Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2013

Bên Lề Giấc Mộng


      Tôi là dân Vĩnh Long chính gốc, nhưng tuổi thơ và thời niên thiếu lại gắn liền với miền Đông đất đỏ và Sài Gòn, nơi mà ngày xưa vùng đất này được người ta gán cho cái biệt danh mỹ miều là “Hòn Ngọc Viễn Đông”. Do công việc của cha tôi, nên những địa danh:  Dĩ An, Tân Uyên, Phú Giáo, Bến Cát, Chơn Thành, Lai Khê, Dầu Tiếng, Trảng Sụp, Bù Đăng, Lộc Ninh, Hớn Quản… gia đình tôi đều có đến sinh sống. Có nơi, chúng tôi chỉ lưu trú chừng vài ba tháng, nhưng cũng có nơi gia đình chúng tôi “đóng đô” đến một, hai năm. Mãi đến năm 1964, để tiện việc học hành cho các con, mẹ tôi mới quyết định mua nhà ở hẳn tại Sài Gòn, mặc cho cha tôi rày đây mai đó! 

(Sàigòn1964)

      Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định hồi xưa rất nhỏ, nhỏ hơn bây giờ nhiều lắm! Ở Sài Gòn, mãi đến năm 1970, khu Ngã tư Bảy Hiền, chợ Tân Bình hãy còn rừng cao su. Còn bên khu Khánh Hội, Vĩnh Hội toàn là sình lầy và nhà ổ chuột. Tôi còn nhớ, ngày ấy, bến xe lục tỉnh (tức bến xe đi về miền Tây) còn nằm ở góc đường Trần Hưng Đạo-Nguyễn Cư Trinh, gần khu vực thành Ô Ma. Sau đó, mới dời ra chỗ hảng thuốc lá Mic đường Pétrusky (bây giờ là Lê Hồng Phong). Và tới khoảng năm 1973, nó mới dời hẳn ra Xa cảng miền Tây cho đến tận bây giờ! Thời đó, xe lam và ô tô buýt chưa “nhập cảng” vào miền Nam, nên phương tiện đi lại công cộng ở Sài Gòn đều bằng xe thổ mộ. Đối với bọn trẻ chúng tôi, việc được leo lên ngồi trên chiếc xe do người xà ích tay cầm cái roi mây, điều khiển con ngựa chạy lọc cọc trên đường, sau đít nó có cái mo cau túm lại để hứng phân là một trong những điều sung sướng nhất trần gian! 

      Ông nội tôi người gốc Tam Thủy, Quảng Đông. Lớn lên, ông theo học nghề may và thêu ở đất Cảng Thơm. Rồi không biết bằng cách nào ông tôi đã tới xứ Vĩnh Long mở tiệm may và cưới bà nội ruột của tôi, là người nhỏ hơn ông gần hai mươi tuổi, sau khi đã để lại một bầu đoàn thê tử ở lại bên xứ Quàng Túng xa xôi! Và như thế, dù trong dòng máu đang luân lưu trong cơ thể tôi chỉ vỏn vẹn có hai mươi lăm phần trăm là dân tộc Quảng, tôi vẫn được kể là một con “xẩm lai”!

      Tôi sinh ngày 24/10/1956, tuổi Bính Thân, mang quốc tịch Hoa và là con đầu lòng của cha mẹ tôi. Nhưng sau đó, khi chính phủ thời Đệ nhất Cộng Hòa bắt tất cả các Hoa Kiều ở miền Nam phải đổi sang quốc tịch Việt Nam, có lẽ cha tôi thấy hồi nhỏ tôi ốm yếu, hay sài đẹn, nên khai sụt tuổi của tôi hết một năm.
Ông nội tôi là thợ may giỏi. Nhưng có một nghề chắc cũng không thua kém nghề may, ấy là nghề cờ bạc. Ông nội tôi mất năm 1960, khi ấy tôi chỉ mới bốn tuổi, và những điều tôi biết ít ỏi về ông đều do bà nội hoặc cha tôi kể lại! Cái máu cờ bạc ấy di truyền đến cha tôi. Cha tôi cũng là một thợ may giỏi và cũng có nghề song song là nghề đổ bác. Sau khi bỏ nghề may để làm một nghề khác trong hơn hai mươi năm với cuộc sống rày đây mai đó, cha tôi cũng từng nổi danh là “Đổ Bác vương”. Chuyện đó, đã làm cho mẹ tôi nhiều phen phải chết lên chết xuống, vì lắm khi cha tôi thua bài mỗi lần cả sac marin tiền!

      Nếu kể thành tích cờ bạc của ông nội, cha tôi mà quên kể đến tôi thì quả là điều thiếu sót lớn. vì bản thân tôi ngày xưa cũng từng là một “tiểu sư tỷ”, thành tích cờ bạc cũng “xem xem” với cha ông!
Năm 1965, tôi học lớp ba ở trường Gò Vấp I. Ngày xưa quận Gò Vấp rất lớn, bao gồm cả quận hiện hữu, quận Bình Thạnh và quận 12 bây giờ. Nhà tôi ở đường Lê Quang Định nối dài, ngang dinh Quận (bây giờ là Ủy ban Nhân dân Quận Gò Vấp), gần cầu Hang số 6, là trục đường chính đi từ Bà Chiểu lên chợ Gò Vấp.
Mẹ tôi xuất thân là gái quê, ít học nên không vào được các hảng xưởng làm “thầy chú” như người ta, mà phải sống lam lũ  bằng nghề buôn bán. Hàng ngày, mẹ tôi đi xe lô (tên thời đó gọi xe đò liên tỉnh) lên tận chợ trời biên giới Gò Dầu Hạ thuộc tỉnh Tây Ninh, cách Sài Gòn khoảng chín mươi cây số mua ly, tách, chén kiểu đem về bán sỉ. Sáng sáng, mẹ tôi đeo xe lô lên biên giới, giao năm chị em chúng tôi cho một người anh bà con, là cháu họ của mẹ tôi quản lý. Anh tên là Đồng, lớn hơn tôi chín tuổi. Anh là con nhà nghèo, nên tía má anh cho anh “ở đợ” trong nhà tôi. Thế nhưng, vì là cháu của mẹ tôi, nên mẹ tôi rất tin tưởng anh, giao cho anh quyền hành lúc mẹ tôi đi vắng. Nhớ có lần, tôi theo anh về Vĩnh Long thăm ông, bà Ngoại. Bận lên, hai Ngoại gởi quà quê cho gia đình tôi, anh Đồng sợ bỏ quên nên viết mấy chữ vào mảnh giấy rồi nhét vô túi áo: “Đồng đem hai buồn chúi (buồng chuối), Đồng xách túi đi long (ni lông)”. Cha tôi thì đi biền biệt, lâu lâu mới về thăm vợ con một lần, còn mẹ tôi mắc lo buôn bán tảo tần, nên cuộc sống của chị em chúng tôi lúc ấy tựa như những con sói đồng hoang!


      Mỗi chiều, khi nghe tiếng của mẹ tôi vọng từ đàng xa: “Đồng ơi, ra phụ khiêng đồ vô cho cô Tư” (Tư là thứ của mẹ tôi) là chúng tôi mừng húm, tất thảy đều chạy ào ra mừng mẹ. Mấy chị em chúng tôi chạy lăng xăng lít xít bên mẹ, đứa vịn mấy cái cần xé trống trơn, đứa kéo lê bội tre còn dính rơm trong đó có mấy chùm trái rừng hoang dại. Hồi đó, làm gì có những thứ trái được nhập khẩu từ nước ngoài như bây giờ, còn xoài, cam, quít, vú sữa, sầu riêng thì tới mùa mới có và cũng đâu có rẻ. Tôi hãy còn nhớ, hầu hết các thứ trái rừng của miền Đông hầu hết đều có vị chua ái, hoặc chát chát, chua chua.
       Trái sim có hình dáng tương tự như trái bơ ngày nay, nhưng nhỏ hơn, có màu nâu sẫm. Sim là thứ trái đã được thi sĩ Hữu Loan  vinh danh trong bài thơ “Màu tím hoa sim”:

                   Màu tím hoa sim
                   Những đồi hoa sim biền biệt…

      Hay soạn giả Kiên Giang đã mượn mấy câu thơ điệu Hò giã gạo của dân Bình Trị Thiên để cho nhân vật chính của mình là sơn nữ Phà Ca ngâm trong tuồng cải lương “Người vợ không bao giờ cưới”:

               Đói lòng ăn nửa trái sim
               Uống lưng bát nước đi tìm người thương
               Người thương ở tận non xanh
               Bậu về quê bậu biết mô mà tìm…

      Trái bứa có rất nhiều loại. Riêng loại bứa ở rừng miền Đông có hình dáng tương tự như trái cà tomato, khi chín có màu vàng cam, trong ruột có múi giống như trái măng cụt. Có người nhầm lẫn cho rằng trái bứa này là trái sấu miền Nam. Không phải! Theo kinh nghiệm của tôi, hai loại trái này khác nhau. Trái sấu Nam Bộ chính là trái thanh trà, loại trái hiện giờ cứ tới mùa (khoảng Tết Đoan ngọ) người ta treo bán lủng lẳng dưới chân cầu Cần Thơ phía Bình Minh.

      Riêng trái thanh trà ở miền Đông là tên của một loại bưởi có trái nhỏ cỡ trái ổi, nên còn có tên là bưởi ổi, ăn rất ngon, là đặc sản của vùng Cù lao Phố, Biên Hòa.

      Trái trường có bề ngoài tương tự như trái chôm chôm, nhưng nhỏ hơn nhiều. Nó cũng có hột ở chính giữa như chôm chôm, nhưng không tróc như chôm chôm.

      Trái gùi có hình dáng và màu sắc cũng tương tự như trái sim nhưng nhỏ hơn. Vỏ trái có nhiều mủ màu trắng giống như mủ vú sữa, dễ dính vào miệng nếu ăn không khéo. Tôi còn nhớ, cách nay khoảng năm mươi năm, nhật trình có đăng một tai nạn thương tâm: một thiếu phụ ở chợ Thủ Dầu Một tên là Trương Thị Nhành chở chén tô đi buôn chuyến lên miệt Hớn Quản, lượt về bị xe lửa chẹt chết, trên tay vẫn còn cầm một xâu gùi. Sau này, tôi có nghe nghệ sĩ Ngọc Ẩn (nghệ sĩ này cũng là người hát bài “Hận Đồ Bàn”) ca bài vọng cổ “Trái gùi Bến Cát” với lời ca có nội dung dựa theo câu chuyện đó:

              Mẹ đi chợ chớ ở lâu
              Bận về mẹ nhớ mua xâu trái gùi
              Con chờ xe lửa kéo còi
              Ra ga đón mẹ lấy gùi ăn chơi…

      Trái mây, xa lông, nhung có hình dáng nhỏ, cỡ như trái nho tím của Việt Nam. Trong ba loại trái này, trái xa lông ăn ngon nhất!

Hà Nguyên


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét