Chủ Nhật, 16 tháng 2, 2014

Chương Trình Môn Quốc Văn Bậc Trung Học Ở Miền Nam Trước 1975.


1. Giới thiệu chung về chương trình khung và sách giáo khoa Trung Học Môn Văn ở Miền Nam trước 1975
1.1. Tên gọi môn học
      Trong chương trình Trung học đệ nhất và đệ nhị cấp (nay là Trung học cơ sở và Trung học phổ thông) ở Miền Nam trước năm 1975 thì tên môn học là Quốc văn, nhưng các soạn giả khi biên soạn sách giáo khoa thì ghi là Quốc văn hay Quốc văn độc bản như bộ sách của Trần Trọng San; Việt văn như bộ sách của Võ Thu Tịnh; Giảng văn như bộ sách của Đỗ Văn Tú hay bộ sách của Thậm Thệ Hà (một số quyển có sự cộng tác của Xuân Tước và Bằng Giang); Việt Nam thi văn trích giảng như sách của Tạ Ký.

      Cần lưu ý là trước năm 1975 ở Miền Nam, Bộ Quốc gia Giáo dục chỉ ra Sắc lệnh hoặc Nghị định về chương trình khung (nội dung giảng dạy, tác giả, tác phẩm, thời lượng cho từng tác giả tác phẩm, v.v..) cho từng lớp của cấp học, chứ Bộ không độc quyền biên soạn hay chỉ đạo việc biên soạn sách giáo khoa mà để cho các nhà giáo có khả năng, có kinh nghiệm và uy tín đang giảng dạy cấp trung học trực tiếp biên soạn, thông qua Ban Tu thư của một vài Nhà xuất bản như Sống Mới, Khai Trí, Văn Hào v.v.. tổ chức in ấn, và dĩ nhiên những bộ sách giáo khoa này trước khi xuất bản, được đưa vào giảng dạy trong nhà trường trung học thì phải được Hội đồng thẩm định thuộc Trung tâm học liệu của Bộ Giáo dục xét duyệt, bỏ phiếu đồng ý. Hội đồng gồm một Chủ tịch và các thành viên, mà các vị này đều là những học giả, nhà nghiên cứu có uy tín. Còn các loại sách khác như biên khảo và dịch thuật thì do Hội đồng thẩm duyệt của Phủ Quốc vụ khanh đặc trách Văn hoá đảm nhận. Khi giảng dạy, các giáo viên (hồi ấy gọi là giáo sư) tự chọn sách dạy và định hướng cho học sinh của mình nên mua sách giáo khoa của soạn giả nào để học. Và dĩ nhiên, không loại trừ có học sinh cùng một môn lại mua vài ba bộ sách khác nhau để học tập và tham khảo nếu gia đình học sinh đó có điều kiện về kinh tế. Riêng môn Văn như trên đã nêu, có nhiều bộ sách giáo khoa của các soạn giả: Đỗ Văn Tú, Thẩm Thệ Hà, Trần Trọng San, Võ Thu Tịnh, Tạ Ký, v.v.. trong số đó hai bộ sách của hai soạn giả Đỗ Văn Tú, Thẩm Thệ Hà là được dùng phổ biến rộng rãi trong nhà trường ở các vùng miền.
       Ở đây, bài viết sẽ giới thiệu khung chương trình cập nhật hoá và sách giáo khoa được biên soạn theo chương trình này được áp dụng từ niên khoá 1969-1970 trở đi, trên cơ sở đó trình bày việc tuyển chọn trích giảng văn chương Tự lực văn đoàn và thơ Mới trong chương trình và sách giáo khoa cập nhật đó.

1.2. Yêu cầu của môn học
Theo tinh thần nội dung của Sắc lệnh số 660/TT/SL ngày 01-12-1969 và Nghị định số 1152A GD/KHPC/ND ngày 26-6-1970 về Chương trình Cập nhật hoá của Bộ Quốc gia Giáo dục, cùng Huấn thị của Bộ về việc giảng dạy Quốc văn thì:
- Mục đích: Mục đích của môn Giảng văn là làm cho học sinh thấu hiểu giá trị về hình thức và nội dung của một tác phẩm hay một đoạn văn, để nhờ đó hun đúc tính khí và tâm hồn, mở mang kiến thức về văn học và thâu thái những điều bổ ích cho việc luyện văn.
- Phần Kim văn: Hình thức và nội dung của những bài giảng văn phải phù hợp với chương trình Luận văn được giảng dạy: chẳng hạn, dạy những bài giảng văn có tính cách miêu tả trong giai đoạn dạy Luận văn về loại miêu tả; có tính cách thuật sự trong giai đoạn dạy Luận văn về loại thuật sự, v.v..
Phải lựa những bài văn có giá trị để rồi bắt học sinh học thuộc lòng hầu luyện ký ức văn khiếu.
- Phần Cổ văn: Phải chọn những đoạn rất tiêu biểu, nhiều hay ít, dài hay ngắn tuỳ theo lớp và cấp học (về điểm này, Bộ có những chỉ thị rõ ràng để ấn định nên trích những đoạn nào có trong một tác phẩm, giảng những bài nào của một tác giả).
- Việc đọc sách: Giáo sư phải hướng dẫn học sinh đọc sách. Học sinh phải có vở riêng để ghi chép những đoạn văn hay, tóm lược cuốn sách đã đọc. Mỗi tháng nên kiểm soát vở đó một lần để theo dõi sự tự học của học sinh, khuyến khích sự đọc sách cho thành một sự ham mê để khi ra đời, học sinh nhờ đó mà luôn luôn tiếp tục việc học hỏi. 

       Bên cạnh việc đọc sách ở nhà, chương trình còn yêu cầu học sinh Thuyết trình văn học tại lớp (từ lớp 6 đến lớp 11) ít nhất mỗi tháng một lần (02 giờ) về một tác phẩm, một vấn đề văn học nào đó có trong chương trình chính khoá, mà thường thuyết trình về các tác phẩm thuộc Kim văn, tức văn học hiện đại, chẳng hạn như tìm hiểu về các tác phẩm của Tự Lực văn đoàn như: Đoạn tuyệt (Nhất Linh), Nửa chừng xuân và Hồn bướm mơ tiên (Khái Hưng), Con đường sáng và Mười điều tâm niệm (Hoàng Đạo), Anh phải sống (Khái Hưng và Nhất Linh), Gió đầu mùa và Sợi tóc (Thạch Lam), Hồn quê (Nguyễn Khắc Mẫn), Quê mẹ (Thanh Tịnh), v.v..; hay thơ lãng mạn của các tác giả: Thế Lữ, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Huy Cận, v.v.. Có khi thầy giáo cho thuyết trình các tác phẩm văn học đương đại của các tác giả như: Võ Phiến, Võ Hồng, Duyên Anh, Nhã Ca, Mai Thảo, Dương Nghiễm Mậu, v.v.. mà những giờ thuyết trình có thể nói là những giờ học đầy hứng thú. Cả nhóm hay tổ làm chung một đề tài rồi trình bày trước lớp, sau đó trao đổi, chất vấn, phản biện, v.v.. mà thầy cô giáo dạy Văn là người chứng kiến và đóng vai trò chỉ đạo, nhận xét đánh giá.
1.3. Về nội dung chương trình khung của môn học
- Trung học đệ nhất cấp có bốn lớp: Đệ thất, Đệ lục, Đệ ngũ, Đệ tứ (từ niên khoá 1969-1970 gọi là lớp Sáu, lớp Bảy, lớp Tám, lớp Chín). Nội dung chương trình khung môn Văn của cấp học này được quy định như sau:

+ Lớp Sáu
- Giảng văn: gồm hai phần Kim văn và Cổ văn.
Kim văn: chọn tác phẩm của các nhà văn hiện kim, phù hợp với chương trình luận văn với các thể văn Miêu tả (tả động vật, tả thực vật, tả đồ vật, tả người, tả cảnh), Thuật sự, Thư tín.
Cổ văn: trích giảng Văn vần: Tục ngữ, Ca dao; Văn xuôi: Truyện cổ tích Hưng Đạo đại vương truyện bản kể của Phan Kế Bính và của Nguyễn Văn Ngọc; Nam Hải dị nhân bản kể của Phan Kế Bính; Truyện cổ nước Nam bản kể của Nguyễn Văn Ngọc.
- Văn thể: Thơ Lục bát và biến thể.
- Luận văn: Miêu tả (có tính cách cụ thể), Thuật sự (những việc thông thường), Thư tín (thăm viếng, giao thiệp thông thường).

+ Lớp Bảy
- Giảng văn: gồm hai phần Kim văn và Cổ văn.
Kim văn cũng như ở lớp Sáu nhưng chọn nhiều bài về văn Thuật sự và văn Miêu tả phối hợp Thuật sự, Thư tín.
Cổ văn trích giảng cả văn vần và văn xuôi. Về văn vần, sách giáo khoa chọn trích giảng Gia huấn ca của Nguyễn Trãi(1), Đại Nam quốc sử diễn ca của Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái. Về văn xuôi, sách giáo khoa chọn trích giảng thể Truyện cổ qua văn bản Chuyện đời xưa của Trương Vĩnh Ký, Chuyện giải buồn của Huình Tịnh Của.
- Văn thể: Thơ Song thất lục bát và biến thể.
- Luận văn: chủ yếu là làm văn Thuật sự và văn hỗn hợp vừa Miêu tả vừa Thuật sự.

+ Lớp Tám
- Giảng văn: gồm hai phần Kim văn và Cổ văn.

Kim văn: chương trình yêu cầu hình thức và nội dung các bài Giảng văn phải phù hợp với chương trình Luận văn, chẳng hạn đang học Luận văn về văn Miêu tả thì ở Giảng văn phải chọn những bài văn Miêu tả để giảng, minh hoạ, củng cố kiến thức Luận văn; đang học Luận văn về văn Thuật sự thì ở Giảng văn phải chọn những bài văn Thuật sự để giảng, minh hoạ, củng cố kiến thức Luận văn. Phải chọn những bài văn tiêu biểu, có giá trị, học sinh phải học thuộc lòng để luyện ký ức văn khiếu. Văn nghị luận của Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Bá Học, Phan Kế Bính, và những bài trích lục từ các tạp chí: Đông Dương tạp chí, Nam Phong tạp chí, Tri Tân, Thanh Nghị, Tao Đàn.

Cổ văn: trích giảng thơ Lê Thánh tông và hội Tao đàn, thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, thơ Bà huyện Thanh Quan, thơ Nguyễn Đình Chiểu (Lục Vân Tiên).
- Văn thể: Thơ Đường luật.
- Luận văn: làm các thể văn Miêu tả, Thuật sự, Đơn từ, Tờ trình, Văn tự (có tính thực tế), Nghị luận luân lý (dạng thông thường).
+ Lớp Chín
- Giảng văn: gồm hai phần Kim văn và Cổ văn.
Kim văn: trích giảng văn Nghị luận của Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, Phan Chu Trinh, và trích các bài nghị luận trên các tạp chí: Đông Dương tạp chí, Nam Phong tạp chí, Tri Tân, Thanh Nghị, Tao Đàn của các tác giả khác.

Cổ văn: trích giảng thơ của các tác giả: Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, Tôn Thọ Tường, Phan Văn Trị, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh.
- Văn thể: Hát nói.
- Văn học sử: Đại cương văn học sử Việt Nam từ khởi thuỷ đến hiện kim.
- Luận văn: kiểu bài Nghị luận văn chương.
Như vậy ở lớp 9 chương trình không học văn chương Tự Lực văn đoàn và Thơ Mới.
- Trung học đệ nhị cấp gồm ba lớp: Đệ tam, Đệ nhị, đệ nhất (từ niên khoá 1969-1970 gọi là lớp Mười, lớp Mười một, lớp Mười hai).

+ Lớp Mười (bài viết chỉ nêu lại chương trình ban C, D là ban chuyên về văn chương, sinh ngữ, cổ ngữ; còn ban A, B là ban chuyên về toán, lý, hoá, sinh, nên môn Văn được học ít và gọn hơn so với ban C, D).
- Văn học sử: Văn chương truyền khẩu (Văn chương bình dân); Văn chương chữ Nôm từ đầu nhà Trần (Hàn Thuyên) đến Nguyễn Du; Giới thiệu thơ chữ Hán và truyện cổ tích.
- Văn thể: Đối, Phú, Văn tế.
- Giảng văn: chỉ học phần Cổ văn, cụ thể là trích giảng thơ Nôm thời Hồng Đức của Lê Thánh Tông và Hội Tao đàn, thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, Nguyễn Huy Lượng, Phạm Thái, Đặng Đức Siêu, Nguyễn Văn Thành, Chinh phụ ngâm khúc, Cung oán ngâm khúc, Hoa tiên truyện, Đoạn trường tân thanh, vở tuồng Kim Thạch kỳ duyên.
- Luận văn: kiểu bài Nghị luận văn chương.
Như vậy ở lớp 10 chương trình không học phần Kim văn và do vậy không học văn chương Tự Lực văn đoàn và Thơ Mới. 

+ Lớp Mười một
- Văn học sử: Văn học Việt Nam từ sau Nguyễn Du đến 1945, gồm văn học chữ Nôm và văn học chữ Quốc ngữ.
- Văn thể: ôn lại Hát nói, thơ Đường luật, học kỹ Thơ Mới.
- Đọc bổ túc: Giới thiệu tác phẩm Hán văn.
- Giảng văn: gồm hai phần Kim văn và Cổ văn.
Cổ văn: trích giảng thơ văn của các tác giả: Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Đình Chiểu (thơ và văn tế), Nguyễn Khuyến, Chu Mạnh Trinh, Trần Tế Xương, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (thơ), đọc thêm: Cao Bá Nhạ, Dương Khuê.
Kim văn: trích giảng thơ văn của các tác giả: Đông Dương tạp chí, Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Kế Bính; Nam Phong tạp chí, Phạm Quỳnh, Nguyễn Trọng Thuật; Tự Lực văn đoàn, Nhất Linh với tác phẩm Đoạn tuyệt; Khái Hưng với tác phẩm Nửa chừng xuân; Hoàng Đạo với tác phẩm Mười điều tâm niệm.
- Luận văn: kiểu bài Nghị luận văn chương về các tác phẩm của các tác giả đã học trong chương trình.

+ Lớp Mười hai
Từ sau năm 1954 đến năm học 1973-1974, chương trình lớp 12 không học môn Văn, thay vào đó là môn Triết học. Nhưng riêng năm học 1974-1975 chương trình có sự thay đổi lớn, lớp 12 bên cạnh môn Triết học, còn có học thêm môn Văn, cụ thể là phần Kim văn với văn chương hiện thực, văn chương hiện thực phê phán 1930-1945 và văn chương đương đại. Nhưng chương trình này chỉ mới triển khai trong mấy tháng (từ tháng 9-1974 đến tháng 3-1975), bởi từ tháng 3-1975 là thời điểm diễn ra chiến dịch Giải phóng Miền Nam, nhà trường buộc phải đóng cửa, học sinh nghỉ học.

2. Văn chương Tự Lực Văn Đoàn và Thơ Mới trong chương trình và sách giáo khoa môn Văn ở Miền Nam trước 1975


      Qua chương trình khung vừa trình bày như trên, trong chương trình môn Văn trung học lớp 9 và lớp 10 không học văn chương Tự Lực văn đoàn và Thơ Mới. Các lớp còn lại đã trích giảng các tác phẩm của các tác giả thuộc Tự Lực văn đoàn hoặc cộng tác với văn đoàn này và Thơ Mới như sau (theo bộ sách giáo khoa của Thẩm Thệ Hà):

       2.1. Ở chương trình lớp 6, về văn chương Tự Lực văn đoàn và Thơ Mới, trong chương trình khung trên, ở phần Kim văn, sách đã chọn trích giảng các tác phẩm sau:
Văn Miêu tả với các kiểu bài tả động vật, tả thực vật, tả người, tả cảnh, tả đồ vật: trích giảng các đoạn văn của các tác giả: Xuân Diệu (Trường ca); Thạch Lam (báo Ngày nay); Khái Hưng (Thừa tự); Nhất Linh (Đôi bạn); Thạch Lam (Gió đầu mùa); Trần Tiêu (Chồng con); thơ Bàng Bá Lân (Trở rét).
Văn Thuật sự: thơ của Đoàn Văn Cừ (Tết – báo Văn hoá Ngày nay); Hoàng Đạo (Thuỷ tiên – báo Văn hoá Ngày nay); Nguyễn Thị Vinh (Chuyện Tết – báo Văn hoá Ngày nay).
Văn Thuật sự phối hợp với Miêu tả: thơ của Yến Lan (Bến My Lăng); Nguyễn Thị Vinh (Quê ngoại – Hai chị em); Nhất Linh (Hai vẻ đẹp – Thế rồi một buổi chiều); Khái Hưng (Nửa chừng xuân); Thạch Lam (Gió đầu mùa); Khái Hưng (Phút vĩnh biệt – báo Văn hoá Ngày nay)
Thư tín: Khái Hưng (Trống mái); Đỗ Tốn (Hoa vông vang);
Ở phần trích đọc thêm cũng có chọn văn của một số cây bút cộng tác với Tự Lực văn đoàn như Đỗ Tốn (Hoa vông vang) chẳng hạn. 

       2.2. Ở chương trình lớp 7, về văn chương Tự Lực văn đoàn và Thơ Mới, trong chương trình khung trên, ở phần Kim văn, sách đã chọn trích giảng các tác phẩm sau:
Văn Miêu tả với ba kiểu bài: tả cảnh, tả người, tả tình: Khái Hưng (Dọc đường gió bụi, Trăng thu); thơ Thanh Tịnh (Lời cuối cùng); Nhất Linh (Đoạn tuyệt); Hoàng Đạo (Tiếng đàn); Nhất Linh (báo Văn hoá Ngày nay); Khái Hưng (Trống mái); Trần Tiêu (Con trâu).
Văn Thuật sự với ba kiểu bài: ký sự, tự thuật, hồi ký: Khái Hưng (Cái ấm đất).
Văn Thuật sự phối hợp với Miêu tả: Thạch Lam (Ngày mới); Trần Tiêu (Ma); thơ Đoàn Văn Cừ (Chợ Tết); Vũ Đình Liên (Ông đồ - Tinh hoa); Hoàng Đạo (Đi hái lộc, Hộp kẹo - báo Văn hoá Ngày nay); Thạch Lam (Đồng hào mới - báo Văn hoá Ngày nay); Đỗ Đức Thu (Vỡ lòng); Khái Hưng (Anh phải sống, Tiếng địch véo von, Hồn bướm mơ tiên); thơ của Thanh Tịnh (Mòn mỏi).
Phần trích Đọc thêm đã trích văn của Hoàng Đạo (Con đường sáng); thơ của Nguyễn Nhược Pháp (Sơn Tinh, Thuỷ Tinh); Khái Hưng (Trống mái); Hoàng Đạo (Con đường sáng).

       2.3. Ở chương trình lớp 8, về văn chương Tự Lực văn đoàn và Thơ Mới, trong chương trình khung trên, ở phần Kim văn, sách đã chọn trích giảng các tác phẩm sau:
Văn Miêu tả hoạt cảnh phức tạp: Thanh Tịnh (Quê mẹ); Nhất Linh (Buổi học đầu tiên - báo Văn hoá Ngày nay).
Văn Thuật sự thông thường: Thạch Lam (Tấm lòng người chị); Khái Hưng (Đội mũ lệch, Tiêu Sơn tráng sĩ).
Văn Thuật sự thể đối thoại: Khái Hưng (Thừa tự, Anh phải sống); Thạch Lam (Gió lạnh đầu mùa); thơ Thanh Tịnh (Lời trối).
Văn Thuật sự thể tự thuật tâm sự: Nhất Linh (Bướm trắng); Khái Hưng (Hạnh); Xuân Diệu (Phấn thông vàng).
Văn Thuật sự thể hồi ký: Hoàng Đạo (Một giấc mơ xuân - báo Ngày nay).
Văn Thuật sự thể cảm tưởng: Nhất Linh (Đôi bạn); Hoàng Đạo (Con đường sáng).
Văn Nghị luận: Hoàng Đạo (Mười điều tâm niệm) 

      2.4. Ở chương trình lớp 11, về văn chương Tự Lực văn đoàn và Thơ Mới, trong chương trình khung nêu trên, ở phần Kim văn, theo các bộ sách giáo khoa của các soạn giả: Võ Thu Tịnh, Đỗ Văn Tú, Thẩm Thệ Hà đều giới thiệu kỹ về Thơ Mới, về nhóm Tự Lực văn đoàn, giới thiệu ba tác giả trụ cột của văn đoàn là Nhất Linh, Khái Hưng và Hoàng Đạo, học kỹ ba tác phẩm: Đoạn tuyệt, Nửa chừng xuân, Mười điều tâm niệm. Riêng bài văn thể, các sách đã giới thiệu kỹ, có hệ thống về Thơ Mới.

3. Nhận xét chung


      Có thể thấy chương trình khung môn Văn được sắp xếp có hệ thống chặt chẽ, khoa học, hợp lý, theo trình tự từ dễ đến khó, từ các bài trích giảng đến các bài giới thiệu văn thể, cho đến các kiểu bài luận văn. Phần văn học sử được học có hệ thống, nếu ở lớp 9 học “Đại cương văn học sử Việt Nam từ khởi thuỷ đến hiện kim”, thì sang lớp 10 học sâu hơn, kiến thức được nâng cao hơn: “Văn chương truyền khẩu (Văn chương bình dân)”; “Văn chương chữ Nôm từ đầu nhà Trần (Hàn Thuyên) đến Nguyễn Du”; “Giới thiệu thơ chữ Hán và truyện cổ tích”, để đến lớp 11 sẽ học tiếp giai đoạn còn lại “Văn học Việt Nam từ sau Nguyễn Du đến 1945: văn học chữ Nôm và văn học chữ Quốc ngữ”. Phần văn thể cũng được học một cách bài bản, có hệ thống về các thể loại: tục ngữ, ca dao, truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện cười, câu đố, thơ lục bát và biến thể, thơ song thất lục bát và biến thể, câu đối, phú, văn tế, hát nói, thơ Mới. Riêng hai thể loại ngâm khúc và truyện thơ Nôm tuy chương trình không có bài học riêng ở phần văn thể nhưng lại được giới thiệu về thể loại ở bài học về thơ lục bát, thơ song thất lục bát và ở bài trích giảng về tác phẩm Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm, Hoa tiên, Đoạn trường tân thanh, Lục Vân Tiên.

      Qua các văn bản trích giảng, khi biên soạn sách giáo khoa, các soạn giả đã tích hợp giữa văn học (giảng văn) với làm văn (qua các kiểu bài luận) và ngôn ngữ (qua việc chú thích giải nghĩa các từ cổ, từ Hán Việt trong các văn bản được trích giảng). Đây là một đóng góp không nhỏ của các nhà soạn sách, mà việc biên soạn sách giáo khoa theo phương pháp tích hợp có tính hiện đại và khoa học này gần đây, từ năm 2000 Bộ Giáo dục của ta mới có chủ trương, như thế là đã đi chậm khoảng 40 năm nếu so với chương trình môn Văn của Miền Nam trước đây!

      Riêng về văn chương Tự Lực văn đoàn, chương trình được trình bày có hệ thống, cơ bản, từ trích giảng các đoạn văn ở các lớp trung học đệ nhất cấp (từ lớp 6 đến lớp 9) đến việc giới thiệu toàn tác phẩm, đặc biệt là ba tác giả trụ cột của Tự Lực văn đoàn là Nhất Linh, Khái Hưng và Hoàng Đạo được khảo kỹ về tác giả; giới thiệu kỹ tác phẩm, cho đến các bài trích giảng, bài đọc thêm, hệ thống câu hỏi giáo khoa và đề luận về Tự Lực văn đoàn, về ba tác phẩm của ba tác giả trụ cột của văn đoàn được học kỹ trong chương trình lớp 11.
      Về Thơ Mới, nếu từ lớp 6 đến lớp 9, phần giảng văn có trích giảng các bài thơ của các tác giả trong phong trào Thơ Mới (Thanh Tịnh, Bàng Bá Lân, Nguyễn Nhược Pháp, Đoàn Văn Cừ, Xuân Diệu, Vũ Đình Liên, v.v..) thì đến lớp 11, ở bài văn thể về Thơ Mới, trên cơ sở nêu định nghĩa, lai lịch, nguồn gốc, thể cách, bài viết về văn thể này đã giới thiệu các tác giả đỉnh cao, tiêu biểu của phong trào Thơ Mới là: Thế Lữ, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử. Bên cạnh sách giáo khoa còn nêu hệ thống các câu hỏi giáo khoa và các đề luận về Thơ Mới.

      Xin được nói thêm để nhấn mạnh là trong chương trình thi Tú tài bán phần môn Văn, phần văn chương Tự Lực văn đoàn và Thơ Mới là một trong vài trọng tâm, trọng điểm của chương trình thi. Qua tìm hiểu các đề thi Tú tài bán phần từ sau năm 1954 cho đến năm 1971 (là năm cuối cùng tổ chức thi Tú tài bán phần, vì năm sau bỏ thi học vị này, chỉ còn lại thi Tú tài toàn phần sau khi học sinh học xong chương trình lớp 12) thì hầu như năm nào trong đề thi cũng có hỏi về Thơ Mới, về Tự Lực văn đoàn hoặc là câu hỏi giáo khoa, hoặc là đề nghị luận văn chương.

      4. Từ đó, có thể đi đến kết luận văn chương Tự lực văn đoàn và Thơ Mới có một vai trò và vị trí quan trọng trong chương trình môn Văn trung học đệ nhất và đệ nhị cấp ở Miền Nam trước năm 1975. Trong khi đó, cùng thời gian này trong chương trình và sách giáo khoa ở Miền Bắc lại không hề nhắc đến; còn trong giáo trình Văn học sử giai đoạn 1930-1945 ở bậc đại học thì lại phê phán Tự Lực văn đoàn và Thơ Mới một cách gay gắt, nặng nề. Điều này có lý do tế nhị riêng của một thời đã qua. Rất may là từ sau 1986, nhất là từ 1990 đến nay, vấn đề này đã được nhìn nhận lại và các nhà nghiên cứu đã thống nhất khi đánh giá rất cao vai trò cùng đóng góp không nhỏ của văn chương Tự Lực văn đoàn và thơ Mới trong quá trình hiện đại hoá văn học dân tộc hồi nửa đầu thế kỷ XX.

      Người viết bài này không phải là người am tường hay nghiên cứu sâu về văn học hiện đại, nhưng cũng xin được góp thêm tiếng nói về việc nghiên cứu văn chương Tự Lực văn đoàn và thơ Mới. Đến nay sau 80 năm nhìn lại và nhận thức lại có thể thấy với những thành tựu đã có là rất đáng quý. Các chuyên gia hàng đầu và các nhà nghiên cứu về văn học Việt Nam giai đoạn này đều đã nêu bật những đóng góp của văn đoàn và phong trào thơ Mới như về cách hành văn diễn đạt, về ngôn ngữ, về thể loại, về tư duy nghệ thuật v.v.. trong quá trình hiện đại hoá văn học, và hầu như chỉ nghiên cứu có tính chất đóng khung trong nội bộ của văn đoàn, của phong trào và đặt chúng trong bối cảnh văn học giai đoạn 1932-1945, chứ chưa có nhà nghiên cứu nào đặt văn đoàn và phong trào này trong bối cảnh của văn học khu vực Đông Á hay rộng hơn nữa để so sánh nhằm rút ra điểm tương đồng và tương dị cùng quy luật phát triển giữa các nền văn học trong tiến trình hiện đại hoá. Thiết nghĩ, nếu làm được điều này thì hy vọng sẽ có nhiều phát hiện mới và sẽ mới hiểu được một cách tường tận sự “quặn mình vật vã trở dạ” để lột xác của văn học Việt Nam, chỉ trong khoảng 15 năm mà gần như đã “theo kịp 300 năm của người”, từ đó mới thấy và nhận rõ hết ý nghĩa và những đóng góp cực kỳ lớn lao của Tự Lực văn đoàn và phong trào thơ Mới đối với văn học Việt Nam hiện đại.

Nguyễn Công Lý
* * *
Chú thích
(1) Chỗ này trong chương trình khung của Bộ Quốc gia Giáo dục và các sách giáo khoa, các công trình nghiên cứu ở Miền Nam trước 1975 đã nhầm khi khẳng định Nguyễn Trãi là tác giả của Gia huấn ca. Bởi khi biên soạn tất cả các soạn giả đều dựa vào bộ sách Việt Nam văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm. Đúng ra, theo tình hình tư liệu đã phát hiện gần đây thì tác giả của Gia huấn ca là Tiên Điền Nguyễn tướng công, mà theo các nhà nghiên cứu chính là Tiến sĩ Nguyễn Huệ, anh ruột của Tiến sĩ Tể tướng Nguyễn Nghiễm, ông là bác ruột của thi hào Nguyễn Du.

* * *
Tài liệu tham khảo

1. Sắc lệnh số 660/TT/SL ngày 01-12-1969 về Chương trình Cập nhật hoá của Bộ Quốc gia Giáo dục.
2. Nghị định số 1152A GD/KHPC/ND ngày 26-6-1970 về Chương trình Cập nhật hoá của Bộ Quốc gia Giáo dục.
3. Thẩm Thệ Hà, Giảng văn lớp 6; Giảng văn lớp 7, Sống Mới xuất bản, SG, 1974.
4. Xuân Tước - Thẩm Thệ Hà, Giảng văn lớp 8; Giảng văn lớp 9, Sống Mới xuất bản, SG, 1974.
5. Xuân Tước - Thẩm Thệ Hà - Bằng Giang, Giảng văn lớp 10; Giảng văn lớp 10, Sống Mới xuất bản, SG, 1974.
6. Đỗ Văn Tú, Giảng văn lớp 6; Giảng văn lớp 7; Giảng văn lớp 8; Giảng văn lớp 9; Giảng văn lớp Đệ tam; Giảng văn lớp Đệ nhị, Văn Hào xuất bản, SG, 1970.
7. Võ Thu Tịnh, Việt văn, Đệ nhị A B C D, 2 tập, in lần thứ 3, Hải Vân xuất bản, 1965.
8. Tạ Ký, Việt Nam thi văn trích giảng, Nxb Khoa học, SG, 1961.
9. Vũ Ký, Luận văn chương và giải đề thi Tú tài 1 A B C D, Trí Đăng xuất bản, SG, 1972.
10. Phạm Thế Ngũ, Bài Việt văn kỳ thi Tú tài – Bài luận văn chương, 3 tập, Phạm Thế xuất bản – Quốc học tùng thư, SG, 1970.

Huỳnh Hữu Đức - Sưu tầm
(Theo http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét