Thứ Năm, 25 tháng 4, 2024

Cho Người Nằm Xuống

 

 (Ảnh internet)

Bi tráng lắm rực nền cờ sắc tộc
Tôn vinh người hùng lẫm liệt vong thân
Chiến địa hề! Chiến địa đấy mộ phần
Vẫn ngạo nghễ vươn mình hoa Anh Túc

Trao trọn cả đời hy sinh thấm nhục
Dâng tấm lòng quả cảm chí làm trai
Tổ quốc lâm nguy gian khổ chẳng nài
Nung chí cả can trường trong chiến bại

Úc châu trầm mình dưới làn sương lạnh
Nhịp quân hành thinh lặng Lễ Hừng Đông
Phút thiêng liêng phút mặc niệm chung lòng
Nén tâm hương cuộn vòng hoa tưởng nhớ

Kèn Thu Quân bi hùng vang phút cuối
Ngọn lửa hồng soi sáng mỗi tháng Tư
Niềm luyến thương trao ánh mắt tạ từ
Hoa Anh Túc nghiêng mình tươi sắc máu


Thơ & Ảnh: Kim Phượng
 Anzac Day Úc Châu 25.4. 2024


Xin Đừng Hẹn

 

(Kính dâng nạn nhân Chiến Tranh)

Thôi em nhé về đi! đừng ước hẹn
Hẹn làm gì? ở một kiếp mai sau
Cõi trần gian có gì mà lưu luyến
Bụi mịt mù lòng gian dối trao nhau

Em có nghe vang rền bao xác chết?
Máu thịt rơi vung vãi khắp nơi nơi
Và nghe chăng tiếng khóc than quằn quại
Sống làm gì tàn phế giữa tuổi thơ?

Em có nghe tiếng kêu la trong suốt
Tuổi đôi mươi nhiều mơ ước yêu thương
Không tình yêu chưa một lần ân ái
Hiến dâng đời tất cả cho Quê Hương

Em có nghe tiếng kêu gào thiếu phụ?
Khóc thương chồng tủi thân phận bơ vơ
Ôm con thơ một vùng trời u tối
Người ơi người khổ nạn đến bao giờ!

Và em có nghe giữa Trời lồng lộng
Gió sững sờ chứng kiến cảnh tang thương
Giữa Quê Hương tràn đầy muôn xác chết
Máu lệ chan hòa tiếng khóc thê lương !!!

Mặc Khách
(Trich Thi Phẩm Hồn Thơ Đất Khách _ t/g Mặc Khách)

Bậu Đi


(Tranh: Vũ Cao Đàm)

bậu đi biệt dạng hôm nào
ta trông mút mắt nhớ đau từng hồi
nhớ từ giọng nói tiếng cười
nhớ se tóc bạc cột đời hai ta

bậu đi hình như hôm qua
mà sao ta tưởng như là nhiều năm
bậu đi lạnh gối ta nằm
hình như cái lạnh, lạnh ngầm trong xương

bước qua ngưỡng cửa âm dương
bậu đi mình bậu chẳng vương vấn gì
còn ta ở lại sống lì
một thân, một bóng cu-ky một mình

bậu ơi, sao bậu làm thinh
nén nhang, cơm lạt bóng hình là đây
phất phơ hồn gió theo mây
mỗi đêm giỡn bóng trăng gầy tàn đêm

bậu về ta thấy lòng êm
như trăng thuở nọ bên thềm thanh xuân
như là tiếng hát bậu ngân
xuống câu vọng cổ tình quân phụ phàng

bậu về trăng sáng ngút làng
hương thơm dậy đất bàng hoàng hồn ta
ngất ngây ôm chặt trăng, và
tưởng đâu ôm bậu thịt da vẫn nồng

bậu đi hồn có về không
nhắn tin theo gió cho lòng ta yên
dầu cho bậu ở cõi trên
hay đang cõi dưới trong miền u-minh

một mai ta đã dọn mình
quyết theo chân bậu lênh đênh cõi nào
dầu cho đất thấp trời cao
tử sinh là mới bắt đầu cuộc chơi

ngày mai bậu trở lại đời

và ta trở lại làm người bậu ưng
giọt mừng nước mắt rưng rưng
hai tay ôm bậu mà rung dậy tình.

Trần Phù Thế
 

Tâm Sự Người Đi Máy Bay



Em đến xứ tự do bằng máy bay
Nên không thể hiểu nhiều điều về biển
Về những rủi ro và những nguy hiểm
Anh đã trải qua trên đường vượt biên

Nhưng anh biết đâu nỗi lòng của em
Lìa xa quê hương tâm tư trĩu nặng
Trên máy bay nhìn ra ngoài mây trắng
Khung cửa sổ mờ hay nước mắt em rơi?

Máy bay lên cao lòng em chơi vơi
Nhìn lần nữa dải đất hình chữ S
Trái tim em đau nào ai hay biết
Bởi vì đâu chúng ta phải ra đi?

Kể từ ngày cuộc phân tán chia ly
Bao lớp người ngậm ngùi đời viễn xứ
Thân ở nơi này, hồn về quê cũ
Thấy quê nhà và những người thân quen

Người ở lại cũng có nỗi đau riêng
Niềm nhớ dạt dào theo từng cơn gió
Những đêm khuya em băn khoăn trăn trở
Anh ở bên kia có lạnh lắm không?

Em vẫn đợi chờ, em vẫn ước mong
Ngày gia đình mình sum vầy đoàn tụ
Nửa vòng địa cầu giờ đây gần lại
Sưởi ấm đời nhau ở chốn tha phương

Nguyện cầu một ngày về lại quê hương
Đón tự do thanh bình và hạnh phúc
Ta xuống biển thăm những người đã khuất
Hay lên rừng tìm những mộ không tên

Quá khứ khổ đau sẽ được ngủ yên
Dân tộc mình bước qua trang sử mới
Và anh ơi, biển sẽ mừng đưa lối
Cho sóng về ru những bản Tình Ca

Đất nước mình sẽ mãi mãi nở hoa ….!!!

Kim Loan


Rồng Tiên Vào Hội


‘Nòi Rồng Tiên: Nam Quốc Sơn Hà’
(Việt Nam: Tân Huyết Sử diễn ca)

 Những giai đoạn lịch sử huy hoàng

1.a:

Thơ ta

Ðêm đêm lừng vang bốn biển
Thơ ta đen, đỏ, tím, vàng, lam, trắng, xanh, huyền nhiệm
Thơ vào lay động giấc Long Vương
Chốn thủy cung
Ðánh thức con rồng vàng đang ngủ
Lên khỏi đại dương
Về nằm lại bên sườn Ngũ Lĩnh
Ðể Rồng lại nói
Ðể Rồng lại thưa


Thưa rằng:

"Ta là Lạc Long
Nàng là Âu Cơ
Buổi đầu dựng nước
Vàng tươi màu cờ
‘Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư’ (thơ Lý Thường Kiệt)
Ðường lịch sử mưa điên vần vũ
Nòi Rồng Tiên thác lũ bao phen
Vuông tròn chung một khuôn thiêng
Ðuổi quân giặc nước, duyên tròn lại duyên.
Trăm con một bọc
Giống nòi Rồng Tiên
Nghìn năm sau trước một thuyền
Nghĩa thề non nước, tình nguyền nước non".

Dậy dàng qua núi qua sông
Vang vang chính khí
Rạo rực lòng công đức cha ông
Dựng Việt Nam giữa trời Ðông Á
Một Việt Nam anh hùng, chí cả
Một Việt Nam sắt son vàng đá
Nghìn muôn năm kết chặt bản tình ca
‘Nòi Rồng Tiên: Nam Quốc Sơn Hà!’.’’

I.b:

Thơ ta

Ðêm đêm trào lên ngọn bút
Ôn lị On Lịch sử mấy nghìn năm sau trước trước
Dạt dào tim, nghĩa nước tình nhà
Dạt dào tim, ơn Mẹ công Cha
Bao công đức dệt lời thơ bất tuyệt

Thơ rằng:

"Tuyệt vời thay ý chí đàn bà
Ðáp nghĩa nước, trả thù nhà trọn vẹn
Dòng chính khí trào dâng lên huyết quản
Cờ Vàng bay rực sáng cõi Mê Linh
Ðàn voi thiêng chung óng ả lời tình
Thế giới cổ kim, duy một lần, sau trước
Chí quần thoa trổi vượt cả nam nhân
Ba năm dài dựng nước
Ba năm dài nao nức bản hùng ca:
‘’Nòi Rồng Tiên: Nam Quốc Sơn Hà!’.’’

‘’Nửa đêm thức giấc
Còn nghe vẳng tiếng Ngô Quyền
Soi vừng trăng lạnh
Gỏ nhịp ván thuyền
Hát bài thắng trận…lênh đênh
Ðầu Hoằng Thao lông lốc
Thuyền Bắc quân tan tác, dập dềnh
Từ đây dựng lập kỷ nguyên
Từ đây độc lập lưu truyền sử ca:
‘‘Nòi Rồng Tiên: Nam Quốc Sơn Hà!’’’

‘’Một búp sen non nở bừng trang sử
Thời huy hoàng triều đại Lý hoàng kim
Ðạo hạnh lung linh sáng rỡ hương thiền
‘Tâm như’ thấm đượm lời tim
Từ ‘vô úy’ dệt niềm tin bất diệt
Thơ thần ướp ngọn gươm thiêng
Lý Thường Kiệt chận đầu quân giặc Tống
Cờ sắc thắm lên cao lồng lộng
Ðât cùng trời vang động khúc hoan ca:
‘’Nòi Rồng Tiên: Nam Quốc Sơn Hà!’’’

’’Một dòng sông! Có một dòng sông
Quân Nam tràn lên như bão tố
Vạn cánh tay thề ‘sát đát’ quyết không tha
Hội Diên Hồng trút lên đầu lũ giặc
Triệu rưỡi quân Nguyên ba lần tan tác
Mộng xâm lăng. Bạch Ðằng giang
Sông hùng dũng của nòi giống anh hùng
Sông lẫy lừng chiến tích
‘’Nòi Rồng Tiên: Nam Quốc Sơn Hà!’’’

‘’Ai đi đó, có xuôi về Thanh Hóa
Tri ân người áo vải đất Lam sơn
Mười năm dài gian khổ
Ðẩy Thoát Hoan cùng đường mạt lộ
Liễu Thăng, Sầm Nghi Ðống,..bao tướng giặc tài ba
Bay đầu, phơi xác, qụy lụy xin tha
Bài Cáo Bình Ngô rúng động cả sơn hà phương Bắc
Bàn tay nông dân anh hùng dẹp giăc

Toàn muôn dân óng ả nhạc đồng ca:
‘’Nòi Rồng Tiên: Nam Quốc Sơn Hà!’’’
‘’Nguyễn Huệ Quan Trung, một trận Ðống Ða
Quét sạch lũ gian tà
Ðẩy Sĩ Nghị vứt ấn kiếm, ôm đầu chạy bộ
Vạn vạn quân Thanh, cầu đổ, trôi sông
Càn Long, khiếp hãi, buộc lòng
Nghị hòa cho đỡ thẹn thùng bại binh
Nước non mình lại với mình
Bắc Nam, dân nước thanh bình
Bắc Nam lại trổi sử tình âu ca:
‘’Nòi Rồng Tiên: Nam Quốc Sơn Hà!’’’

I.c:

Thơ ta

Đêm đêm nhìn Bắc Đẩu
Sớm sớm đón dương quang
Từng trang lịch sử̉ huy hoàng
Từng thuở ́ cờ vàng giữ nước
Dậy dàng tim thao thức, bâng khuâng
Dậy dàng tim nao nức, rưng rưng
Dệt lời thơ nhớ


Thơ rằng:

‘’Nhớ Văn Lang quê hương rục rỡ́
Nhớ Cổ Loa, nhờ nỏ Long Châu
Trống Đồng gỏ nhịp khoan mau
Lạc Hổng ruổi gíó bay vào sử xanh…
Nhớ từng buổi cha tần ngần buông cuốc
Mắt rạng ngời lúa mượt đồng xanh
Những hạt vàng long lanh
Những hạt vàng óng ánh
Nuôi dòng đời, nuôi mạch sống tinh anh

Nhớ mẹ già́ buông gánh hàng rong
Tay mân mê cô búp bê xinh xắn
Miệng tươi cười, lau chiếc trán mồ hôi
Chạy vào thăm cháu
Đứa cháu nhỏ đôi mắt tròn diễm lệ
Một nhoẽn cười, non bể vào xuân
Bao em ta, riu ríu chân chim
Nhảy dây, chơi bi, đánh đáo
Chân cò cò, la hét oang oang
‘Công cha như núi Thái Sơn..
Bầu ơi thương lấy bí cùng’..
(Hiểu nghĩa gì không? Chúng lắc đầu nguầy nguậy!)

Chị ta gập mình trên trang giấy
Bài học quá dài,
Phép tính vi phân, phương trình lượng giác
Khó làm sao ! Nhưng sáng ngời ánh mắt
Quyết một lòng son sắt chí cha ông

Các anh ta trùng trùng núi dựng
Trùng trùng mưa biển sóng dập dồn
Ghim súng chờ thù, miệng thầm lẩm nhẩm
Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, Chuơng Dương, Hàm Tử
Mẹ và Cha, mõi mòn nơi hậu cứ
Xin yên tâm, vững chí đợi con về
Ngày hoà bình, lộng lẫy đất trời quê

Và, đôi ta,
Mắt em anh bảo xanh màu nước
Ôm trọn vừng trăng anh thả trôi
Tóc em anh bảo sợi mưa ngâu
Chải thơm cánh gió mấy từng cao
Mạch dài hơn cả tràng giang mộng
Tình mình ‘biển núi’ đẹp trăng sao!
Lòng ta là biển
Trí ta là non
Non lên cao nhìn vào biển rộng
Biển muôn trùng chở mộng non cao
Chữ tình rộng hẹp ra sao
Mà ôm trọn cả núi cao biển dài

Rồi cứ thế, tay trong tay,
Tiếp dòng lịch sử
Tay trong tay,
Ngôn ngữ mặn tình người
Ươm vào tim từng lời thơ chính khí
Ướp vào lòng từng nhịp bản trường ca

‘’Nòi Rồng Tiên: Nam Quốc Sơn Hà!"

I.d:

Thơ ta

Đêm đêm cỡi ngựa vàng lên đỉnh Sóc
Giục phi nhanh lên tận chín tầng trời
Lật sổ Nam Tào
Giở trang Bắc Đẩu
Xóa màu hư cấu
Tờ thiên thư chép vội mấy dòng thơ


Thơ rằng:

‘’Co ́ con sông nào không xuôi về biển
Có biển nước nào chẳng bốc thành hơi
Hơi lên kết đọng mây trời
Gió đưa mây đến từng nơi non ngàn
Mây kết thành mưa
Mưa tuôn ào ạt
Nước tinh tuyền tắm mát đầu non
Nước đi là để lại nguồn
Tình ta qua những trang buồn lại vui’’

Rồi ta đếm tuổ̉i cuộc đời
Trong ta cõi đất cõi trời giao nhau
Nghìn năm sau trước trước sau
Dễ ai dựng vách ngăn rào núi sông
Bao phen con Lạc cháu Hồng
Xóa trang dị sủ, dẹp dòng can qua
Thái bình ghi nỗ lực
Thủ tích dựng mùa hoa
‘’Nòi Rồng Tiên: Nam Quốc Sơn Hà!’’.

‘Nòi Rồng Tiên: Nam Quốc Sơn Hà’ 
 
Nguyễn Thùy

Chú thích:
1) Thơ cụ Phan Bội Châu, trích trong tập ‘Phan Bội Châu thi tuyển’ của Huyền Thanh Lữ, Thư Xã Nhượng Tống xuất bản, in tại Hoa Kỳ, CA 2002. Huyền Thanh Lữ dịch:

Nói Chí của mình

Tổ Quốc đắm chìm người có phận
Ngược xuôi gió bụi, cớ sao buồn
Kẻ thù trời đất không chung đội
Nhìn ngẫm non sông, chí chẳng mòn.


2) ‘Đức Phật đài sen nụ cười mở rộng’, do liên tưởng đến tượng Đức Di Lặc, nụ cười mở rộng, không như nụ cười vi tiếu nơi tượng Đức Thích Ca. Tượng Đức Di Lặc là hình ảnh ẩn dụ nói lên trạng thái sống hoàn toàn thanh thoát, an bình tự tại, không còn bị ‘điều kiên hóa’ bỡi hiện tượng, bỡi qui luật Nhân Duyên Sanh. Do cảm nhận Lẽ Tiến Hóa qua giáo lý Đức Thích Ca, người viết liên tưởng đến ẩn dụ nơi tượng Đức Di Lặc.

3) Lời vua Lê Thánh Tôn, ở buổi Hội Lục Đầu Giang, năm 1470, có nghĩa:
‘Trời Nam ngàn năm núi sông vẫn còn’.

4) Câu thơ của Nguyễn Du, tạm dịch
‘Vạn dặm sơn hà (non nước) chính khí chung’’

5) Hai câu thơ của vua Trần Nhân Tông sau ngày đánh tan quân Nguyên xâm lược. Cóngười đã dịch: ‘’Xa ̃ tắc hai phen bon ngựa đá, Sơn hà nghìn thưở vững âu vàng’’.

* Sự việc cô Phạm Thanh Nghiên cùng ông Vũ Cao Quận và nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa làm đơn xin Nhà Nước được phép tổ chức biểu tình theo như Hiến pháp và Luật pháp cho phép để nhân dân bày tỏ tâm tình và nguyện vọng trước hiện tình đất nước. Nhưng đơn bị bác. Cô khiếu tố, Tòa án không trả lời. Sự việc nầy khiến nhớ lời Winston Churchill : ‘’ Ở nước Anh, tất cả được cho phép, ngoại trừ những gì bị cấm. Ở nước Đức, tất cả đều bị cấm ngoại trừ những gì đã được cho phép. Ở Pháp, mọi thứ đều được cho phép, kể cả những gì bị cấm. Ở Liên Xô, tất cả đều bị cấm, ngay cả những gì đã được cho phép’’ (En Angleterre, tout est permis, sauf ce qui est interdit. En Allemagne, tout est interdit, sauf ce qui est permis. En France, tout est permis, même ce qui est interdit. En URSS, tout est interdit, même ce qui est permis). Việt Nam dưới chế độ Cộng sản 100% theo đúng Liên Xô trước đây.




Thứ Tư, 24 tháng 4, 2024

Có Khi Nào - Thơ: Trần Minh Hiền - Phổ Nhạc: Vũ Lương Đúng - Trình Bày: Bích Hiền Tuấn Chiron


Thơ: Trần Minh Hiền
Phổ Nhạc: Vũ Lương Đúng
Trình Bày: Bích Hiền Tuấn Chiron

Bốn Không Của Người Về Hưu

 

(Cảm tác từ một tấm bảng xe)

KHÔNG I: THỜI GIAN

Quẳng thôi cái đồng hồ tay
Giờ đây vô dụng vì ngày như đêm
Hăm bốn tiếng nghỉ triền miên
Quanh năm suốt tháng một niềm vô ưu...

KHÔNG II: KHÔNG GIAN

Rằng thưa địa chỉ bỏ rồi
Từ đây góc biển, chân trời ngao du
Đâu đâu cũng kể như nhà
Hồn quê gửi ngọn mây xa la đà...

KHÔNG III: ĐIỆN THOẠI

Thôi đừng phôn phiếc làm chi
Gặp nhau cứ đợi hội hè lại lên
Ngày Quốc hận, Tháng Tư đen
Trung thu, Nguyên Đán đã quen nết rồi.

KHÔNG IV: TIỀN BẠC

Xưa thấy tiền bạc mừng rơn
Giờ hay sức khoẻ còn hơn là vàng
Vào đời cát bụi hóa thân
Từ trần tay trắng lại hoàn trắng tay.

Hoàng Xuân Thảo


Ly Rượu Tháng Tư - Tháng Tư Tan Tác

  


Bài Xướng:

Ly Rượu Tháng Tư


(Viết tặng anh CVK, TBT và MVN)

Bao nhiêu năm rượu vẫn đầy
mời người uống lại vị cay năm nào
chút trái đắng chút niềm đau
chút da thịt máu chút màu tang thương

Xin nâng ly những đoạn trường
uống ngày tháng cạn mười phương cúi đầu
uống đời từng ngụm mưa mau
uống thân xác những áo nhàu nếp nhăn

Còn gì ở lại tháng năm
còn hương phấn cũ còn trầm tích xưa
tháng Tư uống mấy cho vừa
mời nhau ly rượu chiều mưa xứ người

Để rồi cũng giấc mơ thôi
đêm nằm rót mộng bờ môi thắm nồng
đưa người cuối một nhánh sông
tìm đâu bến đợi giữa trăm năm buồn...


Durham, North Carolina
Nguyễn Vĩnh Long
***
Bài Họa:

Tháng Tư Tan Tác


Một ly non nước dâng đầy
Môi chưa cạn chén men cay ngày nào
Sao tim nhức nhối nghẹn đau
Bầu trời Quốc táng tím màu xót thương

Nửa mảnh oằn gánh dặm trường
Nửa mảnh ly xứ tha phương giang đầu
Gió xoay chuyển hướng về mau
Bản đồ dân tộc xóa nhàu vết nhăn

Ngày ấy đã 49 năm
Khơi lại ký ức thăng trầm ngày xưa
Ngậm ngùi như thể mới vừa...
Chia tay kẻ ở lệ mưa tiễn người

Gặp nhau trong mộng mà thôi
Đêm trăng mơ bóng mặn môi hương nồng
Thuyền tình lạc bến xa sông
Tháng Tư dậy sóng dòng đau xoáy buồn

Melbourne 4.2024
Kim Oanh

Áo Dài Nón Lá Nghiêng Thành Bài Thơ

 

Đường trần ai biết bể dâu
Vui buồn lận đận bạc đầu sóng xanh
Trời thương đất nhớ mộng lành
Áo dài nón lá nghiêng thành bài thơ

Nhẹ nhàng nhỏ nhẹ nhởn nhơ
Xuân xưa hương tóc tiên chờ trăng sao
Hẹn hò liền cánh bay cao
Lên voi xuống vịnh chiêm bao giờ cùng

Đường quỳnh hoa bóng tình chung
Mưa hồng tay trắng vòng cung mê nhìn
Hút hồn chới với hiện sinh
Ngọt ngào nũng nịu cho tin yêu chờ

Ngàn thương khao khát ước mơ
Hứng hoa nâng trứng bướm thơ ngây người
Hoa đi hoa đứng hoa cười
Hoa tay hoa trái hoa tươi hoa hồng

Tiên bồng non bồng bềnh bồng
Dấu yêu dấu nhớ nhãn lồng chim quyên
Kỳ tình kỳ tích kỳ duyên
Hồng trần ai lạnh còn nguyên xuân hồng...

MD.02/21/23
Luân Tâm

Trường An Xuân Vọng 長安春望 - Lư Luân (Trung Đường)


Lư Luân 盧綸 (748-800) tự Doãn Ngôn 允言, người Hà Trung (nay là tỉnh Sơn Tây). Trong thời Đại Lịch, đời Đường Đại Tông, thi nhiều lần không đậu, sau có người tiến cử ra làm quan chức uý tại Văn Khanh, lần lần thăng đến chức Hộ bộ lang trung, giám sát ngự sử. Tham gia quân đội nhiều năm, thơ ông phóng khoáng, quan tâm nhiều đến đời sống nhân dân.

Lư Luân là một trong mười tài tử thời Đại Lịch (chín người kia là Cát Trung Phu, Hàn Hoành, Tiền Khởi, Tư Không Thự, Miêu Phát, Thôi Động, Cảnh Vi, Hạ Hầu Thẩm, Lư Đoan).

Nguyên tác           Dịch âm

長安春望             Trường An Xuân Vọng
東風吹雨過青山 Đông phong xuy vũ quá thanh san,
卻望千門草色閑 Khước vọng thiên môn thảo sắc nhàn.
家在夢中何日到 Gia tại mộng trung hà nhật đáo,
春來江上幾人還 Xuân lai giang thượng kỷ nhân hoàn.
川原繚繞浮雲外 Xuyên nguyên liễu nhiễu phù vân ngoại,
宮闕參差落照間 Cung khuyết sâm si lạc chiếu gian.
誰念為儒逢世難 Thuỳ niệm vi nho phùng thế nạn,
獨將衰鬢客秦關 Độc tương suy mấn khách Tần quan.

Chú giải

卻 khước: từ chối. Người ta cho mà mình từ chối không nhận gọi là khước. 卻望 khước vọng: miễn cưỡng ngóng trông…
闕 khuyết: Cái cổng hai từng: làm hai cái đài ngoài cửa có tầng lầu, ở giữa bỏ trống để làm lối đi và để dễ nhìn ra xa gọi là khuyết, cho nên gọi cửa to là khuyết. 宮闕 cung khuyết: cửa cung điện làm theo kiểu trên để có thể kiểm soát những diễn biến xảy ra từ xa; ngày xưa hay ban bố pháp lệnh ở ngoài cửa cung, cho nên gọi cửa cung là khuyết.
為儒 vi nho: kẻ nho sinh hèn mọn này.
逢世難 phùng thế nạn: gặp nạn trên đời.

Dịch nghĩa

Ngắm cảnh xuân ở Trường An

Gió đông thổi mưa qua rặng núi xanh,
Ngắm trông ngàn cổng thấy sắc cỏ êm đềm.
Nhà ở (của mình) chỉ có trong giấc mơ, biết ngày nào đến được?
Khi mùa xuân đến trên sông, có mấy người (từ xa) về đây (để thưởng xuân)?
Dòng sông và đồng bằng uốn lượn ngoài đám mây nổi;
Cung khuyết nhấp nhô trong bóng nắng tàn.
Ai nghĩ là kẻ nho-sinh này gặp nạn?
Một mình đem mái tóc cằn đến làm khách ở Tần quan?

Dịch thơ

Ngắm cảnh xuân ở Trường An
Mưa xuân theo gió vượt non ngàn
Đứng ngắm nơi nơi sắc cỏ hoang.
Nhà tại mộng mơ không tới được,
Xuân về trên sóng mấy ai ham.
Sông đồng uốn lượn ngoài mây nổi,
Cung khuyết so le dưới nắng tàn.
Ai nghĩ nho-sinh này gặp nạn?
Một mình vò võ chốn Tần quan.

Lời bàn 

Thấy họ Lư ngắm cảnh xuân ở Trường An mà chán chường:

Câu 1:
Gió xuân đem mưa đổ xuống ngàn núi. Cụm từ 過青山 quá thanh san ÔC dịch là vượt non ngàn.
Câu 2:
Đứng ngắm ngàn vườn không thấy hoa mà chỉ thấy cỏ tranh. Câu này rất khó dịch theo đúng ý của toàn bài: cụm từ ngàn vườn ám chỉ nhiều vườn, dịch là nơi nơi; cỏ tranh dịch là cỏ hoang cho hợp vần. Toàn câu sẽ dịch thoát là: Đứng ngắm nơi nơi sắc cỏ hoang.
Câu 3:
Nhà thì chỉ có trong mộng, biết bao giờ mới có nhà thật để về (lúc này Lư còn nghèo lắm chưa có nhà).
Câu 4:
Xuân về trên sóng chẳng ai ham (Lư ngủ đò trong những ngày xuân sống ở Trường An). Chữ sông ÔC dịch là sóng vì cần một âm trắc.
Câu 5:
Sông & đồng ruộng thì như uốn lượn trong mây (vì ngủ đò nên chỉ nhìn thấy sương mù dầy đặc che khuất sông ngòi và đồng ruộng).
Câu 6:
Cung khuyết của nhà vua thì lô nhô dưới nắng tàn (cái nhìn của Lư, một thí sinh từ xa tới kinh đô để dự thi, còn rất bỡ ngỡ, chưa quen với phong cảnh ở kinh đô).
Câu 7:
Câu này là cái chìa khóa của toàn bài: (Lư đâu muốn ngắm xuân ở đây), kể như tên nho sinh này gặp nạn ở Trường An! Cụm từ nho-sinh tố cáo rằng Lư đang đi thi ở Trường An và kỳ thi này cũng rớt (gặp nạn) như nhiều kỳ thi trước (tiểu sử của Lư nói rằng ông đi thi nhiều lần mà không lần nào đỗ).
Câu 8:
(Khỏi cần bàn thêm nữa); Lư thi rớt rồi, một mình nằm vò võ trên thuyền ở Tần quan (nằm chờ kết qủa thi và không biết về đâu vì không có nhà) … Một lần nữa, bài thơ này vẫn cho thấy rằng thơ Đường (tưởng như hoang đường) nhưng tả cảnh thực, tả tình cũng thực; không hư cấu.

Đọc bài thơ tới 2 câu chót mới thấy ý nghĩa của cái cảnh xuân ở Trường An của Lư Luân chỉ là chờ tin thi rớt.

Con Cò
***
Xuân ngóng Trường An

Gió đông mưa bám vượt non ngàn
Nghìn cửa ráng trông cỏ sắc nhàn
Nhà ở trong mơ, thời khắc đến?
Xuân về trên sóng mấy ai sang?
Đồng sông uốn lượn ngoài mây nổi
Cung điện lô xô dưới nắng tàn
Ai nghĩ nho hèn đương mắc nạn?
Một thân tóc rối, khách Tần quan!

Lộc Bắc
Sept23
***
Ngắm Xuân Ở Trường An.

Mưa theo gió thổi đến non ngàn,
Chán ngắm ngàn nơi cỏ mọc lan.
Nhà ở trong mơ bao thủa có
Xuân trên mặt sóng mấy ai màng.
Quê hương tít tắp ngoài mây nổi,
Cung điện lô nhô dưới nắng tàn.
Ai thấu nho sinh đang gặp nạn,
Một mình tóc trụi trọ Tần Quan.

Mỹ Ngọc 
Oct. 22/2023.
***
 Ngắm Cảnh Xuân Ở Trường An

Gió đông mưa nhẹ lướt non xanh
Nghìn cửa nhìn ra cỏ sắc thanh
Nghĩ đến nhà xưa thêm nỗi nhớ
Xuân về bến vắng nước long lanh
Cánh đồng uốn khúc ngoài mây nổi
Cung điện lô nhô dưới nắng hanh
Ngẫm nghĩ hàn sinh đời khốn đốn
Tóc còi trơ trọi chốn Tần Quan

Kiều Mộng Hà
Oct23rd2023
***
Ngắm Cảnh Trường An

Gió thổi mưa Xuân giạt núi xanh
Trường An cung điện xếp hàng hàng
Ước mơ một mái nhà êm ấm
Xuân đến bên sông cảnh trí an

Sông núi trải dài tận ngút ngàn
Huy hoàng chiều nắng đẹp Trường An
Có ai thương phận ta lăn lóc
Tóc bạc xác xơ nho sĩ hàn

Thanh Vân
***
Hôm nay, sinh nhật thứ 81, bên ngoài trời mưa, mà tối nay mới được vợ con kéo đi ăn, BS không biết làm gì trong khi chờ đợi nên viết góp ý cho bài thơ của Lư Luân.

Thấy tên quen quen, thì nhớ ra cách đây mấy năm, mình đã góp ý cho bài HỶ NGOẠI ĐỆ LƯ LUÂN KIẾN TÚC của Tư Không Thự. Tư Không tả cảnh nghèo của mình, xấu hổ vì có em bên ngoại là Lư Luân đến thăm. Theo tiểu sử thì cả hai anh em đều nghèo, Lư thì thi hoài không đậu, sau nhờ người giới thiệu mới được chức quan nhỏ, nhưng thủa hàn vi thì rất khổ sở.

Đúng như ÔC nói, bài thơ này Lư làm khi về Tràng An để thi, cảm thấy buồn vì phong cảnh sông núi, đồng ruộng hoang vu, vắng vẻ, mình thì nhớ nhà, một thân nơi đất khách, mái tóc tả tơi….

ÔC lấy bài trên Thi Viện, và BS thấy chữ thứ 3 của câu 5, phiên âm liệu là sai, phải là LIỄU mới đúng. LIỄU NHIỄU, cả 2 chữ viết với bộ mịch, cùng có nghĩa là quấn, vòng quanh, vướng mắc, uốn lượn…

Những chữ khó khác:

# Xuyên: dòng nước, sông,
# Nguyên: cánh đồng, lúc đầu, nguồn…
# Sâm: cây sâm, hay sao Sâm. Sâm Si là so le, nhấp nhô, chỗ cao, chỗ thấp.
# Lạc: rụng, xuống thấp, thuộc về. Lạc đệ là thi rớt, lạc chức là mất chức.
# Chiếu : chiếu, soi, rọi…ánh sáng mặt trời. Lạc chiếu, tịch chiếu là lúc nắng tàn.
# Niệm: mong mỏi, nhớ, nghĩ..

Về họ của tác giả, những sách mà BS có cùng Thi Viện đều ghi là Lư, nhưng khi đọc bài của anh Giám, BS liền tra tự điển Nguyễn Tôn Nhan, thì chữ viết trong bài đúng là LÔ (trang 940).

Về năm sinh, Thi Viện ghi 748-800, những sách khác đều rất sơ sài, không ghi rõ, nhưng Nguyễn Đức Lân cho biết thêm chi tiết: Lô Luân thi rớt, nhưng 4 người con là Giản, Năng, Từ, Cầu đều đậu tiến sĩ, và họ góp nhặt hết thơ của cha, được bao nhiêu bài thì không thấy nói.

Ngắm Xuân Trường An 

Mưa bay theo gió vượt non ngàn,
Muôn cửa trông ra sắc cỏ nhàn,
Nhà ở trong mơ, ngày nao tới,
Trên sông xuân mấy kẻ đi ngang,
Đồng, sông uốn lượn ngoài mây nổi,
Cung khuyết lô nhô dưới nắng tàn,
Ai nghĩ nho sinh mà gặp nạn,
Một mình tóc úa chốn Tần quan.

Bát Sách.
(ngày 21/10/2023)
***
Nguyên tác:         Phiên âm:

長安春望-盧綸   Trường An Xuân Vọng - Lư Luân

東風吹雨過青山 Đông phong xuy vũ quá thanh san
卻望千門草色閒 Khước vọng thiên môn thảo sắc nhàn
家在夢中何日到 Gia tại mộng trung hà nhật đáo
春來江上幾人還 Xuân lai giang thượng kỷ nhân hoàn

川原繚繞浮雲外 Xuyên nguyên liễu nhiễu phù vân ngoại
宮闕參差落照間 Cung khuyết sâm si lạc chiếu gian
誰念為儒逢世難 Thùy niệm vi nho phùng thế nạn
獨將衰鬢客秦關 Độc tương suy mấn khách Tần quan

Nguyên tác chữ Hán bên trên dựa vào mộc bản cổ xưa nhất trong sách Ngự Lãm Thi của Lệnh Hồ Sở 御覽詩-唐-令狐楚.Bản này xài chữ nhàn閒 thay vì nhàn閑 trong câu 2.


Sách Ngự Định Toàn Đường Thi của Thánh Tổ Huyền Diệp 御定全唐詩-清-聖祖玄燁 cho dị bản trong các câu :

Câu 2 : liễu柳 thay vì thảo草
Câu 4 : sanh生 thay vì lai來
Câu 7 : đa thất ý多失意 thay vì phùng thế nạn逢世難

Các sách khác có mộc bản bài thơ:
Cổ Thi Kính - Minh - Lục Thì Ung 古詩鏡-明-陸時雍
Doanh Khuê Luật Tủy - Nguyên - Phương Hồi 瀛奎律髓-元-方回
Đường Thi Cổ Xuy - Kim - Nguyên Hảo Vấn 唐詩鼓吹-金-元好問
Đường Bách Gia Thi Tuyển - Tống - Vương An Thạch 唐百家詩選-宋-王安石

Chú thích:

Đông phong: gió mùa xuân thổi từ hướng Đông
Thanh sơn: núi màu xanh, tên núi Thanh Lâm Sơn ở đông nam huyện Đương Đồ, tỉnh An Huy
Thiên môn: ngàn cửa, vô số cửa, cung điện, lâu đài…
Xuyên nguyên: vùng sông ngòi hoang dã, chỉ xứ sở quê hương
Liễu nhiễu: xoay xoắn, quanh co
Khuyết: tháp ở hai bên cổng vào cung điện, thường có lầu và lối đi quanh để có thể quan sát bốn phía từ trên cao
Cung khuyết: cung điện ngày xưa vua ở; gọi như thế vì cung điện nào cũng có hai khuyết ngoài cổng
Sâm si: không đồng đều, nhấp nhô
Lạc chiếu: ánh sáng mặt trời lặn
Thế nạn: khó khăn của thế gian, gặp phải thời kỳ hỗn loạn.
Tần quan: giữa đất Tần, nơi Trường An tọa lạc

Dịch nghĩa:

Trường An Xuân Vọng Ngắm Xuân Ở Trường An

Đông phong xuy vũ quá thanh san
Gió đông nhẹ đẩy mưa xuân đến rặng núi xanh mờ,
Khước vọng thiên môn thảo sắc nhàn
Nhìn từ xa, nhà ở Trường An như chồng lên nhau, cỏ cây xanh mướt.
Gia tại mộng trung hà nhật đáo
Gia đình đầm ấm trong mơ mộng biết bao giờ có được?
Xuân lai giang thượng kỷ nhân hoàn
Xuân đã trở lại trên sông, thuyền qua lại, nhưng mấy người có thể trở về được?
Xuyên nguyên liễu nhiễu phù vân ngoại
Quê hương (sông và đồng) trải dài đến tận chân trời vượt xa những cụm mây bồng bềnh.
Cung khuyết sâm si lạc chiếu gian
Cung điện Trường An nhấp nhô trong ánh nắng hoàng hôn.
Thùy niệm vi nho phùng thế nạn
Ai có thể hiểu được rằng một nho sinh như tôi sinh ra trong thời buổi khó khăn,
Độc tương suy mấn khách Tần quan
Một mình lăn lóc với mái tóc suy tàn lang thang trong giữa đất Trường An.

Dịch thơ:

Ngắm Xuân Ở Trường An

Phỏng dịch theo thể nguyên tác thất ngôn bát cú:

Gió đông nhẹ thổi mưa về núi,
Chồng chất nhà xây cây cỏ nhàn.
Cuộc sống êm đềm mơ lúc có,
Xuân trên sóng nước cảnh bình an.

Quê hương trải rộng hơn mây nổi,
Cung điện nhấp nhô dưới nắng tàn.
Ai hiểu nho sinh đang khốn đốn,
Cô đơn tóc rối sống lang thang.

Phỏng dịch theo thể thơ Việt song thất lục bát:

Gió từ đông, thổi mưa vào đất,
Nhà Trường An, chồng chất như nêm.
Ước mơ cuộc sống êm đềm,
Xuân trên sóng nước thuyền thêm người về.

Non sông rộng, đồng quê muôn cảnh,
Cung điện xưa, xuyên ánh nắng tàn.
Nho sinh gặp phải gian nan,
Đầu bù tóc rối lang thang giữa trời.

Watching Spring In Chang An by Lu Luan

The East wind blew the spring rain toward the blue mountain,
From the distance, Chang An houses appear to sit one over the other and the grass is lush green.
I wondered when the dream family (peaceful country) would make a comeback?
Spring has returned on the river, boats come and go, but how many people shall return?
The country rivers and fields intertwine toward the horizon farther than the floating clouds,
The royal palaces unevenly glitter in the last sunset lights.
Who could understand that a poor student born in difficult times,
Alone with untrimmed white hair, would roam the streets of Chang An.

Phí Minh Tâm
***
Góp Ý:

Tiểu sử 盧綸=Lô Luân (Thiều Chửu không chua cách đọc Lư và tiếng Triều Châu phát âm là Lô). Lô Luân không thể sinh năm 748 vì cả hai cuốn Cực Huyền Tập và Cựu Đường Thư đều ghi rằng năm Thiên Bảo cuối cùng Lô Luân thi tiến sĩ không đỗ. Thiên Bảo (天寶) là niên hiệu cuối cùng của Đường Huyền Tông, từ 742 đến 756) nên năm 756 Lô Luân còn là con nít chưa thể đi thi nếu sinh năm 748. Có người nghĩ là họ Lô sinh thời Khai Nguyên (713-741), năm 737, và có thể không dự thí được vì loạn An Sử (755-763).

Huỳnh Kim Giám

Chiếc Áo Len


Năm 1969, Minh học lớp Đệ Nhất trường Quốc Học Huế. Gia đình Minh ở thôn Vỹ Dạ, một vùng ngoại ô quen thuộc đối với người Huế. Năm nay Minh đã 19 tuổi, nhưng Minh rất nhút nhát trong việc giao thiệp với người khác phái, vì vậy cho đến nay, Minh vẫn chưa có bạn gái.

Minh có một sở thićh khá lạ lùng, đó là mỗi buổi sáng, anh thićh đứng trước nhà nhìn người qua lại trước khi đạp xe đạp đi học. Một thời gian sau, anh đã nhớ cả mặt bác đạp xích lô với chiếc áo nhà binh đã bạc màu, chị bán bánh dầy cũng như một bà đứng tuổi với gánh bún bò thơm ngát...Nhưng cái đặc biệt mà Minh nhớ nhất, chú ý nhất là cô gái gánh đâu hủ trên vai, nhẹ nhàng thoăn thoắt đi bên kia đường. Anh không nhìn rõ được mặt cô gái vì chiếc nón lá che khuất nửa khuôn mặt của cô; anh chỉ nhìn được chiếc lưng thon thon nhỏ của cô. Cô gái mặc chiếc áo dài vải thô màu hạt dẻ, ôm lấy thân hình mảnh mai. Minh ngạc nhiên vì đang mùa Đông lạnh lẽo mà sao cô ấy ăn mặc sơ sài quá vậy. Từ đó, mỗi buổi sáng, Minh đều ra đứng trước cửa nhà, nhưng anh không còn nhìn vẫn vơ như trước nữa, anh đã có đối tượng để trông chờ, đó là cô gái bán đậu hủ.

Từ xa, anh đã thấy cô gái đang ̣đi tới. Cô vẫn mặc chiếc áo dài cũ kỹ mong manh. Tự nhiên anh thấy lạnh, không phải lạnh vì thời tiết mà anh cảm nhận cái lạnh từ cô gái...
Bấy giờ, một ý nghĩ đáng yêu thoáng qua trong trí óc anh “tại sao mình không tặng cho cô ấy chiếc áo len để cô đỡ rét trong những ngày Đông giá lạnh nầy”
Minh đánh liều xin mẹ anh đan cho anh một chiếc áp len con gái.
Mẹ anh mỉm cười: “Đã có chuyện rồi đây!”
Ba ngày sau, mẹ anh trao cho anh chiếc áo lên mịn màn màu cánh sen. Anh lí nhí cảm ơn mẹ.

Sáng hôm sau, anh ra đứng trước cửa sớm hơn thường lệ, tay ôm chiếc áo len lòng hồi hộp rộn ràng. Kìa...Minh đã thấy cô gái đi đến cũng với dáng điệu quen thuộc. Anh thu hết can đảm băng qua bên kia đường để đón cô gái. Minh đừng chắn ngang đường làm cô gái bỡ ngỡ dừng lại ngac̣ nhiên nhìn anh. Đây là lần đầu tiên anh được đứng gần cô gái và nhìn rõ gương mặt xinh xắn của cô, lòng anh lâng lâng như vừa uống một ly rượu mạnh. Anh nhỏ nhẹ nói với cô : “tôi tặng cô chiếc áo len nầy” và run run trao chiếc áo cho cô.

Ngần ngừ một chút, cô gái mới đón nhận chiếc áo len rồi nhìn Minh, cảm động nói : “Cám ơn anh”.
Ngay sau đó, cô khoać chiếc áo len vào người, thong thả đật gánh đậu hủ lên vai rồi từ từ bước đi.
Minh ngẩn ngơ nhìn theo mà thấy lòng mình rộn rã ngất ngây....Anh đang sống trong giây phút đẹp nhất mà anh chưa bao giờ có trong đời.
Hôm sau và hôm sau nữa, cứ mỗi buổi sáng, Minh lại ra cổng đứng nhìn cô gái đi qua. Mấy hôm nay, anh thấy hình như cô có ngước nhìn anh khi đi ngang qua chỗ anh đứng. Chỉ có thế mà anh vui vẻ yêu đời suốt ngày và cảm thấy cuộc sống thất hạnh phúc.

Tuy nhiên những ngày hạnh phúc sớm qua đi – chỉ được có mấy tháng-vì sau khi thi đậu Tú Tài toàn phần, anh nhận được giấy gọi nhập ngũ. Anh theo học khóa Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức. Giữa năm 1970, anh ra trường với cấp bậc Chuẩn Úy.và được điều động về phục vụ tại tiểu khu Phong Dinh (Cần Thơ). Anh xa Huế kể từ đó. Anh được cử giữ chức vụ Trung Đội Trưởng rồi Đại Đội Trưởng Địa Phương Quân ở chi khu Phụng Hiệp thuộc tiểu khu Phong Dinh. Những lúc đi hành quân hay đêm ngủ ngồi trên bờ kinh...anh thấy nhớ cô gái ấy vô cùng.. Nhưng đời binh nghiệp trong thời chinh chiến đã giữ chân Minh. Ngày đêm sống chết với mãnh đất nầy, anh chưa có cơ hội nào để về thăm lại “người yêu”.

Rồi ngày 30/4/1975 ập đến. Cũng như các Sĩ Quan khác của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, Minh bị bắt đi tù cải tạo. Anh bị chuyển đi từ trại nầy qua trại khác ở Miền Tây cho tới năm 1985, anh mới được trả tự do. Trước khi được tha về, họ hỏi anh “về đâu” để họ viết vào “Giấy Ra Trại”. Anh trả lời :“Nhả tôi ở Huế đã bị họ lấy, cha mẹ tôi đều đã qua đời “. Họ lại hỏi:”Trước khi đi lính, anh ở đâu?”. Anh trả lời “Ở Huế”. Thế là họ ghi vào giấy ra trại của anh :”Về trình diện chính quyền thành phố Huế”.
Ở trại giam ra, họ phát cho anh 16 đồng. Minh mua vé xe đp̀ đi về Sài Gòn xin tạm trú ở nhà người bà con. Người nầy cho biết mẹ của anh qua đời năm 1979, sau khi bà mất, họ cướp luôn cân nhà của anh.

Trong mấy ngày ở Sài Gòn, anh đi lang thang vô định hết đường nẩy đến đưởng khác. Tình cờ anh đi ngang qua Nhà Thờ Ba Chuông và liền ghé vào. Chung quanh anh, nhiều người đang quỳ gối đọc kinh cầu nguyện. Nhìn lên hình ảnh thiêng liêng của Chúa chịu nạn trên bàn thờ, anh lâm râm cầu nguyện: “ Lạy Chúa, con biết Chúa yêu thương con, Chúa đã phù h̀ộ, nâng đỡ con từ nhỏ cho đến hôm nay. Nhưng lạy Chúa, con đã mất tất cả mọi sự ở đời nầy nhưng phúc cho con còn có Chúa. Lạy Chúa, con biết làm gì bây giờ, xin Chúa chỉ dạy con”.

Anh vô cùng ngạc nhiân khi nghe một tiếng nói mơ hồ huyền hoặc từ sâu thẳm vọng lại: “Con nên đi về Huế” .
Minh như sực tỉnh, anh mua ngay vé xe lửa về Huế. Qua một đêm, sáng hôm sau xe dừng lại ở ga Huế. Hành khách lần lượt xuống xe, chỉ riêng Minh cứ ngồi thừ ra đó vì anh không biết đi đâu bây giờ. Bỗng anh có ý nghĩ là hãy về xem lại căn nhà cũ của mình.

Căn nhà quen thuộc thăn yêu của anh nay đã thay đổi, hoàn toàn xa lạ. Anh đứng trước nhà lơ đãng nhìn người qua lại bên kia đường. Bỗng anh tái mặt run rẫy khi thấy từ xa, một cô gái gánh đậu hủ đang đi đến. Anh quá bối rối không còn tin ở mắt mình. Nhưng kìa cô gái đã đến gần, anh vội vã băng qua bên kia đường đứng đón cô ấy. Một điều làm anh vô cùng sửng sốt là cô gái lại mặc chính chiếc áo len màu cánh sen mà năm xưa anh đã tặng người con gái anh thương.


Nhưng khi nhìn kỹ, Minh thấy cô gái còn trẻ qúa, chì khoảng 15,16 tuổi thì không thể là người mà anh đã thầm yêu trộm nhớ. Thế còn chiếc áo len? Minh đánh bạo hỏi cô gái:“Cô ơi! Cô có thể cho tôi biết ở đâu mà cô có chiếc áo len nầy?”.
Nét mặt cô gái bố̃ng tươi hẳn lên, cô không trả lời anh mà chỉ nhìn vào khoảng không và nói như reo:”Tạ ơn Trời Đất, chắc mẹ tôi vui lăm vì tôi đã gặp được người mà mẹ tôi trông chờ từ bao năm nay”
Cô gái nhìn Minh và thân mật nói :”Nếu ông muốn biết ở đâu mà tôi có chiếc ảo len nầy. Mời ông đi theo tồi”.

Không chờ Minh trả lời, cô gái nhẹ nhàng gánh đậu hủ lên vai và đi ngược về hướng chợ Vĩ Dạ. Anh lặng lẽ đi theo cô gái mà không biết chuyện gì sẽ xảy đến cho anh đây. Cô gái đi vào một căn nhà xưa cũ, đặt gánh đậu hủ xuống trước sân . Bỗng có tiếng nói từ trong nhà vọng ra: “ Ủa! Sao bữa nay con về sớm rứa mà có ông nào đi với con vậy?”.
Cô gái hớn hở nói lớn: “Mạ ơi! Mạ có tin vui nè, có ông nầy hỏi con ờ̉ đâu mà con có chiếc áo lên này nên con đưa ông ấy về nhà đây”

Im lặng một lúc rồi một người đàn bà khoảng 40 tuổi xuất hiện ở ngưỡng cửa. Khi nhìn thấy Minh, bà không dấu được sự xúc động tột cùng của mình mà cảm động thốt lên trong nước mắt lưng tròng“ Ông Trời đã không phụ tấm lòng của tôi, tôi đã đợi chờ ngày nầy từ 20 năm nay”.

Minh nhìn kỷ người đàn bà, anh bồi hồi nhận ra ngay đó là cô gái mà anh yêu từ lúc còn đi học. Người đàn bà nghẹn ngào nói với Minh: “Mời ông vào nhà”.
Trước đây dù yêu nàng, nhưng anh đã không đủ can đảm để hỏi tên nàng. Và nàng cũng không biết anh là ai. Nhưng ông Trời đã sắp đặt cho hai người yêu nhau.
Trải qua bao biến đổi cuộc đời, hôm nay Minh mới được đứng cạnh người mình yêu và nhìn thẳng vào đôi mắt của nàng mà thầm nghĩ đây là mộng hay thực?

Một giọng nói âu yếm cắt ngang dòng tư tưởng của Minh: “Ngày ấy sao anh không hỏi tên em?”. Minh ngập ngừng trả lời: “Lúc đó anh chỉ là đứa con trai mới lớn. Dù đã để ý tới em nhưng anh xem em như một nàng tiên, anh sợ đến gần em, hỏi han em ...có thể nàng tiên sẽ bay đi mất nên anh chỉ đứng bên nầy đường nhìn em đi ngang qua anh cũng thấy hạnh phbúc lắm rồi”.
Thiếu phụ bùi ngùi nới với anh: “sau khi mình đã xem như yêu thương nhau thì Mạ bắt em phải ưng con trai một bà bạn thân là một sĩ quan Thủy Quân Lục Chiến nhưng không may là chỉ mấy tháng sau,
chồng em đã hy sinh tại chiến trường trong khi em đang mang thai cháu Hằng là cháu mà anh vừa nói chuyện. Cho tới bây giờ, em vẫn còn yêu sự lãng mạn của anh và chờ đợi anh qua bao nâm tháng.Tinh thần và thể xác em đã quá mõi mòn nên cách đây khoảng hai nâm, em đã chuyển nghề bán đậu hủ nầy cho con gái của em. Em bắt chấu mỗi khi đi bán đều phải mặc chiếc áo len mà anh đã tặng cho em với lời dặn dò rằng nếu có ông nào hỏi con về lai lịch của chiếc áo lân nầy thì người ̣đó chính là mối tình đầu của mẹ. Rồi em mong chờ trong hy vọng. Tạ ơn Trời Đất, cho em hôm nay được gặp lại anh”

Thiếu phụ âu yếm hỏi Minh: “Thế bây giờ anh có muôn biết tên em không? Tên em là Nga” Minh tình tứ trả lời: “Còn tên của anh là Minh”.
Nga ngậm ngùi hỏi Minh:”Tại sao lúc đó anh biến mất vậy? Mỗi sáng khi đi ngang nhà anh mà không thấy anh đướng đó làm em buồn lắm anh biết không?”.
Minh thổn thức: “Năm đó, anh đậu Tú Tài toàn phần, chỉ mấy tháng sau anh bị gọi động viên đi Thủ Đức. Ra trường, anh được điều động về phục vụ ở tiểu khu Phong Dinh. Đời binh nghiệp đã giữ chân anh ở đó cho đến năm 1975, anh bị đi tù cải tạo vừa mới được thả về tuần trước đây”.
Chàng buồn buồn tâm sự với Nga:’’Nhà cửa của anh đã bị họ lấy mất, người mẹ thân yêu của anh cũng đã qua đời khi anh còn ở trong trại tù. Giờ đây anh chỉ là kẻ tứ cố vô thân”
Giọng Nga trầm xuống :
“Vậy em mời anh ở lại đây với mẹ con em nhé!”.

Hạnh phúc chợt đến quá bất ngờ làm Minh ngây ngất. Chàng âu yếm nắm lấy tay Nga. Thân hình nàng bủn rủn ngã vào lòng chàng với hai hàng nước mắt chảy dài xuống má.
Minh sung sướng ôm Nga vào lòng mà ngỡ như mình sống trong mơ. Chàng cúi xuống đặt lên môi nàng một nu hôn ngọt ngào để rồi hai kẻ say tình ôm chặt lấy nhau trong chuỗi yêu thương./.

Bửu Uyển
Tháng 5-2018

Thứ Ba, 23 tháng 4, 2024

Vẫn Mãi Sài Gòn - Thơ: Hoàng Mai Nhất - Nhạc Sĩ Liên Bình Định - Ca Sĩ Diệu Hiền


Thơ: Hoàng Mai Nhất
Nhạc Sĩ: Liên Bình Định
Ca Sĩ: Diệu Hiền

Tình Vô Vọng

 

Gió hiu hiu trời dần tối  
Ta và em cả hai dường bối rối  
Trong ngỡ ngàng trong hồi hộp đắm say...  

Mắt nhìn mắt tay tìm tay   
Sau thời gian chia cách đã bao ngày  
Giờ gặp lại cứ ngỡ đây chừng như mộng...   
 
Hồn miên man sương lan toả      
Trời lành lạnh và bóng đêm như đồng loả
Khi cả hai cùng viết tiếp chuyện yêu đương  

Này đam mê này lý trí   
Nghe ray rức hay chỉ còn cảm xúc dâng cao
Em nghĩ gì nếu mình chẳng thể bên nhau...   

Luyến tiếc mãi?... hối hận mãi?... 
Vì mai đây chúng ta sẽ trở về thực tại     
Khi gia đình bổn phận còn cản lối ngăn đường   

Men cạn bầu 
Tình khuất bóng   
Trời đất mênh mông  
Lòng buồn man mác  
Không gì to tác
Chuyện hai ta chỉ là hạt cát giữa cõi đời này.

Quên Đi

Tháng Tư Lại Về

 

Tháng Tư buồn lặng lẽ
Nắng hạ còn đơn côi
Sương mù giăng khắp lối
Lòng xao xuyến bồi hồi.

Em! Một thời để nhớ
Anh! Chinh chiến tơi bời
Sài Gòn thời hoa mộng
Lưu luyến một phương trời.

Con đường lá me bay
Đợi nhau mối tình đầy
Sông Sài Gòn dòng chảy
Cánh chim mờ chân mây.

Tháng Tư về hoang mang
Chiến tranh thật kinh hoàng
Đoàn người đi vội vã
Chia ly trong ngỡ ngàng.

Tháng Tư ta mất nhau
Hồn đau thấm nỗi sầu
Từ nay “Tự Do” mất
Chia đôi hai nhịp cầu.

Thái Bình Dương xa cách
Hai bên sóng vỗ bờ
Sóng thay màu tang trắng
Quê hương vẫn đợi chờ.

Em bây giờ mong đợi
Những yêu thương một thời
Sài Gòn ngày xưa ấy
Ta lạc nhau mất rồi.

Tế Luân


Trang Tình Sử Tháng Tư

 

1-Trang Tình Sử Tháng Tư

Bài thơ anh viết hôm nay
Những giòng tâm sự quắt quay tình người
Cô phòng giọt lệ tuôn rơi
Tháng Tư...tuyết đổ đầy trời lưu vong

CN-HNT,
Apr.11.24 

2-Nửa Trăm Năm Buồn

Thân này tóc đã pha sương
Từ khi phiêu bạt trên đường lưu vong
Nửa trăm năm lệ tuôn ròng
Quê hương có hiểu nỗi lòng Tháng Tư?

CN-HNT
Apr.15.24

Tháng Tư 1985


Tháng 4 năm nay, nơi tôi ở, là một tháng mà 4 mùa xuân hạ thu đông trộn lẫn. Mới sáng trước hoa khai, chim hót, trưa phải tìm bóng cây trốn nắng, thì hôm sau: đã tơi bời, ào ạt gió mưa! Rồi mấy ngày nay, sáng sớm ra ngoài, phải một chiếc áo len, phải một vòng khăn ấm. Trên non cao, tuyết trắng một màu!

Lúc còn ở Việt Nam, như nhiều gia đình khác, nhà tôi không có chuyện ''happy birthday to you''. Trừ ngày lễ lục tuần của Thầy Mẹ chúng tôi . Nhưng từ khi bỏ nước ra đi, xa Thầy Mẹ, mỗi năm, chúng tôi đều thư về chúc mừng Sinh Nhật các người. Không biết các anh chị khác thì sao, riêng tôi,ngoài những câu chúc, đều có một bài thơ, vì Thầy Mẹ tôi, cả hai, đều yêu văn chương và hay ''làm-thơ'' .

Thầy tôi sinh tháng 5, Mẹ tôi sinh tháng 8! Nên, từ tháng 4, tháng 7, là tôi đã viết thiệp chúc sinh nhật, gởi về Việt Nam
Đã không nhớ thời tiết của tháng 4 năm rồi, tôi lại càng không nhớ cái ''đất trời'' của tháng 4, 39 năm trước!
Chỉ nhớ là có một khuya lộng gió, một mình trong phòng khách, tôi thắp thuốc, viết bài thơ dưới đây, mừng sinh nhật Thầy tôi.

Sinh Nhật Thầy Năm Thứ 75

Con ở Paris, trời tháng tư
Một mình đọc lại những trang thư
Thấy gì ?- Con thấy qua hàng chữ
Hai cánh rừng chưa thay lá khô!

Ơi những người yêu dấu của con
Gọi nhau, tiếng rõ, tiếng không tròn!
Bao năm là bấy nhiêu đau đớn
Mình vẫn chờ trông đến mỏi mòn

Con ''hết thơ hoa, mộng bướm rồi'' (*)
Níu lòng, lòng cứ mãi trôi xuôi
Từ hôm tàu nhổ neo, xa bãi
Con cũng xa luôn một khoảng đời!

Con muốn được nằm trong cánh tay
của Thầy, như lúc mới lên hai
Có đêm con ngủ, rồi con mộng
Thức giấc, nghe mưa rớt mái ngoài ...

Con có gia đình riêng ấm êm
Mỗi ngày con cố gắng vươn lên
Bao giờ cây nở hoa-đoàn-tụ
Tay bố, tay con được nối liền?

Sinh nhật này, Thầy 75
Con ngồi bên cốc rượu trầm ngâm
Nơi đây, trời bắt đầu cao gió
( Có ngọn nào qua phố ''Khắc-Chân"? )

Tưởng tượng như đang ở cạnh Thầy
Gia đình ra Mỹ Cảnh chiều nay
Thầy chiêu một ít chung cognac
Con uống cho tan quả đất nà!)

(*): Đinh Hùng
(BP 4/1985)

Mùa đông năm đó, gia đình tôi đoàn tụ
Mùa đông 5 năm sau, Thầy tôi ''ra đi'' !

Ngoài chuyện gặp lại các con, tôi nghĩ, điều làm ông vui nhất cuối đời, là được ''chứng kiến'' bức tường Bá Linh bị đập (9/11/1989), bắt đầu cho sự tan rã của chế độ Cộng Sản ! Trong điện thoại, ông vui mừng nói với tôi: '' Cuối cùng Thiện cũng thắng Ác, Gorbachev rồi sẽ giải thể chế độ CS. Kiểu này, chắc Thầy sắp về lại ... Việt Nam rồi ! ''. Qua truyền hình, Thầy tôi theo dõi ''ngày tàn của bạo chúa'' Ceaușescu (trùm CS Roumanie, 2512/1989).. Tiếc là ông đã không chứng kiến được cảnh chế độ CS cáo chung, với tuyên bố chính thức của 3 Tổng bí thư: Nga, Ukraine, Biélorussie, ngày 8/12/1991 
Chế độ CS (chuyên chính) đã giải thể cuối năm 1991 nhưng, nếu bây giờ còn sống (113 tuổi), tôi nghĩ, Thầy tôi cũng sẽ không về để chết ở quê hương !

BP
23/04/2024

Chúng Ta Mất Hết! Chỉ Còn Nhau!



(Bài Hát Nói cảm ơn và đáp lễ Đồng Môn Đồng Hương Nguyễn Thị Dung luôn luôn ân cần hồi âm 
Đức Hùng nhanh chóng, chân tình!)

Chúng ta đã mất hết!
Vận nước xui nên, bay buộc đến! Sống buồn nhưng có Bạn Đồng Môn!
Đồng chí hướng, đồng Chính Nghĩa Quốc Gia! Cần vững chắc bảo tồn!
Chúng ta chỉ còn và vẫn còn nhau! Còn Hồn Thiêng Sôn Núi!

Vẫn sẵn mưu cơ đầy một túi!
Còn đây ý chí ngập muôn lòng!
Còn Người là còn tất cả! Đoàn kết lại! Sức mạnh vô song!
Người Việt ta vốn thông minh, quả cảm, quật cường, trong ngoài luôn thấu rõ!

Còn nhau là còn chân tình với nhau! Quang minh, sáng tỏ!
Không vong ơn, bạc nghĩa, không “đâm sau lưng chiến sĩ”, bỏ được “Cái Tôi”!
Giúp nhau tận tụy quên thôi!

Đức Hùng
Sydney, Úc Châu, 21/04/2024
13 Tháng 3 Âm Lịch Năm Giáp Thìn, Ngày Ất Mão. Hành Thủy, Trực Bế, Sao Mão,Cát Thần: Quan Nhật, Yếu Yên, Ngũ Hợp
 

Tạp Ghi Và Phiếm Luận: Chữ Tâm


 
TÂM 心 là Trái Tim, mà trái tim nằm ở trong lòng ngực của cơ thể, nên TÂM còn có nghĩa là Lòng Dạ con người. TÂM là một Bộ 4 nét trong 214 Bộ Thủ của "CHỮ NHO... DỄ HỌC" theo diễn tiến chữ viết Tượng Hình như sau:

Giáp Cốt              Văn Đại         Triện Tiểu                 Triện Lệ Thư            Khải Thư

Ta thấy:
Hình Trái Tim được vẽ có 4 ngăn hẵn hoi, lần lần chuyển biến như hình cái bụng nhọn bên dưới, qua chữ Triện thì thành những nét cong queo chỉ cuốn tim ở bên trên, đến Lệ Thư thì lại được kéo thẳng thành một nét dài và 3 chấm, và kịp đến chữ Khải như hiện nay (心) thì mới giống như là cụ Nguyễn Du đã diễn tả khi cho Thúy Kiều nhớ đến Thúc Kỳ TÂM, tức là chàng Thúc Sinh khi đang về thăm vợ cả là Hoạn Thư, như sau:

Đêm thu gió lọt song đào,
Nửa vành trăng khuyết ba sao giữa trời!

Cụ Nguyễn Du đã thi vị hóa chữ TÂM 心 giống như là "Nửa vành trăng khuyết và ba sao giữa trời !". Rõ khéo ví von chữ TÂM 心 một cách vô cùng nên thơ thi vị!


Chữ TÂM tuy chỉ đơn giản có 4 nét, nhưng lại hàm chứa rất nhiều ý nghĩa đối với con người và cuộc sống. Trước tiên...
- TÂM 心 là Trái Tim, là một trong Ngũ tạng 五臟 : Tâm, Can, Tỳ, Phế, Thận 心,肝,脾,肺,腎 của con người, tương ứng với Ngũ hành 五行 là Hoả, Mộc, Thổ, Kim, Thuỷ 火,木,土,金,水, và lại ứng với Ngũ thanh 五聲 là Năm thanh sắc của con người. Đó là Tiếu, Hô, Ca, Khốc, Thân 笑, 呼, 歌, 哭, 呻 (là Cười, Hét, Hát, Khóc, Rên). TÂM ứng với hành Hỏa và thanh Tiếu là Cười, nên trong truyện võ hiệp của nhà văn Kim Dung, những người bị trúng phải Thôi Tâm Chưởng 推心掌, tuy trái tim bị dập nát mà chết nhưng trên gương mặt co rúm lại như đang nở một nụ cười. Sự thật khi tim bị nhói đau thì nét mặt lộ những vết nhăn như đang cười chứ không phải là cười thật.
- TÂM 心 là Lòng Dạ của con người và của cả những động vật sống chung quanh con người, nên ta lại có các thành ngữ như : Lang Tâm Cẩu Phế 狼心狗肺 là "Tim của con sói, phổi của con chó". Ta dịch Nôm na là "Lòng Lang Dạ Sói"; và Xà Hiết Tâm Trường 蛇蝎心腸 là "Tim và ruột của rắn và bọ cạp". Ta thường nói là "Lòng Dạ Rắn Rết".
- TÂM 心 là phần giữa của sự vật và thực vật, như : Giang Tâm 江心 là Giữa lòng sông; Địa Tâm 地心 là Giữa lòng đất; Chưởng Tâm 掌心 là lòng bàn tay; Hoa Tâm 花心 là giữa lòng hoa, là Nhụy hoa...
Nhắc đến HOA TÂM 花心 là Trong Lòng Hoa, ta lại nhớ về một giai thoại điển tích rất thú vị giữa Tô Đông Pha và Vương An Thạch như sau...

Vương An Thạch 王安石(1021—1086,tự là Giới Phủ 介甫,hiệu là Bán Sơn 半山 là Tể Tướng đương triều thời Bắc Tống, chẳng những giỏi văn thơ mà còn giỏi về chính trị nữa (Vương An Thạch Tân Pháp, là cải cách chính trị nổi tiếng của ông lúc bấy giờ, ở đây, ta chỉ nói về văn thơ của ông mà thôi). còn Tô Đông Pha tên thực là Tô Thức 蘇軾(1037—1101)tự là Tử Chiêm 子瞻, là một quan Hàn Lâm, rất giỏi văn thơ.(Trong Đường Tống Bát Đại Gia thì cha con Tô Đông Pha chiếm hết 3 ghế rồi). Có lẽ vì thế mà ông cũng có hơi hợm mình, nên mới dám cả gan sửa thơ của Tể Tướng, vì ông cho là Vương An Thạch đã nhầm lẫn khi viết 2 câu thơ sau đây :

明月當頭叫, Minh nguyệt đương đầu KHIẾU,
黄狗卧花心. Hoàng cẩu ngọa HOA TÂM .
Có nghĩa:
Trăng sáng KÊU ngay ở trên đĩnh đầu, và...
Con chó vàng nằm ở giữa LÒNG HOA.

Ông cho là Tể Tướng đã lẫm cẫm nên nhầm, mới sửa lại thành :

明月當頭照, Minh nguyệt đương đầu CHIẾU,
黄狗卧花陰. Hoàng cẩu ngọa hoa ÂM.
Có nghĩa: 
Trăng sáng SOI ngay trên đĩnh đầu, và...
Con chó vàng nằm DƯỚI BÓNG HOA.


Vương giận, cho là ông làm tài khôn sửa bậy thơ của người khác, mới đày ông xuống miền Mân Nam (Vùng Phúc Kiến, Quảng Đông ngày nay).
Một hôm, Tô Đông Pha đi dạo trong vùng Hợp Phố để thăm hỏi dân tình thì thấy một con chim lạ rất đẹp, mới hỏi thăm dân làng đó là con chim gì ? Dân làng đáp rằng : Đó là con chim Minh Nguyệt !. Tô nghe nói giật mình. Dân lại nói tiếp là, loài chim nầy chuyên tìm ăn loại sâu bọ màu vàng nằm giữa lòng hoa. Tô hỏi là loại sâu gì ?. Dân bèn tìm ngắt một đóa hoa thật đẹp, nhưng ở giữa nhụy hoa có một con sâu màu vàng nằm cuốn tròn, mõm dài và mình đầy lông trông như một con chó con bé xíu, dân bảo con sâu đó tên là Hoàng Cẩu !. Tô bèn thở dài và chép miệng : "Thật đáng kiếp !". Ông trách cho sự dốt nát và hợm hĩnh của mình. Từ đó, mới chịu phục Tể Tướng Vương An Thạch là giỏi....
Thì ra hai câu thơ của Tể Tướng là để nói về 2 loài vật nầy :

Con CHIM Minh Nguyệt đang hót ở trên đĩnh đầu, và...
Con SÂU Hoàng Cẩu nằm rút mình trong lòng hoa.

Cho hay kiến thức ở trên đời là bao la, nếu cứ chấp nê bất ngộ tưởng mình là tài giỏi nhất thiên hạ, thì có ngày cũng phải hối tiếc cho sự hợm hĩnh của mình như là Tô Đông Pha vậy !
 
Vương An Thạch        và         Tô Đông Pha

- TÂM 心 còn là cái tư tưởng ý niệm trong lòng con người, như: Nội Tâm 内心 là những suy nghĩ và ẩn ức sâu kín ở trong lòng; Động Tâm 動心 là Lòng bị lay động nên chú ý đến việc gì đó; Từ Tâm 慈心 là Lòng nhân từ, hiền lành; Ác Tâm 惡心 là Lòng dạ nham hiễm độc ác...
- ĐỘNG TÂM 動心 ta nói là ĐỘNG LÒNG trước một việc gì đó. Như khi biết Thúc Sinh chuộc Thúy Kiều từ lầu xanh về, Thúc Ông đã thưa lên quan Phủ để bắt Thúy Kiều về lại lầu xanh. Quan phủ cũng đã phán :" Một là cứ phép gia hình, Một là lại cứ lầi xanh phó về". Nhưng Thúy Kiều thà chịu "gia hình" chứ không chịu về lại lầu xanh, nên bị gia hình đến nỗi "Đào hoen hoẹn má liễu tan tác mày", làm cho chàng Thúc "Đứng xa trông thấy lòng càng xót xa" vừa khóc vừa tự trách mình :

Cạn lòng chẳng biết nghĩ sâu.
Để ai trăng tủi hoa sầu vì ai.
... khóc than đến nỗi :
Phủ đường nghe thoảng vào tai,
ĐỘNG LÒNG lại gạn đến lời riêng tây.

Nhờ Quan Phủ ĐỘNG LÒNG mà Thuý Kiều được tha, lại còn được quan đứng ra làm chủ hôn để kết hợp cho đôi lứa nữa.

- TÂM là Tim, nên TÂM SỰ 心事 : là Chuyện của Trái Tim, là chuyện chất chứa ở trong lòng : Chuyện về tình yêu, công danh, sự nghiệp... đang ấp ủ trong lòng. Nên Thổ Lộ Tâm Sự 吐露心事 là bày tỏ nỗi lòng của mình với ai đó.

- TÂM PHÚC 心腹 : Tâm là Lòng, Phúc là Bụng. Nên TÂM PHÚC là Bụng Dạ, là Lòng Dạ. Người Tâm Phúc là Người mà ta hết lòng hết dạ tin tưởng. Nỗi lo Tâm Phúc là Nỗi lo cứ canh cánh mãi bên lòng.

Nói chung, TÂM là trái tim, là chủ tễ của sinh mạng. Không có tim thì con người sẽ chết. TÂM còn là Lòng dạ và Tư duy của con người. Cái Tâm làm nên con người tốt hay xấu, phải hay trái, đúng hay sai và làm nên tất cả đời sống yên vui hạnh phúc hay trắc trở lầm than của con người... Tất cả đều là do cái TÂM mà ra cả ! Cụ thể như...
Đối với cha mẹ thì phải có Hiếu Tâm 孝心 là Lòng hiếu thảo; Làm việc thì phải Tận Tâm 盡心 là hết lòng hết dạ; Làm thuộc cấp của người khác thì phải Trung Tâm 忠心 là phải có lòng trung thành; Làm xếp làm lãnh đạo thì phải có Nhân Tâm 仁心 là lòng nhân từ, không qúa hà khắc với nhân viên; Học hành hay làm việc gì đó thì phải có Quyết Tâm 決心; Tìm hiểu một ngành nghề nào đó thì phải Chuyên Tâm 專心; Giao tiếp ngoài xã hội thì luôn luôn phải Lưu Tâm 留心 để ý học tập và phòng ngừa bất trắc; Đối nhân xử thế thì luôn phải Tiểu Tâm 小心 Cẩn thận; Sửa sai việc gì đó thì phải có Thành Tâm 誠心 và cả Dũng Tâm 勇心 nữa; Đối diện với cuộc sống luôn luôn phải Tín Tâm 信心 là có Lòng tin về cuộc sống trước mắt; và nhất là phải luôn giữ cho mình cái Lạc Quan Tâm 樂觀心, là giữ được cái lòng luôn vui vẻ để đối mặt với cuộc sống !
 
Các Dạng của chữ TÂM 心

Ngoài NHÂN TÂM 仁心 là lòng nhân từ ra; ta còn có NHÂN TÂM 人心 là Trái tim của người ta, cũng là Lòng Dạ của con người; mà lòng dạ con người thì vô chừng : Khi tốt khi xấu, khi thì nhân từ, lúc lại nhẫn tâm; có lúc thánh thiện từ ái như lòng Bồ tát, khi lại nhẫn tâm hiễm độc tựa ác ma. Nên ta có thành ngữ là Nhân Tâm Nan Trắc 人心難測, có nghĩa : Lòng người khó mà đoán biết được. Cụ Nguyễn Du khi diễn tả sự nham hiễm của Hoan Thư cũng đã hạ câu :

Bề ngoài thơn thớt nói cười,
Mà trong nham hiễm giết người không dao.

Không làm gì được trước cô vợ qúa quắc, Thúc Sinh đành phải khuyên Kiều bỏ trốn "Liệu mà xa chạy cao bay, Ái ân ta có ngần này mà thôi !". Chàng đã nhận xét :

Sinh rằng: Riêng tưởng bấy lâu,
Lòng Người nham hiểm biết đâu mà lường.

"Lòng Người nham hiểm biết đâu mà lường" là nói theo câu chữ Nho "Thâm uyên chung hữu đễ, Nhân tâm bất khả trắc 深淵終有底, 人心不可測" Có nghĩa : Vực sâu còn có đáy, chớ lòng người thì không thể đo lường được".

Trong Bi Thiếp Văn 碑帖文 đời nhà Minh có mấy câu viết về nhân tình thế thái rất hay, rất sâu sắc như sau:

登天難,求人更難; Đăng thiên nan, cầu nhân cánh nan;
黃連苦,窮人更苦; Huỳnh liên khổ, cùng nhân cánh khổ;
春冰薄,人情更薄; Xuân băng bạc, nhân tình cánh bạc;
江湖險,人心更險; Giang hồ hiễm, nhân tâm cánh hiễm.
知其難,食其苦, Tri kỳ nan, thực kỳ khổ,
耐其薄,驗其險; nại kỳ bạc, nghiệm kỳ hiễm,
可以應變而處世為人也! Khả dĩ ứng biến nhi xử thế vi nhân dã !
Có nghĩa:

- Lên trời đã khó, cầu cạnh người ta càng khó khăn hơn;
- Huỳnh liên đắng, người nghèo khổ càng cay đắng hơn;
- Băng sáng xuân rất mỏng, tình người càng mỏng hơn nữa;
- Giang hồ hiễm ác, lòng người càng hiễm ác hơn;
- Biết được cái khó khi cầu cạnh người khác; Nếm trải được cay đắng của sự nghèo khổ; Từng chịu đựng qua sự bạc bẽo của tình người; Có thể trải nghiệm được sự hiễm ác của lòng người là như thế nào...
- thì ta đã có thể ứng biến để đối phó với mọi tình huống trong việc xử thế và làm người rồi đó !
Nghe có vẻ bi quan nhưng lại rất thực tế trong đời sống của con người.


Ông bà ta xưa cũng thường hay nhắc câu:

長途知馬力, Trường đồ tri mã lực,
事久見人心 ! Sự cửu kiến Nhân Tâm!
Có nghĩa:
- Đường dài mới biết được sức ngựa (bền hay không bền),
- Chuyện gì đó lâu dần mới thấy được lòng người (tốt hay không tốt).

Trong Tăng Quảng Hiền Văn thì lại ghi là:

路遥知馬力, Lộ diêu tri mã lực,
日久見人心 ! Nhựt cửu kiến Nhân Tâm!
Có nghĩa:
- Đường có xa xôi mới biết được sức ngựa (hay hay không hay),
- Ngày tháng lâu dần mới thấy được lòng người (tốt hay không tốt).

Nghĩa cũng tương đương như câu nói trên mà thôi!


TÂM còn là TÂM Ý 心意, mà Tâm Ý là lòng dạ, là ý nghĩ, ý định ở trong lòng ai đó. Đôi khi Tâm Ý còn chỉ những mong mỏi ước muốn ở trong lòng. Ta có thành ngữ "Tâm Ý Hợp Nhất 心意合一" để chỉ những ý nghĩ và mong muốn đều giống như nhau của hai người hoặc của một nhóm người nào đó. Để chỉ những người cùng chung chí hướng với nhau, ta có thành ngữ "Tâm Ý Tương Đồng 心意相同". Còn thành ngữ "Tâm Ý Tương Thông 心意相通" thì thường dùng để chỉ hai người bạn thân hoặc hai kẻ yêu nhau cùng đoán và hiểu được ý nghĩ và ước muốn của nhau.

TÂM TÌNH 心情 là Tâm Tư Tình Cảm. Nói chuyện Tâm Tình là bày tỏ với đối phương về tâm tư và tình cảm của mình. Tôi lớn lên trong xóm bình dân ở Đồng bằng sông Cửu Long, nên hồi nhỏ thường nghe bà con lối xóm hát nghêu ngao :

... Bà già "lấy le" ông già, chiều chiều dắt ra bờ sông...
Hai người nói chuyện "Tâm Tình", ôm nhau... lọt xuống sình!...

Còn người Hoa hiện nay thì dùng từ TÂM TÌNH 心情 để chỉ cái Trạng Thái tâm tư tình cảm vui buồn của con người, như "Hôm nay Tâm Tình không tốt(心情不好)nên nó hay nổi giận với mọi người !". Cụ thể nhất để chỉ trạng thái tâm lý của con người là từ...
TÂM THẦN 心神 : là Tâm tư và Tinh thần, thường chỉ cái dáng vẻ và thần thái bên ngoài của con người. Ta có thành ngữ TÂM THẦN BẤT ĐỊNH 心神不定 để chỉ cái dáng vẻ bồn chồn lo lắng hay ưu tư hoảng hốt của ai đó.

TÂM HỎA 心火 là Lửa ở trong tim, lửa ở trong lòng. Theo Phật giáo, cơ thể con người là do Tứ Đại : Phong Thủy Hỏa Thổ 風水火土, tức là Đất Nước Gió Lửa kết hợp lại mà thành, nên bản thân con người đã có một phần tư là lửa ở trong đó rồi, ngọn lửa đó cứ âm ỉ mãi trong tim tạo nên sự ham muốn mãnh liệt mà ta gọi là Lửa Dục Vọng. Trong văn chương Phật giáo thì gọi nhẹ nhàng hơn : Lửa Lòng. Như cụ Nguyễn Du đã diễn tả tâm trạng của Thúy Kiều khi tu ở Quan Âm Các:

Cho hay giọt nước cành dương
Lửa Lòng tưới tắt mọi đường trần duyên …

... và như lời của Thúy Kiều đã phân bua với Vương Viên Ngoại khi ông muốn nàng từ giả sư Giác Duyên để theo mọi người về nhà đoàn tụ :

Sự đời đã tắt Lửa Lòng,
Còn chen vào chốn bụi hồng mà chi?!

Trong Cung Oán Ngâm Khúc Nguyễn Gia Thiều cũng đã gọi ngọn lửa âm ỉ đốt trong lòng người cung nữ là TÂM HỎA với các câu :

Ngọn TÂM HỎA đốt dàu nét liễu,
Giọt hồng băng thấm ráo làn son.
Lại buồn đến cảnh con con,
Trà chuyên nước nhất, hương đùn khói đôi!
 

Còn trong Truyện Kiều, cụ Nguyễn Du cũng mượn chữ TÂM HỎA nói thành “LỬA TÂM” để tả ngọn lửa ghen tuông trong lòng của Hoạn Thư là:

LỬA TÂM càng dập càng nồng,
Trách người đen bạc ra lòng trăng hoa.
Ví bằng thú thật cùng ta,
Cũng dung kẻ dưới mới là lượng trên!

TÂM HUYẾT 心血 : Không phải là từ dùng để chỉ trái tim và máu, hai thực thể sống còn không thể thiếu của cơ thể con người, mà là dùng để chỉ những gì được ấp ủ trong tim trong lòng được hình thành bằng bầu nhiệt huyết qua bao gian lao khổ nhọc trắc trở, qua bao thời gian vật vả mới hình thành làm nên một kế hoạch, một dự án, một công trình nào đó... Như: Cơ ngơi đồ sộ nầy là Tâm Huyết suốt cả đời của ông ta đó ! Nhưng...
Khi là Tính từ, thì Tâm Huyết cũng có nghĩa như là Nhiệt Huyết. Con người Tâm Huyết là con người rất nhiệt tình với chức trách của mình. Lời Tâm Huyết là lời nói rất thực tình từ trong lòng mà ra.


TÂM là Trái Tim, là Tấm Lòng, là Lòng Dạ... Câu đầu tiên của Huấn Mông Tam Tự Kinh đã dạy ta : Nhân chi sơ, Tính bổn thiện 人之出,性本善. Cái "Tính bổn Thiện" đó là "Cái trái tim liền lành của con người, là cái LƯƠNG TÂM 良心 mà khi cha sanh mẹ đẻ ra thì Trời đã phú sẵn cho mỗi con người rồi ! Nếu ai không khéo giữ, làm trái với Lương Tâm, làm những điều thương luân bại lý hay ác đức sát nhân thì sẽ bị "Cái Lương Tâm" đó theo đuổi cắn rứt và dằn dật suốt cả cuộc đời, không sao sống yên ổn được. Nên...
Nho Giáo thì dạy ta phải có NHÂN TÂM 仁心 là lòng nhân từ khoan dung, như trong Tăng Quảng Hiền Văn đã khuyên:

責人之心責己, Trách nhân chi tâm trách kỷ,
恕己之心恕人。 Thứ kỷ chi tâm thứ nhân.
Có nghĩa:
- Lấy cái lòng mình trách người ta để trách mình, và...
- Lấy cái lòng mình tha thứ mình để tha thứ cho người khác!

Phật Giáo thì khuyên ta phải có TỪ TÂM 慈心 là lòng từ bi hỉ xả. Vì Từ Bi Tâm 慈悲心 tức là Phật Tâm 佛心 đó. Phật dạy là chúng sinh đều có sinh mạng nên đều được xem bình đẵng như nhau; Vì thế mà ta không được sát sinh, mà còn phải cứu sinh, phóng sinh nữa, và cũng vì thế mà ta phải ăn chay ăn lạt. Làm được ba điều trên thì tự nhiên "Từ Bi Tâm" sẽ phát sinh.
TỪ 慈 là Nhân từ; BI 悲 là Thương xót; HỈ 喜 là Vui vẻ; XẢ 捨 là buông bỏ, là thả ra; Nên TỪ BI HỈ XẢ 慈悲喜捨, nói một cách Nôm na dễ hiểu là : Vì lòng nhân từ xót thương mà vui vẻ buông bỏ thả ra; chớ không phải hối tiếc con gà giò không "xé phai" được vì hôm nay phải ăn chay, nếu không thì đã cho nó vô nồi với bó rau răm rồi!

Công Giáo thì đề cao THIỆN TÂM 善心. Thiện Tâm là lòng hướng thiện một cách thuần thành. Người Thiện Tâm là người có đạo đức, có lý tưởng, sống để phụng sự Thiên Chúa và yêu thương con người. Trong các ngày lễ Chúa Nhật và trong các ngày lễ Trọng, lễ Kính, nhất là trong đêm Chúa giáng sinh nơi máng cỏ lừa trong hang đá ở xứ Bê-lem ta thường nghe câu hát ngợi ca:

Vinh Danh Thiên Chúa trên trời,
Bình an dưới thế cho người Thiện Tâm.


Như trên đã nói, bản thân chữ TÂM đã lương thiện rồi, nên từ HỮU TÂM 有心 là Có Lòng, cũng có nghĩa là "Có Lòng Tốt" đó ! Trong bài thơ Tặng Biệt 贈別 nổi tiếng của thi nhân Đỗ Mục ở buổi Tàn Đường, có hai câu thơ rất hay như sau:

蠟燭有心還惜別, Lạp chúc HỮU TÂM hoàn tích biệt,
替人垂淚到天明。 Thế nhân thùy lệ đáo thiên minh!
Có nghĩa :
- Ngọn nến như cũng CÓ LÒNG (tốt), nên cũng tiếc cho sự biệt ly, mà...
- Thay thế người cứ nhỏ lệ nến mãi cho đến tận trời sáng tỏ!

Nến cũng CÓ LÒNG thương ly biệt,
Thay người nhỏ lệ suốt canh thâu!

Ta thấy, bản thân chữ LÒNG đã có hàm ý là "LÒNG TỐT" rồi. Nên CÓ LÒNG là "Có Lòng Tốt" đó. Trong rất nhiều ngữ cảnh, như :"Cám ơn bác đã CÓ LÒNG đến thăm tôi"."CÓ LÒNG" ở đây cũng có nghĩa là "CÓ LÒNG TỐT" đó. Khi Từ Hải giúp Thúy Kiều Báo ân báo oán; Thúy Kiều đã nói với Thúc Sinh rằng:

... Sâm Thương chẳng vẹn chữ tòng,
Tại ai, há dám PHỤ LÒNG cố nhân?
Gấm trăm cuốn bạc nghìn cân,
TẠ LÒNG dễ xứng, báo ân gọi là!

"Tại ai, há dám PHỤ LÒNG cố nhân ?". "PHỤ LÒNG cố nhân" là "PHỤ LÒNG TỐT của cố nhân" đó; hay như câu :" TẠ LÒNG dễ xứng, báo ân gọi là". "TẠ LÒNG" là "Cảm tạ Lòng Tốt của Thúc Sinh đó"...
 

THỐNG TÂM 痛心 hay THƯƠNG TÂM 傷心 đều chỉ Đau Lòng, nhưng THỐNG TÂM hay TÂM THỐNG 心痛 thì thường chỉ đau về thể xác, về những việc cụ thể như bị mất người thân chẳng hạn; còn THƯƠNG TÂM hay TÂM THƯƠNG 心傷 là đau về mặt tinh thần, là nỗi đau của tâm hồn vì tâm lý bị tổn thương. Như Thúy Kiều gặp gia biến phải bán mình chuộc tội cho cha, phải đau lòng mà lìa nhà lìa cửa lìa bỏ người yêu để đi theo Mã Giám Sinh:

Đau Lòng tử biệt sinh ly,
Thân còn chẳng tiếc, tiếc gì đến duyên!

Đó là nỗi đau cụ thể hiễn hiện trước mắt, còn khi ở lầu xanh "Mặc người mưa Sở mây Tần, nhưng mình nào biết có xuân là gì" mới là nỗi Thương Tâm đáng thương của đời kỹ nữ :

Nỗi lòng đòi đoạn xa gần,
Chẳng vò mà rối, chẳng dần mà đau!

Như ta đã biết, TÂM vốn Thiện, nên rất dễ bị mê hoặc, gọi là MÊ TÂM 迷心, mà Tâm Mê thì Ý Loạn, không còn tỉnh táo để phân biệt phải trái, thị phi trắng đen gì nữa cả, nên cần phải làm cho TÂM sáng lên để biết phán đoán phân biệt cái nào đúng cái nào sai, cái nào nên theo, cái nào không nên làm... Vì thế mà tiền nhân đã soạn ra quyển "Minh Tâm Bửu Giám 明心寶鑑" gom góp những lời vàng tiếng ngọc của các bậc Thánh nhân Hiền triết hoặc Danh Nho thời xưa đã nói trong các kinh điển hay sách vở, ngõ hầu để cho người đời sau học lấy và xem đó như là tấm gương báu để soi sáng lòng người.
MINH TÂM 明心 có chữ MINH 明 được ghép theo phép Hội Ý, gồm có bộ NHẬT 日 bên trái là nguồn sáng ban ngày, ghép với bộ NGUYỆT 月 bên phải là nguồn sáng ban đêm, nên MINH 明 là Sáng sủa, khi là Động từ thì có nghĩa là Làm cho Sáng Tỏ. BỬU GIÁM hay BẢO GIÁM 寶鑑 có chữ BẢO 寶 là Báu vật quý giá; GIÁM 鑑 có bộ KIM 金 là Kim loại bên trái và chữ GIÁM 監 là Giám sát bên phải, nên có nghĩa là Tấm gương soi (Ngày xưa chưa có pha lê, nên người ta mài kim loại cho sáng bóng lên để làm gương soi). Vì thế MINH TÂM BỬU GIÁM 明心寶鑑 có nghĩa là Tấm gương soi quý báu để cho người ta soi sáng lòng dạ của mình.
Ta còn có một từ MINH TÂM nữa...
MINH TÂM 銘心: chữ MINH 銘 nầy được ghép theo phép Hài thanh, gồm có bô KIM 金 là kim loại bên trái chỉ ý, bên phải là chữ DANH 名 chỉ âm (Vì âm Quan thoại DANH được đọc như MINH:"míng"); Nên MINH 銘 nầy có nghĩa Khắc, là Trạm, là Tạc. Vì vậy mà MINH TÂM 銘心 có nghĩa là "Tạc vào trong tim, khắc vào trong lòng". Ta có thành ngữ MINH TÂM KHẮC CỐT 銘心刻骨 là Tạc vào trong tim, khắc vào trong xương, mà tiếng Nôm ta nói thành "Ghi Lòng Tạc Dạ". Trong Truyện Kiều cụ Nguyễn Du nói là "Chạm Xương Chép Dạ" khi cho Thúy Kiều ngỏ lời cám ơn Từ Hải đã giúp mình trả ân trả oán:

... Trộm nhờ sấm sét ra oai,
Tấc riêng như cất gánh đầy đổ đi.
CHẠM XƯƠNG CHÉP DẠ xiết chi,
Dễ đem gan óc đền nghì trời mây!

Khi chàng Kim trở về vườn Thúy để tìm Kiều, thì mới biết Thúy Kiều đã bán mình cho Mã Giám Sinh. Vương viên ngoại đã kể lể với Kim Trọng rằng : "Trót lời hẹn với lang quân, Cậy con em nó Thúy Vân thay lời" và sau:

Mấy lời ký chú đinh ninh,
GHI LÒNG ĐỂ DẠ cất mình ra đi!...


Trong đời sống con người, có rất nhiều điều ta phải Khắc Cốt Ghi Tâm, dù cho có tài cao bát đấu cũng phải biết hồi tâm chuyển ý, khiêm tốn đối nhân, không làm tổn thương lòng tự trọng của người chung quanh mà phải biết trân trọng tâm ý của tất cả mọi người, như cụ Nguyễn Du đã từng khuyên răn :"Có TÀI mà cậy chi TÀI, Chữ TÀI liền với chữ TAI một vần". Và cụ đã kết thúc Truyện Kiều bằng lời khích lệ nhắc nhở:

Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ TÂM kia mới bằng ba chữ TÀI!

Mong rằng tất cả mọi người đều biết trân trọng cái TÂM của mình và cả cái TÂM của người khác nữa!

Hẹn bài viết tới!

杜紹德
Đỗ Chiêu Đức