Thứ Năm, 16 tháng 1, 2014

Đoản Văn Cuối Cùng Cho Bố

 Để kỷ niệm cho riêng tôi 
và tặng cho những ai vừa mất bố  (LA )

      Thế là sau vài tháng chống đối trong tuyệt vọng với căn bệnh ung thư, bố tôi đã vĩnh biệt con cháu để đến một thế giới yên bình nào đó với mẹ tôi. Người mà bố tôi đã phải đau đớn rời xa khi tuổi mới chớm hoàng hôn để nhận lấy gần 30 năm trời, sống trong sự cô đơn, buồn tẻ vừa qua.
      Bố tôi ra đi để lại cho tôi một cảm giác ân hận. Vì vướng bận với công việc sinh nhai, tôi đã không thể về kịp gặp bố trong những ngày bệnh hoạn cuối đời của bố. Tuy vậy trong thời gian bố bệnh, gần như ngày nào tôi cũng liên hệ điện thư hay điện thoại để theo dõi tình trạng của bố. Hình như nhiều năm qua, linh cảm đã đến, day dứt, báo trước cho tôi biết sẽ vì một lý do nào đó, ngày bố ra đi có thể tôi sẽ không có điều kiện về thăm. Chính vì vậy hơn 10 năm qua, năm nào tôi cũng dành thời gian về thăm bố như để bù trừ cho sự khiếm khuyết đó.


      Trong cảm giác ân hận, dĩ vãng kéo tôi về với 35 năm về trước. Ngày mà tôi đang còn cao ngạo với vài thành công trong lứa tuổi mới lớn, vừa bước vào đời. Mừng vui với may mắn được rời xa đất nước, đi Nhật bản tu nghiệp. Tôi còn nhớ rất rõ lần tiễn đưa tôi ở phi trường Tân Sơn Nhất. Ông nội buồn rầu nhìn tôi mà nói, chắc ngày tôi về không còn gắp ông tôi nữa. Đúng như vậy, sau khoảng 2 năm ông tôi mất. Lúc đó tôi đang cực nhọc, phải làm đủ mọi công việc để kiếm sống vào những năm 1975, 1976 . Từ phu đổ rác trong khu kỹ nghệ thành phố đến thân phận kẻ lao công, lái xe nâng hàng trong những nhà kho đông lạnh ...Tôi đều đã trải qua ở Nhật bản để kiếm tiền cho việc ăn học của chính mình và gửi về nước cưu mang gia đình.

      Cũng trong lần tiễn đưa đó. Mẹ tôi lại nhìn vào tôi, đứa con trai trưởng với sự an toàn, đầy tự tin hơn.Tôi không quên, lúc sửa soạn bước vào khu vực ngăn cách kẻ ra đi, người ở lại. Mẹ ân cần nói nhỏ với tôi: “ Mẹ rất tin vào sự khôn ngoan và biết tính toán của con, giúp con hiểu rằng cả gia đình đang trông chờ nơi con mà cố gắng học hành, đừng theo chúng bạn ăn chơi!“ . Tôi cũng không ngờ lần tạm biệt, với lời dặn dò đó là câu nói cuối cùng vĩnh biệt, mẹ đã dành cho tôi . Mẹ tôi mất khi tầm tay với của tôi vừa chạm vào chiếc cọc an cư, lạc nghiệp của đời tôi, khi vừa đến Thụy Sĩ. Lúc đó tôi vừa lập gia đình, đứa con trai đầu lòng của tôi, cũng là đứa cháu đầu tiên của mẹ chưa kịp chào đời. Trong nỗi đau buồn, mất mát to lớn đó, tôi cũng chẳng có điều kiện giấy tờ để về Việt Nam dự đám táng của mẹ!

      Sau đó tôi đổ dồn lo lắng, báo nghĩa ân tình vào bố tôi, mong ước bù lấp phần nào những khiếm khuyết với sự ra đi của ông nội và mẹ tôi. Tôi đã tìm đủ mọi cách tạo dựng cho bố có cuộc sống thanh nhàn, sung túc trong gần 30 năm từ ngày mẹ tôi mất. Nhưng với cá tính thiếu sâu sắc cố hữu của mình, tôi đã không hiểu thực sự về bố. Tôi đã không nhìn thấy sự cô đơn, buồn tẻ của bố, người bố chỉ vừa qua tuổi trung niên đã phải sống kiếp hẩm hiu đơn chiếc. Mãi sau này khi cuộc sống và cái nhìn của xã hội Tây phương đã giúp tôi thông hiểu hơn về bố thì đã muộn màng. Thời gian và tuổi già đã đưa đến cho Bố chữ yên phận,chỉ muốn được sống vui với con cháu và bạn bè cùng lứa tuổi ở địa phương.

      Bây giờ khi bố mẹ đã mất, đời tôi đã đi qua với 35 năm sống tha hương. Quay nhìn lại thời gian trải dài phía đằng sau. Mới ngày nào còn ở tuổi thanh niên với giòng máu nóng cuồn cuộn trong cơ thể. Cũng như biết bao nhiêu thanh niên khác được may mắn có dịp ra hải ngoại học hành, mở mang kiến thức. Tôi ôm mộng ước cho ngày trở lại quê hương để làm việc cho nơi mình đã sinh ra, lớn lên đang trong khói mù của chiến tranh. Nơi mà tôi đã có quá nhiều kỷ niệm buồn vui , đã từng nhìn rất rõ nỗi nhọc nhằn nghèo túng của mẹ cha . Nhưng hoàn cảnh thế sự đã khác, ngày ra đi, tôi không thể hình dung được cũng là ngày tôi rời xa biền biệt, để những lần trở về chỉ là những cuộc rong chơi của người khách nhàn du. Mấy chục năm vừa qua, tôi về thăm Bố, thăm quê hương của chính mình nhưng vẫn trong thân phận một con người khác hoàn cảnh. Tôi chỉ ở VN vài tuần lễ để đuổi đi phần nào nỗi buồn nhớ cố hương , sự cô đơn của cuộc sống hải ngoại ... rồi lại ra đi (dù trong lòng mình vẫn có cái gì vướng víu ?!)

      Kể từ nay, bố không còn nữa, tôi đã mất đi cái cảm giác về quê hương thăm bố. Nhưng tôi vẫn còn quá nhiều lý do, sự ham muốn từ quê hương réo gọi, bởi vì Việt Nam vẫn là nơi có quá nhiều hoài niệm và đầy ước mơ của tôi.
      Dĩ nhiên những lần về nước sau này, ít hay nhiều tôi cũng không còn những mong đợi thời gian cho đến ngày lên máy bay như trước nữa , lúc bố tôi còn sống . Tôi cũng không còn phải để dành những hộp chocolate thật ngon, những lọ sâm Cao Ly rất tốt... dàng riêng cho bố nữa. Rồi khi ở VN, những lần vui với bạn bè đến quá nửa đêm khi trở về nhà. Tôi không còn dịp để xúc động mỗi khi thấy bố còn chong đèn, nửa thức nửa ngủ chờ mở cửa cho tôi, không một lời trách mắng. Rồi còn đâu những lần dẫn vợ con cùng về. Bố biết con dâu, cháu nội thích ăn xôi, cơm nếp, đã thức dậy từ 3,4 giờ sáng vo gạo đãi đậu phục vụ cho con cháu ăn mà lòng bố tràn đầy hạnh phúc. Tất cả không còn nữa !

      Tôi cũng vậy, những lần theo bạn bè du lịch, khi ra Bắc chẳng bao giờ tôi quên mang về vài gói cốm Hà nội, bánh đậu xanh Hải Dương làm quà cho bố. Những lần thăm viếng xứ Huế, đất cố đô, tôi mua về vài gói kẹo lạc, mè xửng dành cho bố uống trà . Khi xuống miền Nam, nơi tôi đã khởi nghiệp bước công danh của gần 40 năm về trước. Dù có bận rộn thế nào tôi vẫn phải mang về cho bố những đòn bánh tét , những gói cá khô thiều đặc sản địa phương. Rồi biết bao lần, khi có dịp qua đường Nguyễn Văn Hai, ngã ba Ông Tạ tôi chưa bao giờ quên cái món bê thui để mua về một gói, đó là món ăn bố tôi rất thích. Bây giờ, bố đã mất rồi, mọi sự việc là những ký ức đẹp đẽ sẽ được thời gian đẩy xa dần vào dĩ vãng và mãi mãi là những kỷ niệm trong lòng tôi về bố. Người bố mà tôi chẳng muốn quên.
      Trong thời gian bị bệnh cũng như lúc được tiễn đưa đến nơi yên nghỉ mãi mãi, bố đã được săn sóc ân cần của con cháu, sự thân tình thăm viếng của đông đảo họ hàng, bạn bè. Tất cả mọi người đã đến với bố bằng sự thân tình quí mến chân thành. Đây có lẽ là một niềm vui và hãnh diện của bố.


      Tôi tự hỏi, 10 năm, 20 năm hay 30 năm sau, khi tôi 70, 80 hay 90 tuổi, dĩ nhiên tôi cũng sẽ phải ra đi như bố, như tất cả nhân gian để hợp với lẽ biến đổi không ngừng của kiếp vô thường trong Phật pháp. Rất có thể một lần về thăm Việt Nam, quê hương với biết bao nhiêu giấc mơ dang dở trong lòng tôi. Vì một nguyên nhân nào đó tôi sẽ ra đi, nằm lại với quê hương và tôi sẽ không còn là kẻ tha phương kiếm sống nữa. Nhưng cũng có thể định số lại đưa thân xác tôi về nơi quê vợ, Nhật bản. Nơi tôi đã khởi đầu một cuộc đi xa trong đời để rồi phải nhìn về VN dưới cái nhìn cố quốc. Nhưng biết đâu sau vài cơn đau đớn cái chết đến với tôi ở Thụy Sĩ quê hương thứ hai của tôi. Nơi đã đưa vòng tay nhân ái, nồng nàn cho tôi được dịp thi thố tài năng và học hỏi của mình trong hơn 30 năm qua.Tất cả là chữ nếu, không có gì lạ lùng khi xẩy ra cho đời tôi.

      Nhưng dù xuôi tay từ giã cuộc sống ở bất cứ nơi nào. Việt Nam, Nhật bản hay Thụy sĩ... Tôi chắc chắn, tôi sẽ không có được những ân tình nồng nàn của đông đảo con cháu, họ hàng và bạn bè tiễn đưa, thân thiện như bố tôi. Rất dễ hiểu bởi vì bố tôi là một người có quá nhiều đức tính của bao dung, thân thiện và đạo đức ... làm sao tôi có thể so sánh được ?! Từ lúc sinh ra, tôi chưa bao giờ học hỏi được một cái gì dù rất nhỏ liên quan đến văn chương, khoa học từ bố ... Nhưng chắc chắn đức tính làm người chân thật, tốt lòng và đạo đức của Bố với mọi người đã làm tôi cảm phục, kính nể .Tôi chắc chắn chẳng bao giờ đủ tài năng để theo được Bố tôi. Ông bố quê mùa, kém học thức nhưng lại là ông bố tuyệt vời mãi mãi ngự trị trong lòng tôi -/-


Lưu An
(Zuerich , March 2008)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét