Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2013

Về Các Thể Loại Tranh


Hội họa là một trong những loại hình nghệ thuật xuất hiện lâu đời nhất trên trái đất. Ngay từ thời tiền sử, tổ tiên ta không những đã biết dùng nó để làm phương tiện thông tin, liên lạc với nhau, mà còn sử dụng các đường nét, hình khối ấy để giải trí sau những giờ lao động. Những bức bích họa trong các hang động ở vùng Lưỡng Hà, hay lưu vực sông Trường Giang trên đất nước Trung Hoa, cùng với văn tự mang tính chất tượng hình của người Ai Cập hoặc Trung Quốc cổ đại, mà cách thể hiện văn tự này vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay đã minh chứng cho điều đó!

(Tranh Của Tín Đức)

Từ sự thu nhận và truyền lại những rung động các hình ảnh từ thị giác rồi xuyên qua trí não, hội họa có thể chuyển hóa, giải trừ những muộn phiền, mệt nhọc, căng thẳng trong các công việc thường nhật để mang đến niềm vui trong cuộc sống hay sự tĩnh lặng cho tâm hồn.
Trên một chiều dài xuyên suốt từ bao nghìn năm qua, loại hình nghệ thuật ưu việt này đã được hình thành và phát triển liên tục không ngừng nghỉ. Nó vẫn luôn tiếp nối với nhịp đập của con tim nhân loại và vẫn luôn thực hiện nhiệm vụ phản ánh tâm hồn của con người qua nhiều thế hệ.
Để có một ý niệm thật bao quát về hội họa, mà biểu hiện điển hình qua các thể loại tranh, trước tiên ta nên hiểu rằng tất cả các loại tranh đều không cùng có giá trị và có sức thu hút ngang nhau, bởi vì mỗi thể loại đều có những phương cách cấu tạo và sản xuất khác nhau.

Dưới đây là một số thể loại tranh tiêu biểu:

1-  Tranh màu dầu (Oil Painting):
Đây là thể loại sáng tác độc bản, có giá trị cao, biểu lộ một sắc thái và cá tính mạnh mẽ, chiếm vị trí cao độ trong xã hội tự cổ chí kim.

2- Tranh màu bột (Acrylique):
Có bản chất giống như màu dầu. Sử dụng cùng với nước, được sáng chế chưa tròn thế kỷ.

3- Tranh màu nước (Water Coleur):
Có đặc điểm nhẹ nhàng, sản xuất độc bản. Có giá trị cao nhưng không bằng tranh màu dầu và tranh Acrylique. Cách biểu hiện tình cảm và sắc độ cũng nhẹ nhàng hơn hai loại trên.

4- Thủ ấn họa (Sérigraphie):
Thường được sản xuất hàng loạt nhưng có giới hạn. Giá trị tranh ở mức trung bình. Sự biểu cảm và sự lôi cuốn không mạnh như tranh màu dầu, tranh Acrylique nhưng giá cả phải chăng, vừa túi tiền của mọi người.

5- Thạch bản (Lithographie):
Là loại tranh được in tên đá, có đường nét, màu sắc rất nhẹ nhàng giống như tranh thủ ấn họa. Được in thành nhiều bản có giới hạn, thường sử dụng trong việc trang trí nhà cửa.

6- Tranh khắc trên bản kẽm (L'eau Forte hay Gravue):
Cũng là loại tranh được in hàng loạt, được đánh số thứ tự và giới hạn, tương tự như tranh thủ ấn họa hay thạch bản. Là một lối vẽ trên bản kẽm,  dùng chất acide ăn mòn hằn sâu trong kẽm, sau đó trét mực rồi in bằng tay.

7- Tranh in lại (Reproduction):
Đây là loại tranh thông dụng nhất, thường sản xuất hàng loạt, rẻ tiền. Được sản xuất bằng những phương tiện hiện đại, tinh vi nhất.

8- Tranh lụa (Silk Painting):
Là loại tranh vẽ bằng màu nước trên lụa. Khi vẽ xong, đem bồi lên giấy và viền vải lụa màu có hoa văn trang trí chung quanh tranh. Màu sắc, đường nét được diễn tả nhẹ nhàng, tươi mát. Tranh lụa không sản xuất hàng loạt, nhưng có bản vẽ chính, có thể vẽ thành nhiều bản, nhưng màu sắc mỗi bản đều khác nhau. Giá trị ở mức trung bình, giá cả phải chăng, được nhiều người ưa thích nhờ đặc tính nhẹ nhàng, dễ trang trí.

9- Tranh sơn mài (Lacquer Ware):
Chất liệu sơn ta được lấy từ nhựa của cây sơn trồng nhiều ở vùng đồi trung du Việt Bắc. Ngày trước, loại nhựa này được dùng để làm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ hoặc trang trí các công trình kiến trúc đình, chùa cho thêm lộng lẫy, tráng lệ. Đến những năm 30 của trế kỷ XX, sơn ta được sử dụng làm chất liệu mới của hội họa Việt Nam, gọi là sơn mài.

(Tranh Của Tín Đức)

Tranh MÀU DẦU (hay SƠN DẦU) cho ta sự cảm nhận về màu sắc, ánh sáng, bút pháp và cái đẹp trong trẻo của chất sơn óng nhẫy. Khả năng biểu đạtcủa chất liệu màu dầu cho phép các họa sĩ đi đến tận cùng việc diễn tả các ý đồ, cảm xúc như mong muốn. Trên bề mặt khuôn khổ vải dù lớn hay nhỏ, tranh màu dầu được vẽ bằng các mảng phẳng hoặc diễn tả công phu trau chuốt với lớp màu mịn mỏng, hay sự xáo động của các nhát bút đặt cạnh nhau có lớp màu dày, chắc khỏe...
Tuy mới du nhập vào nước ta những năm đầu của thế kỷ XX, màu dầu đã sớm được các họa sĩ tiếp nhận, nắm bắt kỹ thuật và bằng tài năng, tâm hồn người nghệ sĩ vẽ nên những tác phẩm có giá trị nghệ thuật hiện đại mà vẫn thấm đẫm hồn dân tộc. Là chất liệu chính của hầu hết các họa sĩ Việt Nam sử dụng để sáng tác.
LỤA là chất liệu truyền thống của phương Đông nói chung và của Việt Nam nói riêng. Từ xa xưa, người ta biết đến lụa không chỉ là chất liệu phổ biến dùng để phục vụ đời sống thường nhật mà còn để vẽ chân dung, vẽ tranh thờ, viết câu đối, thể hiện thư pháp của trí thức Nho học. Tranh lụa có lối thể hiện riêng là hồ nền và cọ rửa trong khi vẽ để bộc lộ rõ tính mềm mại và óng ả của thớ lụa. Tranh vẽ mảng phẳng là chủ yếu, dùng nét bao quanh hình, trong đó khối chỉ là gợi tả, màu sắc nhẹ nhàng, ít có sự chuyển biến đột ngột.

BÔT MÀU, MÀU NƯỚC, ARYLIQUE, PHẤN MÀU là những chất liệu gọn nhẹ, đơn giản, dễ sử dụng, lại có ưu thế đáp ứng nhanh nhu cầu ghi chép, ký họa, thường được các họa sĩ sử dụng khi vẽ thực tế.
Từ chất liệu bột màu vẽ trên giấy, các họa sĩ đã diễn tả thiên nhiên, đời sống một cách sinh động, sâu sắc ở nhiều góc độ, trạng thái mà hiệu quả nghệ thuật không kém bất cứ một chất liệu nào. Những ký họa trực tiếp bằng màu nước bộc lộ cảm xúc tươi mát của người nghệ sĩ khi tiếp cận và thâm nhập thực tế đôi khi đạt tới giá trị của một tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh.

Nghệ thuật SƠN MÀI còn bao gồm cả tranh SƠN KHẮC. Cái đẹp trong tranh sơn khắc thể hiện ở sự phân bố các mảng hình, nét khắc, có điểm màu trên nền vóc sơn đen bóng hay nâu đỏ. Tuy không có sự diễn tả sáng tối như sơn mài, tranh sơn khắc lại giàu tính tranh trí, thể hiện sự công phu, khéo léo và tinh tế của người nghệ sĩ.

Khi nói đến vấn đề chọn lựa một họa phẩm nào đó để thưởng thức hay sở hữu, thiết tưởng cũng cần phải có sự hiểu biết phổ quát để nhận định về cái đẹp. Sự nhận định này, không nhất thiết cần phải có kiến thức căn bản về mỹ thuật. Thế nhưng, nếu có được sự nhận thức đúng về đường nét, màu sắc, kỹ thuật, khung hình, bố cục, sự hài hòa... vẫn luôn là điều cần thiết cho mỗi chúng ta! Chẳng hạn như khi chúng ta bắt đầu trang hoàng một căn phòng với tranh sơn dầu, Acrylique, chúng ta nên tiếp tục với những tranh khác cùng chất liệu. Còn nếu như chúng  ta đã xếp đặt trên tường các loại tranh thủ ấn họa, tranh lụa, tranh thạch bản hay tranh in lại... là loại tranh nhẹ nhàng, có kỹ thuật và sự biểu hiện khác biệt thì không nên chen vào đó một vài bức tranh sơn dầu hay Acrylique, vì những chất liệu đó không phù hợp nhau, sẽ tạo ra sự phản cảm.
Không có gì khó chịu cho bằng, khi màu sắc không hài hòa đập vào mắt chúng ta. Nhưng cũng không nhất thiết phải tìm kiếm cho được những sắc độ cùng có chung một "tông" (ton) màu đi đôi với nhau, vì  điều đó sẽ tạo ra sự buồn chán trong cách nhìn.
Và, một tác phẩm hội họa đẹp, có giá trị, được xem là tuyệt tác khi nó nêu bật được giá trị duy nhất và độc đáo, cái mà ta không thể tìm thấy trong bất kỳ một họa phẩm nào!

Tín Đức (Hội viên Hội Nghệ sĩ Tạo hình Việt Nam.)
(10-2006)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét