Chủ Nhật, 10 tháng 11, 2013

Sự Tích Trái Dưa Hấu (Cổ Tích)








Đời xưa, thời vua Hùng Vương, đất nước ta có núi cao, có sông rộng, trời đẹp nắng vàng, nhưng đồng ruộng thưa thớt, hoa quả chưa có nhiều thứ thơm ngọt như bây giờ. Vua Hùng Vương thứ mười bảy có một người con nuôi là An Tiêm có tài tháo vát và có trí hơn người. Vua yêu mến An Tiêm thường ban cho của ngon vật quý.

Thói thường, các quan được một chút lộc vua thì nâng niu ca tụng; riêng An Tiêm thường bảo: "Của biếu là của lo, của cho là của nợ!" và xem thường các thứ ấy. Việc đến tai vua, vua giận lắm, bảo: "Đã thế ta cho nó cứ trông vào tài sức của nó xem có chết rũ xương ra không".
Thế là một buổi sớm, tự nhiên An Tiêm thấy lính đến giải cả chàng lẫn vợ con xuống thuyền, chẳng cho mang theo một cái gì hết. Chàng nói mãi chúng mới để cho đem một cái gươm cùn hộ thân. Buồm căng gió, thuyền tròng trành nhằm biển khơi thẳng tiến. Bãi cát trắng, vệt cây xanh trong bờ lần lượt khuất đi, rồi bèo bọt, rác rểu, dấu vết của dân cư cũng không còn nữa, bây giờ chỉ thấy trời với nước xanh ngắt một mầu.
Hôm sau thuyền đến một đảo nhỏ. Họ để gia đình An Tiêm lên bờ với năm ngày lương thực, một chiếc nồi, rồi nhổ neo quay lái. Nàng Ba, vợ An Tiêm, bế con nhìn theo chiếc thuyền dần dần ra xa rồi khuất mất, nước mắt nhỏ như mưa. Từ nay có bao giờ nàng lại được cùng hàng xóm chia nhau những bắp ngô đầu mùa, hay nói một câu chuyện gia đình dưới ánh trăng! Quay vào hòn đảo hoang vu nàng lại càng khiếp sợ hãi hùng, không biết rồi đây lấy gì mà ăn để sống tạm cho qua ngày tháng.

An Tiêm dắt vợ con tìm được một cái hốc đá ở tạm. Rồi chàng cắp gươm đi thăm dò. Hòn đảo quả thật hoang vu, chỉ có ít cây cỏ lơ thơ và mấy loài chim biển. Tìm mãi mới thấy vài thứ quả chát chua và rau dại ăn tạm cho đỡ đói. Từ đấy, ngày ngày An Tiêm trồng rau và tìm quả, nàng Ba thì ra bờ biển mò con ngao, cái hến. Đứa con lớn của An Tiêm bắt chước cha cũng cặm cụi làm bẫy đánh chim. Nhưng rồi chim dần dần quen bẫy, có khi suốt ngày thằng bé không bắt được một cái lông. Cá nhiều nhưng không lưới, quả thì có mùa. Cho nên thức ăn chính của vợ chồng con cái An Tiêm vẫn là mấy thứ rau dại mà chàng trồng thành rau vườn. Cuộc đời của bốn người vô cùng lao đao, vất vả, chẳng khác giống chim muông bao nhiêu. Tuy vậy An Tiêm vẫn tin rằng một ngày kia, mình có thể làm cho đời sống khá lên.
Một hôm có con chim đương ăn ngoài bãi thấy An Tiêm đến, vội bay đi, bỏ lại một miếng mồi đo đỏ. An Tiêm cầm lên xem thì là một mảnh quả dưa bằng hai ngón tay. Chàng nghĩ thầm chim ăn được có lẽ người cũng ăn được, bèn nếm thử thì thấy có vị ngọt. Chàng ăn hết miếng dưa và nhặt hạt gói lại. Ngồi nghỉ một lát thấy mát ruột, đỡ đói, chàng có ý mừng, lấy gươm xới một khoảnh đất mà gieo hạt xuống.
Ít ngày sau mấy hạt dưa mọc mầm đâm lá, bò tỏa ra khắp khoảnh đất. Nàng Ba cũng giúp chồng sớm chiều săn sóc mấy dây dưa lạ. Vợ chồng hồi hộp trông thấy mấy cái hoa đầu tiên hé nở, rồi hoa kết quả, lúc đầu bằng ngón tay út, ít lâu sau đã như con chuột, rồi con lợn con. Thấy nó lớn mãi như không bao giờ thôi, An Tiêm cũng không biết lúc nào nên hái.

Một buổi sớm tinh mơ, nghe tiếng quạ kêu ngoài bãi, nàng Ba bảo chồng:
- Ở đây hoang vắng, quạ không tụ họp bao giờ, nay chúng nó kêu inh ỏi một nơi, tất là có sự lạ. Anh ra xem thế nào!
An Tiêm ra đến bãi thì đàn quạ bay đi bỏ lại quả dưa chúng vừa mổ thủng vài nơi. Chàng cắt dưa về. Khi chàng bổ dưa ra, cả nhà lóa mắt vì mầu đỏ tươi của ruột dưa. Đây đó giữa mầu đỏ, có những hạt đen như hạt huyền và bọc ngoài một lớp vỏ trắng viền xanh. Hai đứa bé thèm nhỏ nước rãi, nàng Ba thì cứ tấm tắc khen quả trông ngon mắt. An Tiêm cẩn thận cắt cho mỗi người một mảnh nhỏ ăn thử. Bốn người như một, khen ngợi cái vị thanh ngọt, cái mùi thơm nhẹ nhàng của quả lạ, ăn vào không những không xót ruột lại còn thấy đỡ khát và khỏe người ra. Đến trưa, An Tiêm mạnh dạn bổ hết quả dưa cho con ăn đến no.
Bấy giờ cả nhà An Tiêm mừng rỡ, bồng bế nhau ra bãi, chọn những quả sẫm mầu da đem về, còn lại thì thay phiên nhau canh quả. Và từ đấy, họ cứ trồng thêm ra mãi. Tất cả nông cụ chỉ gồm có một cái gươm cùn và mấy hòn đá mài bén, vì vậy thêm một gốc dưa là thêm không biết bao nhiêu mồ hôi nước mắt. Nhưng họ chăm sóc hết lòng, nhờ vậy giống dưa càng ngày càng sai, quả càng to, thịt dày thêm mãi, vỏ mỏng dần đi, vị càng thơm ngọt. Cứ mỗi lần hái dưa, An Tiêm lấy mấy quả đánh dấu thả ra biển. Dưa trôi biệt tăm tích không biết bao lần, trăng non rồi trăng già không biết bao bận, An Tiêm vẫn không ngã lòng. Quả nhiên một hôm có một chiếc thuyền ghé đến hỏi xem ai đã trồng được giống dưa quý, để đổi về đem bán trên đất liền. Từ đấy An Tiêm đổi được các thức ăn dùng thường ngày và còn cất được một cái nhà lá xinh xinh.
Về phần vua Hùng Vương, từ ngày bỏ An Tiêm ra hoang đảo, vua yên trí rằng An Tiêm đã chết rồi, đôi khi nghĩ đến cũng có bùi ngùi thương hại. Cho đến một ngày kia, thị thần dâng quả dưa lạ, vua ăn ngon miệng bèn hỏi thăm tung tích, mới biết là do An Tiêm trồng ngoài đảo. Vua ngẫm nghĩ thấy mình sai, cho thuyền ra đón gia đình An Tiêm. An Tiêm và nàng Ba mừng rỡ, thu lượm hết những quả dưa chín và hạt giống đem về phân phát cho bà con hàng xóm, và truyền dạy cách gieo trồng, chăm bón. Đó là nguồn gốc giống dưa hấu mà chúng ta ăn ngày nay.

Về sau khắp nước ta đều có giống dưa hấu. Nhưng người ta nói chỉ có huyện Nga Sơn là trồng được những quả ngon hơn cả, vì nơi ấy xưa là hòn đảo An Tiêm ở, trải qua mấy nghìn năm nước cạn, cát bồi nay đã liền vào với đất. 
 
Lời bình 

Truyện "Sự tích dưa hấu" thuộc nhóm truyện giải thích nguồn gốc của sự vật, ở đây là giống dưa hấu khá to, quả tròn có quả nặng 3 kg, 5 kg, ruột đỏ, vỏ xanh đậm, ăn ngọt mát, vừa có tác dụng giải khát, vừa có tác dụng bồi bổ sức khỏe. Tại sao lại có tên là dưa hấu? Theo một tài liệu có đăng trên tạp chí Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh số Tết Bính Tý, thì sở dĩ có tên "hấu" vì người Việt khi thấy một khách thương người Hoa vừa ăn dưa, vừa khen "hảo! hảo" nên nhại lại chệch âm thành hấu. Kỳ thực loại dưa này từng có tên khác là "Quả dưa đỏ" mà xưa kia hồi đầu thế kỷ 20 Nguyễn Trọng Thuật từng phóng tác thành tiểu thuyết. Tiếp đó vào những năm trước 1975, nhà văn Tô Hoài một lần nữa lại chuyển thể truyện cổ tích này thành tiểu thuyết với tên "Đảo hoang". Lại có lúc truyện được mang tên "Mai An Tiêm", với kiểu truyện dùng tên nhân vật chính. Và nhân vật chính ở đây lại là con nuôi vua Hùng thứ mười bảy. Như vậy tùy theo nhan đề truyện mà có hướng tiếp cận, tìm hiểu truyện khác nhau. Với nhan đề "Sự tích dưa hấu", truyện nghiêng về phía giải thích nguồn gốc sự vật. Còn với nhan đề "Mai An Tiêm", truyện lại nghiêng về phía nhân vật. Nhưng dù với nhan đề gì, thì truyện cổ tích này vẫn là một câu chuyện viết về nhân vật Mai An Tiêm với các phẩm chất luôn khẳng định bản tính tự lực cánh sinh, tin vào sức lao động của mình, bền bỉ kiên trì vượt qua mọi sự thử thách khắc nghiệt để tồn tại và phát triển. Nhờ nghị lực phi thường đó, chẳng những Mai An Tiêm đã thắng được sự thách đố của nhà vua mà còn tạo cho đất nước một loại cây quả quý giá: cây dưa hấu.

Câu chuyện gồm 3 phần: 

Phần 1. 
Từ đầu truyện đến "cho qua ngày tháng": nguyên cớ và sự việc An Tiêm bị đày ra hoang đảo
Mở đầu truyện giới thiệu nhân vật Mai An Tiêm: con nuôi vua Hùng Vương thứ mười bảy, "có tài tháo vát, có trí hơn người", được nhà vua yêu mến và thường ban cho của ngon vật lạ.
Nếu Mai An Tiêm cứ bằng lòng với cuộc sống như vậy thì chí ít cũng sung sướng an nhàn cho đến mãn đời. Chẳng đã có bao nhiêu người hễ được chút lộc vua thì nâng niu ca tụng đó sao? Và nếu vậy thì cũng chẳng có truyện "Sự tích dưa hấu".

Nhưng An Tiêm vì có tài trí hơn người, đâu chịu theo thói thường bo bo giữ nếp xu mị. Vốn tính thẳng, chàng nói ra ý mình: "Của biếu là của lo, của cho là của nợ", có nghĩa là nhận của biếu, của cho của người khác, cho dù đó là lộc vua đi nữa, vẫn cứ mắc nợ nần ân huệ của người cho, và người được cho phải lo trả nghĩa ân huệ đó, có khi lệ thuộc suốt cả cuộc đời. An Tiêm không muốn sống bằng cách hưởng thụ sự ban ân. Như thế thì cuộc đời còn gì là tự do nữa, và bản thân con người liệu có còn là con người nữa không, hay suốt đời chỉ là kẻ tôi tớ hèn mọn? Phải chăng đó chính là những suy nghĩ của Mai An Tiêm khi thốt ra khỏi miệng một câu nói thẳng như ruột ngựa: "Của biếu là của lo, của cho là của nợ".
Tất nhiên câu nói ấy sẽ đến tai nhà vua. Và phản ứng của nhà vua thật là quyết liệt: "Vua giận lắm, bảo: "Đã thế ta cho nó cứ trông vào tài sức của nó, xem có chết rũ xương ra không". "Thế rồi một buổi sớm, tự nhiên An Tiêm thấy lính đến giải cả chàng lẫn vợ con xuống thuyền, chẳng cho mang theo một cái gì hết. Chàng nói mãi, chúng mới để cho đem một cái gươm cùn để hộ thân". Vậy là chỉ vì một câu nói thẳng, gia đình Mai An Tiêm gồm 4 người (vợ chồng, thằng con lớn và đứa con nhỏ) bị đày ra hoang đảo giữa biển cả mịt mù, xa cách hẳn với xã hội loài người.

Tai họa đến từ một câu nói thẳng, một kiểu vạ miệng, và cũng đến từ lòng tự ái của một nhà vua đầy độc đoán và quyền uy. Nếu biết trước cái giá phải trả của một câu nói thẳng "đắt" đến thế, thì có lẽ Mai An Tiêm đã không nói. Nhưng như thế thì đâu còn là chàng Mai An Tiêm "có tài tháo vát, có trí hơn người", có lòng tự trọng cũng hơn người! Bỗng nhiên cả gia đình Mai An Tiêm rơi vào một thảm cảnh khắc nghiệt: có thể "chết rũ xương" ở chốn hoang đảo không nơi trú thân, không lương thực, vật dụng, nước uống. Cho nên nàng Ba, vợ An Tiêm "Quay vào hòn đảo hoang vu, nàng lại càng khiếp sợ hãi hùng,...". Nỗi khiếp sợ của người đàn bà bế con nhỏ ấy là có thật
  
Phần 2. 
Từ "An Tiêm dắt vợ con..." đến "một cái nhà lá xinh xinh": cuộc vật lộn để tự kiếm sống trên hoang đảo
Nơi hoang đảo, An Tiêm có điều kiện thể hiện một cách cụ thể nhất tài trí của mình chẳng những vì cuộc sống của bản thân chàng, mà còn vì cuộc sống của vợ con chàng nữa. Hãy xem tài và trí của An Tiêm được thể hiện như thế nào?
An Tiêm bình tĩnh cắp gươm đi thăm dò, tìm rau dại, tìm quả dại. Vợ An Tiêm mò ngao, mò hến. Đứa con lớn làm bẫy đánh bắt chim. Như vậy cả gia đình An Tiêm sống bằng săn bắt, hái lượm, bằng những vật hoang dại có trên hòn đảo. "Cuộc sống của bốn người vô cùng lao đao, vất vả, chẳng khác giống chim muông bao nhiêu". "Tuy vậy An Tiêm vẫn tin là một ngày kia, mình có thể làm cho đời sống khá lên". Niềm tin ấy lóe lên bất ngờ giữa nơi hoang đảo, đúng là niềm tin của cổ tích, ca dao: "Chớ than phận khó ai ơi, Còn da lông mọc, còn chồi nảy măng". Như vậy trước Robinson Cruso, nhân vật trong truyện cùng tên của nhà văn Anh Daniel Defo (1660 - 1731) gần hai chục thế kỷ nhân vật Mai An Tiêm của nước Văn Lang dưới triều đại các vua Hùng đã vật lộn để trụ vững trên hoang đảo.

Rồi niềm tin về một cuộc sống sẽ khá hơn bắt đầu trở thành hiện thực khi Mai An Tiêm phát hiện ra "một mảnh quả dưa bằng hai ngón tay". "Chàng nghĩ thầm: chim ăn được có lẽ người cũng ăn được, bèn nếm thử thì thấy có vị ngọt". Chi tiết này nói lên Mai An Tiêm thật là thông minh, có trí hơn người ở cách suy luận có lý. Và cái tài của An Tiêm cũng lộ rõ ở việc An Tiêm "lấy gươm xới một khoảnh đất mà gieo hạt xuống". Nhờ vậy mà mấy hạt dưa nhặt được đã mọc mầm, đâm lá, bò tỏa rồi ra hoa, kết trái, thành một vườn dưa trồng lúc nào không biết, biến hòn đảo hoang vu thành một hòn đảo dưa trồng ngon quý. "Tất cả nông cụ chỉ gồm có một cái gươm cùn và mấy hòn đá mài bén..." nhưng nhờ sự lao đồng cần cù, sự bền bỉ kiên trì của Mai An Tiêm nên "giống dưa càng ngày càng sai, quả càng to, thịt dày thêm mãi, vỏ mỏng dần đi, vị càng thơm ngọt". Hóa ra "Bài ca vỡ đất" của nhà thơ Hoàng Trung Thông sáng tác khoảng năm 1950 với những câu: "Bàn tay ta làm nên tất cả, Có sức người sỏi đá cũng thành cơm", lại được Mai An Tiêm thể nghiệm từ những năm dưới thời các vua Hùng.
Mai An Tiêm trở thành người anh hùng của lao động sáng tạo và đồng thời là người anh hùng sáng tạo văn hóa miệt vườn nữa.
Ở phần này cái trí của An Tiêm lại một lần nữa được thể hiện khi "cứ mỗi lần hái dưa, An Tiêm lấy mấy quả đánh dấu thả ra biển. Dưa trôi biệt tăm tích không biết bao lần, trăng non rồi trăng già không biết bao bận, An Tiêm vẫn không ngã lòng". Tại sao An Tiêm lại cứ thả dưa trôi biển như thế? Vì An Tiêm muốn về lại với xã hội loài người, muốn tìm đến sự giao lưu, trao đổi. Tất cả những lao động sáng tạo vất vả, cực nhọc của An Tiêm và gia đình cũng chỉ vì một mục đích như thế: thoát khỏi cảnh đày ải, trở về với cuộc sống con người bình thường, cuộc sống của cộng đồng. Ở đảo hoang bốn bề xa vắng, nếu không đánh dấu thả dưa trôi biển, thì liệu đến kiếp nào An Tiêm mới gặp lại được xã hội loài người. Cách thực hiện sự giao tiếp của An Tiêm thật thông minh mà nhiều đời sau khi chưa có phương tiện phát sóng truyền tin, những người đi biển vẫn thường sử dụng bằng cách nhắn tin bỏ vào những chai thủy tinh nút kín, thả trôi trên biển. Và quả nhiên khi các thuyền buôn nhiều nơi đến với hoang đảo, gia đình Mai An Tiêm đã có được thức ăn dùng thường ngày và còn cất được "một cái nhà lá xinh xinh" nữa.

Phần 3. 
Đoạn còn lại: Mai An Tiêm được đón trở về đất liền
Mai An Tiêm đã phải vật lộn với thiên nhiên hoang dã để mong có ngày trở về với xã hội con người. Vì vậy mà mới có chuyện An Tiêm thả dưa xuống biển. Có thể nói An Tiêm đã tự mình tìm về được với xã hội con người khi những thuyền buôn đến đảo để trao đổi vật dụng với những trái dưa ngon quý. Nhưng tại sao nhà vua lại "ngẫm nghĩ thấy mình sai, cho thuyền ra đón gia đình An Tiêm"?. Vì nhà vua hiểu nhầm câu nói thẳng của An Tiêm. Nhà vua nghĩ rằng An Tiêm coi thường các thứ vua ban, nghĩ rằng An Tiêm là kẻ vô ơn, bạc nghĩa, có chết rũ xương cũng đáng. Kỳ thực câu nói của An Tiêm tựa như một câu tục ngữ, có ý nghĩa khái quát xác đáng: "của làm ra để trên gác, của cờ bạc để ngoài sân, của phù vân để ngoài ngõ". Cho đến khi An Tiêm tự lực cánh sinh chứng minh được chân lý đó thì nhà vua mới tỉnh ngộ, và sửa sai bằng cách cho thuyền ra để đón cả nhà An Tiêm về đất liền.
Cũng như nhiều truyền thuyết khác kể về thời dựng nước của các vua Hùng, truyện "Sự tích dưa hấu" giải thích thêm nguồn gốc một sản vật quý của đất nước cũng xuất hiện ở thời Hùng Vương. Câu chuyện còn minh họa cho tục ngữ của người Việt đúc kết kinh nghiệm sống. Câu chuyện có thể là một chứng tích mở đầu cuộc phiêu lưu trên biển đầu tiên của người Việt cổ, với những chi tiết phong phú, sống động. Có lẽ vì thế mà nhiều nhà văn Việt Nam hiện đại chọn lựa đề tài này để phóng tác thành tiểu thuyết nói về thời quá khứ xa xưa của dân tộc Việt.

Chu Huy
Nguồn: saga.vn
Huỳnh Hữu Đức Sưu Tầm



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét