Thứ Hai, 25 tháng 11, 2013

Chị Năm Trầu

  
(Viết bài nầy để riêng tăng các bạn đồng khóa còn ở Việt Nam
 và các bạn đã định cư ở các nước Tự Do trên khắp thế giới)


      Nhìn qua tựa bài, các độc giả lớn tuổi chắc hẳn hình dung ra nhân vật Năm Trầu là một người đàn bà luống tuổi, ghiền trầu, còn những vị nào mê tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh lại mường tượng cảnh bà Hội Đồng nào đó đang bỏm bẻm nhai trầu, miệng thì ra lịnh cho đám người ăn kẻ ở hết chuyện này đến việc khác. Đối với các bạn trẻ sinh ra và lớn lên ở ngoại quốc đó là hình ảnh quá xa lạ, có thể bạn ấy chưa từng gặp qua.
       
       Sự thực nhân vật trong truyện không hề biết ăn trầu, cũng có thể chưa bao giờ biết têm trầu. Chị là một người bạn lâu đời của tác giả. Nhắc tên Năm Trầu để nhớ đên giọng nói của chị: khi thì rề rề, lúc lên giọng cao vút y hệt như nhân vật Bà Năm Trầu của tác giả nào đó được Ban Chiêu Hồi của đài Phát Thanh Quốc gia phát sóng hằng ngày vào khoảng từ một hai giờ trưa, trước khi mất nước.


       Năm 1958 chị và một số bạn nữa học lớp Sư Phạm Cấp tốc đầu tiên ở Vĩnh long với tác giả.  Lớp học bốn mươi bảy người chỉ có mười bốn nữ. Chị xuất thân trong gia đình danh giá ở Vĩnh long, ba chị là công chức, các anh đều có địa vị dưới thới Việt Nam Cộng Hòa. Cuộc đời công chức của chị phải nói hoàn toàn như ý, không gian truân hay bị trù dập như một số người khác, chị luôn được ở chỗ tốt. Những năm đầu chị cũng  dạy chỗ xa nhà nhưng có xe đò sáng đi chiều về, không bị nạn đắp mô hay chận xe như một số đia danh trong tỉnh, lần hồi về tỉnh lỵ trong khi đó một số bạn của chị phải lặn lội nơi đèo heo hút gió ít nhứt cũng đôi ba năm mới  mò về gần tỉnh.

Việc bổ nhiệm công chức đặc biệt giáo chức thời bấy giờ có thể nói là rất công bằng, không có cảnh chạy chọt, lo lót hay bị làm tiền. Bên cạnh đó vấn đề nể nang hay quen lớn không nhiều thì ít chắc chắn phải có. Chị được thuận lợi trên  đường nghề nghiệp chắc nhờ sự quen biết từ những người thân trong gia đình.
          Đường nghề nghiệp rất hạnh thông, trái lại tình duyên không mấy ưng ý, nghe đâu lúc trẻ chị đã một lần dang dở, nói tóm gọn mối tình đó bằng mấy từ đơn giản nhưng đau lòng “,tình chị duyên em” câu chuyện thầm kín do một số bạn thân của chị tiết lộ. Với người ngoài chị kín đáo không bao giờ hở môi. Chị kết hôn với anh Đ..một thư sinh, sau một thời gian ngắn anh vào quân đội. Nhà binh rày đây mai đó, tuy vậy anh chị vẫn có hai trai hai gái. Đứa út chào đời không lâu anh đền nợ nước.Tang chồng chưa mãn lại đến tang của đất nước. Nghề  gõ đầu trẻ không còn đất dụng võ cho vợ sĩ quan chế độ cũ. Bất đắc dĩ,chị phải chuyển sang các nghề khác như làm vườn, buôn bán, nhưng đó chỉ là công việc tạm bợ, vì thiếu kinh nghiệm lẫn tiền bạc nên rớ chỗ nào cũng không xong.

 Các con ngày một lớn, tương lai mờ mịt. Bây giờ chị càng tủi thân khi vô kế khả thi, những gia đình khác các con trông cậy vào cha, đàng nầy con của chị chỉ biết trông chờ ở chị. Chính chị là người ban phát cho chúng ; hoặc tới nơi chúng có thể học hành thành người hữu dụng hay là bám lấy quê hương mà các loa ra rả gọi là “anh hung”để rồi suốt đời làm thuê làm mướn vì lý lịch của cha và mẹ chúng không còn chỗ nào để hy vọng, để bám víu.
Một người bạn học cùng trường với chị thủa xưa, có ý định tổ chức vượt biên. Anh cho gia đình con cái chị cùng đi. Thật đúng mong ước của chị. Thôi đành đánh cuộc với số mệnh. Con gái nhà giàu, lên xe xuống ngựa có ai thèm để ý đên ghe xuồng, nếu bất đắc dĩ dùng tới ghe thì phải ghe loại lớn, ghe hầu dành cho chủ cả hồi trước. Số mạng đưa đẩy phải khăn gói lên thuyền (ghe )băng qua biển rộng. Ngoài biển nào phải trong sông,khi thì trời yên biển lặng, nhưng rất hiếm, sóng to gió lớn, ghe nhỏ tròng trành, nhấp nhô theo từng lượn sóng, khi thì thuyền như bay bổng trên cao, bất thần rớt xuống tưởng chừng như chiếc ghe vở tan.  Đàn ông còn khiếp vía huống hồ thân phận nữ nhi. Hoảng sợ không ai tránh khỏi, riêng chị cố giữ bình tỉnh trấn an mấy con. Những người đàn bà khác vượt biên cùng chồng con, ông chồng quán xuyến mọi việc. Nhìn những người đó, chị cảm thấy mình bơ vơ, lạc lõng. Bất chợt chị nhớ lại câu:

          Người ta đi biển có đôi
          Còn tôi đi biển mồ côi một mình.

      Anh bạn, ngoài chăm sóc cho hai con, thỉnh thoảng cũng an ủi chị như đưa cho chị viên thuốc say sóng, rót cho ly nước. Những khi trời yên biển lặng,anh tìm đến ngồi bên chị, nói chuyện bâng quơ, đầu Ngô mình Sở không ngoài mục đích giết thì giờ, cầu mong cho con thuyền mau đến bến bình an.
      Hồi còn là học sinh, anh Luận cũng là một trong những cây si, mỗi khi gặp chị anh cứ ấp a ấp úng nói chuyện trời trăng mây nước, trong khi vấn đề chính anh lại quên mất hoặc nói vòng vo, dân đi học phê là” lạc đề”. Cơ hội không đến hai lần, mối tình nhen nhúm của Luận theo thời gian cũng phôi pha. Anh theo lịnh cha mẹ lập gia đình với người khác, chị lên xe hoa cùng người mình yêu. Cuộc đời khá trớ trêu, anh chị vẫn thỉnh thoảng gặp nhau, vì tỉnh Vĩnh long nhỏ hẹp, hơn nữa anh chị lại ở cùng xóm.
     Ai đã từng vượt biển, mới cảm nhận sự gian nguy luôn rình rập, con người trên thuyền vượt biên thật mong manh nhỏ bé, một cơn sóng cũng đủ nhấn chìm thuyền.



      Ngoài ra còn có thể chết vì thiếu ăn, thiếu uống khi tàu bị hư máy, hêt xăng, gặp hải tặc v.v.. Do vậy khi tới trại tỵ nạn thuyền nhân cảm thấy như mình vừa được tái sanh.  Một hớp nước trên biển khi gặp nguy cấp còn hơn một gia tài, một lời an ủi, động viên trên thuyền giữa biển khơi khiến người nhận như mang ơn to tát. Chị Dung anh Luận, định mệnh khiến xuôi anh chị cùng chung gian khổ trên con đường  tìm tự do. Sau mấy tháng ở trại tỵ nạn, anh được đi định cư đến một Tiểu Bang nhỏ,  ít người, nửa tháng sau chị Dung  và gia đình cũng về cùng Tiểu bang  với anh Luân. Bây giờ hai anh chị đều độc thân tại chỗ. Khi xưa duyên tình của họ vừa nhen nhúm lại tắt, nay đâu còn trở ngại nào ngăn cách họ. Ban đầu anh nhà anh, tôi nhà tôi. Sống như vậy thêm tốn kém tiền mướn nhà, chợ búa. Luận đề nghị chị sống chung nhà. Lúc còn trẻ  người ta thường sử dụng thuật ngữ I love you, tuổi càng cao mỗi khi toan xài câu trên lại thấy ngượng nghịu. Lời đề nghị sống chung bao hàm ý tưởng bao quát hơn nghĩa nghèo nàn vốn có của các  từ vừa nói.
      Hai anh chị vào thời gian nầy không còn gì ràng buộc. Theo quan niệm ĐôngPhương, chồng chết phải thủ tiết ba năm, bây giờ đã quá thời gian. Con anh, con chị đã chung sống nhau trong lúc vượt biên đầy nguy nan và gian khổ, chúng coi nhau như anh em một nhà. Anh chị bây giờ gương vở lại lành họ chung sống thật hạnh phúc.
     Trong Truyện Kiều,khi Từ Hải gặp Kiều,  gắn bó với nàng, nhưng Từ Hải là con người hiếu động, sống với Kiều chỉ được nửa năm;

          Nửa năm hương lửa đương nồng
          Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương

      Anh Luận sống với chị Dung được hai năm, anh lại động lòng, không phải vẫy vùng cho thỏa chí bình sanh như Từ Hải, anh chợt nghĩ đến quê nhà còn nhiều gắn bó ràng buộc,trong nhất thời anh cương quyết ra đi, nay thấy bao nhiêu người về quê vẫn an toàn, nên anh cũng nôn nao, mấy đứa con bên Mỹ tương lai đầy hứa hẹn nếu chúng chịu khó học hành, còn số phận những đứa con còn ở Việt Nam thì sao? Phải chăng lúc ra đi anh còn thủ con đường an toàn nếu chuyến đầu thất bại. Chính vì tính toán quá kỹ nên bây giờ anh nôn nóng trở về thăm!
Không biết phải do số mệnh, anh về dăm hôm lại vướng căn bịnh nghiệt ngã: tai biến mạch máu não. Anh vĩnh viễn ra đi!  Chị Dung một lần nữa lại để tang chòng. Cuộc đời góa bụa lại càng cô đơn, chit bóng. Hồi tưởng những câu kệ trong lúc sắp sửa động quan  của vị sư già hồi đám tang anh Đức, người chồng trước, bất chợt chị nghe lòng mình tê tái.

          Hồi nào vợ vợ chồng chồng…
          Bấy giờ trăng khuyết con mong chi tròn…



      Cuộc đời vô thường.!! Mới hôm nào còn anh anh, em em, nay mỗi người mỗi ngã.
Những tháng ngày tang khó, dường như chị Dung thấu rõ cuộc đời vốn ngắn ngủi,  vô thường .
      Lúc trước ai mời chị đi đâu chị ngại xa, ngại khó. Sau ngày anh Luận mất, chị lần lượt đi thăm tất cả bạn bè. Ai gặp chị đều nhận thấy một biến đổi lớn nơi chị. Dường như chị quyến luyến với tất cả bè bạn. Trước kia đôi khi chị còn giận còn hờn.  Nay ai chị cũng trân quý, chị luôn là người hàn gắn mọi hiểu lầm của các bạn. Nơi nào có chị họp mặt , bao giờ cũng nghe tiếng cười ròn rã. Sự biến chuyển tâm lý khiến bạn bè tinh ý thêm âu lo. Đó là điềm báo chị Dung sắp sửa xa lánh bạn bè chăng? Lo sợ nhưng không ai tin đó là sự thật.

      Tôi đang làm việc lặt vặt bỗng có điện thoại, người gọi là con gái của chị. Cháu cho biết là mẹ cháu bịnh nặng cần gặp tôi. Tôi gọi lại,  chị nói chuyện có vẽ mệt nhưng còn tỉnh táo, chị yêu cầu nói chuyện với vợ tôi. Chị yêu cầu chúng tôi cầu nguyện cho chị.  Chúng tôi vẫn đinh ninh một vài hôm chị sẽ bình phục . Than ôi, ngày hôm sau tức ngày 21 tháng hai dương lịch lúc 12giờ 48 trưa chị trút hơi thở cuối cùng. Chị thanh thản ra đi đã để lại tiếc thương cho bạn bè và những người thương mến chị. 
      Chúng tôi cầu mong chị sớm vãng sanh nơi miền Cực Lạc.

Viết xong November 4-2013

Nguyễn Thành Sơn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét