyen/H.N.T.
2012-13


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét